Dán sứ Veneer là phương pháp sử dụng miếng dán sứ siêu mỏng để khôi phục màu sắc và hình dáng của răng. So với bọc sứ truyền thống, phương pháp này có tỷ lệ mài răng thấp và bảo tồn răng tối đa nên rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phục hình bằng miếng dán sứ cũng có những hạn chế nhất định.
Dán sứ Veneer là gì?
Dán sứ Veneer (răng sứ Veneer) là kỹ thuật phục hình răng được cải tiến từ bọc răng sứ truyền thống. Như đã biết, bọc sứ sử dụng mão răng từ sứ kim loại/ răng toàn sứ để khôi phục hình thể của răng bị hư tổn. Để mão răng tương thích và cố định trên cung hàm, bác sĩ buộc phải mài một lớp men răng đáng kể.
Dán sứ Veneer ra đời với mục đích giảm mức độ xâm lấn khi mài răng. Kỹ thuật này dùng miếng dán bằng sứ hoặc nhựa composite siêu mỏng (0.2 – 0.5mm) dán trực tiếp lên mặt ngoài/ mặt trong của răng. Với màu sắc và hình dáng tương tự răng thật, miếng dán Veneer có thể khôi phục màu sắc và cải thiện hình thể.
Mặc dù có kích thước siêu mỏng nhưng miếng dán sứ Veneer vẫn đảm bảo có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt, ổn định và không bị mài mòn. Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, kỹ thuật này ngày càng được ưu chuộng và dần thay thế bọc răng sứ truyền thống trong một số trường hợp.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại miếng dán sứ Veneer bao gồm:
- Mặt dán sứ Veneer Composite
- Miếng dán sứ Veneer
- Miếng dán sứ Veneer mặt trong
- Răng sứ Veneer không mài
- Răng Veneer tháo lắp
Những trường hợp nên/ không nên dán sứ Veneer
Dán sứ Veneer là kỹ thuật được cải tiến từ bọc sứ truyền thống. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng phạm vi chỉ định của phương pháp tương đối hạn chế.
Răng sứ Veneer chỉ được thực hiện trong một số trường hợp sau:
- Chân răng ngắn hoặc chiều dài các răng không đồng đều
- Răng bị mòn men/ mòn cạnh
- Trường hợp răng nứt, mẻ nhẹ
- Răng mọc lệch lạc nhẹ
- Răng thưa kẽ
- Răng ngả màu nặng do hút thuốc, nhiễm kháng sinh và không có hiệu quả khi tẩy trắng răng thông thường
- Răng có hình thể không đẹp
Với màu sắc và hình dáng tương tự răng thật, kỹ thuật dán sứ Veneer có thể mang lại hàm răng đồng đều, cân đối và trắng sáng. Miếng dán sứ có nhiều tone màu khác nhau, phù hợp với nhiều màu da và độ tuổi.
Tuy nhiên, dán sứ Veneer không thể thực hiện trong một số trường hợp sau:
- Viêm nha chu nặng hoặc tiêu xương hàm dẫn đến răng lung lay
- Răng có nhiều khuyết điểm, mọc lệch lạc, chen chúc dẫn đến lệch khớp cắn nghiêm trọng
- Những trường hợp cần phục hình răng bị mẻ lớn, răng gãy, sâu răng nặng, răng đã chữa tủy/ chết tủy
- Tương tự như bọc răng sứ, dán sứ Veneer cũng không được thực hiện cho người dưới 18 tuổi
Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể tình trạng răng miệng của từng trường hợp để xem xét có nên dán sứ Veneer hay không. Trong trường hợp có giải pháp tối ưu hơn, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích để bạn có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.
Ưu nhược điểm của phương pháp dán sứ Veneer
Răng sứ Veneer là phương pháp được cải tiến từ kỹ thuật làm răng sứ truyền thống. Vì chỉ sử dụng miếng dán sứ siêu mỏng nên phương pháp này có thể hạn chế mức độ xâm lấn và bảo tổn răng thật tối đa. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phủ sứ Veneer cũng có một số hạn chế nhất định. Để lựa chọn được kỹ thuật phục hình răng phù hợp, bạn nên tìm hiểu về ưu nhược điểm của phương pháp này.
Ưu điểm của phương pháp dán sứ Veneer:
- Bảo tồn răng thật tối đa: Miếng dán sứ Veneer có kích thước siêu mỏng với mức độ sai số chỉ khoảng 0.05mm. Do đó, phương pháp này chỉ mài một lớp men răng rất nhỏ khoảng 0.1 – 0.5mm. Trong khi đó, bọc răng sứ phải mài từ 1 – 2mm men răng. Do đó, ưu điểm vượt trội của răng sứ Veneer là mức độ xâm lấn thấp và bảo tồn răng thật tối đa.
- Độ bền cao: Mặc dù có kích thước siêu mỏng nhưng miếng dán sứ Veneer có độ bền cao lên đến gần 1000 Mpa. Với khả năng chịu lực tốt hơn so với răng thật, bạn hoàn toàn có thể ăn nhai như bình thường mà không phải lo lắng về vấn đề miếng dán sứ bị nứt hoặc vỡ.
- Hiệu quả thẩm mỹ cao: Trước đây, răng Veneer được làm từ composite nhưng có hiệu quả thẩm mỹ không cao nên hiện nay ít được sử dụng. Hiện tại, miếng dán Veneer chủ yếu làm từ chất liệu sứ với độ trong mờ như răng thật. Ngay cả khi nhìn gần, người đối diện cũng không thể nhận thấy sự khác biệt giữa răng đã phục hình với răng thật.
Nhược điểm của phương pháp dán sứ Veneer:
- Phạm vi chỉ định hạn chế: Khác với bọc sứ thông thường, dán sứ Veneer chỉ được thực hiện với những trường hợp răng không có quá nhiều khuyết điểm. Trường hợp răng hư hại nặng, lệch lạc nhiều, chết tủy,… cần phải bọc răng sứ để bảo vệ cùi răng thật bên trong.
- Yêu cầu bác sĩ phải có tay nghề cao: Miếng dán sứ Veneer có kích thước rất mỏng nên đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề và giàu kinh nghiệm để tính toán chính xác lượng men răng cần mài. Nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, miếng dán sứ có thể bị chênh, gồ ghề và không sát khít 100% với răng thật.
- Cần phải chăm sóc kỹ: Miếng dán sứ Veneer chỉ được sử dụng để phục hình răng cửa và răng nanh. Mặc dù không phải là răng chịu trách nhiệm chính trong việc nghiền nát thức ăn nhưng miếng dán sứ Veneer có thể bị nứt nếu không chăm sóc kỹ. So với răng sứ thông thường, răng được phục hình bằng miếng dán Veneer cần phải có kế hoạch chăm sóc kỹ lưỡng hơn.
- Chi phí cao: Nhiều người nhầm tưởng miếng dán sứ Veneer sử dụng ít vật liệu nên chi phí thấp. Tuy nhiên thực tế, phương pháp này có chi phí cao hơn so với bọc sứ thông thường. Trung bình, dán sứ Veneer có giá khoảng 6 – 8 triệu đồng/ răng. Trong khi đó, mão răng sứ có chi phí dao động từ 1 – 8 triệu đồng.
Nhìn chung, răng sứ Veneer có nhiều hạn chế hơn so với bọc răng sứ truyền thống. Tuy nhiên nếu chỉ muốn phục hình răng với mục đích thẩm mỹ và có nhu cầu bảo tồn răng tối đa, bạn có thể cân nhắc dán sứ Veneer để đạt kết quả cao nhất.
Quy trình dán sứ Veneer
Dán sứ Veneer có quy trình tương tự như bọc răng sứ. Điểm khác biệt giữa hai phương pháp là tỷ lệ mài răng và quá trình chế tác răng sứ.
Bước 1 – Kiểm tra răng miệng và tư vấn
Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát tình trạng răng miệng để xem xét về khả năng làm răng sứ Veneer. Nếu có thể thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang răng toàn cảnh để đánh giá chi tiết hơn.
Thông qua hình ảnh X quang, bác sĩ sẽ lên kế hoạch cụ thể về số lượng răng cần phục hình, tỷ lệ mài răng, hình dáng, màu sắc và chất liệu sứ. Một số mục trong bảng kế hoạch có thể được thay đổi theo yêu cầu của bạn.
Bước 2 – Gây tê và mài bớt men răng
Dù tỷ lệ mài răng không nhiều nhưng quá trình này vẫn gây đau nhức và ê buốt. Chính vì vậy, bác sĩ vẫn sẽ sử dụng thuốc gây tê khi mài men răng để chuẩn bị cho quá trình phục hình bằng miếng dán sứ Veneer.
Bước 3 – Lấy dấu mẫu hàm
Sau khi đã mài men răng, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để chuẩn bị cho quá trình chế tác. Trong giai đoạn này, bác sĩ cũng sẽ lựa chọn màu sắc của miếng dán sứ sao cho phù hợp với màu da và độ tuổi.
Bước 4 – Mô phỏng miếng dán sứ Veneer
Kỹ thuật dán sứ Veneer được ứng dụng công nghệ mô phỏng trên phần mềm CAD/ CAM để đảm bảo miếng dán sau khi phục hình sẽ có màu sắc và hình dáng tương thích 100% với răng thật. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại nên miếng dán sứ sẽ cho hiệu quả thẩm mỹ cao, không gặp phải tình trạng dư thừa hay chênh cộm.
Với bọc răng sứ thông thường, công nghệ này chỉ được áp dụng cho những dòng sứ cao cấp. Đây cũng là lý do vì sao kỹ thuật răng sứ Veneer có chi phí cao mặc dù sử dụng khá ít vật liệu.
Bước 5 – Dán sứ Veneer lên răng
Sau khoảng vài ngày, bạn cần quay trở lại phòng khám để được dán sứ Veneer lên răng. Trước tiên, bác sĩ sẽ đặt miếng dán sứ lên răng trước để điều chỉnh sao cho phù hợp với răng thật. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch răng và sử dụng keo dán chuyên dụng để cố định miếng dán sứ lên răng.
Sau khi răng sứ Veneer đã ổn định, bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng chịu lực của răng để chắc chắn quá trình ăn nhai không bị ảnh hưởng. Cuối cùng, bạn sẽ được bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc răng miệng, ăn uống và sinh hoạt hợp lý để bảo vệ miếng dán sứ, tránh tình trạng miếng dán bị ngả màu, nứt mẻ và gãy trong quá trình ăn uống.
Lưu ý khi dán sứ Veneer
Dán sứ Veneer là giải pháp khôi phục hình dáng và màu sắc của răng thông qua miếng dán sứ có kích thước siêu mỏng. So với bọc sứ, kỹ thuật này hạn chế được phần nào tình trạng tỷ lệ mài răng và mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Nếu có ý định dán sứ Veneer, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Như đã đề cập, dán sứ Veneer là kỹ thuật nha khoa phức tạp nên cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và tay nghề cao. Để đảm bảo hiệu quả, bạn nên lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu khi có ý định thực hiện phương pháp này.
- Trong quá trình tư vấn, cần thông báo với bác sĩ các vấn đề nha khoa và sức khỏe để được điều trị dứt điểm trước khi phủ sứ Veneer. Nếu không khắc phục triệt để các bệnh lý nha khoa, răng thật có thể bị hư hại dẫn đến giảm tuổi thọ của miếng dán sứ.
- Có thể ăn uống như bình thường sau khi phục hình nhưng cần kiêng thức ăn cứng, dai và khô. Ngoài ra, nên nhai đều 2 hàm để phân bố lực đều, tránh tình trạng mòn men và đau khớp thái dương hàm.
- Hạn chế sử dụng răng để cắn xé vật cứng, đồng thời nên kiêng đồ ngọt và thức ăn, đồ uống sẫm màu. Những thói quen này đều ảnh hưởng đến màu sắc và độ bền của miếng dán sứ. Đồng thời có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu,…
- Cần chăm sóc răng miệng đúng cách để bảo vệ răng thật và miếng dán sứ. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để tăng hiệu quả làm sạch.
- Sau khi phủ sứ Veneer, bạn cần tái khám định kỳ 6 tháng/ lần để được cạo vôi răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ. Hoặc có thể chủ động gặp bác sĩ nếu nhận thấy dán sứ bị chênh, cộm và lỏng.
Dán sứ Veneer là kỹ thuật phục hình răng được cải tiến từ bọc răng sứ truyền thống. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về ưu nhược điểm, quy trình,… của phương pháp này. Nếu có ý định phục hình răng bằng miếng dán sứ, cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy để đảm bảo hiệu quả, tránh các rủi ro và biến chứng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!