Răng cửa bị sâu có bọc sứ được không là băn khoăn của không ít bạn đọc. Để được giải đáp thắc mắc này và dễ dàng hơn khi lựa chọn giải pháp khắc phục sâu răng cửa, bạn đọc có thể tham khảo thông tin trong bài viết sau.
Răng cửa bị sâu có bọc sứ được không?
Răng cửa là 4 răng nằm chính giữa cung hàm bao gồm 2 răng cửa giữa và 2 răng cửa bên. Răng cửa có rìa cắn mỏng, bề mặt răng trơn nhẵn và thường chỉ có 1 chân răng. Hình thể và cấu tạo của răng cửa có sự khác biệt rõ rệt so với răng hàm.
Về cấu tạo, răng cửa ít có nguy cơ bám dính thức ăn và hình thành mảng bám như răng hàm. Tuy nhiên, răng cửa thường được dùng để cắn thức ăn nên thức ăn dễ bám vào kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển và gây sâu răng.
Sâu răng cửa không chỉ gây đau nhức, ê buốt khi ăn uống mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy răng cửa có các đốm nâu, bạn cần đến phòng khám răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, cách điều trị phổ biến nhất đối với sâu răng là hàn trám. Tuy nhiên, một số người muốn bọc sứ cho răng cửa bị sâu để cải thiện hình thể răng. Vậy, răng cửa bị sâu có bọc sứ được không?
Theo các chuyên gia, răng cửa bị sâu hoàn toàn có thể bọc sứ. Trong kỹ thuật này, bác sĩ cũng sẽ làm sạch lỗ sâu và sát khuẩn nhưng thay vì dùng vật liệu hàn trám, bác sĩ sẽ mài răng và chế tác mão sứ phù hợp. Sau đó, dùng mão sứ chụp lên cùi răng thật để bảo vệ răng bên trong, đồng thời khôi phục hình dáng và chức năng ăn nhai.
Trường hợp nên bọc sứ cho răng cửa bị sâu
Đa phần các trường hợp răng cửa bị sâu đều có thể bọc sứ để cải thiện. Tuy nhiên, bọc răng sứ ít nhiều đều phải mài răng nên sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc răng thật. Hơn nữa, răng bọc sứ thường không thể niềng răng – chỉnh nha và tẩy trắng. Do đó, bọc sứ cho răng cửa bị sâu chỉ được cân nhắc thực hiện trong một số trường hợp.
Các trường hợp nên bọc sứ cho răng cửa bị sâu:
- Răng cửa bị sâu răng, lỗ sâu lớn không thể khắc phục bằng cách hàn trám.
- Răng sâu nặng gây viêm tủy và hoại tử tủy cũng nên bọc sứ thay vì hàn trám. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chữa tủy trước, sau đó mới tiến hành bọc sứ để khôi phục hình thể và bảo vệ cùi răng thật bên trong.
- Sâu răng cửa tái phát nhiều lần ngay cả khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng cũng được cân nhắc bọc sứ để phòng ngừa tái phát.
- Răng cửa bị sâu đi kèm với nhiều khuyết điểm khác như răng ngả màu, nứt, mẻ, răng thưa, răng có hình thể xấu, mòn men, thân răng ngắn,…
Những trường hợp răng cửa sâu nhẹ và không có nhiều khuyết điểm nên hàn trám để tiết kiệm chi phí và tránh những tác động không cần thiết lên răng.
Lợi ích, hạn chế khi bọc sứ cho răng cửa bị sâu
Bọc sứ là một trong phương pháp được áp dụng trong điều trị sâu răng. Nếu đang băn khoăn giữa hàn trám và bọc sứ, bạn nên xem xét giữa lợi ích và hạn chế của phương pháp này để tìm ra giải pháp thích hợp với nhu cầu và tình trạng răng miệng.
Lợi ích khi bọc sứ cho răng cửa bị sâu:
- Cải thiện hình thể răng: Mão răng sứ được chế tác có hình dáng và màu sắc tương tự như răng thật. Do đó sau khi bọc sứ, răng cửa bị sâu sẽ được khôi phục hình thể như ban đầu. Trong trường hợp răng cửa có hình thể xấu, bác sĩ sẽ chế tác mão sứ có hình dáng khác biệt để mang lại cho răng cửa diện mạo mới hoàn chỉnh hơn.
- Bảo vệ răng thật: Mão sứ được sử dụng trong kỹ thuật bọc sứ có độ cứng chắc cao và khả năng chịu lực tốt. Sau khi bọc sứ, cùi răng thật bên trong sẽ được bảo vệ gần như hoàn toàn. Do đó nếu có nền răng yếu, nhạy cảm và men răng mỏng, bọc sứ sẽ được là lựa chọn phù hợp hơn so với hàn trám.
- Khắc phục nhiều khuyết điểm của răng: Hàn trám chỉ có thể khôi phục phần răng bị hư tổn do vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus mutans. Tuy nhiên với bọc sứ, phương pháp này có thể khắc phục nhiều khuyết điểm như răng ngả vàng, răng thưa, răng nứt, mẻ, chiều dài các răng không đồng đều, răng có hình thể xấu,…
- Độ bền cao: Thông thường, miếng trám răng chỉ sử dụng được khoảng 2 – 3 năm và cần thay mới để tránh vi khuẩn xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng. Tuy nhiên với mão răng sứ, độ bền có thể dao động từ 5 – 10 năm tùy theo chất liệu.
Hạn chế của bọc sứ cho răng cửa bị sâu:
- Chi phí cao: So với hàn trám, bọc sứ cho răng cửa bị sâu có chi phí cao hơn. Do đó, phương pháp này không phải là lựa chọn tối ưu với tất cả mọi người.
- Phải mài răng: Hàn trám sử dụng vật liệu trám trực tiếp lên phần răng bị sâu nên không xâm lấn vào cấu trúc răng miệng. Trong khi đó, đối với kỹ thuật bọc sứ, bác sĩ phải mài một lớp mỏng men răng để có không gian đặt mão sứ lên trên. Vì có tác động đến cấu trúc răng nên phương pháp này không thích hợp cho những người muốn bảo tồn răng thật tối đa.
Đối với trường hợp răng cửa sâu nhẹ và vừa, lỗ sâu không quá lớn, bạn có thể lựa chọn giữa bọc sứ và trám răng. Tuy nhiên nếu răng sâu nhiều, vết sâu lớn và không thể khôi phục bằng hàn trám, giải pháp duy nhất là bọc răng sứ.
Bọc sứ cho răng cửa bị sâu có giá bao nhiêu?
Như đã đề cập, bọc sứ cho răng sâu có chi phí cao hơn so với hàn trám. Theo khảo sát, phương pháp này có giá dao động từ 1.5 – 10 triệu đồng/ răng tùy theo chất liệu. Trong đó, răng sứ kim loại có giá thành thấp (khoảng 1.5 – 3 triệu đồng/ răng) và răng toàn sứ có giá khá cao, rơi vào khoảng 5 – 10 triệu đồng/ răng. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ về ưu nhược điểm và chi phí của từng vật liệu để lựa chọn loại mão sứ có chất liệu phù hợp.
Ngoài ra, chi phí bọc sứ cho răng sâu còn phụ thuộc vào cơ sở thực hiện, tình trạng răng miệng và số lượng răng cần phục hình. Trong đó, các phòng khám tư nhân thường có chi phí cao hơn so với các bệnh viện công lập. Để lựa chọn được cơ sở chất lượng và có chi phí phù hợp, bạn nên tham khảo trước chi phí dịch vụ trên website chính thức.
Bọc sứ cho răng sứ bị sâu có thể khôi phục hình thể và bảo vệ phần cùi răng bên trong. Tuy nhiên nếu không thật sự cần thiết, nên hàn trám để bảo vệ cấu trúc răng thật và giảm chi phí. Trong trường hợp có ý định bọc sứ, nên trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn cụ thể trước khi thực hiện.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Công Nghệ Bọc Răng Sứ NaNo Majestic 5k: Ưu Nhược Điểm Và Giá Cả
Đã Bọc Răng Sứ Có Niềng Răng Được Không? Giải đáp chi tiết
Răng Khểnh Có Bọc Sứ Được Không? Giá Bao Nhiêu?
Răng sứ Titan là gì? Có mấy loại? Có ưu nhược điểm gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!