Áp xe răng là thuật ngữ chỉ tình trạng bên trong răng, xương nâng đỡ răng hoặc nướu hình thành túi mủ. Bệnh lý thường khởi phát bởi tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn, từ đó dẫn đến triệu chứng đau nhức dữ dội và thậm chí gây mất răng nếu không được thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách.
Áp xe răng là gì?
Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng vi khuẩn có mức độ nguy hiểm cao. Biểu hiện điển hình của tình trạng này là các túi mủ hình thành ở nướu, bên trong răng hoặc xương nâng đỡ răng.
Theo các chuyên gia đầu ngành, áp xe răng thường bao gồm:
- Áp xe nướu răng: Tổn thương do bệnh lý gây ra thường tiến triển ở nướu răng, từ đó ảnh hưởng đến răng, nướu cũng như những cấu trúc hỗ trợ răng khác.
- Áp xe quanh răng/ áp xe chân răng: Tình trạng nhiễm trùng thường xuất hiện ở đầu chân răng. Áp xe quanh răng hay chân răng xảy ra do vi khuẩn tấn công lan vào trong răng và đến tủy răng khi bị sâu răng hoặc vết nứt. Tủy răng được xác định là phần trong cùng của răng, bao gồm những mạch máu và dây thần kinh. Khi bị vi khuẩn xâm nhập sẽ gây nhiễm trùng ở đầu chân răng, từ đó lan rộng đến phần xương nâng đỡ răng.
- Áp xe nha chu: Thuật ngữ chỉ tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn khởi phát từ các mô nâng đỡ răng và xương. Áp xe nha chu thường là hệ quả của viêm nha chu, những bệnh lý liên quan đến nướu răng. Tình trạng này thường xuất hiện chủ yếu ở đối tượng người cao tuổi.
Đa số các trường hợp nhiễm trùng răng thường gây đau nhức, khó chịu. Tuy nhiên, một số trường hợp gần như không có bất kỳ biểu hiện bất thường. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng, cũng như phòng ngừa các biến chứng do áp xe răng gây ra.
Theo nha sĩ, các biểu hiện áp xe răng không thể tự khỏi. Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể làm tăng nguy lan rộng sang những bộ phận khác trên cơ thể, từ đó phát sinh những biến chứng không mong muốn. Do đó, người bệnh nên chủ động đến nha khoa để được khám và điều trị đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết áp xe răng
Đau nhói ở lợi và răng được xem là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của áp xe răng. Cơn đau có thể bùng phát đột ngột và trở nên dữ dội hơn theo thời gian. Tuy nhiên, một vài trường hợp áp xe răng không gây đau nhức, khó chịu.
Bên cạnh đó, áp xe răng còn gây ra một số biểu hiện như:
- Cơn đau nhức xuất hiện ở trong răng và nướu bị ảnh hưởng
- Tình trạng đau nhức này có xu hướng lan đến hàm, vùng cổ bên răng bị áp xe, tai hoặc nướu bị ảnh hưởng.
- Cơn đau thường trở nên dữ dội hơn khi nằm xuống, tình trạng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh.
- Bị sưng mặt hoặc đỏ mặt
- Răng có dấu hiệu đổi màu, mềm hoặc lung lay
- Nướu trở nên đỏ, căng bóng hoặc sưng
- Người bị áp xe răng thường nhạy cảm với thức ăn, đồ uống nóng hoặc lạnh
- Hơi thở thường có mùi khó chịu hay vị khó chịu trong miệng
- Sưng hạch bạch huyết ở dưới hàm hoặc cổ.
Những trường hợp tình trạng nhiễm trùng nặng nề, người bệnh có thể bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi, uể oải. Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến khó thở, khó nuốt. Khi áp xe bị vỡ, bạn sẽ giảm đau ngay lập tức và cảm nhận được mùi vị khó chịu khi dịch mủ chảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến áp xe răng
Hầu hết các trường hợp bị áp xe răng là hậu quả của nhiễm trùng răng không được tiến hành thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách. Khi đó, vi khuẩn sẽ hình thành những mảng bám, dẫn đến xâm nhập vào và tụ mủ.
Bất kỳ những tổn thương hoặc tác động nào cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công vào răng hoặc những mô xung quanh răng và gây ra nhiễm trùng.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến áp xe răng:
- Sâu răng nghiêm trọng: Tình trạng sâu răng nếu không được tiến hành điều trị kịp thời có thể dẫn đến phá hủy bề mặt cứng của răng. Khi vi khuẩn phân hủy từ thức ăn và đồ uống sẽ tạo thành axit, tấn công trực tiếp vào men răng và dẫn đến tổn thương, lâu dần tạo thành sâu răng.
- Răng bị nứt, gãy hoặc mẻ: Trình trạng này có thể khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công vào những khe hở này gây viêm nhiễm, lan rộng đến tủy răng và dẫn đến áp xe.
- Những bệnh lý liên quan đến nướu răng: Viêm nha chu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng những mô xung quanh răng và răng. Khi các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng, vi khuẩn sẽ lấn sâu vào mô và dẫn đến áp xe.
- Chấn thương răng: Va đập răng có thể dẫn đến tổn thương tủy răng, ngay khi không xuất hiện các vết nứt ở bề mặt răng. Những tổn thương sâu bên trong răng có thể dẫn đến nhiễm trùng, áp xe.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị áp xe răng:
- Vệ sinh răng miệng kém: Thói quen không thường xuyên đánh răng, không sử dụng chỉ nha khoa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dẫn đến áp xe răng.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá thường dễ bị sâu răng, nhiễm trùng răng cao hơn so với những người không hút thuốc.
- Bị khô miệng: Theo các chuyên gia, vi khuẩn thường phát triển mạnh ở những đối tượng lượng nước bọt tiết ít.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những trường hợp mắc phải những bệnh lý như tiểu đường, đang dùng thuốc steroid hoặc hóa trị liệu có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Từ đó khiến cơ thể không có khả năng chống lại vi khuẩn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dẫn đến áp xe răng.
- Dung nạp nhiều thực phẩm chứa đường: Những loại thực phẩm ngọt có thể tăng số lượng vi khuẩn trong miệng, lâu dần sẽ tạo thành các mảng bám dẫn đến nhiễm trùng, áp xe răng.
Áp xe răng có nguy hiểm không? Có tự khỏi không?
Hầu hết các trường hợp bị áp xe răng đều không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nếu được tiến hành thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, những trường hợp chủ quan điều trị hoặc tình trạng áp xe tái phát nhiều lần có thể gây ra những biến chứng nặng nề. Cụ thể:
- Viêm tủy xương răng: Biến chứng khởi phát khi tình trạng nhiễm trùng lan rộng đến xương răng. Viêm tủy xương răng đặc trưng bởi các triệu chứng tăng thân nhiệt, đau nhức dữ dội ở vùng xương bị thương tổn, một vài trường hợp có thể bị nôn mửa. Các xương bị ảnh hưởng thường có vị trí gần răng bị áp xe. Để kiểm soát bệnh lý, bác sĩ nha khoa thường kết hợp các loại thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
- Khối nang răng: Áp xe chân răng nếu không được khám, điều trị và chăm sóc đúng cách có thể hình thành túi chứa dịch mủ bên dưới túi áp xe. Tình trạng này gọi là là u nang răng hoặc nang răng. Các u nang này có thể nhiễm trùng, kèm theo đau nhức, khó chịu.
- Huyết khối xoang hang: Tình trạng vi khuẩn lây lan có thể dẫn đến hình thành máu đông ở xoang hang, tĩnh mạch lớn ở đáy não. Biến chứng này tuy hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm xoang: Những trường hợp bị áp xe răng hàm trên có thể lan rộng đến những khoảng nhỏ sau gò má hay xoang hàm trên. Biến chứng này tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng có thể gây đau nhức, sốt, sưng má. Các triệu chứng này đôi khi có thể tự thuyên giảm, tuy nhiên đa số các trường hợp cần can thiệp y tế.
- Đau thắt ngực Ludwig: Biến chứng xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng ở vùng sàn miệng, lúc này vi khuẩn gây áp xe răng có xu hướng lan rộng khoang miệng. Điều này có thể gây đau nhức dữ dội, sưng tấy ở cổ và lưỡi. Những trường hợp tiến triển nghiêm trọng có thể gây khó thở, thậm chí là tử vong.
Theo các chuyên gia đầu ngành, những trường hợp áp xe răng thường không thể tự khỏi. Các khối áp xe có thể tự vỡ, những cơn đau nhức sẽ cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, các triệu chứng bệnh lý sẽ tái phát nhanh chóng.
Bên cạnh đó, những cơn đau răng sẽ biến mất khi tình trạng nhiễm trùng gây tổn thương tủy răng và tủy răng chết đi. Lúc này, những dây thần kinh sẽ dừng hoạt động, chính vì vậy người bệnh sẽ không có cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, vi khuẩn vẫn lây lan, phá hủy nhưng mô xung quanh và phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh lý kèm theo biểu hiện nhiễm trùng răng không gây đau nhức, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý
Các bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe răng miệng nhằm xác định mức độ nhiễm trùng hoặc áp xe răng. Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:
- Dùng dụng cụ chuyên khoa gõ nhẹ vào răng nghi ngờ bị đau hoặc áp xe. Những răng bị áp xe thường nhạy cảm khi tác động và va chạm.
- Tiến hành chụp x-quang răng đau nhằm xác định áp xe răng hoặc những nhiễm trùng liên quan. Khi đó, bác sĩ có thể dùng tia X để xác định mức độ nhiễm trùng hoặc áp xe có ảnh hưởng đến những khu vực lân cận không.
- Chụp CT với những trường hợp nhiễm trùng lan rộng đến những khu vực khác, đồng thời bác sĩ có thể dễ dàng đánh giá mức độ nhiễm trùng.
Các phương pháp điều trị áp xe răng
Căn cứ vào mức độ các triệu chứng bệnh lý, nguyên nhân khởi phát và đối tượng mà bác sĩ nha khoa sẽ đưa ra những phương án điều trị và chăm sóc phù hợp. Để đảm bảo hiệu quả chữa trị cũng như tránh phát sinh biến chứng, người bệnh cần tiến hành thăm khám nhanh chóng.
1. Áp dụng các biện pháp giảm đau
Để kiểm soát cơn đau nhức, khó chịu do áp xe răng gây ra, người bệnh có thể được chỉ định những loại thuốc có công dụng giảm đau. Nhóm thuốc này chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh lý, không thể điều trị dứt điểm.
Ibuprofen và Aspirin là 2 loại thuốc thường được sử dụng cải thiện tình trạng đau nhức do bệnh lý gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chống chỉ định thuốc Ibuprofen với những trường hợp bị viêm loét dạ dày tá tràng, hen suyễn.
- Không sử dụng aspirin cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi.
2. Dùng kháng sinh
Các loại thuốc kháng sinh thường được kê đơn trong điều trị áp xe răng, đồng thời làm giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau giúp tăng hiệu quả chữa trị.
Một số loại thuốc kháng sinh thường được dùng trong điều trị áp xe răng như amoxicillin, metronidazole. Nhóm thuốc này không có khả năng loại bỏ túi áp xe răng. Tuy nhiên, những thành phần hoạt chất trong thuốc sẽ giúp trì hoãn điều trị đến khi bạn có thể gặp nha sĩ hay dẫn lưu áp xe.
3. Phẫu thuật dẫn lưu áp xe
Với những trường hợp áp xe răng diễn tiến nghiêm trọng hoặc tình trạng nhiễm trùng tăng tái phát nhiều lần. Lúc này, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật loại bỏ túi áp xe hoàn toàn, đồng thời ngăn ngừa phát sinh biến chứng. Phẫu thuật áp xe được thực hiện bởi những bác sĩ nha khoa chuyên nghiệp.
Dưới đây là một số phương pháp phẫu thuật áp xe răng thường được áp dụng:
- Dẫn lưu áp xe: Bác sĩ dùng dụng cụ y khoa gạch ở túi áp xe giúp dẫn lưu mủ, vi khuẩn ra bên ngoài. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ nhằm hạn chế cơn đau nhức.
- Điều trị áp xe tủy răng: Để thực hiện, bác sĩ sẽ dùng mũi khoan và khoan 1 lỗ nhỏ tại răng đã chết để dịch mủ chảy ra ngoài hoàn toàn. Bên cạnh đó, các mô bị ảnh hưởng cũng sẽ được loại bỏ lần lượt nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng tái phát. Kế đến, bác sĩ sẽ thực hiện trám răng nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng bùng phát.
- Áp xe nha chu: Với tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu dịch mủ, đồng thời làm sạch túi nha chu. Bề mặt chân răng sau khi đã được làm sạch sẽ được mài nhẵn, cạo vôi, đánh bóng răng. Thủ thuật này sẽ giúp răng nhanh chóng hồi phục, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng liên quan.
Những biện pháp hỗ trợ cải thiện áp xe răng tại nhà
Bên cạnh tuân thủ các biện pháp y tế theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa. Người bệnh có thể tận dụng những mẹo chữa tại nhà giúp làm giảm đau nhức, khó chịu do áp xe răng gây ra.
Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng áp xe răng tại nhà được nhiều người bệnh áp dụng và mang lại kết quả tích cực:
- Liệu pháp chườm lạnh: Thực hiện chườm lạnh lên răng bị áp xe có thể giúp làm giảm sưng viêm và đau nhức. Bạn có thể cho vài viên đá vào 1 chiếc khăn sạch rồi chườm lên má, ở bên ngoài răng bị ảnh hưởng.
- Súc miệng với nước muối sinh lý: Đây được xem là một trong những cách cải thiện triệu chứng bệnh lý hiệu quả và nhanh chóng. Việc súc miệng bằng nước muối mỗi ngày sẽ giúp chữa lành những tổn thương do bệnh lý gây ra, ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng, đồng thời bảo vệ nướu.
- Tỏi: Tỏi là một trong những nguyên liệu có công dụng sát khuẩn, giảm đau chống viêm hiệu quả nhờ vào lượng tinh dầu dồi dào và chứa hàm lượng hoạt chất allicin cao. Bạn có thể nghiền nát vài tép tỏi rồi lấy tăm bông thấm đều nước cốt vào bôi lên răng bị nhiễm trùng. Áp dụng vài lần để cải thiện các triệu chứng.
- Tinh dầu cỏ xạ hương: Các thành phần, hoạt chất trong tinh dầu có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng và giảm sưng hiệu quả. Bạn có thể pha loãng vài giọt tinh dầu với nước. Kế đến dùng bông gòn thấm dung dịch và cắn chặt tại vùng răng bị ảnh hưởng đến khi cảm nhận các triệu chứng dần thuyên giảm.
- Hydrogen peroxide: Đây là một trong những mẹo chống nhiễm trùng vi khuẩn áp xe gây ra được nhiều người bệnh áp dụng và hiệu quả. Biện pháp này sẽ giúp làm giảm những mảng bám trên răng, đồng thời cải thiện tình trạng chảy máu chân răng. Bạn có thể hòa tan lượng hydrogen peroxide với nước theo tỉ lệ 1:1 và dùng nước này súc miệng nhiều lần trong ngày.
Các biện pháp chữa áp xe răng tại nhà chỉ phù hợp với những trường hợp các triệu chứng ở mức độ nhẹ và chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thể thay thế biện pháp y tế. Do đó, người bệnh tránh phụ thuộc mẹo chữa.
Cách kiểm soát và phòng ngừa bệnh lý
Áp xe răng là một trong những vấn đề răng miệng phổ biến và có thể khởi phát ở nhiều đối tượng. Các triệu chứng bệnh lý không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống hàng ngày mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh tuân thủ các biện pháp chữa trị theo bác sĩ nha khoa, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau giúp phòng ngừa hiệu quả:
- Bổ sung nước uống có chứa fluoride. Đây là khoáng chất giúp hỗ trợ giúp tăng cường men răng giúp bảo vệ răng miệng tự nhiên.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần với kem đánh răng chứa fluor. Nên dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch những kẽ răng, những răng ở góc khuất như răng số 7, 8,…
- Thay bàn chải mới sau 3 – 4 tháng hoặc khi lông bàn chải đánh răng bị sờn
- Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm chứa những thành phần dưỡng chất tốt cho răng miệng như rau xanh, thịt, cá, trứng, trái cây tươi, hải sản,…. Đồng thời nên hạn chế các món ăn chứa nhiều đường, nước ngọt, bia rượu, hút thuốc lá,…
Trên đây là những thông tin liên quan đến áp xe răng. Theo các chuyên gia đầu ngành, các triệu chứng bệnh lý đáp ứng tốt các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bệnh lý, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán và chữa trị đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!