Tủy Răng Là Gì? Cấu Tạo Và Chức Năng Của Tủy Răng

Tủy răng là một trong ba bộ phận quan trọng của răng. Khác với men răng và ngà răng, tủy là mô liên kết lỏng lẻo chứa 75% là nước và 25% là các chất hữu cơ. Để hiểu rõ hơn về cấu tạo, chức năng và các vấn đề thường gặp ở tủy răng, bạn đọc có thể tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau. 

Tủy răng là gì
Tủy răng là gì? Cấu tạo và các chức năng của tủy răng

Tủy răng là gì?

Răng được cấu tạo từ 3 thành phần chính bao gồm men răng, ngà răng và tủy răng. Trong đó, tủy răng nằm sâu bên trong, được bao bọc bởi ngà và men răng. Tủy là mô lỏng lẻo nằm bên trong buồng tủy với cấu trúc chủ yếu là các dây thần kinh, mạch máu và mạch bạch huyết.

Khác với men răng và ngà răng, tủy răng có cấu trúc phức tạp và không đồng nhất ở các răng. Ngoài ra, cấu trúc buồng tủy cũng có sự khác biệt ở từng độ tuổi, hệ răng (răng sữa, răng vĩnh viễn) và từng cá thể. Vì tủy là mô lỏng lẻo nên được bảo vệ với men răng và ngà răng – hai bộ phận có cấu tạo cứng chắc nhờ kết quả của quá trình khoáng hóa.

Cấu tạo của tủy răng

Tủy răng nằm trong hốc tủy (khoang tủy). Khoang tủy kéo dài từ thân răng cho đến chân răng. Tùy theo vị trí, mỗi răng có thể có từ 1 – 4 ống tủy.

1. Cấu tạo của buồng tủy răng

Khoang tủy được chia thành 2 phần là buồng tủy và ống tủy chân. Bên trong các cơ quan này là mô tủy với kết cấu lỏng lẻo, cấu tạo bao gồm nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh.

cấu tạo tủy răng
Khoang tủy bao gồm 2 phần là buồng tủy (tủy thân) và ống tủy chân
  • Buồng tủy: Buồng tủy là thuật ngữ đề cập đến phần khoang tủy nằm ở thân răng. Xung quanh buồng tủy là ngà răng – lớp thứ 2 của răng.
  • Ống tủy chân (tủy chân): Ống tủy chân là khoang chứa tủy nằm ở chân răng. Khác với buồng tủy, ống tủy có kích thước nhỏ và hẹp chạy theo chân răng. Vì vậy với những răng hàm lớn, số lượng tủy thường dao động từ 3 – 4 ống. Trong khi đó, răng cửa và răng tiền hàm chỉ có khoảng 1 – 2 ống tủy. Ống tủy chân ở kẽ hở ở phần chóp răng (chân răng) để các mạch máu và dây thần kinh nối thông với các cơ quan khác.

Hình dáng và thể tích khoang tủy của các răng vĩnh viễn không có tính đồng nhất và thường thu hẹp khi tuổi tác tăng cao.

2. Cấu trúc mô học tủy răng

Buồng tủy là nơi chứa tế bào, mạch máu, dây thần kinh, mạch bạch huyết, sợi và các chất căn bản.

cấu tạo tủy răng
Mô tủy răng chứa tế bào, mạch máu, dây thần kinh, mạch bạch huyết, sợi và các chất căn bản
  • Tế bào: Tế bào nằm trong tủy răng bao gồm nguyên bào ngà, nguyên bào sợi (là tế bào nhiều nhất trong tủy răng), tế bào trung mô chưa biệt hóa (là các tế bào dự trữ sẽ thanh thế các nguyên bào ngà bị thoái hóa và chết). Ngoài ra, tủy răng còn chứa một số tế bào khác như lympho bào, bạch cầu đơn nhân, mô bào,… Các tế bào này không phải là tế bào đặc hiệu của mô tủy mà là tế bào của hệ miễn dịch có khả năng sản xuất kháng thể và kích thích phản ứng viêm khi có sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Thành phần sợi và các chất căn bản: Thành phần sợi trong tủy răng bao gồm các bó sợi collagen, lưới sợi ưa bạc và chất căn bản (nước, proteoglycan, glucoprotein, dermantan sulfate,…).
  • Mạch máu: Mạch máu đi vào kẽ hở ở chóp răng, sau đó đi vào ống tủy chân và buồng tủy. Các mạch máu nhỏ trong tủy răng có sự liên kết với nha chu. Hầu hết mạch máu trong tủy răng đều là các mao mạch có thành mỏng và các động mạch hẹp, nhỏ.
  • Mạch bạch huyết: Mạch bạch huyết trong tủy răng có thành nội mô rất mỏng, không có hồng cầu, không có màng đáy và có van. Các ống mạch này đi vào lỗ chóp răng, sau đó tạo thành mạng lưới trong buồng tủy và thoát ra khỏi tủy qua lỗ chóp của ống tủy bên cạnh.
  • Dây thần kinh: Các dây thần kinh bên trong tủy răng đi cùng với mạch máu và mạch bạch huyết. Tủy răng chứa hai sợi thần kinh là sợi thần kinh có myelin và sợi thần kinh không có myelin. Các sợi thần kinh trong tủy răng có vai trò điều hòa sự co mạch và dẫn truyền cảm giác đau đến não bộ. Trung bình mỗi tủy răng có 2 – 3 bó sợi thần kinh với số lượng mỗi bó lên đến 1300 sợi.
  • Các vùng mô của tủy: Các vùng mô của tủy bao gồm 3 lớp là lớp nguyên bào ngà, vùng thưa nhân dưới nguyên bào ngà (vùng Weil) và vùng lưỡng cực giàu tế bào. Các vùng mô này phân nhánh nhiều tạo thành mạng lưới ngoại vi ở buồng tủy (khoang tủy ở thân răng).

Có thể thấy, tủy răng là cơ quan có kích thước nhỏ nhưng có cấu tạo phức tạp hơn so với men răng và ngà răng. Xét về mặt hóa học, tủy răng chứa 25% chất hữu cơ và 75% là nước.

Chức năng của tủy răng

Tủy răng là một trong những cơ quan quan trọng của răng. Cơ quan này đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như:

chức năng của tủy răng
Dẫn truyền cảm giác, tạo ngà và nuôi dưỡng mô là các chức năng chính của tủy răng

1. Nuôi dưỡng, tái tạo ngà răng

Ngà răng là cơ quan bao bọc lấy buồng tủy và nằm bên trong men răng. Tủy răng có vai trò chính là nuôi dưỡng các nguyên bào ngà, tạo ngà nguyên phát và thứ phát. Với chức năng này, tủy răng giúp duy trì hàm răng chắc khỏe và răng có độ cứng chắc nhất định.

Chính vì vậy khi tủy bị tổn thương và hoại tử, răng thường có xu hướng suy yếu, đổi màu men răng, chất răng giòn và dễ tổn thương. Ngoài ra, tủy răng hư hại nặng còn khiến tuổi thọ của răng suy giảm đáng kể.

2. Dẫn truyền cảm giác

Tủy răng chứa hệ thống bó sợi thần kinh cùng với mạch máu và mạch bạch huyết. Trong đó, sợi thần kinh có myelin chịu trách nhiệm thụ cảm và dẫn truyền “cảm giác đau” về não bộ. Các dây thần kinh bên trong tủy có thể cảm nhận được những kích thích bên ngoài thân răng. Nhờ vậy, não có thể cảm nhận cơn đau nhức, ê buốt, có cảm giác về lực trong quá trình ăn, nhai.

3. Chức năng miễn dịch

Tủy là mô liên kết lỏng lẻo nên nằm gọn bên trong buồng tủy và ống tủy chân. Đồng thời được bảo vệ bởi ngà răng và men răng – các cơ quan có kết cấu cứng chắc. Tuy nhiên ít người biết rằng, tủy răng cũng là cơ quan có chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể.

Cụ thể, tủy răng chứa hệ thống mạch bạch huyết với tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân,… Các tế bào này có vai trò gây viêm, bảo vệ cơ thể khi tủy răng bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, hệ thống này còn tham gia vào quá trình tạo ngà thứ phát để thay thế cho các lớp nguyên bào ngà bị hư hại.

Các vấn đề thường gặp ở tủy răng

Tủy răng là một trong những cơ quan đặc biệt của cơ thể. Dù có kích thước nhỏ nhưng cơ quan này có cấu tạo phức tạp và giữ nhiều chức năng quan trọng. Với chức năng vốn có, tủy răng được ví như “trái tim” của mỗi chiếc răng. Tủy nằm sâu bên trong buồng tủy và được bảo vệ bởi ngà răng, men răng. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan này vẫn có thể bị tổn thương khi có những yếu tố nguy cơ.

Các vấn đề thường gặp ở tủy răng:

1. Viêm tủy răng

Viêm tủy răng là vấn đề thường gặp của tủy răng. Tình trạng này xảy ra khi tủy răng bị nhiễm trùng bởi sự xâm nhập của vi khuẩn (chủ yếu là các loại vi khuẩn thường trú trong khoang miệng). Viêm tủy răng có thể xảy ra do những nguyên nhân như:

chức năng của tủy răng
Viêm tủy răng là vấn đề thường gặp nhất ở tủy răng
  • Sâu răng tiến triển: Sâu răng tiến triển làm phá hủy men răng và ngà răng. Sau đó, vi khuẩn sẽ tiến triển sâu vào bên trong buồng tủy và gây viêm nhiễm tủy răng. Sâu răng không được điều trị được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý này.
  • Viêm nha chu: Các mạch máu bên trong tủy răng thông thương với mô nha chu (mô nướu, dây chằng nha chu, xương ổ răng,…). Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng các tổ chức nâng đỡ răng kể trên. Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể đi vào tuần hoàn máu và xâm nhập vào buồng tủy gây viêm tủy răng.
  • Do các bệnh nhiễm trùng: Một số bệnh lý nhiễm trùng có thể tạo điều kiện để vi khuẩn cư trú trong mạch máu. Khi có yếu tố thuận lợi, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong tủy răng thông qua lỗ chóp dẫn đến nhiễm trùng tủy.
  • Do các thủ thuật nha khoa: Viêm tủy răng cũng có thể là hệ quả do thực hiện các thủ thuật nha khoa như trám răng, mài răng,… ở những phòng khám kém chất lượng. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn đi vào khoang tủy và gây tổn thương cơ quan này.
  • Răng sứt, mẻ do chấn thương: Thông thường, men răng có vai trò bảo vệ sự tấn công của vi khuẩn vào ngà răng và tủy răng. Khi răng sứt mẻ không được trám bít kịp thời, vi khuẩn sẽ dễ dàng đi vào bên trong gây tổn thương và viêm nhiễm tủy răng.

Viêm tủy răng thường phát triển qua hai giai đoạn là viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục (cấp, mãn tính). Ở giai đoạn đầu, bệnh gây đau nhức răng dữ dội kèm theo ê buốt, khó khăn khi ăn uống, mệt mỏi, sưng hạch góc hàm, sốt nhẹ đến sốt cao,… Tuy nhiên khi chuyển sang giai đoạn viêm tủy răng mãn tính, răng ít bị đau hoặc hầu như không đau nhức – ngay cả khi dùng thức ăn cay, nóng, lạnh.

2. Hoại tử tủy răng (chết tủy)

Chết tủy (hoại tử tủy) là tình trạng tủy răng bị phá hủy nặng nề, không còn tế bào sống và mất hẳn các chức năng vốn có. Tình trạng này thường là biến chứng do viêm tủy răng tiến triển nặng hoặc do chấn thương mạnh.

Tủy răng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của răng. Khi cơ quan này bị hoại tử, răng mất khả năng cảm nhận, men răng ngả màu, chân răng suy yếu, chất răng giòn và dễ nứt, mẻ. Ngoài ra, hoại tử tủy không được điều trị sớm còn có thể tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn, polyp tủy và gây ra nhiều biến chứng khác.

3. Tủy răng thoái hóa

Tương tự như các cơ quan trong cơ thể, tủy răng cũng có xu hướng bị thoái hóa khi tuổi tác tăng cao. Biểu hiện rõ rệt nhất của quá trình thoái hóa là sự suy giảm về cấu tạo và chức năng sinh lý.

Các dấu hiệu thoái hóa khoang tủy bao gồm:

  • Giảm số lượng mạch máu trong khoang tủy
  • Tăng bó sợi collagen ở ống tủy chân
  • Thu hẹp diện tích và thể tích khoang tủy
  • Mật độ nguyên bào sợi ở buồng tùy giảm từ từ, đều đặn
  • Hình thành sạn tủy do sự lắng đọng bất thường của phosphate calcium

Tủy răng là một trong ba cơ quan cấu thành răng hoàn chỉnh. Dù có kích thước nhỏ nhưng tủy răng có cấu trúc phức tạp và giữ nhiều chức năng quan trọng. Để bảo vệ tủy răng, bạn nên giữ gìn vệ sinh răng miệng, khám nha khoa định kỳ và chủ động điều trị các bệnh lý răng miệng ngay từ giai đoạn đầu.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!