Sai lệch khớp cắn là gì? Phân loại và cách điều trị

Sai lệch khớp cắn là tình trạng mặt nhai của răng hàm trên và răng hàm dưới không ăn khớp với nhau. Tình trạng này xảy ra chủ yếu do di truyền (chiếm 70%), ảnh hưởng của các vấn đề nha khoa, thói quen xấu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp,…

Sai lệch khớp cắn
Sai lệch khớp cắn là tình trạng mặt nhai của răng hàm trên và hàm dưới không đồng nhất

Sai lệch khớp cắn là gì? Phân loại

Khớp cắn là sự tương quan giữa hàm răng trên và dưới, bao gồm diện tiếp xúc với nhau khi ăn nhai và trong trạng thái nghỉ. Hai hàm có tỷ lệ cân xứng, răng mọc đều, cân đối sẽ tạo ra khớp cắn chuẩn giúp quá trình ăn nhai diễn ra thuận lợi.

Ngược lại, những trường hợp hàm hô, móm, răng mọc ngầm, mọc lệch, chen chúc, khấp khểnh, răng thưa đều sẽ dẫn đến tình trạng sai khớp cắn. Tóm lại, sai khớp cắn là tình trạng tương quan lệch trục giữa các răng của 2 cung hàm không ăn khớp với nhau dù khi ăn nhai hay ở trong trạng thái nghỉ.

Khớp cắn ảnh hưởng nhiều đến chức năng nghiền nát thức ăn của răng. Do đó, tình trạng này tác động không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và về lâu dài có thể gia tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý tiêu hóa. Ngoài ảnh hưởng đối với sức khỏe, sai lệch khớp cắn còn làm mất thẩm mỹ và tác động không nhỏ đến sự tự tin trong quá trình giao tiếp.

Theo số liệu thống kê, sai khớp cắn cùng với sâu răng và viêm nha chu là các bệnh lý răng miệng thường gặp nhất. Trong đó, sai khớp cắn là vấn đề rất khó nhận biết và những ảnh hưởng do tình trạng này gây ra thường chỉ xuất hiện sau một thời gian dài.

phân loại sai khớp cắn
Phân loại khớp cắn theo Edward Angle được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

Hiện nay, sai lệch khớp cắn được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó, quan điểm phân loại của Edward Angle (cha đẻ của phương pháp chỉnh nha) đưa ra vào năm 1899 được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

  • Sai khớp cắn loại I: Sai khớp cắn loại I là tình trạng khớp cắn bị sai lệch do răng mọc sai chỗ, răng mọc chen chúc, răng thưa, khấp khểnh,… Theo mô tả của Edward Angle, sai khớp cắn loại I xảy ra khi chỉ có sự lệch lạc của răng số 1, 2, 3 và 4, hoàn toàn không có sự bất thường về khoảng cách hay sự đối xứng giữa răng số 6 ở hàm trên và hàm dưới.
  • Sai khớp cắn loại II: Sai khớp cắn loại II theo Edward Angle là tình trạng răng số 6 của hàm trên nằm ở ½ mặt nhai của răng số 5 và răng số 6 của hàm dưới. Tình trạng này gặp ở những trường hợp răng hô, vẩu. Ngoài ra, Edward Angle còn chia trường hợp sai khớp cắn loại II thành 2 nhánh nhỏ hơn là khớp cắn sâu nặng (hai răng cửa chìa ra bên ngoài) và khớp cắn sâu hở lợi (hai răng cửa vẫn bình thường nhưng 2 chiếc răng số 2 thụt về sau che phần răng ở hàm dưới).
  • Sai khớp cắn loại III: Sai khớp cắn loại III là tình trạng răng số 6 của hàm trên xê dịch vào phía bên trong dẫn đến tình trạng mặt nhai của răng tiếp xúc với ½ mặt nhai của răng số 6 và ½ mặt nhai của răng số 7 hàm dưới. Đây được gọi là tình trạng khớp cắn ngược hay còn gọi là răng móm hoặc răng vẩu hàm dưới.

Sai khớp cắn thường xảy ra do răng mọc lệch, mọc ngầm, chen chúc, răng thưa, hô vẩu,… Do đó, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn tác động không nhỏ đến chức năng thẩm mỹ.

Các nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn

Sai lệch khớp cắn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, ảnh hưởng của một số thói quen và bệnh lý nha khoa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Các nguyên nhân gây sai lệch khớp cắn thường gặp:

1. Di truyền (chiếm 70%)

Di truyền là nguyên nhân chiếm 70% trường hợp bị sai lệch khớp cắn. Tương tự như các cơ quan trong cơ thể, cấu trúc răng cũng có khả năng di truyền từ ông bà, cha mẹ sang con cái. Do đó nếu có người thân cận huyết gặp phải tình trạng này, nguy cơ bị sai lệch khớp cắn có thể chiếm đến 70%. Nếu xảy ra do di truyền, tình trạng này hoàn toàn không thể phòng ngừa.

2. Mất răng sữa sớm

Sai lệch khớp cắn cũng có thể xảy ra do mất răng sữa sớm. Thông thường, răng sữa sẽ lung lay, rụng để chuẩn bị cho quá trình mọc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, răng sữa có thể rụng sớm hơn so một số nguyên nhân như chấn thương, sâu răng nặng,… Tình trạng mất răng sữa sớm khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, chen chúc gây ra những bất thường về khớp cắn.

cách điều trị sai khớp cắn
Mất răng sữa sớm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sai khớp cắn

3. Do các thói quen xấu

Ngoài ra, sai khớp cắn cũng có thể xảy ra do một số thói quen xấu như:

  • Tật mút tay, đẩy lưỡi ở trẻ em: Tật mút tay, đẩy lưỡi ở trẻ em có thể khiến răng cửa trên và dưới bị chìa ra bên ngoài gây ra tình trạng hô, vẩu, răng khấp khểnh,… Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây ra tình trạng sai lệch khớp cắn và nhiều vấn đề răng miệng khác.
  • Nghiến răng khi ngủ: Nghiến răng khi ngủ là thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Áp lực trong quá trình nghiến sẽ khiến răng hàm dịch chuyển. Về lâu dài, mặt nhai của răng bị bào mòn, răng sai lệch khớp cắn và phát sinh nhiều vấn đề khác.
  • Một số thói quen khác: Ngoài những thói quen kể trên, tình trạng sai lệch khớp cắn còn có thể xảy ra do một số thói quen xấu như thở bằng miệng, ngậm ti giả thường xuyên, dùng răng cắn xé các vật cứng,… Các thói quen này đều khiến răng bị chìa ra bên ngoài dẫn đến tình trạng hô, vẩu và sai khớp cắn.

4. Do bệnh lý

Răng cũng có thể bị lung lay, gãy, rụng do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa như sâu răng và viêm nha chu. Ban đầu, các bệnh lý này chỉ ảnh hưởng đến một hoặc vài răng trên cung hàm. Tuy nhiên về lâu dài, vi khuẩn có thể tấn công nhiều răng dẫn đến tình trạng chân răng lung lay, xiêu vẹo và sai lệch khớp cắn khi ăn uống.

5. Sai lệch khớp cắn do chấn thương

Chấn thương do té ngã, tai nạn cũng có thể khiến răng dịch chuyển đến những vị trí khác dẫn đến sai khớp cắn. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây ra tâm lý thiếu tự tin và e ngại trong quá trình giao tiếp.

6. Do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng và sự phát triển của xương hàm. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nhỏ bị thiếu vi chất dinh dưỡng thường có xương hàm yếu và chậm phát triển. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sai lệch khớp cắn mà ít người ngờ đến.

cách điều trị sai khớp cắn
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm và hệ quả là gây sai khớp cắn

Sai khớp cắn có ảnh hưởng gì không?

Sai khớp cắn là một trong những vấn đề răng miệng thường gặp bên cạnh sâu răng và viêm nha chu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi hoàn thành bộ răng vĩnh viễn hoặc có thể phát sinh về sau do ảnh hưởng của một số thói quen xấu. Trên thực tế, sai lệch khớp cắn hầu như không gây ra triệu chứng nên rất khó phát hiện nếu không thăm khám.

Nhiều người cho rằng, khớp cắn bị lệch không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng nên không nhất thiết phải thăm khám và điều trị. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này sẽ gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy về lâu dài.

cách điều trị sai khớp cắn
Sai lệch khớp cắn không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn tác động không nhỏ đến thẩm mỹ

Một số ảnh hưởng có thể gặp phải nếu không khắc phục sai lệch khớp cắn sớm:

  • Ảnh hưởng đến việc phát âm do phanh lưỡi bám thấp, khớp cắn bị hở
  • Răng lệch lạc còn khiến khả năng ăn nhai giảm, từ đó làm tăng hoạt động của cơ hàm gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm (đau nhức khớp thái dương hàm, khớp phát ra âm thanh lục cục trong quá trình ăn nhai,…)
  • Răng lệch lạc là điều kiện để thức ăn bám dính tạo thành cao răng, mảng bám. Lâu dần, răng miệng sẽ xuất hiện những vấn đề như sâu răng, viêm nha chu,…
  • Răng hô, vẩu, móm, răng thưa, lệch lạc,… còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin trong cuộc sống.

Có thể thấy, sai khớp cắn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu nghi ngờ gặp phải tình trạng này, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời. Tránh trường hợp chủ quan khiến khớp cắn bị sai lệch dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Giải pháp khắc phục tình trạng sai khớp cắn

Sai lệch khớp cắn cần phải được điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các ảnh hưởng, hệ lụy nghiêm trọng. Khớp cắn bị hở, sâu thường do 2 yếu tố chính là do răng và do hàm. Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ thăm khám, chụp phim để xác định chính xác cấu trúc răng và hàm nhằm đưa ra phương án khắc phục thích hợp nhất.

1. Niềng răng – chỉnh nha

Niềng răng (chỉnh nha) được xem là giải pháp tối ưu cho những trường hợp bị sai lệch khớp cắn. Nếu phát hiện sớm, nên can thiệp phương pháp này từ khi 7 tuổi (giai đoạn đang thay răng sữa) để hạn chế tối đa tình trạng răng mọc lệch, chen chúc, khấp khểnh. Sau đó, có thể xem xét niềng răng để khắc phục triệt để các khuyết điểm của răng.

cách điều trị sai khớp cắn
Niềng răng – chỉnh nha là cách điều trị sai khớp cắn hiệu quả nhất hiện nay

Các phương pháp chỉnh nha được áp dụng để khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn:

  • Sử dụng hàm trainer: Hàm trainer hay còn gọi là niềng răng silicon trainer được sử dụng cho trẻ từ 3 – 15 tuổi. Khí cụ chỉnh nha này được làm từ nhựa cao su có độ mềm, đàn hồi cao và dễ dàng tháo lắp. Hàm trainer được dùng hoàn toàn vào ban đêm và ít nhất 1 giờ vào ban ngày để đảm bảo răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, hạn chế tình trạng lệch lạc và khấp khểnh. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp khắc phục một số khuyết điểm như mút tay, đẩy lưỡi, nghiến răng khi ngủ,…
  • Niềng răng cố định: Niềng răng cố định là tên gọi khác của niềng răng mắc cài. Đây là phương pháp niềng răng truyền thống được áp dụng cho trẻ từ 10 tuổi trở lên và người trưởng thành. Hiện tại, mắc cài được sử dụng có 2 loại là mắc cài thường và mắc cài tự buộc được làm từ kim loại, sứ hoặc pha lê. Tùy theo mức độ sai lệch khớp cắn, thời gian niềng có thể kéo dài từ 1 – 3 năm.
  • Niềng răng bằng khay trong suốt: Niềng răng bằng khay trong suốt là kỹ thuật chỉnh nha được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Phương pháp này không sử dụng mắc cài mà chế tác các khay trong suốt có khả năng tháo lắp dễ dàng để nắn chỉnh và điều hướng răng. Niềng răng bằng khay trong suốt có ưu điểm tính thẩm mỹ cao, thuận tiện khi ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, phương pháp này không có hiệu quả cao khi dịch chuyển răng theo chiều dọc. Vì vậy nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định đeo mắc cài trong 2 – 3 tháng cuối lộ trình để hoàn thiện khớp cắn.

Niềng răng – chỉnh nha có thể khắc phục tình trạng sai khớp cắn bằng cách dịch chuyển răng về đúng vị trí. Ngoài hiệu quả hoàn thiện khớp cắn, phương pháp này còn giúp cải thiện tính thẩm mỹ của hàm răng, mang lại nụ cười rạng rỡ và tự tin hơn.

2. Phẫu thuật chỉnh hàm

Đối với những trường hợp sai khớp cắn do xương hàm trên và xương hàm dưới bất đối xứng, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật chỉnh hàm hô móm. Phẫu thuật sẽ được thực hiện nhằm điều chỉnh cấu trúc của hai hàm về đúng khớp cắn.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật kết hợp niềng răng – chỉnh nha để mang lại hiệu quả tối ưu. Phẫu thuật chỉnh hàm là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp. Vì vậy nếu có ý định thực hiện, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy. Tránh phẫu thuật chỉnh hàm ở những bệnh viện thẩm mỹ không đảm bảo về phòng phẫu thuật vô trùng, tay nghề của bác sĩ và máy móc, thiết bị hiện đại.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài hai phương pháp chính là chỉnh nha và phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp hỗ trợ tùy theo tình trạng răng miệng của từng trường hợp.

Các biện pháp hỗ trợ giúp cải thiện tình trạng sai lệch khớp cắn:

  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa
  • Mài răng trong trường hợp răng mặt nhai của răng không đồng đều

Bên cạnh đó, bạn cũng nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc răng miệng khoa học để đảm bảo hiệu quả của các phương pháp điều trị sai lệch khớp cắn.

Phòng ngừa sai lệch khớp cắn

Sai khớp cắn gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng và tính thẩm mỹ. Ngoại trừ yếu tố di truyền, các nguyên nhân khác đều có thể phòng ngừa. Vì vậy, bạn nên chủ động ngăn ngừa tình trạng này bằng một số biện pháp đơn giản sau:

cách điều trị sai khớp cắn
Nên hạn chế cho trẻ bú bình khi trẻ đã có thể uống sữa, nước bằng ly
  • Khi trẻ có thể dùng ly để uống sữa và nước, cần hạn chế tối đa việc sử dụng bình. Thói quen bú bình là nguyên nhân gây ra tình trạng răng mọc lệch, hô, vẩu, răng thưa, khấp khểnh. Ngoài ra, tình trạng này còn là gia tăng nguy cơ bị hội chứng sâu răng do bú bình.
  • Cho trẻ sử dụng hàm trainer sớm để thay đổi những thói quen xấu như đẩy lưỡi, mút tay và nghiến răng khi ngủ.
  • Ngay khi trẻ mọc răng sữa, phụ huynh nên cho trẻ gặp nha sĩ để được khám định kỳ và khắc phục sớm nếu có vấn đề phát sinh. Xử lý sớm các bất thường của răng răng có thể phòng ngừa sai lệch khớp cắn và nhiều vấn đề nha khoa khác.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ – đặc biệt là trong giai đoạn phát triển mạnh về xương hàm. Nếu trẻ gặp phải tình trạng biếng ăn, chán ăn, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ dinh dưỡng trong thời gian sớm nhất. Dinh dưỡng hợp lý giúp đảm bảo sự phát triển ổn định của xương hàm, qua đó hạn chế tình trạng hàm hô, móm và phòng ngừa hiệu quả những bất thường về khớp cắn.
  • Ngay khi phát hiện trẻ mắc các bệnh nha khoa, phụ huynh nên cho trẻ khám và điều trị sớm để bảo tồn răng. Tránh tình trạng chủ quan khiến răng bị gãy, rụng dẫn đến hiện tượng tiêu xương răng và hệ quả là khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, chen chúc.
  • Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng hằng ngày từ khi 3 tuổi để hạn chế mảng bám và cao răng tích tụ. Ngoài ra, nên cho trẻ đến nha khoa để lấy cao răng định kỳ.
  • Đường là chất dinh dưỡng ưa thích của các hại khuẩn trong khoang miệng. Sử dụng món ăn và đồ uống chứa nhiều đường khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây ra hàng loạt các vấn đề nha khoa – yếu tố gia tăng nguy cơ bị sai lệch khớp cắn. Vì vậy, cần giảm lượng đường trong chế độ ăn của bé.

Sai lệch khớp cắn là vấn đề răng miệng thường gặp bên cạnh sâu răng và viêm nha chu. Dù ít khi gây đau nhức, ê buốt nhưng tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hình dung được mức độ nghiêm trọng của hiện tượng sai lệch khớp cắn và có biện pháp khắc phục, phòng ngừa hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!