Bọc sứ cho răng sâu có thể được thực hiện trong trường hợp lỗ sâu quá lớn, sâu răng nặng ăn vào tủy và sâu răng tái phát nhiều lần. Ngoài ra, trường hợp răng sâu có nhiều khuyết điểm như răng ố vàng, hình thể xấu, nứt mẻ,… cũng sẽ được cân nhắc bọc sứ thay vì hàn trám thông thường.
Có nên bọc sứ cho răng sâu? Khi nào nên thực hiện?
Bọc răng sứ là một trong những kỹ thuật phục hình răng được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này sử dụng mão răng có hình dáng, màu sắc và kích thước tương tự như răng thật để khôi phục hình thể cho răng bị tổn thương. Trong kỹ thuật bọc sứ, bác sĩ sẽ mài cùi răng thật, sau đó dùng mão răng chụp lên cùi răng để khắc phục các khuyết điểm như răng thưa, răng nứt, mẻ, răng bị mòn men, răng ngả màu nặng,…
Trong một số trường hợp, bọc sứ còn được thực hiện cho răng bị sâu. Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn Streptococcus mutans phát triển quá mức dẫn đến sản xuất nhiều axit gây hòa tan các mô cứng ở men răng và ngà răng.
Thông thường, sâu răng có thể được cải thiện bằng liệu pháp fluor và trám răng. Tuy nhiên nếu lỗ sâu có kích thước lớn và sâu răng tái phát nhiều lần, bọc sứ sẽ được cân nhắc thực hiện. Trong trường hợp này, bọc sứ giúp khôi phục hình thể và chức năng của răng. Đồng thời bảo vệ cùi răng thật bên trong khỏi tác động của vi khuẩn Streptococcus mutans.
Ngoài ra, bọc sứ cho răng sâu còn được cân nhắc trong trường hợp sâu răng nặng gây viêm tủy răng, chết tủy (hoại tử tủy), răng sâu bị ố vàng, ngả màu, hình thể răng không đẹp,… Ở những trường hợp này, hàn trám thông thường không thể khắc phục hoàn toàn các khuyết điểm của răng. Do đó, bọc sứ được xem là giải pháp tối ưu nhất.
Quy trình bọc sứ cho răng sâu
Bọc sứ cho răng sâu có quy trình tương tự như bọc răng sứ trong những trường hợp khác. Tuy nhiên trước khi bọc sứ, bác sĩ sẽ làm sạch lỗ sâu và sát khuẩn để đảm bảo vi khuẩn không tiếp tục phát triển sau khi chụp mão sứ lên cùi răng thật. Nếu không xử lý lỗ sâu triệt để, vi khuẩn gây sâu răng sẽ phát triển mạnh gây hư hại cùi răng thật bên trong và hậu quả là gây mất răng, viêm nhiễm các cơ quan kế cận.
Bọc sứ cho răng sâu được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Sâu răng được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Đối với sâu răng nhẹ, răng có hình thể đẹp và không gặp thêm bất cứ vấn đề nào, bác sĩ sẽ khuyến khích hàn trám để bảo tồn răng tối đa. Ngược lại, những trường hợp sâu răng nặng, sâu răng tái phát nhiều lần và răng có nhiều khuyết điểm sẽ được chỉ định bọc sứ để đạt hiệu quả cao hơn.
Bọc răng sứ là phương pháp có chi phí tương đối cao và ít nhiều đều xâm lấn vào cấu trúc răng. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng trước khi thực hiện phương pháp này.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng là bước quan trọng trước khi can thiệp bất cứ phương pháp nào. Trong kỹ thuật bọc sứ, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa và cạo vôi răng (nếu cần thiết).
Bước 3: Xử lý lỗ sâu răng
Đối với răng sâu, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nạo bỏ phần men răng và ngà răng bị viêm nhiễm. Sau đó, dùng dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Trong trường hợp răng miệng gặp phải nhiều vấn đề, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị dứt điểm trước khi can thiệp bọc sứ.
Bước 4: Mài cùi răng
Răng sâu sẽ được mài bớt lớp men răng ngoài cùng để chuẩn bị cho quá trình chế tác mão răng. Tùy theo tình trạng răng, bác sĩ sẽ tính toán lượng men răng cần mài bỏ. Men răng là cơ quan cứng chắc nhất cơ thể với hàm lượng khoáng chất cao. Chính vì vậy, mài răng có thể gây ra cảm giác khó chịu nên trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê.
Bước 5: Lấy dấu mẫu hàm
Sau khi mài cùi răng, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy dấu mẫu hàm. Thông số sẽ được chuyển về hệ thống labo để chế tác mão răng. Trong thời gian chờ răng sứ, bạn sẽ được lắp tạm mão răng bằng nhựa composite đã được đúc sẵn.
Bước 6: Gắn mão sứ lên răng
Sau khi răng sứ đã được phục hình, bác sĩ sẽ thử sườn và gắn cố định lên răng bằng keo dán. Cuối cùng, điều chỉnh răng sứ đúng vị trí và tiến hành mài bớt phần men răng bị cộm, thừa để đảm bảo ăn nhai thoải mái.
Bọc sứ cho răng sâu có giá bao nhiêu?
Bọc sứ cho răng sâu có chi phí tương tự như bọc sứ thông thường. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị thêm chi phí điều trị lỗ sâu răng, dao động từ 200 – 300.000 đồng/ răng. Với những trường hợp sâu răng ăn vào tủy cần phải chữa tủy, chi phí sẽ rơi vào khoảng 500.000 – 2.000.000 đồng tùy theo vị trí và số lượng tủy răng.
Chi phí bọc sứ cho răng sâu tương tự như bọc sứ cho những trường hợp khác. Với răng sứ kim loại, chi phí rơi vào khoảng 1 – 3.5 triệu đồng và răng toàn sứ có giá khoảng 5 – 8 triệu đồng tùy theo chất liệu cụ thể. Cần lưu ý, chi phí thực tế có thể chênh lệch ít nhiều tùy vào phòng khám/ bệnh viện thực hiện, tay nghề của bác sĩ và tình trạng răng miệng.
Chăm sóc sau khi bọc sứ cho răng
Bọc sứ có thể khôi phục hình thể và chức năng trong trường hợp răng sâu nặng. Ngoài ra, mão răng sứ bên ngoài còn có vai trò bảo vệ cùi răng thật ở bên trong trước tác động của lực ăn nhai, axit từ thức ăn, đồ uống và axit trong nước bọt.
Tuy nhiên, răng sứ cũng có thể bị hư tổn và ngả màu nếu không có biện pháp chăm sóc đúng cách. Do đó sau khi phục hình răng, bạn cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc sau:
- Răng sâu sẽ bị đau nhức và ê buốt nhẹ sau vài ngày bọc sứ. Trong thời gian này, bạn nên dùng thức ăn mềm và nguội để tạo điều kiện cho nướu và răng thích nghi với mão sứ.
- Răng sứ cũng có thể bị ngả màu nếu thường xuyên dùng thức ăn và đồ uống sẫm màu. Để giữ màu răng sứ, cần kiêng sâm panh, nước ngọt có gas, trà đặc, socola, nghệ,… Bên cạnh đó, cũng cần cai thuốc lá để tránh ố màu răng sứ và men răng thật.
- Chải răng nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải có lông mềm mảnh. Sau đó, dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch. Cần tránh chải răng quá mạnh khiến răng sứ bị mài mòn, lệch, cộm và hở sau một thời gian ngắn sử dụng.
- Thay đổi một số thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng như nghiến răng, dùng răng cắn, xé vật cứng,…
- Đến nha khoa kiểm tra định kỳ 6 tháng/ lần hoặc bất cứ khi nào nếu nhận thấy mão răng bị chênh, cộm gây vướng víu và khó khăn khi ăn uống. Mão răng sứ chỉ có tuổi thọ nhất định. Do đó, nên chú ý kiểm tra thường xuyên để kịp thời phục hình mão sứ mới nhằm đảm bảo chức năng ăn nhai và tránh gây ảnh hưởng cấu trúc cùi răng thật bên trong.
Bọc sứ cho răng sâu là giải pháp giúp khôi phục hình thể, chức năng ăn nhai và bảo vệ cùi răng thật bên trong. Tuy nhiên nếu sâu răng nhẹ và lỗ sâu không quá lớn, bạn có thể cân nhắc hàn trám để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động lên cấu trúc răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mặt dán sứ Veneer siêu mỏng không mài răng: Ưu nhược điểm và chi phí
Bọc Răng Sứ Có Gây Hôi Miệng Không?
Bọc răng sứ 1 chiếc có được không? Giá bao nhiêu?
Răng Sâu Nặng Chỉ Còn Chân Răng Có Bọc Răng Sứ Được Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!