Bọc răng sứ chỉnh khớp cắn ngược có thể khắc phục tình trạng răng móm và sai lệch khớp cắn. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phục hình màu răng trắng sáng và cải thiện một số khuyết điểm như răng thưa, chiều dài các răng không đồng đều, răng bị mòn men,…
Khớp cắn ngược (móm) có bọc răng sứ được không?
Khớp cắn ngược là một dạng sai lệch khớp cắn thường gặp bên cạnh khớp cắn sâu và khớp cắn hở. Tình trạng này xảy ra ở răng móm – tình trạng răng hàm dưới mọc chìa ra bên ngoài nhiều bất thường dẫn đến mất cân đối giữa hai hàm. Răng móm không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây khó khăn khi ăn nhai và gia tăng áp lực lên khớp thái dương hàm.
Khớp cắn ngược có thể xảy ra do răng hoặc do hàm (bẩm sinh xương hàm phát triển quá mức). Trong đó, những trường hợp do hàm cần phải phẫu thuật điều chỉnh. Các trường hợp khớp cắn ngược do răng có thể cải thiện bằng một số kỹ thuật như bọc răng sứ hoặc niềng răng – chỉnh nha.
Bọc răng sứ là kỹ thuật sử dụng mão sứ để phục hồi hình dáng của răng. Nhờ vậy, răng bị nứt, mẻ, gãy, sâu nặng và mòn men có thể ăn nhai như bình thường mà không gặp phải tình trạng ê buốt hay đau nhức. Ngoài ra, bọc răng sứ còn được thực hiện để khắc phục khuyết điểm răng thưa, ngả vàng, răng khấp khểnh, chiều dài các răng không đồng đều, răng hô vẩu, răng móm,…
Vì vậy, những trường hợp khớp cắn ngược (răng móm) hoàn toàn có thể bọc răng sứ để cải thiện. Đối với răng móm, bác sĩ sẽ mài bớt men răng, sau đó chế tác mão răng phù hợp để đảm bảo sau khi phục hình, răng hàm trên và hàm dưới sẽ có sự hài hòa. Đồng thời hỗ trợ điều chỉnh khớp cắn về đúng vị trí và giúp quá trình ăn nhai diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bọc răng sứ chỉ có thể cải thiện tình trạng móm nhẹ, mức độ răng chìa ra bên ngoài không quá nhiều. Những trường hợp móm nặng, răng khấp khểnh và mọc lệch lạc nghiêm trọng nên niềng răng – chỉnh nha để cải thiện. Trong trường hợp răng ố màu và chiều dài không đồng đều, bạn có thể bọc răng sứ sau khi chỉnh nha. Tuyệt đối không bọc sứ trước vì răng sứ gần như không thể dịch chuyển trên cung hàm.
Hiệu quả của bọc răng sứ đối với răng móm (khớp cắn ngược)
Bọc răng sứ cho những trường hợp khớp cắn ngược phức tạp hơn so với làm răng sứ thẩm mỹ thông thường. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, phương pháp này có thể mang đến đầy đủ các hiệu quả như:
1. Cải thiện tình trạng răng móm
Những trường hợp móm nhẹ hoàn toàn có thể bọc răng sứ để cải thiện. Thông qua việc điều chỉnh mão sứ, bác sĩ có thể tạo dáng răng cân đối, đồng đều và trắng sáng. Ngoài răng móm, bọc sứ còn có thể cải thiện một số khuyết điểm khác như răng ố vàng, răng nứt, mẻ, răng thưa, chiều dài các răng không đồng đều,…
2. Điều chỉnh khớp cắn
Răng móm khiến cho răng ở hàm trên bị kéo về phía sau dẫn đến tình trạng khớp cắn ngược. Sai lệch khớp cắn khiến quá trình ăn uống gặp nhiều phiền toái và thậm chí có thể gây đau nhức.
Vì khớp cắn không khớp nên cần phải dùng lực mạnh để nghiền nát thức ăn. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể gây rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm, mòn men răng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Bằng cách điều chỉnh răng trên cung hàm, bọc răng sứ có thể chỉnh khớp cắn về đúng vị trí. Từ đó cải thiện chức năng ăn nhai và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
3. Mang lại hàm răng đều và trắng sáng
Các mão răng được sử dụng hiện nay đều được chế tác từ chất liệu sứ nên có màu sắc tương tự như răng thật. Đặc biệt, một số răng sứ cao cấp còn có đường vân, độ cứng và trong suốt giống 95%. Sau khi làm răng sứ chỉnh khớp cắn ngược, hàm răng cũng sẽ trở nên đều và trắng sáng hơn.
4. Bảo vệ răng thật
Không chỉ mang lại hiệu quả thẩm mỹ, bọc răng sứ chỉnh khớp cắn ngược còn giúp bảo vệ cùi răng thật. Các vật liệu được sử dụng để chế tác mão răng có độ cứng chắc cao, độ bền và khả năng chịu lực tốt. Do đó, bọc răng sứ được thực hiện để bảo vệ răng bị mòn men, chết tủy, răng nứt mẻ, răng gãy và sâu nặng.
Với răng bị chết tủy, bọc răng sứ có thể kéo dài tuổi thọ của răng thật. Ngoài ra, làm răng sứ kết hợp với chăm sóc răng miệng đúng cách có thể phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý nha khoa. Cũng chính vì mang đến nhiều lợi ích, bọc răng sứ là kỹ thuật nha khoa rất được ưa chuộng hiện nay.
Quy trình bọc răng sứ chỉnh móm
Bọc răng sứ chỉnh móm cần phải thực hiện cho toàn bộ răng. Do đó, quá trình thực hiện sẽ mất nhiều thời gian hơn so với làm răng sứ 1 hoặc vài răng.
Bước 1 – Thăm khám và tư vấn
Đối với trường hợp răng móm, bác sĩ sẽ khám răng miệng trước để đánh giá mức độ lệch lạc của răng. Nếu răng bị móm không quá nặng, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe răng miệng, khai thác tiền sử bệnh lý (nếu có) và yêu cầu chụp X quang toàn cảnh để đánh giá cụ thể mức độ móm.
Sau đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể với số lượng răng cần phục hình, tỷ lệ mài răng, loại mão sứ phù hợp,… Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ chế tác răng sứ với màu sắc, hình dáng và kích thước tùy theo sở thích.
Bước 2 – Điều trị tổng quát (nếu có)
Bọc răng sứ chỉ được thực hiện khi răng miệng không bị viêm nhiễm. Do đó nếu có các bệnh lý nha khoa, cần phải điều trị dứt điểm trước khi bọc răng sứ. Đối với các bệnh lý có mức độ nhẹ như sâu răng và viêm nướu răng, điều trị thường chỉ mất từ 1 – 2 buổi hẹn.
Tuy nhiên nếu bị viêm nha chu, viêm tủy răng, viêm quanh chân răng, điều trị có thể kéo dài trong nhiều tuần. Sau đó, cần chờ một khoảng thời gian để nướu và các mô nha chu xung quanh răng hồi phục trước khi làm răng sứ.
Bước 3 – Gây tê và mài cùi răng
Sau khi điều trị dứt điểm các bệnh răng miệng, bác sĩ sẽ gây tê và mài cùi răng để chuẩn bị cho quá trình lấy dấu mẫu hàm. Khác với làm răng sứ thẩm mỹ, bọc răng sứ chỉnh móm cần phải tính toán tỷ lệ mài răng để đảm bảo sau khi phục sứ, tình trạng khớp cắn ngược sẽ được cải thiện hoàn toàn.
Nhờ có sự hỗ trợ của thuốc gây tê nên quá trình mài răng sẽ không gây đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên sau đó khoảng 2 tiếng, răng sẽ bị ê buốt và đau nhức – đặc biệt là khi ăn uống. Sau khi mài cùi, bác sĩ sẽ lắp mão sứ tạm thời và hẹn lịch tái khám sau 2 – 3 ngày.
Bước 4 – Lấy dấu mẫu hàm
Bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng để lấy dấu mẫu hàm. Sau đó, chuyển thông số về hệ thống labo để chế tác răng sứ. Chế tác mão răng sứ sẽ mất khoảng 2 – 3 ngày nhằm đảm bảo răng sứ có độ bền cao và khả năng chịu lực tốt.
Bước 5 – Lắp mão sứ
Khi mão sứ đã được chế tác xong, bạn cần quay lại phòng khám để được lắp mão răng sứ. Mão răng sẽ được chụp lên cùi răng thật và được cố định bằng keo dán chuyên dụng. Sau khi phục hình, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ khớp cắn để tránh lệch khớp cắn, mão răng chênh cộm và hở chân răng.
Khi đã phục hình xong răng sứ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng để giữ màu và kéo dài tuổi thọ của răng sứ. Với những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám sau 7 – 10 ngày.
Bọc răng sứ chỉnh móm có giá bao nhiêu?
Bọc răng sứ chỉnh móm (khớp cắn ngược) có giá bao nhiêu là vấn đề được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Theo khảo sát, chi phí bọc răng sứ có giá dao động từ 1 – 9 triệu đồng tùy theo chất liệu. Với trường hợp làm răng chỉnh móm, bác sĩ sẽ yêu cầu bọc sứ từ 6 – 10 răng/ hàm. Do đó chi phí có thể dao động từ 20 – 180 triệu đồng/ toàn bộ 2 hàm.
Hầu hết các nha khoa đều có chính sách miễn giảm phí khám, chụp X quang cho những trường hợp bọc răng sứ. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị thêm chi phí nhổ răng và phí điều trị các bệnh nha khoa trước khi làm răng sứ. Ngoài ra, chi phí bọc răng sứ chỉnh móm cũng có sự chênh lệch tùy thuộc vào cơ sở thực hiện và một số yếu tố khách quan khác.
Một số lưu ý khi bọc răng sứ khớp cắn ngược
Bọc răng sứ là một trong những giải pháp khắc phục khớp cắn ngược. Ngoài hiệu quả chỉnh móm và cải thiện khớp cắn, phương pháp này còn giúp khắc phục nhiều khuyết điểm khác như răng khấp khểnh nhẹ, răng thưa, răng nứt, mẻ, sâu nặng, mòn men và ngả màu.
Tuy nhiên trước khi bọc răng sứ cho răng bị khớp cắn ngược, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Bọc răng sứ chỉnh móm là kỹ thuật phức tạp hơn so với bọc răng sứ thông thường. Chính vì vậy, bạn cần lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu có ý định thực hiện phương pháp này. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp bọc răng sứ hỏng do thực hiện ở các cơ sở kém chất lượng, bác sĩ không đủ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm.
- Sau khi làm răng sứ, mão răng cần một khoảng thời gian để ổn định hoàn toàn. Do đó, bạn cần kiêng cữ một số món ăn và đồ uống trong khoảng vài ngày đầu.
- Răng sứ có độ bền cao, cứng chắc và khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, vẫn cần có chế độ chăm sóc đúng cách để kéo dài tuổi thọ của răng sứ. Những trường hợp không chăm sóc đúng cách dễ gặp phải tình trạng mão sứ bị bong, tuột lỏng và ngả màu sau một thời gian ngắn.
- Răng sứ hoàn toàn không bị mài mòn và hư hại dưới tác động của vi khuẩn. Tuy nhiên sau khi làm răng sứ, bạn vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng. Bởi cao răng tích tụ bên dưới chân răng, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển gây tổn thương mô nướu và các cơ quan lân cận.
- Ngoài vệ sinh răng miệng tại nhà, cần đến nha khoa lấy cao răng thường xuyên. Bên cạnh đó, thăm khám định kỳ còn giúp bác sĩ đánh giá tình trạng mão sứ và phục hình lại khi cần thiết.
Bọc răng sứ chỉnh khớp cắn ngược (răng móm) mang đến nhiều lợi ích cả về sức khỏe răng miệng và tính thẩm mỹ. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ về phương pháp này và dễ dàng hơn khi lựa chọn các giải pháp khắc phục răng móm.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có Nên Bọc Răng Sứ Nguyên Hàm? Bọc 1 Hàm, 2 Hàm Giá Bao Nhiêu?
Sau khi bọc răng sứ nên ăn gì và kiêng gì?
Có Nên Bọc Răng Sứ Cho Trẻ Em? Cần Lưu Ý Gì?
Lấy Tủy Bọc Răng Sứ Giá Bao Nhiêu: Cập Nhật Chi Phí Mới Nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!