Bọc răng sứ mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng và hiệu quả thẩm mỹ. Tuy nhiên, khá nhiều người còn băn khoăn về vấn đề “Răng bọc sứ có bị sâu không?”. Để được giải đáp thắc mắc này, bạn đọc nên tham khảo các thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Giải đáp – Răng bọc sứ có bị sâu không?
Bọc sứ là kỹ thuật sử dụng mão răng được làm từ sứ kim loại hoặc sứ nguyên khối để phục hình lại hình thể của răng. Phương pháp này mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, giúp khôi phục chức năng ăn nhai và bảo vệ cùi răng thật bên trong. Các vật liệu được sử dụng để chế tác mão răng đều có màu sắc tương tự răng thật, độ bền tốt, khả năng chịu lực và độ cứng chắc cao.
Hiện nay, tuổi thọ của răng sứ đã được cải tiến đáng kể (khoảng 5 – 12 năm tùy vật liệu). Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về vấn đề răng sứ có thể bị mài mòn và hư hại do vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Do đó, vấn đề Răng bọc sứ có bị sâu không? là thắc mắc mà nhiều người quan tâm khi có ý định phục hình bằng kỹ thuật này.
Về bản chất, răng sứ được làm từ sứ, không có cấu tạo từ khoáng chất và các chất vô cơ như men răng. Do đó, răng bọc sứ hoàn toàn không bị sâu. Ngoài ra, các loại răng sứ được cải tiến với đặc tính chống bám nên thức ăn hoàn toàn không thể bám dính vào mặt nhai, mặt trong và mặt ngoài của răng. Cũng chính vì vậy mà bọc sứ thường được thực hiện đối với răng bị sâu nặng và có nguy cơ tái phát cao.
Mặc dù răng sứ không bị sâu nhưng cùi răng thật bên trong vẫn có thể bị sâu răng do mão răng bị cộm, hở. Tạo điều kiện để thức ăn bám dính vào, hình thành mảng bám, cao răng và gây tổn thương phần thân răng bên trong. Ngoài ra, tình trạng sâu cùi răng bên trong cũng có thể do bác sĩ không điều trị dứt điểm bệnh sâu răng trước khi bọc sứ.
Tóm lại, răng bọc sứ hoàn toàn không bị sâu răng. Những trường hợp cùi răng thật bên trong sâu đều bắt nguồn từ tay nghề của bác sĩ và một số ít trường hợp xảy ra do chăm sóc không đúng cách.
Các biện pháp phòng ngừa sâu cùi răng sau khi bọc sứ
Cùi răng thật bị sâu không có biểu hiện rõ do có mão sứ bảo vệ bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình hủy khoáng do vi khuẩn gây sâu răng vẫn tiếp diễn. Theo thời gian, cùi răng bên trong bị hư hại nặng dẫn đến viêm tủy răng và áp xe quanh chóp răng. Khi đã phát sinh các biến chứng này, răng mới xuất hiện triệu chứng đau nhức, sưng nướu và ê buốt.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sâu cùi răng sau khi bọc sứ:
1. Lựa chọn địa chỉ nha khoa đáng tin cậy
Đa phần những trường hợp sâu cùi răng sau khi bọc sứ đều do bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng mão răng không sát khít, bị hở và chênh cộm. Kẽ hở giữa mão răng và cùi răng thật là nơi thức ăn dễ bám dính, tạo thành mảng bám và cao răng.
Ngoài ra, sâu cùi răng thật sau khi làm răng sứ cũng có thể do bác sĩ không điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa trước khi bọc sứ. Do đó để phòng ngừa sâu răng, bạn nên lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu có ý định bọc sứ.
Trên thực tế ngoài tình trạng sâu cùi răng, bọc răng sứ sai kỹ thuật còn gây ra nhiều biến chứng khác như chết tủy, tổn thương các răng lân cận, tụt lợi hở chân răng,… Những trường hợp này đều do các bác sĩ không có đủ năng lực và thiếu kinh nghiệm thực hiện.
2. Chăm sóc đúng cách
Chăm sóc đúng cách là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau khi bọc sứ. Nếu có chế độ chăm sóc hợp lý, bạn có thể kéo dài tuổi thọ của răng sứ và phòng ngừa các vấn đề nha khoa ở răng thật.
Ngược lại, trường hợp không vệ sinh răng miệng tốt và tiếp tục duy trì các thói quen xấu dễ gặp phải tình trạng lỏng bọc sứ, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, xâm nhập và gây sâu cùi răng. Chính vì vậy, sau khi làm răng sứ, bạn cần có chế độ chăm sóc khoa học.
Các biện pháp chăm sóc sau khi bọc sứ:
- Thực hiện tốt các biện pháp làm sạch răng miệng bao gồm đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc dùng máy tăm nước để tăng hiệu quả làm sạch.
- Ngoài các biện pháp làm sạch tại nhà, nên đến phòng khám nha khoa 6 tháng/ lần để được kiểm tra tình trạng răng miệng và cạo vôi răng thường xuyên. Cạo vôi răng có thể phòng ngừa sâu cùi răng, viêm nha chu, viêm nướu răng và nhiều vấn đề răng miệng khác.
- Tránh sử dụng thức ăn cứng, khô, dai, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Các thói quen này có thể làm giảm tuổi thọ của mão răng và giảm hiệu quả bảo vệ cùi răng thật bên trong.
- Tình trạng sâu cùi răng sau khi bọc sứ cũng có thể xảy ra do mão sứ bị nứt, mẻ do chấn thương hoặc thói quen nghiến răng khi ngủ, dùng răng cạy cắn các vật cứng,… Do đó ngoài điều chỉnh thói quen ăn uống, bạn cũng cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt để phòng ngừa sâu răng và nhiều vấn đề nha khoa khác.
Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về thắc mắc “Răng bọc sứ có bị sâu không?” và có các biện pháp phòng ngừa sâu cùi răng thật hiệu quả. Nếu còn băn khoăn về những vấn đề xoay quanh phương pháp này, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên bọc sứ răng cửa không? Giá bao nhiêu?
Chuyên Gia Cảnh Báo: 8 Hậu Quả Bọc Răng Sứ Kém Chất Lượng
Mão răng loại nào tốt? Giá bao nhiêu?
Bọc răng sứ khớp cắn ngược (móm) có hiệu quả không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!