Khớp Cắn Sâu: Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị

Khớp cắn sâu là một dạng sai lệch khớp cắn mà răng hàm trên mọc nhô và chìa ra bên ngoài nhiều hơn bình thường. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến chức năng ăn nhai và ngoại hình, thẩm mỹ. Tùy theo vào nguyên nhân, bác sĩ Răng hàm mặt sẽ xem xét niềng răng (chỉnh nha), phẫu thuật chỉnh hàm hoặc kết hợp cả hai phương pháp.

khớp cắn sâu là gì
Khớp cắn sâu là một trong những dạng sai khớp cắn thường gặp

Khớp cắn sâu là gì?

Khớp cắn sâu là một trong những loại sai lệch khớp cắn thường gặp. Theo mô tả của giáo sư  Edward Angel, khớp cắn sâu là sai khớp cắn loại II với đặc điểm là hàm trên nhô ra bên ngoài quá nhiều, dẫn đến tình trạng răng số 6 của hàm trên nằm ở ½ mặt nhai của răng số 5 và số 6 hàm dưới. Trong khi đó, khớp cắn chuẩn là mặt nhai của 2 răng số 6 nằm chồng lên nhau.

Khớp cắn sâu thường xảy ra do răng hô, vẩu. Vì răng và hàm chìa ra ngoài quá mức nên khi ngậm hai hàm lại, răng ở hàm trên che phủ gần hết răng của hàm dưới. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó luôn có vai trò của yếu tố di truyền.

Sai lệch khớp cắn nói chung và khớp cắn sâu nói riêng ảnh hưởng đáng kể đến chức năng ăn nhai. Tùy vào mức độ sâu của khớp cắn, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, vì khớp cắn sâu không gây đau nên nhiều người chủ quan không thăm khám và điều trị. Hậu quả là răng, xương hàm và các cơ quan khác bị tổn thương nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ra khớp cắn sâu

Khớp cắn được tạo thành từ răng và xương hàm. Vì vậy, khớp cắn sâu thường bắt nguồn từ sự bất thường của hai cơ quan này. Theo thống kê, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khớp cắn sâu. Trong đó, di truyền được xem là nguyên nhân chính.

Các nguyên nhân gây ra tình trạng khớp cắn sâu:

1. Do xương hàm trên phát triển quá mức

Xương hàm trên và dưới thường được phát triển đồng đều để tạo ra sự tương quan giữa răng hàm trên và hàm dưới. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, xương hàm trên có thể phát triển dài và chìa ra bên ngoài nhiều hơn bình thường. Kích thước hàm quá lớn hoặc cung hàm nhỏ khiến răng mọc chìa ra bên ngoài dẫn đến tình trạng hô, vẩu và khớp cắn sâu.

2. Di truyền

Đặc điểm của răng thường có tính chất di truyền. Vì vậy, bạn cũng có thể bị khớp cắn sâu nếu bố, mẹ và anh chị em trong nhà gặp phải tình trạng này. Di truyền cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề nha khoa như răng khôn mọc lệch, men răng mỏng, nhạy cảm,…

3. Do các thói quen xấu

Ngoài yếu tố di truyền và xương hàm phát triển quá mức, khớp cắn sâu còn có thể do các thói quen xấu như:

khớp cắn sâu là gì
Mút tay, đẩy lưỡi là các thói quen xấu có thể gây ra tình trạng khớp cắn sâu
  • Không nhổ răng sữa kịp thời: Khi thay răng, răng sữa phải được nhổ đúng thời điểm để mầm răng vĩnh viễn có thể phát triển và mọc thẳng. Những trường hợp nhổ răng sữa muộn thường gặp phải tình trạng răng mọc lệch và chìa ra bên ngoài. Vì vậy, rất có thể tình trạng khớp cắn sâu bắt nguồn từ thói quen không nhổ răng sữa kịp thời.
  • Mút tay, đẩy lưỡi: Thói quen mút tay, đẩy lưỡi khiến cho răng cửa và răng nanh chìa ra bên ngoài. Nếu duy trì thói quen này trong một thời gian dài, răng hàm trên có thể nhô ra bên ngoài nhiều hơn bình thường và dẫn đến tình trạng hô, vẩu.
  • Nghiến răng: Nghiến răng vào ban đêm cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây khớp cắn sâu. Khi nghiến răng, răng sẽ phải chịu áp lực nhất định và có xu hướng chìa ra bên ngoài. Ngoài ra, thói quen này cũng gia tăng nguy cơ mòn men răng, đau khớp thái dương hàm và các vấn đề nha khoa khác.

Phân loại mức độ nghiêm trọng của khớp cắn sâu

Thông thường, răng hàm trên sẽ nhô ra và che phủ từ 2 – 3mm răng hàm dưới. Tuy nhiên, ở người bị khớp cắn sâu, độ che phủ sẽ nhiều hơn 3mm. Dựa vào mức độ sâu của khớp cắn, bác sĩ sẽ phân loại tình trạng này thành 2 mức độ là trung bình và nghiêm trọng.

  • Khớp cắn sâu mức độ trung bình: Độ sâu của khớp cắn dao động từ 4 – 8mm, xương hàm hoặc răng nhô ra bên ngoài nhiều hơn bình thường.
  • Khớp cắn sâu mức độ nghiêm trọng: Mức độ nghiêm trọng được xác định khi răng hàm trên che phủ đến 9mm răng hàm dưới. Đối với những trường hợp này, bắt buộc phải can thiệp các phương pháp khắc phục để phòng ngừa tác hại và hậu quả lâu dài.

Tác hại của khớp cắn sâu

Khớp cắn sâu ảnh hưởng đáng kể đến chức năng ăn nhai. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài còn làm gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Chính vì vậy, bạn cần can thiệp các biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ sức khỏe.

Để chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị, cần hiểu rõ tác hại của khớp cắn sâu:

1. Giảm chức năng ăn nhai

Khớp cắn được tạo thành bởi răng hàm trên và răng hàm dưới. Khớp cắn chuẩn giúp răng dễ dàng cắn, xé và nghiền nát thức ăn. Trường hợp khớp cắn sâu và khớp cắn ngược đều ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.

điều trị khớp cắn sâu
Khớp cắn sâu thường gây khó khăn khi ăn nhai và đôi khi gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu

Mức độ ảnh hưởng của tình trạng này không quá rõ rệt – nhất là trong trường hợp khớp cắn không sâu quá 8mm. Tuy nhiên về lâu dài, chức năng ăn nhai sẽ thuyên giảm đáng kể và gây ra khá nhiều vấn đề khi ăn uống.

2. Tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa

Khớp cắn sâu khiến cho quá trình ăn nhai diễn ra khó khăn và thức ăn không được nghiền nát kỹ trước khi di chuyển vào dạ dày, đường ruột. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, đau dạ dày và trào ngược dạ dày – thực quản.

3. Gây đau khớp thái dương hàm

Hoạt động ăn nhai là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa khớp thái dương hàm, xương hàm, răng, lưỡi và các cơ. Khi bị khớp cắn sâu, xương hàm phải dùng lực mạnh hơn để có thể nghiền nát thức ăn. Vì vậy, khớp thái dương hàm rất dễ bị kích thích dẫn đến sưng đau và khó chịu.

điều trị khớp cắn sâu
Sai lệch khớp cắn nói chung và khớp cắn sâu nói riêng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm khiến cho chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến cho bạn gặp khó khăn khi giao tiếp do khó há miệng và phát âm. Nếu không cải thiện kịp thời, khớp thái dương hàm có thể bị tổn thương nặng và bắt buộc phải can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu.

4. Gia tăng các vấn đề nha khoa

Khớp cắn sâu là yếu tố thuận lợi gia tăng các vấn đề nha khoa như:

  • Mòn men răng: Khớp cắn sâu khiến cho bạn phải dùng lực mạnh để nghiền nát thức ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mòn men răng. Như đã biết, men răng là lớp ngoài cùng bảo vệ ngà răng và tủy răng. Hiện tượng mòn men sẽ khiến cho răng dễ bị tổn thương và ê buốt khi ăn uống.
  • Sâu răng: Sai lệch khớp cắn khiến cho quá trình ăn nhai phải dùng nhiều lực hơn bình thường. Do đó, lớp men ngoài cùng dễ bị tổn thương và điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn Streptococcus mutans xâm nhập gây sâu răng. Sâu răng không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tủy răng, hoại tử tủy, áp xe quanh chóp răng và nhiều biến chứng nặng nề khác.

5. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, khớp cắn sâu còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vì răng mọc nhô ra bên ngoài quá nhiều nên khi nói hoặc cười, răng hàm dưới sẽ bị che phủ gần hết và dễ gây ra tình trạng cười hở lợi. Ngoài ra, những người bị hô, vẩu do xương hàm trên phát triển quá mức thường có cấu trúc khuôn mặt không cân đối.

Khớp cắn sâu ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và ảnh hưởng này dễ dàng nhận biết hơn so với tác hại đối với chức năng ăn nhai hay sức khỏe răng miệng. Đây cũng là lý do nhiều người tìm gặp bác sĩ Răng hàm mặt để khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn.

Cách phương pháp điều trị khớp cắn sâu

Khớp cắn sâu có thể được cải thiện bằng cách chỉnh nha – niềng răng hoặc phẫu thuật chỉnh hàm. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp cả 2 phương pháp để mang lại kết quả tốt nhất.

1. Niềng răng (chỉnh nha)

Niềng răng (chỉnh nha) là phương pháp điều trị sai lệch khớp cắn hiệu quả. Phương pháp này sử dụng mắc cài hoặc máng niềng để dịch chuyển vị trí của răng. Niềng răng giúp các răng mọc nhô, chìa ra bên ngoài trở về đúng vị trí, từ đó tạo ra hàm răng đều và khớp cắn chuẩn. Đối với răng hô, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thun kéo liên hàm để tạo sự hài hòa giữa hàm trên và hàm dưới.

điều trị khớp cắn sâu
Niềng răng – chỉnh nha là giải pháp tối ưu trong trường hợp khớp cắn sâu

Trường hợp khớp cắn không quá sâu có thể áp dụng phương pháp niềng răng bằng mắc cài trong suốt. Phương pháp này dùng máng niềng có màu sắc trong suốt để dịch chuyển vị trí của răng.

So với mắc cài, máng niềng trong suốt không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và rất khó để có thể nhìn thấy khi giao tiếp, gặp gỡ. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là chi phí đắt đỏ và đôi khi không thể áp dụng trong trường hợp khớp cắn sâu có mức độ nặng.

Tùy vào mức độ sâu của khớp cắn, thời gian niềng răng sẽ kéo dài từ 12 – 36 tháng. Sau đó, bạn cần phải sử dụng hàm duy trì để tránh tình trạng răng “chạy” về vị trí cũ. Nhìn chung, chỉnh nha mang lại hiệu quả cao trong việc khắc phục răng hô vẩu gây khớp cắn sâu. Phương pháp này cũng giúp cải thiện khớp cắn ngược và khớp cắn hở do răng mọc lệch lạc, chen chúc.

2. Phẫu thuật chỉnh hàm hô

Phẫu thuật chỉnh hàm hô được cân nhắc khi khớp cắn sâu xảy ra do xương hàm trên phát triển quá mức. Tuy nhiên, phẫu thuật thường tốn nhiều chi phí và có quy trình phức tạp nên chỉ được áp dụng khi xương hàm trên quá lớn đi kèm với tình trạng hở lợi khi cười, nói.

răng bị khớp cắn sâu
Trường hợp khớp cắn sâu do xương hàm phát triển quá mức sẽ được xem xét phẫu thuật để mang lại kết quả tốt nhất

Phẫu thuật chỉnh hàm hô được thực hiện nhằm cắt ngắn bớt xương hàm để giảm mức độ chìa ra bên ngoài. Trong một số trường hợp, cần phải tiến hành niềng răng sau khi phẫu thuật để đạt kết quả tốt nhất. Ngoài tốn kém chi phí, phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và mất thời gian dài để hồi phục. Do đó, phương pháp này thường được cân nhắc trong những trường hợp thực sự cần thiết.

Phòng ngừa khớp cắn sâu bằng cách nào?

Khớp cắn sâu không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn khiến cho khuôn mặt mất cân đối và làm giảm sự tự tin khi gặp gỡ, giao tiếp. Mặc dù phần lớn nguyên nhân là do di truyền nhưng bạn cũng có thể giảm nguy cơ mắc phải tình trạng này một số cách đơn giản sau:

răng bị khớp cắn sâu
Đeo hàm trainer trong thời gian thay răng có thể phòng ngừa tình trạng răng hô vẩu, khớp cắn sâu và hở
  • Nhổ răng sữa đúng thời điểm là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa khớp cắn sâu và các dạng sai lệch khớp cắn khác.
  • Dặn dò trẻ không được mút tay và đẩy lưỡi.
  • Nếu mắc chứng nghiến răng khi ngủ, nên thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa khớp cắn sâu cùng với các vấn đề nha khoa khác.
  • Khớp cắn sâu có thể được phòng ngừa nếu đeo hàm trainer khi thay răng. Với sự hỗ trợ của khí cụ này, răng sẽ mọc thẳng và ít xảy ra tình trạng mọc chìa ra ngoài, mọc chen chúc và lệch lạc.
  • Khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện sớm các vấn đề nha khoa. Can thiệp kịp thời các biện pháp cải thiện sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các vấn đề nha khoa như mòn men răng, sâu răng,…

Khớp cắn sâu là tình trạng khá phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện nếu nghi ngờ gặp phải tình trạng này. Nếu thăm khám sớm, các phương pháp điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và thời gian áp dụng sẽ được rút ngắn đáng kể.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Theo dõi tác giả
CHUYÊN GIA TƯ VẤN

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *