Viêm nha chu ở trẻ em là một trong những vấn đề nha khoa phổ biến. Bệnh lý khởi phát có thể liên quan đến các vấn đề nha khoa ảnh hưởng đến xương nâng đỡ răng nhưng cũng có thể do rối loạn di truyền. Các triệu chứng viêm nha chu ở trẻ em nếu không được tiến hành thăm khám và chữa trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ mất răng.
Viêm nha chu ở trẻ em là gì?
Viêm nha chu là một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ khá nghiêm trọng. Bệnh lý chỉ tình trạng nhiễm trùng ở mô nướu và những tổ chức nâng đỡ răng như xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement (xê măng). Theo thời gian, những cơ quan trên có thể bị tổn thương nặng nề, khiến răng bị lỏng lẻo, lung lay và dễ gãy rụng. Số liệu thống kê cũng cho thấy, viêm nha chu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mất răng.
Khác với người trưởng thành, có một số loại loại viêm nha chu xuất hiện chủ yếu ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, một vài trường hợp bị viêm nha chu diễn tiến nặng nề và có thể dẫn đến mất răng. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm nha chu ở trẻ em có thể được cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách và tuân thủ chỉ định của bác sĩ nha khoa.
Một số dạng viêm nha chu ở trẻ em thường gặp như:
1. Viêm lợi
Viêm lợi hay còn gọi là viêm nướu răng là tình trạng răng hình thành các mảng bám gây viêm nhiễm. Các biểu hiện viêm lợi có thể được cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách và hợp lý.
Tuy nhiên, tình trạng viêm lợi ở trẻ em nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách có thể tiến triển nặng nề, ảnh hưởng đến các mô xung quanh và xương, từ đó dẫn đến viêm nha chu. Theo các chuyên gia đầu ngành, viêm nha chu là hệ quả của viêm lợi.
2. Viêm nha chu cấp tính
Ở giai đoạn mới khởi phát, tổn thương do viêm nha chu ở trẻ em gây ra có thể gây tụt nướu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ hình thành những túi áp xe ở giữa răng và nướu, gây sưng viêm, đau nhức.
Khi cơ thể bị nhiễm trùng, theo cơ thể hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ chống lại nhiễm trùng. Tình trạng này có thể khiến các mô nướu có dấu hiệu co rút lại. Từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu ở nướu khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị và chăm sóc sớm, tình trạng viêm nha chu cấp tính có thể dẫn đến tiêu xương chân răng, làm tăng nguy cơ mất răng.
3. Viêm nha chu mãn tính
Thông thường, viêm nha chu ở trẻ em sẽ đáp ứng tốt các biện pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu chủ quan, không tiến hành chẩn đoán và điều trị có thể tiến triển thành mãn tính, gây chảy máu chân răng, đau nhức xung quanh răng, tụt nướu răng.
Khi bị viêm nha chu mãn tính, răng dần mất đi sự hỗ trợ từ xương chân răng và có xu hướng lung lay. Bên cạnh đó, các triệu chứng bệnh lý nếu không được kiểm soát nhanh chóng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ở trẻ.
4. Viêm nha chu nghiêm trọng
Khi các triệu chứng viêm nha chu ở trẻ em tiến triển nghiêm trọng có thể gây ra ảnh hưởng đến những mô liên kết giữ răng, gây suy yếu và kém đi. Xương, nướu và những mô liên kết khác có nhiệm vụ hỗ trợ răng cũng có xu hướng bị phá hủy.
Ở giai đoạn này, bệnh nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, hơi thở có mùi hôi và vị khó chịu trong miệng. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị mất răng nếu cấu trúc răng bị ảnh hưởng và không được điều trị phù hợp.
Nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu ở trẻ em
Tổn thương do viêm nha chu có thể tác động ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ răng, chủ yếu là xương ổ răng và mô nướu. Nguyên nhân khởi phát chủ yếu là do vi khuẩn phát triển, tạo ra lớp màng sinh học trên bề mặt răng (mảng bám). Lúc này vi khuẩn tấn công và dẫn đến phản ứng viêm, hủy hoại các mô. Cả viêm nha chu và viêm lợi đều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của như thể trạng của trẻ.
Việc các mảng bám trên răng xuất hiện được xem là nguyên nhân chính dẫn đến viêm nha chu ở trẻ em. Bởi những mảng bám này chứa nhiều vi khuẩn viêm nhiễm, lâu dần có thể đông cứng lại, hình thành cao răng và vôi răng.
Thói quen vệ sinh răng miệng kém có thể tạo điều kiện thuận lợi để mảng bám phát triển trong khoang miệng. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em vì chưa nhận thức về việc sinh răng miệng đúng cách.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm nha chu ở trẻ em:
- Thức ăn bị vướng trong nướu trong thời gian dài
- Ảnh hưởng của gen di truyền
- Thường xuyên thở bằng miệng có thể gây khô nướu, tác động đến các răng
- Bệnh miễn dịch hệ thống
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Bệnh tiểu đường
- Thói quen nghiến răng
- Sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến răng và nướu như thuốc làm giảm khả năng tiết nước bọt ở khoang miệng
Các biểu hiện nhận biết viêm nha chu ở trẻ em
Ở giai đoạn đầu, bệnh viêm nha chu ở trẻ em thường không có các biểu hiện cụ thể. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể diễn tiến nặng nề và phát sinh các triệu chứng điển hình. Cụ thể:
- Vùng lợi bị sưng đỏ, chảy máu, nhất là khi đánh răng
- Quan sát bề mặt răng của trẻ có thể thấy nhiều mảng bám, xuất hiện nhiều ở vùng cổ răng
- Dùng tay tác động vào túi lợi có chảy dịch hoặc mủ
- Răng bị lung lay, cảm giác răng không được chắc chắn
- Khó khăn khi nhai và đau nhức dữ dội
- Tình trạng viêm nha chu ở trẻ em cũng có thể gây hôi miệng dai dẳng
- Sau một thời gian tiến triển, những biểu mô sẽ bám dính, gây phá hủy kèm theo biểu hiện xương ổ răng bị tiêu hủy, hình thành những túi nha chu chứa mủ. Trong giai đoạn này, răng của trẻ có dấu hiệu lung lay, chảy mủ/ dịch khi ấn vào, kèm theo mùi hôi khó chịu
- Răng bị ê buốt, bị tụt lợi răng, lung lay và gây khó khăn trong quá trình ăn uống
Viêm nha chu ở trẻ em nguy hiểm không?
Viêm nha chu nói chung và viêm nha chu ở trẻ em là một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Đây là một dạng nhiễm trùng ở nướu nghiêm trọng hơn so với bệnh viêm lợi thông thường. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng những tổ chức nâng đỡ răng như dây chằng, xương ổ răng, mô nướu và xê măng.
Viêm nha chu ở trẻ em nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể phát sinh nhiều biến chứng nặng nề như:
- Mất răng: Mất răng là một trong những biến chứng phổ biến ở trẻ bị viêm nha chu. Bởi khi các tổ chức nâng đỡ bị phá hủy, chân răng có xu hướng lỏng lẻo, dần lung lay và rụng hoàn toàn. Viêm nha chu còn được xem là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mất răng ở trẻ.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác: Tổn thương do viêm nha chu gây ra không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ mà còn làm tăng nguy cơ mắc những bệnh lý liên quan đến tim mạch, gan và tiểu đường. Đặc biệt, tình trạng này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể khiến vi khuẩn tấn công vào tuần hoàn máu và lan đến những cơ quan khác.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống: Viêm nha chu gây đau nhức, lung lay răng, hôi miệng, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống,… Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, thể trạng cũng như sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Chẩn đoán bệnh viêm nha chu ở trẻ em
Để xác định cụ thể nguyên nhân khởi phát cũng như mức độ tổn thương do viêm nha chu gây ra, bác sĩ nha khoa có thể yêu cầu người bệnh tiến hành một số chẩn đoán sau:
- Tiến hành kiểm tra lịch sử bệnh án nhằm xác định những yếu tố nguy cơ nguyên nhân liên quan
- Kiểm tra khoang miệng giúp tìm kiếm cao răng, các mảng bám đồng thời xác định biểu hiện chảy máu chân răng.
- Đo độ sâu của túi nha chu, bởi thông thường những túi này có độ sâu từ 1 – 3 mm, với những túi có độ sâu trên 4mm có thể là biểu hiện viêm nha chu.
- Chụp X-quang nha khoa nhằm đánh giá mức độ tiêu của xương hàm. Thông qua hình ảnh của xét nghiệm, bác sĩ có thể dễ dàng trong việc đưa ra chẩn đoán xác định, từ đó đánh giá mức độ tổn thương do bệnh lý gây ra.
Ngoài chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt viêm nha nhu và những bệnh lý có biểu hiện tương tự như viêm nha chu khu trú hoặc toàn bộ, áp xe nha chu,…
Các phương pháp điều trị bệnh lý
Đối với viêm nha chu trẻ em ở mức độ nhẹ, ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, súc miệng với nước sát khuẩn để cải thiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị và cải thiện các triệu chứng viêm nha chu ở trẻ em:
1. Điều trị khẩn cấp
Biện pháp điều trị khẩn cấp được tiến hành khi vùng niêm mạc hay nướu của trẻ có ổ mủ hay áp xe. Với những trường hợp này thường có biểu hiện sưng mô nướu, đau ít hoặc nhiều, khi sờ vào có cảm giác phập phều.
Với những trường hợp trẻ hình thành các ổ mủ, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh để kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ phát huy tác dụng tạm thời bởi ổ viêm nhiễm vẫn tồn tại và có xu hướng tiến triển thành mãn tính. Khi có điều kiện thuận lợi, vi khuẩn sẽ tiến triển và hình thành những đợt cấp tính, bùng phát theo chu kỳ với mức độ nghiêm trọng hơn.
Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh trong điều trị viêm nha chu ở trẻ em có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Do đó, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như tần suất sử dụng.
2. Điều trị không phẫu thuật
Những biện pháp điều trị không phẫu thuật được áp dụng trong kiểm soát các triệu chứng viêm nha chu ở trẻ em bao gồm:
- Lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng: Các biểu hiện viêm nha chu thường phát triển từ cao răng tích tụ ở cổ chân răng. Đây được xem là nơi trú ngụ của các vi khuẩn có hại. Do đó, khi số lượng cao răng tăng lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Kế đến bài tiết độc tố gây viêm nướu, phá hủy xê măng, tiêu xương ổ răng, dây chằng. Do đó, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành cạo vôi răng, xử lý mặt gốc răng của trẻ nhằm ngăn chặn viêm nha chu tiến triển.
- Cố định răng: Trong trường hợp viêm nha chu khiến răng trẻ bị lung lay ở mức độ nhẹ. Bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành dùng nẹp bằng kim loại nhằm cố định răng trên cung hàm, hạn chế tình trạng răng bị lung lay, gãy rụng.
- Nhổ răng: Với những trẻ bị viêm nha chu ở mức độ nghiêm trọng và hư tổn răng hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc nhổ bỏ răng để tránh tình trạng tiêu xương hàm.
- Sử dụng thuốc tại chỗ: Các loại thuốc điều trị tại chỗ được dùng trực tiếp lên vùng mô nướu bị thương tổn và nhiễm trùng. Một số loại thuốc thường được sử dụng phổ biến như nước súc miệng chứa Chlorhexidine, Iodine, Hexetidine, gel bôi chứa Minocycline, Metronidazol,…
3. Phẫu thuật điều trị viêm nha chu
Phẫu thuật điều trị viêm nha chu ở trẻ em được bác sĩ cân nhắc khi các biện pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả, tình trạng bệnh lý tiến triển nghiêm trọng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị viêm nha chu phổ biến hiện nay như:
- Phẫu thuật loại bỏ túi viêm nha chu: Các túi nha chu hình thành ở giữa những khoảng cách của các túi răng. Những túi này thường rỗng, có đôi khi chứa dịch hoặc mủ. Lâu dần sẽ tiến triển gây tổn thương những tổ chức nâng đỡ răng, từ đó khiến răng bị gãy rụng, lung lay. Việc áp dụng phương pháp loại bỏ túi nha chu sẽ được tiến hành nhằm làm giảm độ sâu của túi nha chu, làm chậm quá trình phá hủy tổ chức nâng đỡ răng, từ đó hỗ trợ quá trình vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật tái tạo: Phương pháp này được tiến hành bằng cách kích thích sự tái tạo của các mô nướu, một phần xương. Mục đích để củng cố hệ thống nâng đỡ răng, đảm bảo chức năng nhai và hạn chế tình trạng gãy rụng răng ở trẻ.
- Phẫu thuật ghép mô mềm: Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp trẻ bị tụt lợi răng, phần chân răng lộ ra rõ rệt. Kỹ thuật được tiến hành bằng cách ghép các mô nướu và nhiều hoặc 1 răng giúp tăng cường nâng đỡ răng, từ đó cải thiện tình trạng ê buốt răng hiệu quả.
4. Điều trị duy trì
Tình trạng viêm nha chu ở trẻ em thường có xu hướng tái phát nhiều lần và rất khó điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, việc áp dụng biện pháp điều trị duy trì là vô cùng cần thiết. Bên cạnh giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả còn ngăn ngừa răng bị lung lay, gãy rụng.
Quy trình điều trị duy trì bao gồm các bước sau:
- Thăm khám định kỳ nhằm đánh giá mức độ tiến triển cũng như áp dụng những biện pháp điều trị duy trì giúp kiểm soát, phòng ngừa bệnh tái phát, chuyển biến nặng nề.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách.
- Bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng nước súc miệng chứa Hexetidine và Chlorhexidine 2 tháng/ lần giúp phòng bệnh tái phát hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh viêm nha chu ở trẻ em hiệu quả
Trên thực tế, bệnh viêm nha chu khởi phát từ những mảng vôi răng. Chính vì vậy, bệnh lý có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu ba mẹ hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Bên cạnh đó, cần chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống nhằm hỗ trợ ngăn ngừa viêm nha chu tái phát hiệu quả.
Dưới đây là các biện pháp giúp phòng ngừa viêm nha chu ở trẻ em hiệu quả:
- Cho trẻ chải răng từ 2 – 3 lần mỗi ngày vào các bữa ăn và trước khi ngủ. Thông thường trẻ em dưới 7 tuổi chưa thể vệ sinh răng miệng đúng cách. Do đó, ba mẹ nên giám sát quá trình vệ sinh răng miệng của con để chắn chắc lượng thức ăn thừa, mảng bám được loại bỏ hoàn toàn.
- Sử dụng chỉ nha khoa cho trẻ để làm sạch lượng thức ăn thừa trong kẽ răng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm nước súc miệng phù hợp với độ tuổi của trẻ giúp làm sạch khoang miệng hoàn toàn.
- Tránh cho trẻ dùng quá nhiều nước ngọt có gas, bánh kẹo, socola,… Thay vào đó, bạn nên khuyến khích trẻ dùng những món ăn từ rau củ, trái cây tươi giúp phòng ngừa viêm nha chu cũng như những bệnh lý liên quan đến nha khoa.
- Cần giảm lượng đường trong chế độ ăn uống của trẻ, tăng cường bổ sung khoáng chất, rau xanh, vitamin và nước giúp cải thiện men răng, ngăn ngừa viêm nha chu hiệu quả.
- Cho trẻ cạo vôi răng mỗi năm từ 1 – 2 lần. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên chủ động đưa con đến nha khoa để được thăm khám răng miệng định kỳ, giúp kịp thời phát hiện và điều trị những bệnh lý tiềm ẩn.
Viêm nha chu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống, tâm lý, giấc ngủ, thậm chí gây mất răng ở trẻ. Do đó, ba mẹ cần chú ý những biểu hiện của trẻ để kịp thời đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần hướng dẫn con vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như ăn uống hợp lý để ngăn ngừa bệnh lý tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Top 8 Kem Đánh Răng Trị Viêm Nha Chu Hiệu Quả Nhất
Bị Viêm Nha Chu Có Niềng Răng Được Không?
Viêm Nha Chu Mãn Tính Là Gì? Có Chữa Được Không?
5 Thuốc Bôi Chữa Viêm Nha Chu Hiệu Quả, Nhanh Khỏi Nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!