Thiểu sản men răng có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành nhưng đa phần đều xuất hiện trước năm 3 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, trong đó thường gặp nhất là do gen di truyền, bị nhiễm trùng và chấn thương trong quá trình hình thành răng. Tình trạng thiếu hụt men răng không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Thiểu sản men răng là gì?
Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt số lượng men răng khiến cho răng dễ bị tổn thương. Tình trạng này xảy ra do khiếm khuyết trong quá trình hình thành răng với biểu hiện đặc trưng là các đốm lỗ chỗ hoặc các rãnh có màu đậm hơn so với màu sắc của răng. Thậm chí nhiều trường hợp thiểu sản men răng nặng có thể khiến toàn bộ răng chuyển sang màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm.
Thiểu sản men răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa phần đều khởi phát trước năm 3 tuổi. Không giống với các cơ quan khác trên cơ thể, men răng chứa 95% là khoáng chất nên một khi đã bị tổn thương sẽ không thể phục hồi trở lại. Do đó, thiểu sản men răng là tình trạng không thể chữa dứt điểm mà chỉ có thể cải thiện thông qua một số biện pháp.
Men răng có vai trò như một lớp vỏ bọc bảo vệ thân răng và ngà răng. Với kết cấu chứa hơn 95% là khoáng chất, lớp men ngoài cùng của răng có đặc tính rất cứng có thể chống lại các tác động vật lý và hóa học. Do đó, tình trạng thiếu hụt số lượng men răng sẽ gây ra không ít các vấn đề về răng miệng.
Nhận biết tình trạng thiểu sản men răng
Thiểu sản men răng có biểu hiện khá đa dạng và triệu chứng sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp tùy vào mức độ thiếu hụt men răng, độ tuổi và cơ địa của từng người. Tuy nhiên, nhìn chung tình trạng này sẽ có những dấu hiệu như:
- Bề mặt răng đổi màu, thường đổi sang màu nâu vàng, nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Ngoài ra, có thể xuất hiện các đốm nhỏ có màu đậm hơn bề mặt răng nằm rải rác ở một hoặc nhiều răng.
- Các đốm lỗ chỗ do thiểu sản men răng thường nghiêm trọng hơn theo tuổi tác và không thể loại bỏ bằng tẩy trắng răng.
- Men răng thiếu hụt khiến cho bề mặt răng không đều màu, xen kẽ giữa màu trắng với màu vàng nâu hoặc nâu nhạt, nâu đậm.
- Ở trẻ em, thiểu sản men răng khiến cho răng bị mủn và cụt dần. Nếu không chú ý, tình trạng này rất dễ bị nhầm lẫn với sâu răng và sún răng.
- Men răng mỏng khiến cho răng bị ê buốt khi ăn đồ lạnh, nóng và thức ăn có vị chua, ngọt. Tình trạng ê buốt do thiểu sản men răng sẽ có xu hướng gia tăng theo thời gian và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ăn uống, sinh hoạt.
- Đa phần những trường hợp thiểu sản men răng đều bị sâu răng do lớp men mỏng, mềm. Hơn nữa, men răng bị khiếm khuyết nên quá trình hủy khoáng do vi khuẩn sâu răng cũng diễn ra nhanh hơn so với bình thường.
Ngoài những dấu hiệu trên, thiểu sản men răng còn có một số biểu hiện khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Do giang mai bẩm sinh: Nếu do nguyên nhân này, thiểu sản men răng thường xảy ra ở răng cối thứ nhất và răng cửa. Răng có khía chữ V ở cạnh cắn và bề mặt lõm hình bán nguyệt.
- Do chấn thương hoặc nhiễm trùng trong quá trình hình thành răng: Trong trường hợp này, răng thường có màu nâu nhạt, sau đó xuất hiện các đốm lỗ chỗ và thân răng không đều màu. Nếu do chấn thương hoặc nhiễm trùng trong quá trình hình thành răng, thiểu sản men răng có thể chỉ xảy ra ở một răng duy nhất.
- Do thừa fluor: Thừa fluor có thể dẫn đến thiểu sản men răng và một số bệnh lý về răng miệng. Tình trạng này có biểu hiện là men răng lốm đốm xen kẽ giữa đốm nâu và đốm trắng.
Các triệu chứng kể trên thường xuất hiện trước năm 3 tuổi và sẽ kéo dài suốt đời.
Nguyên nhân gây thiểu sản men răng
Có khá nhiều nguyên nhân gây thiểu sản men răng, trong đó được chia thành 2 nhóm chính là di truyền và môi trường:
1. Di truyền
Thiểu sản men răng có khả năng di truyền giữa những thành viên trong gia đình. Nếu do di truyền, cả trong giai đoạn răng sữa và răng vĩnh viễn đều sẽ có triệu chứng. Vì có liên quan đến gen nên trường hợp thiểu sản men răng do di truyền không thể điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể can thiệp các phương pháp cải thiện để tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng và cải thiện chức năng ăn nhai.
Thiểu sản men răng có thể xảy ra đơn lẻ nhưng cũng có thể là một phần của các hội chứng như hội chứng Treacher Collins, Ellis-van Creveld, Usher, Seckel, Heimler, hội chứng cơ tim,…
2. Do môi trường
Khác với thiểu sản men răng do di truyền, những trường hợp xảy ra do môi trường đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, một khi men răng đã bị tổn thương sẽ không thể phục hồi mà chỉ có thể can thiệp các biện pháp để sửa chữa. Các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành men răng trong thời gian mang thai, khi sinh nở và sau khi sinh.
Thiểu sản men răng do môi trường thường liên quan đến những yếu tố sau:
- Thiếu vitamin D, canxi và các chất dinh dưỡng thiết yếu trong thời gian mang thai
- Sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá và không được chăm sóc chu đáo trong thai kỳ
- Sinh non, sinh thiếu cân
- Chấn thương răng sau khi sinh
- Mắc bệnh Celiac, bệnh gan, bại não, nhiễm độc, hạ canxi huyết,…
- Suy dinh dưỡng – đặc biệt là thiếu vitamin A, C, D, canxi, vitamin D và photphat,…
- Nhiễm trùng (giang mai, viêm phổi, sởi, rubella, sốt tinh hồng nhiệt,…)
- Hấp thu quá nhiều fluor do sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor hoặc uống nước chứa hàm lượng fluor quá cao
- Đánh răng sai cách, thường xuyên dùng răng cắn xé vật cứng và nhai thức ăn khô cứng cũng làm gia tăng thiểu sản men răng
3. Đối tượng nguy cơ
Thiểu sản men răng là vấn đề về răng miệng khá phổ biến. Mặc dù có nguyên nhân đa dạng nhưng nhìn chung, bệnh lý này chỉ xảy ra ở những nhóm đối tượng sau:
- Người có tiền sử gia đình bị thiểu sản men răng, mòn men răng
- Trẻ được sinh ra bởi mẹ có thể trạng suy nhược và không được chăm sóc kỹ lưỡng trong thai kỳ
- Trẻ có chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng
- Người có thói quen vệ sinh răng miệng kém, không thăm khám nha khoa định kỳ,…
Thiểu sản men răng có nguy hiểm không?
Thiểu sản men răng là tình trạng khá phổ biến bên cạnh sâu răng, viêm lợi, men răng mỏng và nhạy cảm. Như đã đề cập, những tổn thương ở men răng không thể phục hồi. Chính vì vậy, cần phải có phương án điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa biến chứng.
Men răng được xem là “áo giáp” bảo vệ ngà răng và tủy răng trước những tác động hóa học và vật lý. Tình trạng thiếu hụt men răng chính là điều kiện thuận lợi cho các vấn đề nha khoa phát triển. Nếu không được điều trị sớm, thiểu sản men răng có thể gây ra các biến chứng sau:
- Răng ê buốt khi ăn uống, thậm chí là khi hít thở không khí lạnh do lớp men răng mỏng và không có đủ độ dày để bảo vệ ngà răng bên trong.
- Gặp nhiều phiền toái khi ăn uống do răng nhạy cảm với nhiệt độ, vị chua và ngọt trong các loại thực phẩm.
- Lớp men răng mỏng chính là điều kiện để vi khuẩn sâu răng Streptococcus mutans phát triển và gây ra hiện tượng hủy khoáng.
- Răng yếu, dễ gãy khi bị chấn thương
- Hình dáng và màu sắc của răng thay đổi gây ảnh hưởng đến ngoại hình. Từ đó khiến bạn thiếu tự tin khi cười và giao tiếp với những người xung quanh.
Có thể thấy, thiểu sản men răng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng. Để phòng ngừa các biến chứng nặng nề, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt trong thời gian sớm nhất.
Các phương pháp điều trị thiểu sản men răng
Nếu nghi ngờ bị thiểu sản men răng, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám để được chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ dựa vào hình thái răng, tính chất của men răng, đồng thời sẽ khai thác các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, các vấn đề sức khỏe tổng thể,… để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Tương tự như các bệnh nha khoa khác, điều trị thiểu sản men răng sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Trong tất cả các trường hợp, điều trị sẽ được thực hiện với mục đích duy trì chức năng ăn nhai, bảo tồn răng, cải thiện tính thẩm mỹ của hàm răng và ngăn ngừa các vấn đề nha khoa.
Các phương pháp điều trị thiểu sản men răng được áp dụng phổ biến hiện nay:
1. Bổ sung fluor
Bổ sung fluor là phương pháp được áp dụng trong trường thiểu sản men răng nhẹ – ngoại trừ trường hợp xảy ra do thừa fluor. Fluor là khoáng chất cần thiết đối với sức khỏe răng miệng với tác dụng chính là củng cố độ cứng của men răng và ngăn ngừa sâu răng.
Thiếu khoáng chất này khiến cho men răng mỏng và dễ bị tổn thương. Do đó trong trường hợp nhẹ, bạn có thể bổ sung fluor để cải thiện men răng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thoa gel chứa fluor trực tiếp lên răng hoặc sử dụng đường uống.
Fluor mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu lạm dụng quá mức. Chính vì vậy, bạn chỉ nên bổ sung khoáng chất này khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại nước súc miệng chứa fluor 0.05% để bảo vệ răng và ngăn ngừa sâu răng lâu dài.
2. Trám răng
Trám răng (hàn răng) là phương pháp điều trị thiểu sản men răng ở mức độ vừa. Lúc này, răng sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu nâu nhạt hoặc nâu đậm. Đây là những vị trí bị thiếu hụt men răng dẫn đến tình trạng đổi màu, dễ bị ê buốt và đau nhức.
Để bảo vệ răng, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng. Vật liệu nhân tạo sẽ được phủ lên các đốm nâu để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và hạn chế tình trạng ê buốt khi ăn uống. Ngoài ra, trám răng còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong ngà răng, tủy răng.
Tuy nhiên, miếng trám răng sẽ bị bong ra sau một thời gian. Để duy trì hiệu quả, bạn cần phải tái khám định kỳ và trám lại khi có chỉ định của bác sĩ. Thông thường sau khoảng vài năm, bác sĩ sẽ yêu cầu bọc sứ bởi các đốm do thiểu sản men răng sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian.
3. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ được chỉ định trong trường hợp thiểu sản men răng mức độ vừa và nặng. Phương pháp này sử dụng mão sứ chụp ở bên ngoài răng thật để khôi phục lại hình thể của răng. Bọc răng sứ vừa có thể giải quyết vấn đề thẩm mỹ vừa giúp cải thiện chức năng ăn nhai ở người bị thiểu sản men răng.
Ngoài ra, mão sứ còn có tác dụng bảo vệ răng thật trước tác động của nhiệt độ, axit và các thành phần có trong thức ăn. Tuy nhiên, răng sứ sẽ có tuổi thọ nhất định nên bắt buộc phải thay lại sau một thời gian.
4. Trồng răng
Đối với những trường hợp thiểu sản men răng nặng, răng bị hư hại và gãy, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng. Nhổ răng là lựa chọn cuối cùng vì răng vĩnh viễn sau khi nhổ sẽ không thể mọc lại. Sau khi nhổ bỏ răng, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp trồng răng để khôi phục hình thể và chức năng ăn nhai.
Trồng răng là phương pháp tốn kém và mất nhiều thời gian. Do đó, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới có chỉ định nhổ răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể hạn chế nguy cơ nhổ bỏ răng bằng cách thăm khám và điều trị sớm.
Phòng ngừa thiểu sản men răng
Men răng là một trong những bộ phận quan trọng cấu tạo nên một chiếc răng hoàn chỉnh. Khiếm khuyết trong quá trình hình thành men răng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng, đặc biệt là chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Ngoại trừ nguyên nhân do di truyền, tất cả những trường hợp thiểu sản men răng khác đều có thể phòng ngừa. Dưới đây là một số cách phòng bệnh đơn giản bạn nên thực hiện:
- Trong thời gian mang thai, mẹ nên ăn uống điều độ, đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Cần tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích khi mang thai.
- Khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện và xử trí các vấn đề ở thai nhi.
- Có thể sử dụng fluor để chăm sóc răng miệng nhưng cần dùng đúng liều lượng, hạn chế tình trạng lạm dụng quá mức gây thiểu sản men răng và nhiều vấn đề răng miệng khác.
- Tập thói quen chải răng 2 – 3 lần/ ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng chải răng quá mạnh khiến cho men răng bị mòn và tổn thương.
- Hạn chế các loại thức ăn, đồ uống gây hại cho men răng như thực phẩm chứa nhiều axit, món ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Kiểm tra răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện và điều trị sớm khi có vấn đề bất thường.
Thiểu sản men răng là vấn đề nha khoa khá phổ biến nhưng ít được chú ý. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã có hình dung cụ thể về bệnh lý này và chủ động hơn trong việc điều trị, phòng ngừa. Đối với trẻ nhỏ, gia đình cũng nên giáo dục trẻ cách chăm sóc răng miệng để hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!