Các cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà có thể cải thiện một số triệu chứng như khớp đau nhức, sưng viêm, khó khăn khi há miệng,… Nếu chưa có thời gian đến phòng khám/ bệnh viện, bạn nên áp dụng những mẹo chữa này để kiểm soát cơn đau và các biểu hiện đi kèm.
7 Cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà an toàn
Viêm khớp thái dương hàm là một dạng viêm khớp thường gặp ở nữ giới từ 30 – 40 tuổi. Khớp thái dương hàm là khớp nối giữa xương hàm và hộp sọ. Ổ khớp có thể bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, nhiễm khuẩn, nghiến răng, stress hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống nhai.
Viêm khớp thái dương hàm thường gây mỏi cơ và đau nhức khi ăn uống, cơn đau có thể lan ra phía sau tai gây đau đầu và lan xuống gây đau nhức răng. Ngoài ra, bệnh lý này còn gây khó khăn khi há miệng, sưng hàm và khớp phát ra âm thanh lục cục khi cử động.
Ngoài các phương pháp y tế, bạn cũng có thể cải thiện viêm khớp thái dương hàm bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà. Các biện pháp này có thể đẩy lùi phần nào cảm giác đau nhức và sưng viêm. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi của ổ khớp và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp y tế.
Các phương pháp chữa viêm khớp thái dương ngay tại nhà:
1. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm nóng và chườm lạnh là mẹo giảm đau khớp thái dương hàm an toàn, hiệu quả. Mẹo chữa này tận dụng nhiệt độ nóng/ lạnh để thư giãn cơ, giảm phù nề, viêm đỏ và đau nhức ở khớp thái dương hàm. Để đạt hiệu quả cao, bạn nên xem xét biểu hiện ở khớp nhằm áp dụng biện pháp chườm phù hợp.
Chườm lạnh được áp dụng khi viêm khớp thái dương hàm gây đau nhức nhiều, vùng da bên ngoài khớp sưng đỏ và phù nề. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm sẽ làm co mạch máu, qua đó giảm phù nề và tình trạng sưng nóng rõ rệt. Ngoài ra, chườm lạnh còn gây tê dây thần kinh khiến não bộ không nhận được tín hiệu đau.
Ngược lại, chườm nóng được áp dụng khi viêm khớp thái dương hàm gây đau âm ỉ, dai dẳng, bề mặt da bên ngoài khớp không bị viêm hay phù nề. Trường hợp này thường xảy ra do thoái hóa khớp hoặc rối loạn hệ thống cơ xung quanh. Chườm ấm có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau và thư giãn vùng cơ xung quanh.
Hướng dẫn chườm lạnh và chườm ấm chữa viêm khớp thái dương hàm:
- Chuẩn bị túi chườm lạnh hoặc chườm lạnh
- Đắp trực tiếp lên vùng khớp bị đau nhức
- Với chườm lạnh, nên chườm trong khoảng 10 phút và lặp lại sau mỗi 2 giờ để giảm sưng
- Nếu chườm nóng, mỗi lần chườm thường kéo dài 20 phút và chườm khoảng 2 – 3 lần/ ngày
Chườm lạnh, chườm nóng là biện pháp giảm đau an toàn có thể thực hiện ngay tại nhà. Ngoài tác dụng cải thiện viêm khớp thái dương hàm, bạn cũng có thể áp dụng mẹo này để giảm cơn đau do mọc răng khôn, viêm lợi trùm, viêm tủy răng và áp xe răng.
2. Xoa bóp giảm đau khớp thái dương hàm tại nhà
Xoa bóp (massage) cũng là một trong những cách chữa viêm khớp thái dương hàm an toàn tại nhà. Xoa bóp sử dụng tay để thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm sự căng cứng của cơ hàm. Biện pháp này có thể cải thiện cơn đau và giảm tình trạng khó khăn khi há miệng.
Xoa bóp còn có hiệu quả đối với những trường hợp bị rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm do nghiến răng, há miệng lớn một cách đột ngột,… Để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả, cần áp dụng biện pháp này đều đặn vài lần mỗi ngày.
Hướng dẫn cách xoa bóp giúp giảm đau khớp thái dương hàm ngay tại nhà:
- Há miệng từ từ để làm giãn cơ hàm và khởi động khớp thái dương hàm
- Dùng tay massage nhẹ nhàng ở vùng khớp cho đến khi khớp nóng lên
- Thực hiện nhiều lần trong ngày để kích thích tuần hoàn máu và giảm sự căng cứng của cơ
Xoa bóp là một trong những biện pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm hiệu quả. Ngoài cách massage tại nhà, bạn cũng có thể tìm bác sĩ để được xoa bóp chuyên sâu nhằm giải phóng căng thẳng xung quanh khớp và giảm cơn đau hiệu quả.
3. Sử dụng máng chống nghiến răng
Nghiến răng khi ngủ là thói quen xấu gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng như răng ê buốt, nhạy cảm, sai lệch khớp cắn và viêm khớp thái dương hàm. Nếu không cải thiện sớm, áp lực khi nghiến răng có thể gây biến dạng mặt và xương hàm. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên sử dụng máng chống nghiến răng khi ngủ.
Máng chống nghiến răng thường được làm bằng chất liệu acrylic cứng nhằm giảm áp lực lên răng và xương hàm khi nghiến răng. Ngoài sử dụng máng chống nghiến răng, bạn nên giải tỏa căng thẳng để hạn chế thói quen nghiến răng khi ngủ.
4. Thực hiện bài tập chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý có mối liên hệ mật thiết với tình trạng stress. Căng thẳng quá mức làm căng cứng các cơ xung quanh khớp dẫn đến tình trạng khớp bị rối loạn chức năng và đau nhức trong quá trình ăn uống. Để cải thiện các triệu chứng do viêm khớp thái dương hàm gây ra, bạn có thể thực hiện một số bài tập tại nhà như:
- Bài tập 1: Bắt đầu ở tư thế ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ thể và mở hé miệng (cố gắng thư giãn cơ hàm, không nên cố gắng gồng khiến cơ và dây thần kinh xung quanh khớp bị tổn thương). Sau đó, ngả lưng về phía sau sao cho trán hướng lên trời. Giữ nguyên tư thế và hít thở chậm rãi để thư giãn các cơ vùng mặt. Lặp lại động tác này vài lần để giảm áp lực lên cơ hàm và khớp thái dương hàm.
- Bài tập 2: Ngồi thẳng lưng và cúi đầu về phía ngực sao cho cằm chạm vào ngực. Lồng các ngón tay vào nhau và đặt về phía sau đầu. Đẩy đầu ra phía sau nhưng dùng tay ngăn hành động này để tạo ra lực ép nhằm thư giãn tủy sống. Thực hiện động tác khoảng 3 – 5 lần/ ngày để thư giãn toàn bộ vùng cổ vai gáy và khớp thái dương hàm ở vùng mặt.
- Bài thuốc 3: Nằm ngửa, thả lỏng vùng cổ, vai và tay chân. Sau đó, đặt tay trái lên bụng và tay phải lên ngực. Thở nhịp nhàng và đều đặn trong vài phút. Sau đó, hít thở sâu và cảm nhận không khí đi qua phổi di chuyển đến bụng. Kế tiếp, thở ra chậm rãi để thư giãn cơ thể. Thực hiện từ 10 – 20 lần. Động tác này giúp thư giãn toàn bộ các cơ trong cơ thể và hỗ trợ làm giảm tình trạng rối loạn chức năng của khớp thái dương hàm.
5. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là yếu tố góp phần gây viêm khớp thái dương hàm. Vì vậy, bạn nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt để giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng do viêm khớp thái dương hàm gây ra.
- Cần ngồi thẳng lưng và cổ khi làm việc. Không cúi người hoặc nghiêng cổ. Các tư thế này đều tác động xấu đến vùng cổ vai gáy và khớp thái dương hàm.
- Hạn chế nhai kẹo cao su. Hoạt động nhai thường xuyên có thể kích thích phản ứng viêm đau của khớp thái dương hàm.
- Nên nằm ngửa khi ngủ. Thói quen nằm nghiêng có thể gây căng cơ và làm tăng áp lực lên một bên khớp thái dương hàm. Vì vậy khi mắc phải bệnh lý này, bạn nên nằm ngửa để cân đối lực sang hai bên nhằm giảm đau nhức và khó chịu.
- Thói quen ít vận động có thể làm căng các cơ ở khớp thái dương hàm và cơ vùng cổ vai gáy. Do đó, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Hoạt động thể chất giúp thư giãn các cơ và sản sinh một lượng hormone endorphin giúp giãn cơ, giảm đau nhức và cải thiện tâm trạng hiệu quả.
Thay đổi các thói quen sinh hoạt có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm khớp thái dương hàm. Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh lý này có thể được kiểm soát sau khi thay đổi thói quen và áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà. Ngoài ra sau khi điều trị, bạn nên hạn chế lặp lại các thói quen xấu để phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát.
6. Ăn uống hợp lý
Ăn uống hợp lý cũng là cách chữa viêm khớp thái dương an toàn bạn có thể áp dụng tại nhà. Khớp thái dương hàm dễ bị tác động trong quá trình ăn uống và giao tiếp. Để hạn chế phản ứng viêm đau ở cơ quan này, đồng thời tạo điều kiện cho đĩa sụn và đầu xương tái tạo, bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Chế độ ăn uống giúp kiểm soát tình trạng viêm khớp thái dương hàm:
- Hạn chế thức ăn giòn, dai và cứng như trái cây sấy, gân bò, thịt bò, bánh mì sấy,… Các món ăn này tạo ra áp lực lớn khi ăn nhai dẫn đến lệch khớp cắn và kích thích cơn đau ở khớp thái dương hàm bùng phát.
- Trong thời gian điều trị viêm khớp thái dương hàm, nên dùng các món ăn mềm, lỏng như bún, cháo, sinh tố, miến, phở,… Các món ăn này có kết cấu mềm nên hầu như không làm tăng áp lực lên khớp thái dương và xương hàm.
- Hạn chế dùng trà và cà phê. Các nghiên cứu cho thấy, caffeine trong các loại thức uống này có thể làm tăng mức độ căng cơ và gây đau nhức dữ dội, dai dẳng ở khớp thái dương.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi và magie như hàu, tôm, cua, các loại đậu, trứng, sữa, khoai lang,… Canxi và magie đều là những loại khoáng chất có tác dụng thư giãn cơ hàm, qua đó hỗ trợ giảm đau nhức và khó khăn khi há miệng do viêm khớp thái dương hàm gây ra.
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm gây viêm như thức ăn chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa chất bảo quản và carobohydrate tinh chế. Sử dụng các loại thực phẩm này có thể tăng mức độ viêm đau và phù nề ở khớp thái dương hàm.
7. Sử dụng thuốc không kê toa
Viêm khớp thái dương hàm có thể gây đau nhức dữ dội kèm theo tê cứng hàm, nổi hạch, sốt,… Các triệu chứng này gần như không thể cải thiện hoàn toàn bằng các mẹo trên. Nếu cần thiết, bạn nên dùng thêm một số loại thuốc không kê toa như:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt có thể sử dụng mà không cần kê toa. Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp thái dương hàm. Thuốc có thể dùng cho cả trẻ em và người trưởng thành. Tùy theo độ tuổi, bạn có thể dùng thuốc dạng viên nén, viên sủi hoặc bột sủi.
- NSAID (thuốc chống viêm không steroid): NSAID có tác dụng kháng viêm và giảm đau. Một số loại thuốc chống viêm không steroid có thể sử dụng mà không cần kê toa. Vì vậy nếu viêm khớp thái dương hàm gây đau nhức nhiều, bạn có thể dùng một số NSAID như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…
Lưu ý khi áp dụng mẹo chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Các mẹo chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà phần nào có thể giảm nhẹ các triệu chứng như đau nhức răng, cứng khớp, sốt, nổi hạch góc hàm,… Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi áp dụng các mẹo tại nhà, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Các cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, hoàn toàn không thể chữa khỏi bệnh dứt điểm. Vì vậy, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám/ bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
- Nếu sử dụng thuốc không kê toa, chỉ nên dùng tối đa trong 3 – 5 ngày. Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc, nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
- Viêm khớp thái dương hàm có thể tái phát sau một thời gian nhất định. Chính vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thay đổi các thói quen xấu và duy trì lối sống khoa học, lành mạnh để giảm áp lực lên khớp thái dương hàm nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng có mức độ nghiêm trọng như không thể há miệng, sốt cao, ớn lạnh, khó khăn trong quá trình ăn uống và giao tiếp.
Các mẹo chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà có thể đẩy lùi phần nào các triệu chứng do bệnh gây ra. Tuy nhiên để điều trị bệnh lý này dứt điểm, bạn nên sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Tuyệt đối không phụ thuộc hoàn toàn vào mẹo tại nhà và các phương pháp điều trị theo kinh nghiệm dân gian.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?
Đau Quai Hàm Gần Tai Bên Trái: 6 Vấn đề có thể gặp
Bị đau khớp thái dương hàm nên đi khám ở đâu?
Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!