Răng Ố Vàng: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả

Răng ố vàng, xỉn màu ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình và sự tự tin khi giao tiếp. Để khắc phục tình trạng này hiệu quả, cần xác định nguyên nhân và tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp hiệu quả nhất.

Răng ố vàng là gì?

Bên ngoài răng là lớp men răng có cấu tạo rất cứng chắc. Nhiều người cho rằng men răng có màu trắng nhưng trên thực tế, men răng có màu trong suốt và có khả năng phản chiếu. Màu sắc của răng chính là màu của ngà răng bên trong.

Răng ố vàng xảy ra khi men răng bị nhiễm màu và chuyển sang màu vàng, nâu khiến cho răng trở nên ố vàng và tối màu hơn bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra với một vài răng cụ thể hoặc xảy ra ở toàn bộ răng trên cung hàm. Trên thực tế, người Việt rất ít khi quan tâm đến răng miệng. Do đó, nhiều người bỏ qua tình trạng răng ố vàng khiến cho mức độ sậm màu nghiêm trọng hơn theo thời gian.

răng ố vàng là bệnh gì
Răng ố vàng khiến cho bề mặt răng sẫm màu hơn bình thường

Các dấu hiệu nhận biết răng ố vàng:

  • Màu sắc răng trở nên vàng hơn so với trước kia
  • Bề mặt răng có các đốm màu nâu khiến cho răng không đều màu
  • Hiện tượng ố vàng có thể xảy ra ở cả mặt trong và mặt ngoài của răng
  • Răng ố vàng không gây đau nhức hay ê buốt – trừ những trường hợp có liên quan đến các vấn đề nha khoa
  • Trong một số trường hợp, tình trạng răng xỉn màu có thể đi kèm với mùi hôi trong khoang miệng.

Răng ố vàng là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Trẻ nhỏ ít gặp phải tình trạng này hơn do răng mới mọc và chưa bị nhiễm màu từ thực phẩm, thức uống.

Nguyên nhân khiến răng bị ố vàng, sậm màu

Răng xỉn màu, ố vàng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định nguyên nhân là bước đầu để có thể cải thiện tình trạng này triệt để và ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, răng ố vàng có thể liên quan đến những nguyên nhân sau:

1. Do thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng răng xỉn màu. Thói quen này cũng có liên quan đến một loạt các vấn đề nha khoa như mòn men răng, sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Men răng bị ngả màu là do sử dụng các loại thực phẩm có màu đậm và chứa nhiều axit như chanh, me, cóc, củ dền, cà chua, sốt cà, bò kho.

nguyên nhân răng ố vàng
Dùng thức ăn, đồ uống có màu đậm là một trong những nguyên nhân khiến răng bị ố vàng

Ngoài ra, dùng trà đặc, cà phê và rượu bia thường xuyên cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng ố màu men răng. Màu sắc trong các loại thức uống và thực phẩm này sẽ bám lên bề mặt răng, lâu dần sẽ khiến cho răng bị ố vàng và xỉn màu.

2. Vệ sinh răng miệng kém

Trong khoang miệng có khoảng 700 chủng vi khuẩn khác nhau. Trong đó, các hại khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng khi có thức ăn thừa. Nếu không vệ sinh răng miệng sạch, thức ăn sẽ bị vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và chuyển hóa thành cao răng. Cao răng tích tụ nhiều là yếu tố thuận lợi gây ra một loạt các vấn đề nha khoa và khiến cho răng xỉn màu, mất đi vẻ trắng sáng vốn có.

Cao răng có màu vàng nhạt, sau đó chuyển dần sang màu vàng nâu, nâu nhạt và nâu đậm. Các mảng cao răng bám trên bề mặt răng khiến cho răng ố vàng, xỉn màu. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém còn khiến cho màu trong thức ăn, đồ uống bám lâu dài ở trên men răng khiến cho răng ngả màu.

3. Di truyền, bẩm sinh

Tương tự như các đặc điểm khác trên cơ thể, các đặc điểm của răng cũng có thể di truyền từ gia đình. Nếu gia đình có men răng mỏng, răng ố vàng và nhạy cảm, nhiều khả năng bạn cũng sẽ di truyền những đặc điểm như vậy.

4. Ảnh hưởng của một số loại thuốc

Sử dụng kháng sinh Tetracycline cho trẻ nhỏ hoặc dùng thuốc trong thai kỳ, thời gian cho con bú là nguyên nhân phổ biến khiến răng bị ố vàng. Nếu như các nguyên nhân khác dễ cải thiện thì răng xỉn màu do kháng sinh rất khó khắc phục hoàn toàn. Hơn nữa, bề mặt răng thường có màu rất sậm và điều này ảnh hưởng đáng kể đến sự tự tin khi giao tiếp.

nguyên nhân răng ố vàng
Một số loại thuốc có thể khiến cho răng bị sậm màu tạm thời hoặc vĩnh viễn

Ngoài ra, răng ố vàng cũng có thể do dùng nước súc miệng chứa Chlorhexidine. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khi ngưng sử dụng khoảng 1 – 2 tháng. Cũng vì lý do này, các loại nước súc miệng chứa Chlorhexidine được khuyến cáo dùng định kỳ 1 – 2 chai/ năm hoặc chỉ dùng khi điều trị các bệnh về răng miệng.

5. Do các bệnh lý răng miệng

Răng xỉn màu, ố vàng cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của các vấn đề nha khoa. Như đã biết, men răng là bộ phận nằm ngoài cùng có vai trò bảo vệ răng khỏi những tác động có hại. Do đó, khi răng gặp vấn đề, men răng sẽ có hiện tượng ngả màu, đôi khi đi kèm với tình trạng mòn men và nhạy cảm.

Các bệnh lý răng miệng có thể khiến cho răng bị ố vàng, xỉn màu:

  • Sâu răng
  • Viêm tủy răng
  • Mòn men răng
  • Thiểu sản men răng
  • Răng chết tủy (hoại tử tủy)
  • Viêm nha chu

Các bệnh lý này đều khiến cho men răng trở nên sậm màu hơn so với bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể cải thiện bằng các phương pháp thông thường. Nhưng cũng có trường hợp sẽ phải can thiệp các biện pháp xâm lấn mới có thể khắc phục triệt để tình trạng này.

6. Thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá là thói quen xấu gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe, trong đó bao gồm cả vấn đề vàng răng. Các thành phần trong thuốc lá vốn dĩ không có màu. Tuy nhiên, ngay sau khi tiếp xúc với oxy trong không khí sẽ chuyển thành màu nâu vàng. Dần dần, màu nâu vàng trong khói thuốc sẽ bám vào niêm mạc miệng, môi và bề mặt răng.

nguyên nhân răng ố vàng
Các hóa chất trong thuốc lá có thể khiến cho bề mặt răng bị ngả sang màu vàng, nâu vàng hoặc nâu đậm

Những người hút thuốc lá lâu năm thường phải đối mặt với tình trạng răng ố vàng, môi thâm và có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh răng miệng như sâu răng, hôi miệng, viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG). Bên cạnh những tác hại đối với răng miệng, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác như phổi, tim mạch, các tuyến nội tiết, gan và hệ thần kinh trung ương.

7. Một số nguyên nhân khác

Răng ố vàng, xỉn màu có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân đã được đề cập, tình trạng này còn có liên quan đến những nguyên nhân và yếu tố sau:

  • Sử dụng quá nhiều fluoride
  • Tiền sử hóa xạ trị vùng đầu cổ
  • Men răng bị thoái hóa do tuổi tác
  • Có thói quen nghiến răng và dùng răng cắn xé các vật cứng
  • Chấn thương

Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho răng bị xỉn màu. Trong một số trường hợp, tình trạng này là hệ quả của nhiều nguyên nhân và yếu tố kết hợp. Để cải thiện màu sắc của răng, bạn cần xác định được nguyên nhân cụ thể.

Răng ố vàng có ảnh hưởng gì không?

Răng vàng, xỉn màu là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Tình trạng này ảnh hưởng chủ yếu đến thẩm mỹ và hoàn toàn không gây đau, khó chịu hay ê buốt khi ăn uống. Răng vàng khiến nhiều người mất đi sự tự tin khi cười nói, gặp gỡ. Ngoài ra, vàng răng còn có thể đi kèm với tình trạng hơi thở có mùi.

Mặc dù răng ố vàng chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng bạn cũng nên xem xét các vấn đề nha khoa có thể đi kèm như mòn men răng, sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng,… Các bệnh lý này khiến cho răng bị xỉn màu, đau nhức và gặp khó khăn khi ăn uống. Nếu nhận thấy hiện tượng răng vàng đi kèm với các biểu hiện bất thường, bạn nên sắp xếp thời gian đến nha khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Cách khắc phục tình trạng răng ố vàng hiệu quả

Răng ố vàng, xỉn màu gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt và ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, thẩm mỹ. Vì những lý do này, bạn nên thực hiện ngay các biện pháp cải thiện. Nên bắt đầu bằng các biện pháp tại nhà và có thể xem xét thực hiện các phương pháp chuyên sâu hơn nếu không nhận thấy hiệu quả.

Các phương pháp khắc phục tình trạng răng ố vàng, xỉn màu hiệu quả:

1. Thay đổi thói quen xấu

Răng ngả vàng, xỉn màu thường có liên quan đến các thói quen xấu khi ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, bước đầu tiên bạn cần thực hiện là thay đổi các thói quen xấu. Sau một thời gian, men răng sẽ được phục hồi mà không nhất thiết phải đến nha khoa.

nguyên nhân răng ố vàng
Cần tránh thói quen đánh răng quá mạnh và dùng các sản phẩm tẩy trắng răng không rõ nguồn gốc

Để cải thiện tình trạng răng ố vàng, bạn nên thay đổi các thói quen xấu sau:

  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống đậm màu như socola, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas, các món ăn được chế biến từ phẩm màu,…
  • Nên dùng ống hút đặt sâu bên trong khoang miệng để tránh bề mặt răng tiếp xúc với các loại thức uống đậm màu.
  • Cai thuốc lá trong thời gian sớm nhất. Không chỉ giúp ích trong việc cải thiện tình trạng răng ố vàng, bỏ thuốc lá còn giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và hạn chế mắc các bệnh mãn tính liên quan đến gan, tim mạch.
  • Không dùng răng cắn các vật cứng hoặc xé bao bì.
  • Nếu có thói quen nghiến răng, bạn nên giảm căng thẳng và sử dụng dụng cụ chống nghiến răng để giảm áp lực lên men răng.
  • Không nên chải răng quá mạnh hoặc dùng các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều axit.
  • Ngoài ra, nên tránh lạm dụng các sản phẩm tẩy trắng răng tại nhà – nhất là sản phẩm kém chất lượng. Sử dụng các sản phẩm này khiến cho men răng bị mài mòn và tình trạng răng ố vàng, ngả màu nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Các thói quen xấu trên không chỉ ảnh hưởng đến men răng mà còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa. Chính vì vậy, bạn đọc nên cải thiện những thói quen trên trong thời gian sớm nhất.

2. Các biện pháp cải thiện tại nhà

Trong trường hợp răng ố vàng ở mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà như:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện phần nào tình trạng răng xỉn màu và ố vàng. Ngoài việc chải răng 2 – 3 lần/ ngày, bạn nên dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng hỗ trợ làm trắng răng để cải thiện tình trạng hiệu quả hơn.
  • Sử dụng nguyên liệu tự nhiên: Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng, bạn có thể dùng một số nguyên liệu tự nhiên để cải thiện tình trạng răng xỉn màu, ố vàng. Các nguyên liệu này phần nào có thể loại bỏ mảng màu bám trên bề mặt răng và giúp răng lấy lại vẻ trắng sáng vốn có. Các nguyên liệu tự nhiên có thể dùng để tẩy trắng răng bao gồm giấm táo, dầu dừa, baking soda (muối nở), than hoạt tính,…
  • Dùng sản phẩm hỗ trợ: Hiện nay, một số hãng đã sản xuất các sản phẩm hỗ trợ tẩy trắng răng như kem đánh răng, nước súc miệng có bổ sung các hoạt chất làm trắng răng. Các sản phẩm này có thể cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu có mức độ nhẹ và duy trì hàm răng trắng sáng.

3. Tẩy trắng răng tại nha khoa

Để cải thiện hiệu quả tình trạng răng xỉn màu và ố vàng, bạn nên xem xét tẩy trắng răng tại nha khoa. Phương pháp này sử dụng chất oxy hóa kết hợp với năng lượng ánh sáng để có thể khử lớp màu bám trên bề mặt răng. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp tẩy trắng răng sau đây:

điều trị răng ố vàng
Trường hợp răng ố vàng nhiều nên xem xét tẩy trắng răng tại phòng khám để lấy lại hàm răng trắng sáng
  • Tẩy trắng răng bằng laser
  • Tẩy trắng răng bằng plasma
  • Tẩy trắng răng nội nha (lấy tủy và đặt thuốc tẩy trắng vào bên trong)

Các phương pháp tẩy trắng răng tại phòng khám mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu. Tuy nhiên, những người có men răng mỏng có thể gặp phải tình trạng răng ê buốt và nhạy cảm. Do đó, nếu không thật sự cần thiết, bạn nên kiên trì sử dụng các sản phẩm hỗ trợ.

4. Điều trị các bệnh nha khoa

Răng ố vàng, xỉn màu rất có thể xảy ra do các bệnh lý nha khoa. Do đó, bạn nên đến phòng khám để được kiểm tra và điều trị dứt điểm các bệnh lý này trước khi thực hiện tẩy trắng răng. Nguyên nhân phổ biến khiến cho răng bị ố vàng, xỉn màu là do mòn men răng, sâu răng và viêm tủy răng.

Tùy vào tình trạng răng miệng cụ thể của từng người, bác sĩ sẽ chỉ định trám răng, lấy tủy răng và bổ sung thêm fluoride để tăng độ chắc khỏe cho men răng. Không chỉ cải thiện tình trạng tẩy trắng răng, điều trị dứt điểm các bệnh lý này còn giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và hạn chế các biến chứng nặng nề.

5. Cải thiện các bệnh lý tiềm ẩn

Ngoài các bệnh lý nha khoa, răng ố vàng cũng có thể xảy ra do thiếu hụt chất dinh dưỡng, bệnh tiểu đường và các bệnh hệ thống. Do đó, nếu tình trạng răng xỉn màu kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Có như vậy, tình trạng răng vàng mới có thể được khắc phục triệt để.

Sau khi các bệnh lý này được kiểm soát, bạn nên kết hợp thêm với tẩy trắng răng và chăm sóc răng miệng đúng cách để lấy lại hàm răng trắng sáng, khỏe mạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.

6. Dán sứ, bọc răng sứ

Thông thường, các biện pháp tẩy trắng răng tại phòng khám chỉ có thể cải thiện được tình trạng răng ố vàng có mức độ vừa phải. Trong trường hợp này, bạn nên xem xét dán sứ hoặc bọc răng sứ. Ngoài ra, những người có men răng mỏng, nhạy cảm và sâu răng tái phát nhiều cũng nên can nhắc bọc răng sứ để bảo vệ răng thật bên trong.

điều trị răng ố vàng
Nếu cần thiết, bạn có thể xem xét dán sứ hoặc bọc răng sứ để cải thiện màu sắc của răng

Dán sứ, bọc răng sứ giúp khôi phục màu sắc và hình dáng của răng. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi cao về tay nghề, chuyên môn của bác sĩ và sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Chính vì thế, bạn cần lựa chọn nha khoa uy tín để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất và tránh các biến chứng, rủi ro phát sinh.

Răng ố vàng là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng qua những chia sẻ hữu ích trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ nguyên nhân và tìm ra cách biện pháp khắc phục hiệu quả. Sau khi cải thiện tình trạng này, nên tránh tuyệt đối các thói quen xấu và đến nha khoa khám thường xuyên để ngăn ngừa tái phát.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!