Trồng răng Implant được đánh giá là phương pháp phục hình răng tối ưu nhất hiện nay. Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng chi phí của phương pháp này khá cao và vẫn có một số hạn chế nhất định. Những thông tin tổng hợp trong bài viết sẽ giúp bạn đọc dễ dàng quyết định nếu đang băn khoăn có nên trồng răng Implant hay không.
Trồng răng Implant là gì?
Trồng răng Implant (cấy ghép Implant) là một trong những phương pháp phục hình răng phổ biến hiện nay. Phương pháp này sử dụng trụ Implant, khớp nối (Abutment) và mão sứ để khôi phục hình thể và các chức năng sinh lý của răng. Khác với sử dụng hàm giả tháo lắp và cầu răng sứ, răng Implant có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như mất 1 răng, mất nhiều răng và mất răng toàn hàm trên/ hàm dưới.
Với phạm vi chỉ định rộng, trồng răng Implant được áp dụng phổ biến trong nhiều trường hợp nhằm phục hồi chức năng ăn nhai, hỗ trợ phát âm và tăng tính thẩm mỹ cho răng. Hiện tại, phương pháp này được xem là giải pháp tối ưu nhất trong trường hợp mất răng vĩnh viễn ở người trưởng thành.
Trồng răng Implant là phương pháp phức tạp nên cần phải nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Trên thực tế, có không ít trường hợp gặp phải các rủi ro và những tình huống phát sinh do không tìm hiểu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện phương pháp này.
Những trường hợp nên/ không nên trồng răng Implant
Như đã đề cập, trồng răng Implant có thể áp dụng với tất cả các trường hợp bị mất răng.
Chỉ định:
- Mất 1 răng
- Mất nhiều răng nằm liền kề nhau
- Mắt nhiều răng nằm rải rác trên cung hàm
- Mất toàn bộ hàm trên/ hàm dưới
- Mất toàn bộ hai hàm
Phục hình răng bằng kỹ thuật cấy ghép trụ Implant đặc biệt thích hợp với những đối tượng sau:
- Người bị mất răng muốn phục hình răng một cách cố định, chắc chắn
- Những trường hợp đã bị thoái hóa xương hàm, rối loạn chức năng ăn nhai do sử dụng hàm giả tháo lắp lâu năm
- Người muốn bảo tồn các răng lân cận (vì làm cầu răng sứ phải mài 2 răng kế cận)
- Những trường hợp muốn phòng ngừa hiện tượng tiêu xương hàm sau khi mất răng
Trồng răng Implant có thể phục hồi hoàn toàn hình thể và chức năng của răng trong những trường hợp kể trên. Đối với người mất răng toàn bộ cung hàm, bác sĩ sẽ sử dụng trụ Implant All on 4 và All on 6 để tăng độ chắc chắc của răng và hạn chế phải cấy ghép quá nhiều trụ .
Chống chỉ định:
Mặc dù là giải pháp tối ưu trong trường hợp mất răng vĩnh viễn nhưng trồng răng Implant không phù hợp với tất cả mọi người. Phương pháp này xâm lấn vào xương hàm và nướu nên chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Người chưa đủ 18 tuổi thường không có chỉ định cấy ghép răng Implant do cấu tạo xương và răng còn đang phát triển. Can thiệp phương pháp này quá sớm có thể ảnh hưởng đến cấu trúc khuôn mặt về sau.
- Phụ nữ mang thai cũng không được trồng răng Implant. Bởi trong và sau khi thực hiện, bác sĩ sẽ phải sử dụng thuốc tê, thuốc gây mê, thuốc giảm đau, kháng viêm và kháng sinh để phòng ngừa viêm nhiễm quanh trụ Implant.
- Người bị dị dạng xương hàm
- Người mắc các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, rối loạn tâm thần, thiểu năng tuyến yên, rối loạn đông máu,… cũng không được trồng răng Implant do rủi ro và nguy cơ cao.
- Người bị nghiện rượu nặng
Ngoài những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối, trồng răng Implant chống chỉ định tương đối với 2 trường hợp sau:
- Tiêu xương răng: Tiêu xương răng là tình trạng thể tích và chất lượng xương suy giảm, không đáp ứng được yêu cầu khi cấy ghép Implant. Tình trạng này thường xảy ra do mất răng lâu ngày hoặc phục hình răng bằng các phương pháp thông thường như bọc răng sứ, làm răng giả tháo lắp. Trong trường hợp tiêu xương hàm, bác sĩ sẽ thực hiện ghép xương và nâng xoang hàm nhằm giúp xương khỏe mạnh và có đủ thể tích để trồng răng Implant.
- Đang mắc các bệnh lý nha khoa: Những trường hợp đang mắc các bệnh lý nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nha chu,… thường không được cấy ghép Implant. Trước khi thực hiện phương pháp này, bạn cần điều trị dứt điểm các vấn đề răng miệng để phòng tránh rủi ro và biến chứng.
Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của từng trường hợp để cân nhắc xem có nên trồng răng Implant hay không.
Quy trình trồng răng Implant diễn ra như thế nào?
Trồng răng Implant là phương pháp phức tạp nên đòi hỏi phải thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro, biến chứng. Quy trình trồng răng Implant tiêu chuẩn thường diễn ra theo trình tự sau:
Bước 1: Khám răng miệng tổng quát và chụp phim
Khám răng miệng tổng quát là bước đầu tiên khi trồng răng Implant. Khi khám răng, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng răng miệng và phát hiện sớm các vấn đề nha khoa. Kế tiếp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp phim để xác định được cấu trúc răng và xương hàm. Qua đó lên kế hoạch trồng răng Implant phù hợp với từng trường hợp.
Bước 2: Điều trị các bệnh lý nha khoa (nếu có)
Như đã đề cập, bạn cần phải điều trị các bệnh lý nha khoa trước khi trồng răng Implant để phòng tránh rủi ro và biến chứng. Với các bệnh lý có mức độ nhẹ như sâu răng và viêm nướu, quá trình điều trị sẽ diễn ra trong khoảng 1 – 2 buổi hẹn. Tuy nhiên đối với những trường hợp bị viêm nha chu và sâu răng nặng, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 1 tuần đến vài tuần.
Bước 3: Cấy trụ Implant vào xương hàm
Sau khi đã kiểm soát các bệnh lý răng miệng, trụ Implant sẽ được cấy vào bên trong xương hàm ở vị trí răng bị mất. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ làm sạch răng miệng, tiêm thuốc tê, rạch nướu và dùng thiết bị khoan lỗ trên xương hàm. Với những trường hợp mất răng toàn hàm, bác sĩ sẽ chỉ định gây mê để quá trình cấy ghép diễn ra thuận lợi và an toàn nhất.
Bước 4: Chờ Implant tích hợp vào xương
Sau khi trụ Implant được cấy ghép, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc và sử dụng thuốc để giảm đau, phòng ngừa viêm nhiễm. Sau đó, bạn cần tái khám lần lượt sau 7 ngày, 1 tháng và 3 tháng. Đây là thời gian chờ đợi trụ Implant tích hợp vào xương để chuẩn bị cho quá trình phục hình bằng mão sứ. Nên tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như viêm nhiễm, trụ Implant bị đào thải và bung bật ra khỏi cung hàm.
Bước 5: Lắp mão sứ
Khi nhận thấy xương hàm và trụ Implant đã tích hợp xương và có khả năng chịu được lực khi ăn nhai, bác sĩ sẽ chế tác mão răng sứ. Sau đó, dùng mão sứ nối với trụ Implant thông qua Abutment. Khi răng Implant hoàn thiện, bạn có thể ăn nhai và sinh hoạt như bình thường.
Bước 6: Chăm sóc và tái khám
Sau khi trồng răng, bạn cần có chế độ chăm sóc hợp lý để răng cố định hoàn toàn trên cung hàm. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách còn giúp tăng tuổi thọ của răng giả và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Với những trường hợp trồng răng Implant, nên tái khám định kỳ 6 tháng/ lần để được đánh giá tình trạng trụ Implant và phát hiện – điều trị sớm các bệnh lý nha khoa.
Chi phí trồng răng Implant giá bao nhiêu?
Chi phí trồng răng Implant là mối bận tâm của những người đang có ý định thực hiện phương pháp này. Theo khảo sát, giá thành của trụ Implant dao động từ 13 – 50 triệu, giá của khớp nối (Abutment) nằm trong khoảng 6 – 8 triệu và mão sứ có giá từ 1 – 6 triệu tùy theo chất liệu. Nhìn chung, chi phí của răng Implant hoàn chỉnh thường rơi vào khoảng 17 – 60 triệu đồng.
Chi phí thực tế có sự chênh lệch tùy theo cơ sở thực hiện, loại trụ Implant và chất liệu chế tác mão sứ mà bạn lựa chọn. Để biết chính xác chi phí, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ/ nhân viên tư vấn của phòng khám.
Trồng răng Implant có tốt không?
Trồng răng Implant có tốt không là vấn đề được nhiều người quan tâm – đặc biệt là với những người đang băn khoăn giữa phương pháp này với làm hàm giả tháo lắp và bọc răng sứ. Phục hình bằng răng Implant có chi phí cao hơn so với các phương pháp thông thường. Tùy theo loại trụ Implant, khớp nối và mão sứ mà bạn lựa chọn, chi phí có thể dao động từ 17 – 60 triệu đồng/ răng.
Mặc dù có chi phí khá cao nhưng trồng răng Implant có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp phục hình răng khác. Đây là phương pháp duy nhất có thể ngăn tình trạng tiêu xương răng – một trong những vấn đề nha khoa nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Răng Implant được cố định trên xương hàm với khả năng chịu lực tốt và độ ổn định cao. Do đó, phương pháp này có thể giúp răng ăn nhai thoải mái tương tự như răng thật.
Ngoài khả năng phục hồi chức năng sinh lý của răng, trồng răng Implant còn giúp tái tạo hình thể của răng, mang đến cảm giác thoải mái và tự tin khi giao tiếp. Đặc biệt, các loại trụ Implant có tuổi thọ cao dao động từ 15 – 25 năm và thậm chí có thể dùng trọn đời nếu biết cách chăm sóc.
Với những ưu điểm này, trồng răng Implant là lựa chọn đáng cân nhắc khi gặp phải tình trạng mất răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem xét một số hạn chế của phương pháp này như mất nhiều thời gian thực hiện (khoảng 3 – 6 tháng) và chi phí cao. Vì xâm lấn vào xương hàm và mô nha chu nên trồng răng Implant cũng tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm, viêm quanh trụ Implant, trụ Implant bị đào thải,…
Trồng răng Implant có thể phục hồi chức năng và hình thể của răng bị mất thông qua trụ Implant, khớp nối và mão sứ. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về phương pháp này và lựa chọn được kỹ thuật phục hình răng phù hợp với nhu cầu.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!