Viêm nha chu không được điều trị sớm có thể chuyển biến nặng gây ra nhiều biến chứng như áp xe răng, viêm tủy răng, viêm nhiễm đường hô hấp trên và mất răng vĩnh viễn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như tăng nguy cơ mắc các bệnh nội khoa và thậm chí là đột quỵ.
Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm nha chu
Không giống với các bệnh nha khoa thông thường, viêm nha chu là vấn đề sức khỏe có mức độ nghiêm trọng. Đây là tình trạng nhiễm trùng mãn tính các tổ chức nâng đỡ răng (hay còn gọi là nha chu) bao gồm mô nướu, dây chằng nha chu, cement, xương ổ răng,…
Khi các cơ quan này bị tổn thương răng, chân răng sẽ giảm khả năng bám trên cung hàm dẫn đến đau nhức, lung lay, chảy máu và khó khăn khi ăn uống, sinh hoạt. Về lâu dài, viêm nha chu có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm nha chu, bao gồm:
1. Tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác
Viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong mô nướu, dây chằng nha chu, cement và xương ổ răng. Theo thời gian, vi khuẩn sẽ phá hủy các cơ quan này khiến răng lung lay và dễ đau nhức. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào bên trong cấu trúc răng gây ra các bệnh nha khoa như:
- Áp xe chân răng: Chân răng nằm sâu bên trong xương ổ răng nên hiếm khi bị viêm nhiễm. Tuy nhiên khi bị viêm nha chu, vi khuẩn bên trong xương ổ răng có thể tấn công dẫn đến viêm nhiễm và hình thành túi mủ (áp xe) ở vị trí này. Áp xe chân răng gây sưng đỏ mô nướu, răng đau nhức nhiều kèm theo sốt, mô nướu chảy mủ, sưng hạch ở góc hàm,… Nếu không điều trị sớm, chân răng có thể bị phá hủy nặng buộc phải nhổ bỏ răng.
- Viêm tủy răng: Ngoài ra, vi khuẩn bên trong mô nướu và xương ổ răng cũng có thể đi vào buồng tủy qua lỗ chóp ở chân răng. Tủy răng là cơ quan nuôi dưỡng ngà và dẫn truyền cảm giác. Do đó khi bị viêm tủy răng, cơ quan này sẽ bị hư hại nặng và mất hoàn toàn các chức năng vốn có.
2. Viêm nha chu nặng gây mất răng vĩnh viễn
Viêm nha chu nặng còn có thể gây mất răng vĩnh viễn. Như đã biết, chân răng được cố định bên trong xương ổ răng và được nâng đỡ bởi dây chằng nha chu, cement và mô nướu. Các cơ quan này có vai trò cố định răng trên cung hàm, đồng thời bảo vệ răng khỏi vi khuẩn và tác động cơ học, vật lý.
Khi viêm nha chu không được điều trị sớm, mô nướu sẽ giảm độ bám dính với thân răng do tiêu xương ổ răng. Theo thời gian, chân răng trở nên lỏng lẻo, lung lay và có thể gãy, rụng khi ăn uống. Thực tế cũng cho thấy, viêm nha chu được xem là nguyên nhân phổ biến gây mất răng ở người trưởng thành.
Mất răng không chỉ khiến răng mất hoàn toàn chức năng thẩm mỹ và sinh lý mà còn gây tiêu xương hàm dẫn đến hư hại toàn bộ cấu trúc răng nếu không có biện pháp khắc phục. Vì vậy sau khi nhổ bỏ răng, bạn phải can thiệp cấy ghép Implant – phương pháp phục hình tối ưu nhất hiện nay. Tuy nhiên, chi phí thực hiện phương pháp này khá cao nên không hoàn toàn phù hợp với tất cả bệnh nhân.
3. Hôi miệng – Biến chứng không ngờ của bệnh viêm nha chu
Hôi miệng là hệ quả do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn gây viêm nha chu không chỉ gây hư hại mô nướu, xương ổ răng mà còn tiết ra độc tố có mùi hôi khó chịu. Mùi hôi được tiết ra sâu bên trong tổ chức nâng đỡ răng nên không thể làm sạch bằng các phương pháp vệ sinh răng miệng thông thường.
Hôi miệng không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý trong quá trình giao tiếp và sinh hoạt. Hơn nữa với những trường hợp hôi miệng nặng, tình trạng này cũng tác động không nhỏ đến hiệu suất lao động – đặc biệt là với người phải gặp gỡ và giao tiếp thường xuyên.
4. Tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch
Nghe có vẻ vô lý nhưng viêm nha chu và các bệnh nha khoa nặng đều làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch và gây đột quỵ. Theo nghiên cứu, vi khuẩn gây các bệnh nha khoa có thể đi vào tuần hoàn máu, sau đó di chuyển đến động mạch nuôi dưỡng tim.
Về lâu dài, vi khuẩn phát triển dẫn đến hình thành cục máu đông làm cản trở hoạt động tuần hoàn máu dẫn đến tăng huyết áp, đau tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,… Với những người mắc các bệnh tim mạch, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhiều tai biến tim mạch nguy hiểm khác.
5. Viêm nha chu nặng tăng nguy cơ bị tiểu đường
Viêm nha chu nặng cũng có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu đường. Tiểu đường là bệnh lý nội khoa phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng đường huyết cao kéo dài. Bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với chế độ ăn chứa nhiều đường và ảnh hưởng của một số bệnh lý như rối loạn lipid máu, cao huyết áp, thận,…
Ngoài ra, viêm nha chu cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu đường mà ít người ngờ đến. Vi khuẩn trú ngụ bên trong tổ chức nha chu có thể đi vào tuần hoàn máu, sau đó di chuyển đến tuyến tụy – cơ quan sản sinh insulin để chuyển hóa đường.
Sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các kháng thể được sản sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn mà còn có thể kháng insulin khiến lượng đường trong máu không được kiểm soát. Về lâu dài, kháng thể cũng có thể phá hủy tế bào của tuyến tụy khiến chức năng của cơ quan này suy giảm đáng kể.
Đối với những người bị tiểu đường type 2, lượng đường trong máu sẽ trở nên bất ổn và khó kiểm soát hơn nếu bị viêm nha chu. Tiểu đường và các bệnh răng miệng có mối liên hệ mật thiết. Vì vậy khi mắc 1 trong 2 bệnh lý này, bạn cần có phương pháp điều trị và chăm sóc kịp thời để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
6. Gây ra các bệnh viêm đường hô hấp
Viêm nha chu khiến số lượng vi khuẩn trong khoang miệng tăng lên đáng kể. Do đó, nếu không được điều trị sớm, bệnh lý này còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, trong đó thường gặp nhất là:
- Viêm họng, viêm amidan: Amidan, hầu họng nằm liền kề với mô nướu, răng và tổ chức nâng đỡ răng. Vì vậy khi vi khuẩn phát triển mạnh, niêm mạc hầu họng và amidan có thể bị viêm sưng, đau nhức. Viêm họng, viêm amidan là các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp và có mức độ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt và làm việc.
- Viêm xoang hàm: Xoang hàm là cơ quan nằm gần với răng ở hàm trên. Nếu viêm nha chu không được kiểm soát, vi khuẩn có thể phát triển mạnh, lây lan và gây viêm nhiễm mô xoang hàm. Viêm xoang hàm khiến mô xoang bị phù nề, làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, nặng vùng mặt, ngứa cổ họng, đau đầu, khó thở,…
- Các bệnh hô hấp khác: Ngoài ra, viêm nha chu tiến triển nặng còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi và kích thích cơn hen cấp bùng phát (với người có tiền sử hen suyễn).
7. Viêm nha chu nặng gây giảm chất lượng cuộc sống
Có thể nói, viêm nha chu là bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe răng miệng và thể trạng. Các triệu chứng của bệnh có xu hướng dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát ngay cả khi đã được điều trị y tế.
Viêm nha chu gây ra nhiều khó khăn khi ăn uống, hôi miệng, ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp, sinh hoạt,… Hơn nữa, các triệu chứng của bệnh cũng có thể làm gián đoạn quá trình làm việc, tác động không nhỏ đến hiệu suất lao động.
Ngoài những biến chứng kể trên, một số nghiên cứu còn cho thấy viêm nha chu có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề tuyến tiền liệt và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đến nay, các nhận định này vẫn chưa được chứng minh cụ thể trên lâm sàng nhưng phần nào có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này.
Bài viết đã tổng hợp một số biến chứng thường gặp của bệnh viêm nha chu. Qua đó giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh và chủ động hơn trong việc thăm khám – điều trị. Nếu được kiểm soát sớm, đa phần các trường hợp viêm nha chu đều có thể được cải thiện, ít khi chuyển biến nặng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Nha Chu Có Gây Hôi Miệng Không? Cách Khắc Phục Triệt Để
10 Cách Chữa Viêm Nha Chu Bằng Thuốc Nam Dễ Thực Hiện
Mối Liên Hệ Giữa Bệnh Viêm Nha Chu Và Nguy Cơ Sinh Non
Viêm Nha Chu Theo Đông Y Và Các Cách Chữa Trị An Toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!