Con sâu răng là cách gọi có nguồn gốc từ dân gian. Hiện nay, vẫn còn nhiều người mơ hồ về vấn đề liệu con sâu răng có thật không, hình dáng như thế nào và có thể bắt được hay không? Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con sâu răng và cách điều trị, phòng ngừa chứng bệnh này hiệu quả.
Con sâu răng có thật không?
Con sâu răng là cách gọi dân gian để chỉ vi khuẩn gây sâu răng. Vì tên gọi của bệnh là sâu răng nên nhiều người cho rằng tác nhân gây bệnh là một loại một sâu – mang tên con sâu răng. Tuy nhiên trên thực tế, tác nhân gây ra bệnh lý này là vi khuẩn.
Ở một số trường hợp, người lớn cố ý sử dụng tên gọi con sâu răng để khiến cho trẻ sợ hãi về việc bị sâu ăn răng và chủ động hơn trong việc vệ sinh răng miệng. Trong những năm gần đây, không ít nơi quảng cáo có thể bắt con sâu răng bằng thuốc hoặc lá tía tô. Điều này làm nhiều người tò mò không biết con sâu răng có thật hay không và hình dáng trông như thế nào.
Con sâu răng trông như thế nào?
Theo quảng cáo, con sâu răng có hình dáng nhỏ, dài, màu trắng như con sâu nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là thông tin sai sự thật. Con sâu răng thực chất là vi khuẩn Streptococcus mutans. Đây là vi khuẩn thường trú trong khoang miệng, tức là vi khuẩn này tồn tại và sinh sống trong khoang miệng của tất cả mọi người.
Streptococcus mutans là một phần của hệ vi khuẩn bình thường. Vi khuẩn này có thể bám dính vào đường sucrose từ thức ăn, sau đó sản xuất glucan, dung nạp axit và sản xuất axit lactic từ thức ăn. Axit do vi khuẩn bài tiết sẽ làm giảm độ pH trong khoang miệng và kết quả là gây hòa tan men răng tạo nên lỗ sâu trên bề mặt răng.
So với các vi khuẩn khác, Streptococcus mutans có hình dáng đặc biệt hơn. Vi khuẩn này có dạng hình chuỗi với từng đoạn hình cầu nối liền nhau. Nhờ cơ chế tiết ra men nhằm chuyển hóa đường sucrose thành glucan bám dính, không tan, Streptococcus mutans có thể bám chặt lên răng. Theo thời gian, vi khuẩn sẽ tạo ra mảng bám và dần khoáng hóa thành cao răng.
Sau khi bám lên men răng, Streptococcus mutans cùng với các vi khuẩn sinh axit khác trong khoang miệng như Lactobacillus sẽ chuyển hóa đường glucose có trong thức ăn thành axit lactic. Loại axit này gây ra quá trình hủy khoáng và làm hòa tan mô cứng của răng, dần dần răng bị mất canxi và bị sâu răng.
Thực tế, hủy khoáng là quá trình xảy ra với tất cả mọi người. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không gây ra sâu răng nên hiện tượng tái khoáng diễn ra nhanh hơn để kịp bù lấp những lỗ sâu li ti do hủy khoáng gây ra. Do đó, mặc dù vi khuẩn Streptococcus mutans có trong khoang miệng của tất cả mọi người nhưng chỉ có một số người bị sâu răng. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cấu tạo của răng, cách vệ sinh răng miệng và thói quen ăn uống của từng người.
Có bắt con sâu răng được không?
Thời gian gần đây, nhiều người lan truyền các video clip bắt con sâu răng. Trong đó, 2 cách được áp dụng nhiều nhất là bắt con sâu răng bằng hạt và dùng nước lá tía tô nhỏ vào mắt, kết quả là xuất hiện các con sâu răng có màu trắng, dài và mảnh như con sâu.
Thực tế, những cách bắt con sâu răng này đều phi lí và không được công nhận trên cơ sở khoa học. Như đã đề cập, tác nhân gây sâu răng là vi khuẩn Streptococcus mutans. Vi khuẩn này có kích thước rất nhỏ nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, không thể bắt vi khuẩn mà chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng các dung dịch sát khuẩn.
Hiện nay, cơ chế sâu răng đã được nghiên cứu cụ thể và cho thấy hoàn toàn không có con sâu răng với hình dáng như các video clip quảng cáo. Về bản chất, sâu răng là một dạng nhiễm khuẩn của răng nên phải được điều trị khoa học để phòng tránh các biến chứng như viêm tủy răng, áp xe răng,…
Cách điều trị con sâu răng đúng cách
Theo cách nói dân gian, con sâu răng thực chất là vi khuẩn gây sâu răng. Tuy nhiên, cách nói này gây nhầm lẫn và bị các đối tượng xấu lợi dụng để quảng cáo các cách bắt con sâu răng phản khoa học.
Sâu răng là bệnh răng miệng rất phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Trong giai đoạn đầu, sâu răng không gây đau, ê buốt hay khó chịu. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng gây tổn thương răng nghiêm trọng.
Để tiêu diệt con sâu răng, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn sâu răng và xem xét phương pháp điều trị phù hợp như:
1. Liệu pháp fluor
Công dụng của fluor trong phòng ngừa và điều trị sâu răng đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Đối với trường hợp sâu răng nhẹ, bề mặt răng chỉ mới xuất hiện các lỗ sâu li ti và mòn men nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp fluor.
Liệu pháp này được thực hiện bằng cách thoa một lớp gel fluor lên bề mặt răng và đợi trong một khoảng thời gian nhất định. Lúc này, fluor sẽ kết hợp với hydroxyd apatite trong men răng tạo thành fluorapatite có độ cứng chắc cao và ít bị hòa tan bởi axit do vi khuẩn bài tiết.
Bên cạnh đó, fluor cũng giúp bù lấp những lỗ sâu li ti và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Streptococcus mutans. Sau khi thực hiện liệu pháp fluor, tình trạng sâu răng nhẹ sẽ thuyên giảm rõ rệt. Trong trường hợp bị thiếu hụt fluor nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng fluor đường uống. Tuy nhiên, fluor đường uống tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy cơ nên sẽ được xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
>>>> Tìm hiểu: Cách chữa sâu răng nhẹ hiệu quả
2. Trám răng
Trám răng là phương pháp điều trị sâu răng phổ biến nhất. Phương pháp này được áp dụng khi răng đã xuất hiện lỗ sâu. Khi các mô cứng của răng bị hòa tan đến một mức độ nào sẽ xuất hiện lỗ sâu khiến cho răng ê buốt và đau nhức khi ăn uống. Nếu không điều trị, lỗ sâu sẽ phát triển dần theo thời gian.
Do men răng có cấu tạo với hơn 95% là chất vô cơ nên tổn thương ở cơ quan này không thể hồi phục như các cơ quan khác. Vì vậy, cách duy nhất có thể khắc phục là làm sạch lỗ sâu, sát khuẩn và trám răng.
Trám răng sử dụng vật liệu lỏng cho vào lỗ sâu và dùng ánh sáng để làm đông lại. Miếng trám có vai trò bảo vệ răng, ngăn sự phát triển của sâu răng và phục hồi lại hình thể của răng. Nhờ đó, răng bị sâu có thể ăn nhai như bình thường và không bị đau nhức hay khó chịu khi ăn uống.
Miếng trám răng sẽ có tuổi thọ trong khoảng vài năm nên bạn cần thăm khám thường xuyên để thay thế miếng trám trong trường hợp cần thiết. Nếu không thay thế miếng trám kịp thời, miếng trám có thể bị bong, hở tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng.
3. Lấy tủy răng
Trong trường hợp vi khuẩn sâu răng đã xâm nhập vào tủy răng, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy để ngăn viêm nhiễm lan rộng. Tủy răng nằm sâu bên trong ngà răng và nối liền với chóp răng. Do đó, tình trạng viêm nhiễm ở tủy răng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời.
Sau khi lấy tủy răng, bác sĩ sẽ trám bít khoang tủy và bọc răng sứ để bảo vệ răng. Bởi lúc này, tủy răng đã bị loại bỏ nên răng không được nuôi dưỡng và tái tạo thường xuyên. Sau khoảng vài năm, răng sẽ có hiện tượng giòn và ngả màu. Vì vậy, bọc răng sứ sớm sẽ giúp hạn chế các vấn đề kể trên.
>>>> Xem thêm: 5 thuốc Xịt chống sâu răng tốt nhất
Cách phòng ngừa con sâu răng phát triển
Con sâu răng thường trú bên trong khoang miệng. Do đó, cần có biện pháp phòng ngừa để tránh vi khuẩn phát triển gây tổn thương men răng và ngà răng. Nếu chăm sóc răng miệng đúng cách, nguy cơ bị sâu răng và các bệnh răng miệng khác sẽ giảm đi đáng kể.
Để phòng ngừa con sâu răng phát triển, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng và các bệnh lý thường gặp khác. Cần đảm bảo đánh răng đúng cách, chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để tối ưu việc làm sạch răng miệng.
- Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, bạn nên lấy cao răng định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Lấy cao răng giúp ngăn chặn sự phát triển của con sâu răng và các loại vi khuẩn khác trong khoang miệng.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe răng miệng. Đề kháng tốt giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, bao gồm cả Streptococcus mutans. Do đó, bạn nên đảm bảo ăn uống điều độ và đặc biệt nên bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch như vitamin C, B, kẽm, magie,…
- Vi khuẩn Streptococcus mutans sẽ chuyển hóa đường sucrose trong thực phẩm thành axit gây hủy khoáng. Vì vậy, chế độ ăn nhiều đường sẽ làm gia tăng nguy cơ sâu răng đáng kể. Để ngăn sự phát triển của con sâu răng, bạn nên hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều đường và nên súc miệng kỹ sau khi ăn đồ ngọt.
- Sử dụng các loại nước súc miệng chứa flour để củng cố độ chắc khỏe của men răng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
Con sâu răng thực chất là vi khuẩn gây sâu răng – Streptococcus mutans. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này và biết cách điều trị, ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Đồng thời nên nâng cao kiến thức về các vấn đề răng miệng cho những người xung quanh để tránh áp dụng cách bắt con sâu răng phản khoa học.
>>>> Xem ngay danh sách 10 thuốc trị sâu răng hiệu quả: https://wikinhakhoa.com/thuoc-tri-sau-rang.html
Bài viết liên quan
Top 10 Cách Trị Sâu Răng Cho Bà Bầu An Toàn, Hiệu Quả
Sâu răng có lây không? Có di truyền không?
Cách Pha Nước Muối Súc Miệng Ngừa Sâu Răng, Đau Họng
Trẻ bị sún răng, viêm lợi có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!