Cạo vôi răng là gì? Lợi ích của cạo vôi răng và quy trình thực hiện

Cạo vôi răng là phương pháp sử dụng dụng cụ chuyên dụng để làm sạch cao răng (vôi răng) và mảng bám tích tụ ở thân răng, gốc răng. Phương pháp này được khuyến cáo thực hiện 2 lần/ năm để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.

Cạo vôi răng là gì
Cạo vôi răng là biện pháp làm sạch chuyên nghiệp giúp loại bỏ mảng bám và cao răng tích tụ ở thân răng, chân răng

Cạo vôi răng là gì?

Vôi răng (cao răng) là mảng bám đã được khoáng hóa, có kết cấu cứng chắc, bám chặt vào chân răng và thân răng. Khác với mảng bám thông thường, cao răng không thể loại bỏ bằng các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà. Do đó, cần đến nha khoa để lấy cao răng định kỳ 6 tháng/ lần hoặc ít nhất là 1 năm/ lần.

Cạo vôi răng là biện pháp sử dụng thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để làm sạch vôi răng bám chặt ở chân răng và thân răng. Đây là biện pháp vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.

Cạo vôi răng là kỹ thuật không xâm lấn, có thể áp dụng cho cả người lớn và trẻ em. Phương pháp này hoàn toàn không gây hại mà ngược lại còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Cũng chính vì vậy mà Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tất cả mọi người đều cần phải lấy cao răng định kỳ (1 – 2 lần/ năm) và cần thực hiện thường xuyên hơn nếu mắc các bệnh nha khoa mãn tính.

Lợi ích của việc cạo vôi răng (cao răng)

Cạo vôi răng là biện pháp làm sạch răng chuyên nghiệp được thực hiện tại phòng khám/ bệnh viện. Biện pháp này mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng như:

1. Cải thiện tình trạng hôi miệng

Cao răng tích tụ là nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp. Bởi vôi răng chính là môi trường để vi khuẩn có hại phát triển và tăng bài tiết axit, độc tố. Độc tố từ vi khuẩn chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra mùi hôi khó chịu bên trong khoang miệng. Do đó, lấy vôi răng thường xuyên có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và mang đến tâm lý thoải mái, tự tin hơn khi giao tiếp.

2. Giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa

Vôi răng tích tụ làm gia tăng vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó làm tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh chân răng, áp xe răng, viêm tủy răng,… Thông qua biện pháp cạo vôi răng thường xuyên, nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa sẽ giảm đi đáng kể.

3. Phòng ngừa các bệnh hô hấp trên

Vi khuẩn trong khoang miệng không chỉ tấn công răng, mô nướu và các cơ quan nâng đỡ răng mà còn gây viêm nhiễm hầu họng, thanh quản, amidan và VA. Chính vì vậy, nên cạo vôi răng 2 lần/ năm để giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm hô hấp trên.

4. Giữ hàm răng trắng sáng

Ban đầu, cao răng có màu trắng đục. Tuy nhiên dưới tác động của khói thuốc lá và màu có trong thức ăn, đồ uống, mảng bám dần ngả sang màu vàng, nâu và nâu đen. Tình trạng này khiến cho răng bị ố vàng và mất đi màu sắc trắng sáng vốn có. Do đó, cạo vôi răng định kỳ có thể giữ cho hàm răng trắng sáng và khỏe mạnh.

Cạo vôi răng là gì
Lấy cao răng thường xuyên giúp giữ màu men răng và duy trì hàm răng trắng sáng

5. Làm chậm tiến triển của bệnh nha chu

Viêm nha chu là tình trạng nhiễm khuẩn mãn tính các cơ quan nâng đỡ răng như mô nướu, xê măng, xương ổ răng và dây chằng nha chu. Bệnh lý này gần như không thể điều trị mà chỉ có thể kiểm soát tiến triển thông qua một số biện pháp cải thiện. Trong đó, cạo vôi răng là biện pháp có hiệu quả trong việc làm chậm tiến triển của bệnh lý này.

Quy trình cạo vôi răng tiêu chuẩn

Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa khá đơn giản. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần được thực hiện đúng cách để làm sạch cao răng hoàn toàn và không gây tổn thương răng, nướu cùng với các cơ quan kế cận.

Quy trình cạo vôi răng diễn ra theo trình tự sau:

Bước 1: Khám tổng quát

Trước khi cạo vôi răng, bác sĩ sẽ khám tổng quát để đánh giá lượng cao răng và phát hiện sớm các vấn đề nha khoa. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn về tình trạng răng miệng và chỉ định cạo vôi răng để làm sạch răng miệng. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật như chụp X quang, xét nghiệm,… để chẩn đoán các bệnh lý nha khoa.

Bước 2: Cạo vôi răng

Sau khi tư vấn, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng bằng dụng cụ chuyên dụng. Hiện nay, đa số các nha khoa đã sử dụng thiết bị cạo vôi siêu âm để đánh bật mảng cao răng bám chặt trên thân răng, sau đó sử dụng tia nước phun đẩy để làm sạch cao răng bám chặt vào chân răng và thân răng.

quy trình cạo vôi răng
Cạo vôi răng có quy trình khá đơn giản và thường có thể hoàn thành chỉ trong 1 buổi hẹn (khoảng 30 – 45 phút)

Sau đó, sử dụng ống hút để làm sạch cao răng bong ra trong khoang miệng. Thông thường, cao răng sẽ được làm sạch trong 1 lần hẹn. Tuy nhiên với những người có lượng cao răng quá nhiều, bác sĩ sẽ chia ra 2 lần hẹn để hạn chế tình trạng chảy máu chân răng và tạo sự thoải mái hơn cho khách hàng.

Bước 3: Làm láng gốc răng

Sau khi cạo vôi, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để làm láng bề mặt răng đã cạo vôi để hạn chế tích tụ mảng bám, vôi răng và làm sạch các mảng vôi răng còn sót lại. Đối với những trường hợp có nhiều vôi bên dưới nướu, bác sĩ sẽ hẹn lịch để làm sạch sâu chân răng bên dưới nướu bằng các dụng cụ chuyên biệt.

Bước 5: Đánh bóng răng

Cuối cùng, bác sĩ sẽ thực hiện đánh bóng bề mặt răng để loại bỏ các vết dính còn sót lại. Ngoài ra, đánh bóng còn có thể hạn chế khả năng vôi răng bám trở lại.

Bước 6: Súc miệng với dung dịch sát khuẩn

Sau khi làm sạch răng miệng, bạn cần súc miệng với dung dịch sát khuẩn để loại bỏ mảng bám, cao răng còn sót lại và tiêu diệt vi khuẩn bên trong khoang miệng. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn về biện pháp chăm sóc răng miệng để hạn chế nguy cơ mảng bám và cao răng tích tụ.

Cạo vôi răng có giá bao nhiêu?

Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa thường quy và tất cả các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt đều có thể thực hiện. Biện pháp này có chi phí tương đối thấp, dao động khoảng 100 – 300.000 đồng nếu thực hiện tại các bệnh viện công lập và phòng khám nhỏ.

Tuy nhiên, tại các phòng khám nha khoa quốc tế, chi phí sẽ dao động từ 300 – 600.000 đồng và có thể lên đến 1 triệu đồng trong trường hợp cần làm sạch sâu bên dưới nướu. Trong trường hợp có BHYT, bạn có thể lấy cao răng tại bệnh viện cùng tuyến để được miễn giảm chi phí. Những trường hợp có sử dụng bảo hiểm chi phí cạo vôi răng sẽ rơi vào khoảng dưới 100.000 đồng.

Một số vấn đề lưu ý sau khi cạo vôi răng

Cạo vôi răng là kỹ thuật làm sạch răng chuyên nghiệp. Dù không xâm lấn vào mô nướu nhưng với tác động của dụng cụ, vôi răng ít nhiều sẽ bị tổn thương và kích ứng. Do đó sau khi cạo vôi, răng thường có hiện tượng ê buốt, đau nhức, mô nướu sưng viêm và dễ chảy máu.

quy trình cạo vôi răng
Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau khi cạo vôi để giảm đau nhức, ê buốt và hạn chế tích tụ vôi răng trở lại

Để cải thiện các triệu chứng khó chịu sau khi cạo vôi răng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nếu răng bị đau nhức và ê buốt, nên sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để cải thiện các triệu chứng khó chịu sau khi cạo vôi răng. Sau khoảng 3 – 7 ngày, tình trạng này sẽ thuyên giảm hoàn toàn.
  • Sau khi cạo vôi, răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi ăn uống. Chính vì vậy, bạn nên chải răng nhẹ nhàng, tránh chải quá mạnh và chải răng theo chiều ngang. Tình trạng này sẽ khiến răng bị ê buốt và đau nhức dai dẳng, thậm chí có thể bị chảy máu chân răng.
  • Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn chứa Kẽm và Chlorhexidine để ngăn ngừa viêm nhiễm sau khi cạo vôi răng. Ngoài ra, dùng các dung dịch súc miệng này còn hạn chế hình thành mảng bám và cao răng hiệu quả.
  • Nếu mô nướu bị kích ứng và chảy máu, bạn có thể cải thiện bằng cách ngậm nước muối ấm trong khoảng 5 – 10 phút. Ngoài tác dụng cầm máu và giảm sưng, nước muối ấm còn có hiệu quả kháng khuẩn, ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn và virus có hại.
  • Trường hợp đau nhức nhiều có thể dùng Paracetamol để cải thiện. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết, tránh lạm dụng dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.
  • Sau khi cạo vôi răng, răng sẽ có hiện tượng ê buốt và đau nhức. Do đó, bạn nên dùng thức ăn mềm, nguội, tránh sử dụng thức ăn và đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Sau khoảng 2 – 3 ngày, các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần. Lúc này bạn có thể ăn uống như bình thường nhưng cần giảm lượng đường trong chế độ ăn để hạn chế tích tụ và hình thành mảng bám, vôi răng.

Cạo vôi răng là biện pháp làm sạch có vai trò quan trọng với sức khỏe răng miệng. Chính vì vậy, mỗi người cần tạo thói quen đến nha khoa 6 tháng/ lần để làm sạch cao răng định kỳ. Bên cạnh đó, cần chú ý vệ sinh răng miệng và ăn uống hợp lý để giảm tích tụ mảng bám và vôi răng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Theo dõi tác giả
CHUYÊN GIA TƯ VẤN

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *