Tẩy trắng răng chỉ được thực hiện để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ. Do đó, khá nhiều bạn đọc băn khoăn về vấn đề “Có nên tẩy trắng răng không?”. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này và lựa chọn được phương pháp tẩy trắng răng an toàn, hiệu quả.
Có nên tẩy trắng răng không?
Tẩy trắng răng là nhu cầu của khá nhiều người bởi ai cũng mong muốn sở hữu hàm răng đều và trắng sáng. Trên thực tế, một số người có thể di truyền tình trạng răng xỉn màu do men răng yếu và thiểu sản. Ngoài ra, thói quen dùng thức uống đậm màu, hút thuốc lá và vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng.
Tẩy trắng răng là kỹ thuật nha khoa thẩm mỹ nên không bắt buộc như các phương pháp điều trị. Do đó, không ít bạn đọc băn khoăn về vấn đề, có nên tẩy trắng răng hay không?. Như đã đề cập, kỹ thuật này chỉ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ nên bạn cần xem xét nhu cầu và tình trạng răng miệng của bản thân trước khi đưa ra lựa chọn.
Các trường hợp nên cân nhắc tẩy trắng răng:
- Răng bị ố vàng do thói quen ăn uống như thường xuyên dùng cà phê, nước ngọt có gas, sâm panh, nước trái cây đóng hộp, nghệ, cà ri,…
- Răng xỉn màu do hút thuốc lá lâu năm.
- Răng ố vàng, sậm màu do bị trào ngược dạ dày.
- Răng vàng do bẩm sinh, do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh và do mắc các bệnh lý nha khoa như sâu răng, thiểu sản men răng,…
- Ngoài ra, những trường vàng răng do tuổi tác cao cũng có thể tẩy trắng răng để cải thiện
Tẩy trắng răng là phương pháp tương đối đơn giản và chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để thực hiện. Phương pháp này sử dụng thuốc tẩy gốc peroxide để loại bỏ các mảng màu bám trên bề mặt răng. Nếu thực hiện tại phòng khám, bác sĩ sẽ kết hợp thêm với tia plasma, laser,… để tăng tốc độ khử màu và hiệu quả tẩy trắng.
Trong trường hợp răng bị ố vàng, bạn có thể tẩy trắng răng nếu có mong muốn sở hữu hàm răng trắng sáng và đều màu. Tuy nhiên, tẩy trắng răng không được thực hiện trong trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai, cho con bú: Tẩy trắng răng không phải là kỹ thuật xâm lấn nhưng có sử dụng thuốc tẩy nồng độ cao. Do đó để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ không thực hiện kỹ thuật này cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
- Người dưới 16 tuổi: Người dưới 16 tuổi có cấu trúc răng chưa ổn định và vẫn còn phát triển, đặc biệt lúc này buồng tủy còn khá lớn. Nếu tẩy trắng răng cho người dưới 16 tuổi, hoạt chất trong thuốc tẩy có thể kích thích ngà răng và tủy răng dẫn đến cảm giác ê buốt kéo dài.
Ngoài những trường hợp này, tẩy trắng răng còn chống chỉ định tương đối với người mắc các bệnh nha khoa và người vừa can thiệp tiểu phẫu răng miệng. Với người vừa tiểu phẫu, cần đợi cho vết thương lành hẳn trước khi thực hiện. Người mắc các bệnh lý nha khoa cần thăm khám và điều trị dứt điểm để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng phương pháp tẩy trắng.
Tẩy trắng răng có tốt, hiệu quả không?
Tẩy trắng răng là một trong những kỹ thuật nha khoa thẩm mỹ được ưa chuộng. Phương pháp này sử dụng dung dịch thuốc tẩy chứa Hydrogen peroxide hoặc Carbamide Peroxide thoa trực tiếp lên bề mặt răng. Sau khi thẩm thấu, các hoạt chất gốc peroxide có khả năng cắt đứt các chuỗi phân tử màu, từ đó giúp răng trắng sáng, khắc phục hoàn toàn tình trạng răng ngả màu và ố vàng.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, không ít người có nhu cầu tẩy trắng răng để sở hữu hàm răng trắng sáng và nụ cười rạng rỡ. Tuy nhiên, không ít bạn đọc còn băn khoăn về hiệu quả của phương pháp này. Vậy, tẩy trắng răng có tốt không?.
Như đã đề cập, tẩy trắng răng sử dụng các hoạt chất có đặc tính tẩy mạnh như Hydrogen peroxide và Carbamide Peroxide. Khi tiếp xúc với men răng và ngà răng, các hoạt chất này sẽ phá vỡ các mảng màu bám trên răng, trả lại hàm răng trắng sáng và rạng rỡ. Vì vậy, bạn có thể an tâm thực hiện tẩy trắng răng để cải thiện nụ cười và tự tin hơn khi giao tiếp.
Tuy nhiên, hiệu quả của tẩy trắng răng còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Những trường hợp nhiễm màu trên bề mặt (do thói quen ăn uống, hút thuốc lá, sử dụng nước súc miệng chứa Hexetidine/ Chlorhexidine và vệ sinh răng miệng kém) có thể được cải thiện hoàn toàn sau khi tẩy trắng răng.
Ngược lại, những trường hợp nhiễm màu sâu bên trong cấu trúc như nhiễm kháng sinh Tetracycline, di truyền, tuổi tác, dư thừa fluor,… thường chỉ có thể cải thiện khoảng 60 – 80% tùy theo từng trường hợp. Ngoài ra, một số trường hợp răng nhiễm màu kháng sinh quá nặng cần phải dán sứ hoặc bọc răng sứ để đạt kết quả tốt nhất. Bởi tẩy trắng răng có thể không mang lại hiệu quả cao trong trường hợp này.
Nếu có nhu cầu tẩy trắng răng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp thích hợp với mức độ ố vàng của răng. Đối với những trường hợp răng sậm màu nặng và lâu năm, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp phục hình thay vì tẩy trắng răng thông thường.
Tẩy trắng răng có an toàn không?
Ngoài thắc mắc “Tẩy trắng răng có tốt không?” thì vấn đề an toàn khi thực hiện kỹ thuật này cũng là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Thực tế, tất cả các kỹ thuật nha khoa được thực hiện tại các phòng khám/ bệnh viện đều đã được kiểm định về độ an toàn đối với sức khỏe. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tẩy trắng răng nếu có nhu cầu.
Những trường hợp gặp phải biến chứng khi tẩy trắng răng đều do phòng khám sử dụng thuốc tẩy kém chất lượng hoặc có nồng độ quá cao khiến men răng bị mài mòn. Vì vậy để đảm bảo an toàn khi tẩy trắng răng, bạn nên lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy khi có ý định thực hiện phương pháp này.
Nếu mơ hồ khi lựa chọn các phòng khám và trung tâm nha khoa, bạn có thể đến các bệnh viện công lập để được khám và tư vấn về kỹ thuật tẩy trắng răng. Ngoài ra, sau khi thực hiện, bạn cũng cần có chế độ chăm sóc hợp lý để giảm mức độ ê buốt và giữ răng trắng sáng lâu dài.
Các tẩy trắng răng an toàn, hiệu quả
Có khá nhiều phương pháp tẩy trắng răng được áp dụng hiện nay như sử dụng miếng dán tẩy trắng, kem đánh răng, nước súc miệng, dùng nguyên liệu tự nhiên,… Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp này đều mang lại hiệu quả chậm và hạn chế. Thậm chí một số loại miếng dán răng còn có thể mài mòn men răng, khiến răng trở nên ê buốt và nhạy cảm.
Hiện nay, hai phương pháp tẩy trắng răng an toàn và hiệu quả nhất là tẩy trắng răng tại phòng khám và tẩy trắng tại nhà bằng máng tẩy. Để lựa chọn được phương pháp thích hợp, bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết trong nội dung sau:
1. Tẩy trắng răng tại phòng khám
Tẩy trắng răng tại phòng khám là phương pháp được nhiều người lựa chọn nhất. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám và đánh giá mức độ ố vàng của răng, từ đó lên kế hoạch điều trị thích hợp với từng trường hợp. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tư vấn để bạn hiểu rõ ưu nhược điểm, chi phí và quy trình.
Tẩy trắng răng tại phòng khám thường được thực hiện trong 20 – 60 phút. Sau khi tư vấn, bác sĩ sẽ làm sạch răng miệng và cạo vôi răng cho khách hàng nếu cần thiết. Sau đó, cách ly nướu và thoa thuốc tẩy lên bề mặt răng. Kết hợp với chiếu tia laser hoặc đèn plasma để tăng tốc độ khử màu.
Nếu tẩy trắng răng tại phòng khám, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tẩy nồng độ cao khoảng 30 – 50%. Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng răng xỉn màu và ố vàng sẽ thuyên giảm hoàn toàn. Trong trường hợp răng bị ố vàng nặng, quá trình này phải được lặp lại từ 2 – 3 lần để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất.
Tẩy trắng răng tại phòng khám có thể cải thiện tình trạng răng vàng, sậm màu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này sử dụng thuốc tẩy có nồng độ khá cao nên chỉ được thực hiện tối đa 1 lần/ năm.
2. Tẩy trắng răng bằng máng tẩy tại nhà
Ngoài tẩy trắng răng tại phòng khám, bạn cũng có thể tẩy trắng răng tại nhà bằng máng tẩy. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn vẫn cần đến nha khoa để được thăm khám và tư vấn.
Sau khi tư vấn và khách hàng đồng ý thực hiện, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để làm máng tẩy. Sau đó, chỉ định dùng thuốc tẩy có nồng độ phù hợp với tình trạng xỉn màu của răng. Thông thường nếu tẩy trắng tại nhà, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc tẩy có nồng độ từ 10 – 15% để tránh kích ứng và mòn men.
Đối với tẩy trắng răng tại nhà, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch trước khi sử dụng. Sau đó, cho một lượng thuốc tẩy vào máng và đeo trực tiếp trong 2 – 3 giờ mỗi ngày. Phương pháp này mang lại hiệu quả sau 3 – 4 tuần tùy theo mức độ ố vàng của răng. So với tẩy trắng tại phòng khám, tẩy trắng răng tai nhà ít gây ê buốt hơn do nồng độ thuốc tẩy thấp nên rất thích hợp với người có răng nhạy cảm và răng ố vàng nhẹ.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về vấn đề “Có nên tẩy trắng răng hay không? Có an toàn không?”. Trên thực tế, tất cả các phương pháp nha khoa thẩm mỹ đều có ưu nhược điểm riêng. Do đó, bạn nên cân nhắc về nhu cầu của bản thân trước khi quyết định thực hiện.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Tẩy trắng răng mấy lần thì trắng? Duy trì được bao lâu?
Than Hoạt Tính Tẩy Trắng Răng Có Hiệu Quả Không?
Top 5 Kem Tẩy Trắng Răng Của Nhật Được Review Cực Tốt
Tẩy trắng răng bằng Laser Whitening: Quy trình và chi phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!