Từ lâu, răng khểnh được xem là đặc điểm riêng giúp tạo sự duyên dáng và đặc biệt cho nụ cười. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết răng khểnh là gì, nằm ở vị trí số mấy. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về răng khểnh và những điều thú vị có liên quan đến chiếc răng đặc biệt này.
Răng khểnh là gì? Nằm ở răng số mấy?
Răng khểnh là răng nằm ở vị trí số 3 hay còn gọi là răng nanh. Tuy nhiên, răng khểnh không phải là răng mọc thẳng mà mọc hơi chếch ra bên ngoài. Do đó, răng khểnh còn được gọi là răng nanh mọc lệch. Răng có thể mọc lệch ở cả hai bên nhưng thường chỉ mọc lệch ở một bên.
Răng nanh là răng có vai trò xé thức ăn và hỗ trợ răng cửa cắn một số loại thức ăn có kích thước lớn. Nhìn chung, răng ở vị trí này không có chức năng sinh lý quá quan trọng nên việc mọc lệch, chen chúc không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý.
Có răng khểnh là đẹp hay xấu?
Có răng khểnh là đẹp hay xấu là băn khoăn của khá nhiều bạn đọc. Về cơ bản, hàm răng đẹp là hàm răng trắng, tất cả các răng mọc thẳng, đều và phù hợp với khuôn miệng. Tuy nhiên theo quan niệm của một số quốc gia, răng khểnh mới chính là nét “duyên ngầm”.
Khi cười tươi, chiếc răng khểnh sẽ lộ ra tô điểm cho nụ cười giúp khuôn mặt trở nên thu hút và ấn tượng hơn. Răng khểnh ở cả nam và nữ giới đều được xem là vẻ đẹp riêng mà không phải ai cũng may mắn có được.
Tuy nhiên, không phải răng khểnh nào cũng đẹp. Răng khểnh chỉ mang lại hiệu quả thẩm mỹ khi mọc cân đối, chếch ra khỏi một khoảng vừa phải, không nhô quá cao, kích thước vừa phải và không quá nhọn. Ngoài ra, răng khểnh chỉ trở nên nổi bật nếu mọc ở hàm trên và tất cả các răng trên cung hàm mọc thẳng, đều.
Lý do răng khểnh hình thành
Răng khểnh thực chất là răng nanh mọc lệch. Vì vậy, các lý do chính dẫn đến tình trạng này là do cung hàm nhỏ và không nhổ răng sữa kịp thời. Tuy nhiên, một lý do phổ biến khác tạo nên răng khểnh là do can thiệp các biện pháp thẩm mỹ.
Dưới đây là một số lý do răng khểnh hình thành:
1. Do cung hàm nhỏ khiến răng mọc lệch
Cung hàm của mỗi người sẽ có kích thước khác nhau. Người có cung hàm nhỏ sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng răng mọc lệch. Do không có đủ không gian để mọc nên một số vị trí sẽ mọc chen chúc và đôi khi răng số 3 sẽ mọc chếch ra bên ngoài tạo thành răng khểnh.
Trong trường hợp cung hàm quá nhỏ và kích thước răng lớn, không chỉ riêng răng nanh mà các răng khác cũng sẽ xảy ra hiện tượng mọc lệch. Nếu cung hàm có quá nhiều răng mọc lệch, răng khểnh sẽ không mang lại hiệu quả thẩm mỹ. Ngược lại, tình trạng này còn gây ra nhiều vấn đề trong quá trình ăn uống và giao tiếp.
2. Do không nhổ răng sữa kịp thời
Thông thường, mầm răng vĩnh viễn sẽ hình thành ở bên dưới cung hàm ngay từ những năm đầu đời. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn từ 6 – 12 tuổi, các mầm răng mới nhú lên để thay thế cho răng sữa.
Lúc này, răng sữa sẽ có hiện tượng lung lay và cần phải nhổ bỏ sớm để có không gian cho răng vĩnh viễn phát triển. Nếu không nhổ bỏ kịp thời, răng vĩnh viễn sẽ có hiện tượng mọc lệch tạo thành răng khểnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp răng mọc chếch vào bên trong khiến cho hàm răng mất đi vẻ đẹp vốn có.
3. Do can thiệp các biện pháp thẩm mỹ
Cho đến nay, răng khểnh và má lúm đồng tiền vẫn được xem là nét duyên ngầm mà không phải ai cũng may mắn có được. Do đó, nhiều người can thiệp các biện pháp thẩm mỹ để sở hữu chiếc răng khểnh duyên dáng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, bác sĩ có thể đắp composite hoặc bọc răng sứ để tạo răng khểnh nhân tạo.
Ngoài những nguyên nhân trên, răng khểnh cũng có thể là đặc điểm di truyền và một số thói quen xấu như thường xuyên dùng răng nanh cắn xé vật cứng, đẩy lưỡi,…
Răng khểnh và những rủi ro tiềm ẩn
Nếu như các răng khác mọc chen chúc khiến cho cung hàm trở nên lộn xộn, thiếu cân đối thì răng nanh mọc lệch lại tạo điểm nhấn cho nụ cười và khuôn mặt. Tuy nhiên, răng mọc chen chúc, lệch lạc lại chính là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc phải một số vấn đề nha khoa.
Răng khểnh thường khó làm sạch hơn so với răng mọc thẳng, đều. Răng mọc chếch ra bên ngoài nên sẽ tạo ra không gian để thức ăn và mảng bám tích tụ. Vì vậy, răng khểnh sẽ dễ bị sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, viêm tủy răng cao hơn những vị trí khác trong cung hàm.
Ngoài ra, răng nanh mọc lệch quá nhiều cũng gây ra tình trạng sai lệch khớp cắn khiến cho việc ăn nhai trở nên khó khăn. Lệch khớp cắn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa do thức ăn không được nhai kỹ, đồng thời tăng tỷ lệ bị mòn men răng và đau khớp thái dương hàm.
Trường hợp răng khểnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng bắt buộc phải can thiệp điều chỉnh để tránh những hậu quả lâu dài. Nếu răng nanh chỉ mọc lệch nhẹ, các răng trên cung hàm mọc đều và không bị lệch khớp cắn, bạn vẫn có thể giữ răng khểnh để tô điểm cho nụ cười.
Tuy nhiên về bản chất, răng khểnh là răng mọc lệch nên sẽ có nguy cơ cao bị sâu răng, viêm lợi do khó làm sạch hơn những vị trí khác. Vì vậy, khi có răng khểnh, cần phải có biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Hướng dẫn chăm sóc khi có răng khểnh
Răng khểnh sẽ tạo ra khoảng trống với răng số 2 và răng số 4. Đây là vị trí thức ăn dễ bám vào tạo thành mảng bám – môi trường thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển. Khi có răng khểnh, bạn cần phải chăm sóc răng miệng kỹ hơn bình thường. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn chăm sóc răng hiệu quả và giảm thiểu tối đa các vấn đề răng miệng có thể gặp phải.
1. Chú ý thói quen vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng là biện pháp cần được thực hiện hằng ngày để ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa và duy trì được chức năng sinh lý của răng. Khi có răng khểnh, việc này cần phải được thực hiện kỹ càng hơn vì răng mọc lệch sẽ khiến cho vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn.
Một số lưu ý khi vệ sinh răng miệng trong trường hợp có răng khểnh:
- Chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải có lông mềm, mảnh. Khi chải răng, nên chú ý làm sạch răng khểnh và các răng lân cận để đảm bảo mảng bám, thức ăn thừa được loại bỏ hoàn toàn.
- Sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng – đặc biệt là kẽ răng xung quanh răng sống 3.
- Dùng các sản phẩm nước súc miệng chuyên dụng để tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Nếu thường xuyên bị sâu răng, bạn nên dùng sản phẩm có chứa fluor và Chlorhexidine để ngăn ngừa sâu răng tái phát.
- Ngoài các biện pháp trên, bạn cũng cần chải lưỡi 1 – 2 lần/ tuần bởi đây là vị trí vi khuẩn dễ bám vào và phát triển.
Đối với răng khểnh nhân tạo nhờ công nghệ bọc sứ và đắp composite, bạn cần hạn chế chải răng quá mạnh ở vị trí này. Khi làm sạch răng, có thể dùng bàn chải kẽ để dễ dàng làm sạch mảng bám và thức ăn tích tụ.
2. Hạn chế một số loại thức ăn, đồ uống
Răng mọc lệch chính là điều kiện thuận lợi để mảng bám tích tụ và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên hạn chế dùng một số loại thức ăn và đồ uống như thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, các loại thức uống chứa nhiều axit và có màu đậm như cà phê, nước ngọt có gas,…
Khi dùng các loại thực phẩm và đồ uống kể trên, bạn nên súc miệng ngay với nước sạch và đợi 30 phút sau đó chải răng. Trong trường hợp không tiện đánh răng, có thể dùng kẹo cao su không đường để làm sạch thức ăn thừa và ngăn ngừa hình thành mảng bám.
3. Khám nha khoa định kỳ
Ngay cả khi không có răng khểnh, bạn vẫn cần khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần hoặc ít nhất 1 lần/ năm. Khoang miệng có hơn 2 tỷ vi khuẩn và chúng sinh sôi, phát triển mỗi ngày. Khi có điều kiện thuận lợi, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh gây tổn thương men răng và tổ chức nha chu.
Các vấn đề nha khoa thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó, nếu chủ quan không thăm khám định kỳ, răng có thể bị tổn thương và phải nhổ bỏ. Trong trường hợp làm răng khểnh nhân tạo, bạn cần phải kiểm tra răng thường xuyên hơn và thay thế khi cần thiết.
Các biện pháp điều chỉnh răng khểnh
Răng khểnh được xem là nét duyên ngầm, tạo sự duyên dáng và ấn tượng khi cười, giao tiếp. Tuy nhiên, nếu răng khểnh không mang lại hiệu quả thẩm mỹ hoặc đã xuất hiện các vấn đề nha khoa, bạn nên điều chỉnh răng mọc lệch sớm nhất có thể để tránh những hậu quả lâu dài.
Dưới đây là một số biện pháp được áp dụng để điều chỉnh tình trạng răng khểnh:
1. Niềng răng (chỉnh nha)
Niềng răng (chỉnh nha) là phương pháp tối ưu trong trường hợp răng mọc lệch lạc, chen chúc, sai khớp cắn, dư răng, thiếu răng, răng thưa,… Phương pháp này sử dụng hệ thống mắc cài hoặc khay niềng để điều chỉnh vị trí của răng một cách từ từ.
Niềng răng là phương pháp khắc phục tình trạng răng khểnh hiệu quả nhưng mất khá nhiều thời gian (khoảng 6 – 36 tháng tùy vào tình trạng cụ thể). Chỉnh nha tác động đến toàn bộ cung hàm nên sẽ thích hợp với những trường hợp răng khểnh chìa ra bên ngoài nhiều, khớp cắn lệch, khó ăn nhai,…
Trong trường hợp răng chỉ mọc chếch ra ngoài không đáng kể, khớp cắn không bị lệch và các răng còn lại mọc đều, bạn không nhất thiết phải niềng răng. Ngoài nhược điểm là mất nhiều thời gian, phương pháp này còn có một hạn chế khác là chi phí cao.
2. Chỉnh răng bằng bọc sứ
Ngoài niềng răng, bạn cũng có thể điều chỉnh răng khểnh bằng phương pháp bọc sứ. Phương pháp này thích hợp với những trường hợp răng mọc chìa ra bên ngoài không nhiều và các răng trên cung hàm mọc đều, không gặp phải tình trạng mọc lệch, mọc chen chúc.
Bọc răng sứ sử dụng chất liệu sứ cao cấp tạo hình giống như răng thật từ kích thước cho đến màu sắc. Tuy nhiên, phần bên trong răng rỗng hoàn toàn để có không gian cho răng thật. Trước khi bọc răng sứ, bác sĩ sẽ mài bớt phần răng chìa ra bên ngoài và tạo hình răng sứ có hình dáng phù hợp.
Sau khi bọc sứ, răng khểnh sẽ được điều chỉnh mọc thẳng lại như các răng khác. Khi răng đã mọc thẳng lại và không có hiện tượng chen chúc, quá trình vệ sinh răng miệng sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Từ đó có thể hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa và giúp răng giữ được vẻ ngoài trắng sáng.
Khi nào cần nhổ răng khểnh?
Răng khểnh vẫn có thể thực hiện chức năng cắn, xé thức ăn nhưng kém hơn so với răng nanh mọc thẳng. Tuy nhiên, răng ở vị trí này không giữ vai trò quá quan trọng. Vì vậy, răng khểnh gần như không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai. Do đó nếu răng khểnh mọc đẹp và hài hòa, bạn có thể giữ lại để tạo nét đặc biệt cho bản thân.
Trong trường hợp răng khểnh gây cản trở quá trình ăn nhai và đã gây ra các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm lợi, viêm quanh chân răng,… cần điều trị các bệnh lý này dứt điểm. Sau đó, tiến hành bọc răng sứ hoặc chỉnh nha để điều chỉnh lại răng khểnh. Có như vậy mới có thể ngăn ngừa mảng bám hình thành và hạn chế tối đa các vấn đề nha khoa.
Răng khểnh không nhất thiết phải nhổ bỏ bởi mỗi răng đều giữ vai trò nhất định. Việc nhổ bỏ răng sẽ gây tiêu xương hàm và làm lệch lạc toàn bộ răng trên cung hàm. Trừ những trường hợp răng khểnh bị tổn thương nặng không thể khắc phục, bác sĩ sẽ lựa chọn bảo tồn răng thay vì nhổ bỏ.
Răng khểnh thường phải nhổ bỏ trong trường hợp thừa răng khi chỉnh nha, răng bị gãy phần thân và hư hại nặng do các bệnh nha khoa. Trong trường hợp không dư răng, bác sĩ buộc phải trồng răng Implant ngay sau khi nhổ răng khểnh.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ về răng khểnh và những thông tin có liên quan. Để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc răng khểnh, bạn có thể tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Ngoài ra, nên tập thói quen khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề nha khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!