Trồng Răng Giả là gì? Những điều cần biết khi trồng răng

Trồng răng giả là kỹ thuật khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng đã bị mất. Trước khi thực hiện, bạn đọc cần nắm rõ khi nào nên trồng răng giả, các phương pháp phổ biến và một số lưu ý quan trọng khác để quá trình thực hiện mang lại kết quả tốt nhất.

trồng răng giả là gì
Trồng răng giả là kỹ thuật phục hồi lại hình dáng và chức năng sinh lý, thẩm mỹ của răng bị mất

Trồng răng giả là gì? Khi nào nên trồng răng giả?

Trồng răng giả là phương pháp phục hình lại răng đã bị mất vĩnh viễn do chấn thương, tai nạn hoặc ảnh hưởng của các bệnh nha khoa. Mục đích của phương pháp này là khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng. Nhờ có sự ra đời của các phương pháp trồng răng giả mà những người bị mất răng vẫn có thể ăn uống như bình thường.

Mất răng không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn khiến cho bạn gặp phải các vấn đề về phát âm. Hơn nữa, mất răng hàm còn khiến cho má hóp và khuôn mặt trở nên mất cân đối. Nếu không trồng răng giả kịp thời, phần xương hàm bên dưới răng bị mất sẽ có hiện tượng tiêu xương từ tháng 3 trở đi. Tiêu xương khiến cho cấu trúc khuôn mặt bị biến dạng và ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình.

Với nhiều lợi ích mang lại, trồng răng giả thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Mất toàn bộ răng của hàm trên, hàm dưới hoặc cả hai hàm
  • Mất một răng
  • Mất nhiều răng liền kề hoặc mất nhiều răng xen kẽ
  • Răng bị tổn thương nặng do tai nạn, chấn thương, viêm tủy răng,… không thể phục hồi cũng sẽ được xem xét trồng răng giả để khôi phục hình dáng răng và chức năng ăn nhai.

Trồng răng giả giúp khôi phục chức năng thẩm mỹ và sinh lý của răng. Tuy nhiên, phương pháp này không được thực hiện cho người dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai, người nghiện thuốc lá nặng và mắc các vấn đề sức khỏe (tiểu đường, rối loạn đông máu, cao huyết áp, ung thư,…).

Các phương pháp trồng răng giả phổ biến nhất hiện nay

Có khá nhiều phương pháp trồng răng giả, trong đó phổ biến nhất là sử dụng hàm giả tháo lắp, làm cầu răng sứ và trồng răng Implant. Mỗi phương pháp đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Vì vậy, bạn nên xem xét kỹ lưỡng để có thể lựa chọn giải pháp phù hợp nhất.

1. Hàm giả tháo lắp

Răng giả tháo lắp là phương pháp trồng răng ra đời đầu tiên. Cho đến nay, phương pháp này vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người khi có ý định trồng răng giả. Răng giả tháo lắp sử dụng bộ hàm giả được làm từ nhựa dẻo, sứ và một số loại hàm còn có khung kim loại để cố định chắc chắn vào cung hàm. Hàm giả sẽ giúp khôi phục lại răng bị mất và có thể ăn nhai như bình thường.

Tuy nhiên, hàm giả tháo lắp không cố định trên hàm nên khi ăn uống có thể bị bung tuột. Bù lại, vì có thể tháo lắp nên bạn có thể dễ dàng vệ sinh hàm giả và răng miệng một cách dễ dàng. Hàm giả sẽ được tạo hình tương thích với cấu trúc và kích thước răng, cung hàm nên khi đeo vào sẽ không gây khó chịu.

trồng răng giả là gì
Hàm giả tháo lắp là phương pháp trồng răng giả có chi phí thấp và phù hợp với mọi đối tượng

Trước đây, hàm giả tháo lắp chỉ có thể phục hình khi mất toàn bộ răng hoặc mất nhiều răng liền kề. Tuy nhiên hiện nay, trường hợp mất 1 răng hoặc mất nhiều răng xen kẽ vẫn có thể sử dụng hàm giả tháo lắp.

Ưu điểm:

  • Giá thành rẻ hơn so với các phương pháp trồng răng giả khác
  • Hàm được thiết kế phù hợp với cung hàm của từng người, đảm bảo dễ dàng tháo lắp và có thể ăn uống như bình thường.
  • Làm hàm giả tháo lắp không xâm lấn nên phù hợp với tất cả các trường hợp, bao gồm cả phụ nữ mang thai, trẻ em và người có các vấn đề sức khỏe như rối loạn đông máu, tiểu đường, cao huyết áp,…
  • Có thể tháo lắp dễ dàng nên không gặp khó khăn khi vệ sinh răng miệng.

Nhược điểm:

  • Đồ bền không cao do được làm bằng nhựa. Sau một thời gian, hàm sẽ trở nên lỏng lẻo khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, bạn cần phải làm lại hàm giả sau một thời gian.
  • Do hàm giả tháo lắp không cố định vào răng nên dễ gặp phải tình trạng tuột và bung súc khi ăn uống, giao tiếp.
  • Hàm giả tháo lắp chỉ có thể phục hình được phần thân răng. Do đó, phần xương hàm ở bên dưới vẫn sẽ có hiện tượng tiêu hủy sau một thời gian ngắn. Về lâu dài, cấu trúc hàm thay đổi khiến cho khuôn mặt trở nên mất cân đối.

Nếu đang tìm kiếm phương pháp trồng răng giả có chi phí thấp, an toàn và không xâm lấn, làm hàm giả tháo lắp sẽ là phương pháp phù hợp dành cho bạn. Ngoài ra, những người bị tiểu đường, rối loạn đông máu và không có đủ điều kiện để thực hiện các phương pháp xâm lấn có thể thực hiện phương pháp này.

2. Làm cầu răng sứ

Bên cạnh làm hàm giả tháo lắp, làm cầu răng sứ cũng là phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng. Phương pháp này được phát triển từ kỹ thuật bọc răng sứ. Đối với những trường hợp mất từ 1 – 2 răng liền kề có thể thực hiện cầu răng sứ.

Tương tự như bọc sứ, bác sĩ cũng sẽ mài răng và làm mão răng phù hợp. Tuy nhiên, do răng đã bị mất nên phải sử dụng 2 răng bên cạnh làm trụ và các mão sứ sẽ được thiết kế dính chặt vào nhau. Cầu răng sứ sẽ được lắp cố định nên có độ chắc chắn hơn so với làm hàm giả tháo lắp.

những phương pháp trồng răng giả
Làm cầu răng sứ là một trong những phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng hiện nay

Do cần có hai răng bên làm trụ nên cầu răng sứ không thể thực hiện cho những trường hợp mất răng số 7 (răng hàm cuối cùng). Ngoài ra, để đảm bảo cầu răng sứ không bị gãy, nứt khi ăn uống nên mỗi cầu răng chỉ có thể phục hình được cho 1 – 2 răng. Vì vậy, so với làm hàm giả tháo lắp, phương pháp này có chỉ định hạn chế hơn.

Ưu điểm của phương pháp làm cầu răng sứ:

  • Cầu răng sứ độ thẩm mỹ cao hơn so với hàm giả tháo lắp.
  • Răng giả được gắn cố định nên không gặp phải tình trạng bung tuột khi ăn uống.
  • Độ bền khá cao (khoảng 5 – 8 năm)
  • Chi phí khá hợp lý
  • Làm cầu răng sứ bắt buộc phải mài nhỏ 2 răng làm trụ nhưng không xâm lấn vào mô và xương. Vì vậy, phương pháp này thích hợp với những người có các vấn đề sức khỏe như rối loạn đông máu, tiểu đường, ung thư,…

Nhược điểm:

  • Chỉ thích hợp với những trường hợp mất 1 – 2 răng liền kề. Ngoài ra, trường hợp mất răng số 7 sẽ không thể thực hiện phương pháp này.
  • Cầu răng sứ có thể khôi phục chức năng sinh lý của răng nhưng không thể ngăn chặn tình trạng tiêu xương răng. Sau một thời gian, xương hàm sẽ bị tiêu khiến cho cầu răng trở nên lỏng lẻo.

Làm cầu răng sứ là phương pháp trồng răng giả xuất hiện sau răng giả tháo lắp. Tuy nhiên, nhờ có nhiều ưu điểm, phương pháp này được khá nhiều người lựa chọn để khôi phục hình dáng và chức năng của răng. Để đảm bảo răng sứ hài hòa với răng thật, các nha khoa sẽ cung cấp nhiều loại sứ khác nhau với tone màu đa dạng.

3. Trồng răng Implant

Trồng răng Implant là phương pháp trồng răng giả hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này thích hợp với trường hợp mất một răng, nhiều răng liền kề hoặc xen kẽ, mất toàn bộ răng hàm dưới, hàm trên,…

Trồng răng Implant sử dụng trụ Implant được làm bằng hợp kim không gỉ cấy vào xương hàm. Sau đó đợi vài tháng để xương hàm phát triển vào bên trong cấu trúc trụ. Lúc này, bác sĩ sẽ chế tác mão sứ để phục hình lên phía trên trụ Implant thông qua khớp nối (Abutment).

những phương pháp trồng răng giả
Trồng răng Implant là phương pháp có nhiều ưu điểm và đặc biệt có thể sử dụng trọn đời

Có thể nói, răng Implant có cấu tạo gần giống với răng thật nhất. Khi ăn nhai, lực sẽ được truyền xuống dưới xương hàm giúp cho các tế bào phát triển và tái tạo liên tục. Từ đó có thể ngăn chặn hiện tượng tiêu xương răng. Là phương pháp trồng răng giả duy nhất có thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương nên trồng răng Implant rất được nhiều người lựa chọn.

Tuy nhiên, trồng răng Implant vẫn có một số hạn chế. Vì vậy, bạn đọc nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa ưu điểm và khuyết điểm để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với nhu cầu.

Ưu điểm:

  • Khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng bị mất hiệu quả. Theo đánh giá của các chuyên gia Răng hàm mặt, răng Implant mang đến cảm giác ăn nhai giống đến 99% răng thật, trong khi các phương pháp chỉ có thể khôi phục được khoảng 50 – 75%.
  • Răng Implant được cấy chắc chắn phía dưới xương hàm nên tạo cấu trúc vững chãi, không gặp phải tình trạng bung súc khi ăn uống và giao tiếp.
  • Trồng răng Implant là phương pháp duy nhất có thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương hàm.
  • Răng Implant có độ bền từ 15 năm trở lên và có thể sử dụng được trọn đời nếu biết cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng đều đặn và khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm.

Nhược điểm:

  • Trồng răng Implant là phương pháp hiện đại sử dụng các loại trụ Implant đắt đỏ nên chi phí cao hơn nhiều so với làm hàm giả tháo lắp và làm cầu răng sứ.
  • Quy trình thực hiện phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với các phương pháp khác.
  • Trồng răng Implant là phương pháp xâm lấn. Do đó, những người có các bệnh lý nền, phụ nữ mang thai,… không thể thực hiện.

Nhìn chung, cả 3 phương pháp trồng răng giả trên đều giúp khôi phục lại hình dáng và chức năng của răng. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, bạn đọc nên cân nhắc kỹ lưỡng để có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.

Trồng răng giả có đau không? Mất bao lâu?

Trồng răng giả có đau không là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Thực tế, việc mài răng khi làm cầu răng sứ và cấy trụ Implant đều gây đau. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê để giảm cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi trồng răng giả.

Nếu có khả năng chịu đau kém, nên thông báo với bác sĩ để được chú ý hơn trong quá trình thực hiện. Riêng với làm hàm giả tháo lắp, phương pháp này không xâm lấn vào nướu hay răng nên sẽ không gây ra bất cứ cảm giác khó chịu nào.

những phương pháp trồng răng giả
Thời gian trồng răng giả sẽ phụ thuộc vào phương pháp mà bạn lựa chọn

Thời gian trồng răng giả sẽ tùy thuộc vào phương pháp mà bạn lựa chọn:

  • Làm hàm giả tháo lắp: Mất khoảng 2 – 3 ngày và mất khoảng 2 lần hẹn.
  • Làm cầu răng sứ: Bạn sẽ mất khoảng 3 lần hẹn đến nha khoa và mỗi buổi sẽ kéo dài khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ.
  • Trồng răng Implant: Trồng răng Implant là phương pháp mất nhiều thời gian nhất. Thông thường, quá trình trồng răng Implant sẽ mất khoảng 6 – 9 tháng tùy vào từng trường hợp và bạn phải đến phòng khám nhiều lần để kiểm tra. Nếu xương hàm có chất lượng tốt và tích hợp xương nhanh, quá trình trồng răng sẽ chỉ mất khoảng 4 – 6 tháng.

Trồng răng giả nên ăn gì, kiêng gì?

Sau khi trồng răng giả, bạn sẽ cần một khoảng thời gian để có thể quen dần và phục hồi lại khả năng ăn uống như trước. Trong thời gian này, nên có chế độ chăm sóc phù hợp để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi. Vì vậy, bạn nên hiểu rõ vấn đề “Trồng răng giả nên ăn gì, kiêng gì?” để xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp.

những phương pháp trồng răng giả
Nên dùng thức ăn mềm, lỏng sau khi trồng răng giả để giúp răng phục hồi hoàn toàn

Sau khi trồng răng giả, bạn nên dùng các món ăn sau:

  • Sau khi trồng răng, răng giả còn khá nhạy cảm nên cần lựa chọn các món ăn lỏng, mềm như canh, súp, cháo và cơm mềm. Các món ăn này khá dễ nhai và không gây áp lực lên cho răng, xương hàm và cơ hàm.
  • Nếu răng đang bị nhạy cảm và ê buốt, có thể dùng sữa để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trong 1 – 2 ngày đầu.
  • Nên dùng thức ăn nguội hoặc ấm nhẹ, không dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ quá cao và quá thấp sẽ khiến cho răng bị kích thích và chậm phục hồi hơn bình thường.
  • Tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu đạm và Omega 3 để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
  • Uống đủ nước nhằm giảm sưng viêm, đau nhức và giúp răng nhanh hồi phục hơn. Ngoài nước lọc, bạn có thể dùng một số loại nước ép trái cây và trà thảo mộc để hỗ trợ giảm tình trạng nhạy cảm, ê buốt.

Ngoài ra, cần tránh một số loại thực phẩm và thức uống sau:

  • Không sử dụng các thực phẩm dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, trứng, đậu phộng, sữa bò, lúa mạch,…
  • Tránh dùng thức ăn cứng, khô và các món ăn chứa nhiều gia vị. Các món ăn và thức uống này sẽ khiến cho nướu, răng bị kích thích, từ đó làm chậm quá trình phục hồi và tái tạo.
  • Hạn chế dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều axit như me, cóc, xoài, nước ngọt có gas,… Axit sẽ kích thích khiến cho vết thương (trong trường hợp trồng răng Implant) chậm lành. Ngoài ra, thói quen dùng các loại thực phẩm và đồ uống này cũng khiến cho tuổi thọ của răng giả giảm đi đáng kể.

Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về trồng răng giả, các phương pháp phổ biến và một số điều cần lưu ý trước khi thực hiện. Nếu có băn khoăn về phương pháp này, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ Răng hàm mặt để được tư vấn cụ thể hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Theo dõi tác giả
CHUYÊN GIA TƯ VẤN

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kiến thức Trồng răng

Nên làm cầu răng hay cấy ghép Implant?

Kiến thức Trồng răng

Trồng răng giả cố định là gì? Giá bao nhiêu?

Kiến thức Trồng răng

Trụ Implant Straumann có tốt không? Giá bao nhiêu?

Kiến thức Trồng răng

Trụ Implant Hiossen Là Gì? Cấu Tạo, Ưu Điểm Và Giá Bán

Kiến thức Trồng răng

Ghép Xương Trong Cấy Ghép Implant: Quy trình và lưu ý cần biết

Kiến thức Trồng răng

Trồng Răng Implant có bị hôi miệng không? Giải Đáp

Kiến thức Trồng răng

Cấy ghép Implant All On 4 và All On 6 là gì? Giá bao nhiêu?

Kiến thức Trồng răng

Trồng Răng Số 6, 7 (Răng Cấm): Phương pháp nào tốt nhất