Nhổ răng sâu khi mang thai chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cần thiết. Bởi tia X và một số loại thuốc được sử dụng sau khi nhổ răng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Có nên nhổ răng sâu khi mang thai?
Mang thai là thời điểm cơ thể có nhiều sự thay đổi cả về mặt tâm lý và sinh lý. Sự thay đổi của hormone cùng với hệ miễn dịch suy giảm chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa ở bà bầu. Trong đó, sâu răng là bệnh lý thường gặp nhất.
Sâu răng là tình trạng răng bị mất các mô cứng do quá trình hủy khoảng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans và một số vi khuẩn khác thường trú trong khoang miệng. Ban đầu, sâu răng không gây ra triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, khi vi khuẩn tấn công vào ngà răng, răng bắt đầu có hiện tượng đau nhức và ê buốt khi ăn uống.
Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, vi khuẩn gây sâu răng có thể tiếp tục phát triển gây tổn thương tủy răng, phá hủy cấu trúc răng nặng nề dẫn đến tình trạng phải nhổ bỏ. Nhổ răng sâu giúp giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm và dự phòng các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên nếu đang mang thai, nhổ răng và một số biện pháp nha khoa có thể gây ra rủi ro, tác dụng phụ. Vậy, có nên nhổ răng sâu khi đang mang thai hay không?
Trên thực tế, các biện pháp xâm lấn đều không được khuyến cáo thực hiện trong thời gian mang thai. Các phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đồng thời có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ như sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, ốm yếu,…
Chính vì tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ nên đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ thường chỉ định các biện pháp trì hoãn đến khi sinh nở. Sau khi sức khỏe của mẹ đã ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành nhổ răng để tránh ảnh hưởng đến thể trạng của mẹ và nguồn sữa của mẹ. Tuy nhiên, nhổ răng sâu vẫn có thể thực hiện khi mang thai trong một số trường hợp sau:
- Răng bị sâu nặng, vi khuẩn đã tấn công và gây hư hại khoang tủy
- Cấu trúc răng hư hại nặng, không thể ăn uống như bình thường, thức ăn dễ bám dính và giắt vào lỗ sâu
Một số vấn đề cần biết khi nhổ răng sâu khi mang thai
Nhổ răng sâu khi mang thai tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, phương pháp vẫn được thực hiện nếu lợi ích cao hơn nguy cơ tiềm tàng. Trước khi nhổ răng sâu khi mang thai, mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ về một số vấn đề sau:
1. Rủi ro, biến chứng khi nhổ răng sâu trong thời gian mang thai
Nhổ răng khôn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho phụ nữ mang thai do tia X được dùng khi chụp X-Quang. Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang để đánh giá tình trạng răng, nắm rõ cấu trúc của răng khôn nhằm đảm bảo quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi, an toàn.
Các nghiên cứu cho thấy, chụp X-Quang răng trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến trẻ sinh ra nhẹ cân. Nếu tiếp xúc với bức xạ liều cao, trẻ có thể bị dị tật bẩm sinh, tăng nguy cơ thiểu năng trí tuệ,… Nếu phải nhổ răng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ và giảm lượng tia X + sử dụng đồ bảo hộ để hạn chế tác hại lên thai nhi.
Ngoài ra, nguy cơ khi nhổ răng sâu trong thời gian mang thai còn bắt nguồn từ việc dùng thuốc kháng sinh, giảm đau và chống viêm. Hầu hết các loại thuốc này đều có thể đi vào nhau thai, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ – nhất là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Khi nhổ răng, bạn nên thông báo với tình trạng đang mang thai để được xem xét loại thuốc an toàn, ít tác dụng phụ nhất.
2. Nên nhổ răng sâu vào tháng thứ mấy thai kỳ?
Nếu phải nhổ răng, thời điểm thích hợp nhất là 3 tháng giữa thai kỳ (tháng 4, 5 và 6). Đây là thời điểm thai nhi đã ổn định và cơ thể mẹ không quá nặng nề nên có thể thực hiện nhổ răng một cách dễ dàng. Ngoài nhổ răng, 3 tháng giữa thai kỳ cũng là giai đoạn thích hợp để can thiệp các phương pháp nha khoa chuyên sâu như cạo vôi răng, lấy tủy răng (điều trị nội nha),…
3. Các biện pháp trì hoãn nhổ răng sâu khi mang thai
Nhổ răng khi mang thai tiềm ẩn không ít rủi ro và biến chứng. Nếu không thật sự cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp trì hoãn để giảm thiểu các triệu chứng đau nhức và giúp mẹ bầu dễ dàng hơn khi ăn uống. Sau khi sinh nở và sức khỏe của mẹ đã ổn định, bác sĩ sẽ xem xét nhổ bỏ răng.
Các biện pháp trì hoãn nhổ răng trong thời gian mang thai:
- Cạo vôi răng
- Trám bít hố rãnh
- Sử dụng dung dịch súc miệng sát khuẩn + thuốc gây tê, kháng sinh dạng bôi
Lưu ý khi nhổ răng sâu khi đang mang thai
Nhổ răng sâu khi mang thai chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cần thiết. Bởi các phương pháp y tế đều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Chính vì vậy trước khi nhổ răng, mẹ bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ nhổ răng trong thời gian mang thai khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý nhổ răng và che giấu tình trạng sức khỏe (đang mang thai).
- Lựa chọn cơ sở y tế uy tín nếu có ý định thăm khám và điều trị các bệnh nha khoa. Thực tế, các cơ sở nhỏ thường không có đủ phương tiện để xử lý kịp thời những rủi ro và biến chứng phát sinh trong quá trình nhổ răng.
- Sau khi nhổ răng, mẹ bầu nên chăm sóc và sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Chăm sóc không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu kéo dài.
- Chú ý vệ sinh răng miệng tốt trong thời gian mang thai. Dưới tác động của hormone, răng và mô nướu của mẹ bầu thường nhạy cảm và dễ tổn thương hơn bình thường. Ngoài các biện pháp làm sạch tại nhà, mẹ bầu nên đến nha khoa định kỳ 2 – 3 tháng/ lần để được khám răng miệng và lấy vôi răng.
- Sử dụng nước súc miệng, kem đánh răng chứa fluor để tăng cường men răng, bù lấp những lỗ sâu li ti và tăng cường sức đề kháng của răng miệng.
- Phụ nữ mang thai dễ bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất vào những tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này khiến cho răng trở nên suy yếu và nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý ăn uống điều độ và bổ sung thêm TPCN theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nhổ răng sâu khi mang thai chỉ được xem xét trong một số trường hợp cần thiết. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện. Mặt khác, nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và ăn uống hợp lý để phòng ngừa các vấn đề nha khoa trong thai kỳ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng bị sâu có niềng răng được không?
Răng Sâu Bị Chảy Máu Liên Tục Có Nguy Hiểm Không?
Khám Phá 5 Kẹo Chống Sâu Răng Bác Sĩ Khuyên Dùng
Răng Cấm Bị Sâu Nặng Phải Làm Sao: Cách khắc phục tốt nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!