Khớp Cắn Chéo là gì? Đặc điểm và Phương pháp điều trị

Khớp cắn chéo là dạng lệch khớp cắn khá phổ biến nhưng ít khi được quan tâm. Nếu không được phát hiện sớm, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề ăn nhai và gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý về răng miệng.

khớp cắn chéo là gì
Khớp cắn chéo là tình trạng răng hàm trên và hàm dưới mọc chéo chìa ra ngoài má hoặc mọc lệch vào bên trong lưỡi

Khớp cắn chéo là gì?

Khớp cắn chéo là một trong những dạng sai lệch khớp cắn thường gặp bên cạnh khớp cắn sâu và khớp cắn ngược. Khớp cắn chéo là tình trạng một hoặc nhiều răng ở hàm trên có khớp cắn không tương xứng với một hoặc nhiều răng ở hàm dưới. Khớp cắn thường bị chéo theo hướng môi – lưỡi và hướng má – lưỡi.

Sự lệch lạc trong khớp cắn gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống và ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ. Khớp cắn chéo có thể xảy ra ở giai đoạn răng sữa, răng hỗn hợp và răng vĩnh viễn. Dựa vào đặc điểm lâm sàng, khớp cắn chéo được chia thành 3 dạng là cắn chéo răng trước, cắn chéo răng sau và dạng phối hợp:

  • Cắn chéo răng trước: Cắn chéo răng trước được xác định là các răng trước hàm trên (bao gồm răng cửa và răng nanh) nằm ở phía trong răng hàm dưới khi khép hàm lại. Dạng sai lệch khớp cắn này gặp ở 4 – 5% dân số thế giới. Vì xảy ra ở răng trước nên dạng cắn chéo răng trước ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và ngoại hình.
  • Cắn chéo răng sau: Cắn chéo răng sau là tình trạng các răng sau (răng hàm) ở hàm trên chìa vào phía trong lưỡi hoặc ngoài má và không tương xứng so với răng hàm dưới khi đóng hàm. Tình trạng này phổ biến hơn với tỷ lệ là 16% dân số. Cắn chéo răng sau có thể gặp ở một hoặc nhiều răng và có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên hàm.
  • Cắn chéo phối hợp: Là trường hợp vừa bị cắn chéo răng trước và cắn chéo răng sau.

Đặc điểm nhận biết khớp cắn chéo

Khớp cắn chéo có đặc điểm khác hoàn toàn so với khớp cắn ngược và khớp cắn sâu. Để nhận biết tình trạng này, bạn có thể dựa vào biểu hiện ngoài mặt và trong miệng.

– Đặc điểm nhận biết khớp cắn chéo phía trước:

  • Khi nhìn nghiêng mặt sẽ thấy tầng mặt giữa có dấu hiệu lõm. Tuy nhiên cũng những trường hợp không có biểu hiện bất thường khi nhìn nghiêng.
  • Tầng mặt dưới thường có tỷ lệ giảm so với các tầng mặt khác.
  • Khi đóng hàm, các răng trước của hàm trên và hàm dưới không cân đối.
  • Có thể có răng thừa ở vùng răng cửa hàm trên.

– Đặc điểm nhận biết khớp cắn chéo phía sau:

  • Tương tự như khớp cắn phía trước, người bị khớp cắn chéo phía sau khi nhìn nghiêng sẽ có hiện tượng lõm ở tầng mặt giữa.
  • Khi đóng kín hàm, nhận thấy răng hàm trên không tương xứng với răng hàm dưới. Thường có hiện tượng chìa ra ngoài má hoặc lệch vào bên trong lưỡi.
  • Đa phần những trường hợp này đều có cung hàm không cân xứng.
  • Khi đóng hàm, các răng hàm không đóng kín.

Khớp cắn chéo không gây đau hay khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khiến cho quá trình ăn nhai trở nên khó khăn hơn. Nếu không cải thiện sớm, khớp cắn chéo có thể làm gia tăng nhiều vấn đề nha khoa.

Nguyên nhân gây ra khớp cắn chéo

Có nhiều nguyên nhân gây khớp cắn chéo, trong đó được chia thành 2 nhóm chính là do bẩm sinh (di truyền) và do quá trình phát triển.

1. Do di truyền (bẩm sinh)

Các đặc điểm của răng như cấu trúc xương hàm, sự sắp xếp của răng, hình thể và màu sắc đều là những đặc điểm có khả năng di truyền. Do đó, tình trạng khớp cắn chéo có thể do di truyền từ bố mẹ hoặc những người thân khác trong gia đình.

Đối với nguyên nhân này, không có biện pháp nào có thể ngăn chặn và phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, bạn có thể can thiệp các phương pháp điều trị để hạn chế những ảnh hưởng lâu dài.

2. Do quá trình phát triển

Ngoài nguyên nhân di truyền, khớp cắn chéo có thể xảy ra do những bất thường trong quá trình phát triển. Bất thường có thể bắt nguồn từ xương hoặc răng.

khớp cắn chéo là gì
Thói quen mút tay, thở bằng miệng,… có thể gia tăng nguy cơ bị khớp cắn chéo

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển xương, răng và dẫn đến khớp cắn chéo bao gồm:

  • Thở bằng miệng: Trẻ nhỏ thường có thói quen thở bằng miệng. Về lâu dài, thói quen này sẽ khiến cho cấu trúc khuôn mặt có sự thay đổi như phần xương hàm nhô ra phía trước và xuất hiện bất thường ở khớp cắn. Thở bằng miệng có thể gia tăng nguy cơ bị khớp cắn chéo và các dạng sai lệch khớp cắn khác.
  • Thói quen xấu: Khớp cắn chéo cũng có thể liên quan đến những thói quen xấu như ngậm bình sữa, núm vú trong thời gian dài, mút tay và bú sữa. Các thói quen này khiến cho răng mọc lệch lạc, chen chúc, không đều. Hậu quả là khiến các răng hàm trên và hàm dưới không cân xứng dẫn đến khớp cắn chéo.
  • Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, khớp cắn chéo còn có liên quan đến những yếu tố như mất răng sữa sớm, mọc răng vĩnh viễn muộn, thường xuyên dùng răng cắn xé vật cứng, thói quen nghiến răng khi ngủ,…

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định khớp cắn chéo xảy ra do xương hay do răng. Qua đó đánh giá tình trạng cụ thể và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.

Khớp cắn chéo có ảnh hưởng gì không?

Tương tự như các dạng sai lệch khớp cắn khác, khớp cắn chéo không gây đau nhức hay ê buốt. Tuy nhiên, sự tương quan bất thường giữa hàm trên và hàm dưới ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng này có thể làm gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm và một số răng cụ thể.

Không giống với các bệnh về răng miệng thường gặp, khớp cắn ngược không gây đau nhức nên ít được quan tâm. Phần lớn người bị sai lệch khớp cắn chỉ đến nha khoa khi răng bị ê buốt và đau nhức dữ dội do đã phát sinh biến chứng.

chỉnh khớp cắn chéo
Khớp cắn chéo không được điều trị sẽ làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm dẫn đến tình trạng viêm và rối loạn

Khớp cắn chéo không được điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng như sau:

  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm thay đổi cấu trúc khuôn mặt
  • Gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm dẫn đến tình trạng đau nhức, viêm đỏ
  • Làm giảm chức năng ăn nhai khiến dạ dày và đường ruột tiêu hóa kém do thức ăn chưa được nghiền nát
  • Gia tăng nguy cơ mòn men răng, sâu răng, viêm nướu, tiêu xương ổ răng,…

Khớp cắn chéo là điều kiện thuận lợi để các vấn đề nha khoa phát triển. Chính vì vậy, khi nhận thấy khớp cắn có các vấn đề bất thường, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám để được kiểm tra.

Chẩn đoán khớp cắn chéo

Khớp cắn chéo có đặc điểm đa dạng hơn so với khớp cắn ngược và khớp cắn sâu. Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật sau:

  • Khám lâm sàng (bao gồm ngoài mặt và khám trong miệng)
  • Làm mẫu hàm thạch cao để đánh giá tình trạng khớp cắn
  • Chụp X quang

Các bước chẩn đoán này giúp bác sĩ xác định khớp cắn chéo và dạng lâm sàng (do xương, do răng hoặc do cả hai).

Các phương pháp điều trị khớp cắn chéo

Khớp cắn chéo ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và lâu dài có thể gây ra nhiều vấn đề răng miệng. Vì vậy, bạn nên can thiệp điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Mục tiêu của điều trị là tái tạo lập mối tương quan giữa hàm trên và hàm dưới nhằm tạo ra khớp cắn đúng. Qua đó đảm bảo chức năng sinh lý và sự ổn định của sức khỏe răng miệng.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể và xác định nguyên nhân ở từng trường hợp để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:

1. Dán veneer/ bọc răng sứ

Đối với những trường hợp khớp cắn chéo mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ hoặc dán veneer. Hai phương pháp này có thể điều chỉnh răng bị lệch lạc nhẹ, qua đó tạo ra khớp cắn đúng và giải quyết vấn đề thẩm mỹ do khớp cắn chéo gây ra.

Ưu điểm của bọc răng sứ và dán veneer là thời gian thực hiện nhanh chóng và chi phí hợp lý. Chỉ sau 2 – 3 buổi, tình trạng khớp cắn chéo sẽ được cải thiện. Hơn nữa, dán veneer và bọc răng sứ còn giúp cải thiện các khuyết điểm về hình thể của răng.

  • Dán sứ Veneer: Dán sứ Veneer là phương pháp phục hình răng mới phổ biến trong những năm gần đây. Phương pháp này sử dụng miếng dán sứ có kích thước mỏng dán lên răng mọc lệch lạc, chen chúc. Trước khi dán, bác sĩ sẽ mài răng để đảm bảo sự cân đối giữa hai khớp cắn. Dán sứ Veneer sẽ thích hợp với những trường hợp khớp cắn chéo mức độ nhẹ và chỉ được áp dụng cho người trưởng thành.
  • Bọc răng sứ: Trường hợp khớp cắn chéo mức độ nhẹ cũng sẽ được cân nhắc bọc răng sứ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành mài răng, sau đó dùng mão sứ chụp lên cùi răng thật. Cách này có thể điều chỉnh răng mọc lệch lạc mức độ nhẹ và điều chỉnh khớp cắn về trạng thái cân bằng.

Dán sứ veneer và bọc răng sứ mang lại hiệu quả cao trong trường hợp khớp cắn chéo. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều phải mài răng nên có thể gây ê buốt và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng sinh lý của răng. Vì vậy, dán sứ veneer và bọc răng sứ chỉ được áp dụng cho người trưởng thành.

2. Niềng răng chỉnh khớp cắn chéo

Niềng răng chỉnh khớp cắn chéo là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Niềng răng (chỉnh nha) là giải pháp tối ưu cho hiệu quả lâu dài trong tất cả các trường hợp sai lệch khớp cắn. Thông qua mắc cài hoặc máng niềng, răng ở vị trí lệch lạc, chen chúc sẽ được dịch chuyển về đúng vị trí.

Niềng răng mang lại hiệu quả cao, an toàn nhưng mất nhiều thời gian thực hiện và chi phí cao. Tuy nhiên, vì hiệu quả vượt trội, phương pháp này vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với những trường hợp khớp cắn chéo ở mức độ trung bình đến nặng.

chỉnh khớp cắn chéo
Niềng răng là phương pháp hiệu quả nhất trong quá trình điều trị khớp cắn chéo

Khác với những trường hợp thông thường, niềng răng chỉnh khớp cắn chéo cần phải sử dụng nhiều khí cụ hỗ trợ như:

  • Sử dụng khí cụ có ốc nong
  • Khí cụ Frankel III
  • Khí cụ chụp cằm
  • Khí cụ Quad-Helix

Đa phần những trường hợp khớp cắn chéo sẽ được chỉ định niềng răng mắc cài thay vì niềng răng trong suốt. Bởi mắc cài sẽ mang lại hiệu quả chỉnh nha cao trong trường hợp răng lệch lạc, chen chúc và sai khớp cắn nặng. Tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn có thể chọn niềng răng bằng mắc cài kim loại, mắc cài pha lê, mắc cài mặt trong,…

3. Phẫu thuật khớp cắn chéo

Đối với những bệnh nhân đã trưởng thành, bác sĩ sẽ xem xét kết hợp niềng răng và phẫu thuật khớp cắn chéo do xương. Thực tế, niềng răng chỉ có thể cải thiện khuyết điểm ở răng, không can thiệp vào xương hàm trên và xương hàm dưới.

Phẫu thuật được cân nhắc nếu lệch khớp cắn có liên quan đến xương. Sau khi phẫu thuật, xương hàm trên và hàm dưới sẽ được điều chỉnh lại sao cho khớp cắn về đúng vị trí. Phẫu thuật vừa cải thiện khớp cắn vừa có thể giúp cấu trúc khuôn mặt trở nên cân đối hơn. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí khá cao, đồng thời tiềm ẩn không ít rủi ro và biến chứng.

4. Một số phương pháp khác

Nếu phát hiện khớp cắn chéo trong giai đoạn răng sữa, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:

  • Tiến hành mài các răng lệch lạc để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của răng đối diện.
  • Nhổ bỏ răng thừa.
  • Thay đổi thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, thở bằng miệng,…
  • Cho trẻ đeo khí cụ sớm để thay đổi các thói quen xấu và giúp răng mọc đúng vị trí, giảm thiểu tình trạng lệc lạc, chen chúc.

Phòng ngừa khớp cắn chéo

Khớp cắn chéo là tình trạng có thể phòng ngừa – ngoại trừ những trường hợp do di truyền. Các biện pháp phòng ngừa khá đơn giản và tương đối dễ thực hiện:

  • Khám răng miệng định kỳ để kịp thời phát hiện và khắc phục các vấn đề bất thường.
  • Bố mẹ nên chú ý những thói quen xấu nhằm giúp con trẻ thay đổi sớm.
  • Hướng dẫn trẻ cách chăm sóc răng miệng để đảm bảo răng sữa rụng đúng thời điểm. Tránh trường hợp bị sâu răng nặng khiến răng sữa rụng sớm, từ đó làm gia tăng nguy cơ khớp cắn chéo và các dạng sai lệch khớp cắn khác.
  • Cho trẻ dùng thức ăn mềm phù hợp với lứa tuổi.

Khớp cắn chéo là tình trạng khá phổ biến có thể gặp ở cả răng sữa, răng hỗn hợp và răng vĩnh viễn. Tình trạng này hiếm khi gây đau nhức, khó chịu nhưng cần điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng lâu dài. Nếu nghi ngờ bị lệch khớp cắn, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám nha khoa trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!