Mài răng là thủ thuật quen thuộc xuất hiện trong quá trình làm răng sứ và dán sứ Veneer. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng thực hiện để chỉnh răng mọc lệch lạc, mọc chìa và hô nhẹ. Nếu có ý định mài răng, bạn nên tìm hiểu kỹ về phương pháp để hạn chế những tình huống phát sinh.
Mài răng là gì?
Mài răng là thủ thuật sử dụng máy mài nha khoa để loại một phần men răng nhằm mục đích điều chỉnh chiều dài hoặc chiều rộng của thân răng. Thủ thuật này thường được thực hiện khi bọc răng sứ và dán sứ Veneer. Mài răng có quy trình đơn giản, nhanh chóng nhưng đòi hỏi bác sĩ phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo không làm tổn thương cấu trúc răng và mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao sau khi phục hình.
Mục đích của kỹ thuật mài răng là điều chỉnh kích thước, chiều dài của răng sao cho đồng đều. Đồng thời tạo khoảng trống giữa các răng để có thể phục hình mão sứ lên trên. Răng sau khi mài sẽ được bảo vệ bởi mặt dán sứ Veneer hoặc mão sứ nên không bị ê buốt, khó chịu khi ăn uống.
Thông qua kỹ thuật mài răng, bác sĩ cũng có thể khắc phục những khuyết điểm như răng quá lớn, răng quá dài, mọc nhô ra ngoài,… Sau khi mài, mão sứ sẽ được chế tác phù hợp để mang lại hàm răng đồng đều, trắng sáng và nụ cười rạng rỡ.
Khi nào nên mài răng làm răng sứ?
Mài răng là kỹ thuật phổ biến trong nha khoa. Phương pháp này thường được thực hiện trước khi dán sứ hoặc bọc sứ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải mài răng. Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, mài răng làm răng sứ được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Răng mọc khít, không có kẽ hở
- Răng có nhiều khuyết điểm như thân răng quá lớn, chiều dài các răng không đồng đều
- Trường hợp răng có hình thể xấu cũng được chỉ định mài răng để tạo hình răng trước khi phục hình. Như vậy, hiệu quả thẩm mỹ mang lại sẽ cao hơn những trường hợp không mài răng.
Trường hợp răng thưa, kích thước răng nhỏ và chiều dài răng đồng đều đôi khi không phải mài răng. Lúc này, bác sĩ có thể chế tác mão sứ với kích thước lớn hơn răng thật để khắc phục tình trạng thưa kẽ.
Ngoài mục đích bọc sứ và dán sứ, một số trường hợp có thể can thiệp mài răng để chỉnh răng hô nhẹ. Tuy nhiên, mài răng làm mất đi một lượng lớn men răng nên có thể gây ê buốt nếu không phục hình bằng mão sứ. Chính vì vậy, mài răng chỉnh răng hô nhẹ và khấp khểnh hiện nay ít được thực hiện.
Quy trình mài răng bọc răng sứ
Mài răng sẽ được tiến hành với tổng cộng 4 mặt của răng. Số lượng men răng bị mài thường sẽ ít hơn 2mm để tránh gây tổn thương ngà răng và tủy răng. Trước khi mài răng, bác sĩ sẽ tính toán kỹ để đảm bảo cấu trúc răng không bị tổn thương và phần cùi răng sau khi mài sẽ tương thích hoàn toàn với mão răng sứ.
Nhìn chung, mài răng làm răng sứ có quy trình không quá phức tạp. Mỗi nha khoa sẽ có quy trình khác biệt đôi chút nhưng thường diễn ra với những bước chính sau đây:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Đối với khách hàng có ý định dán sứ hoặc bọc sứ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về phương pháp. Đồng thời sẽ nói rõ với khách hàng về việc sẽ phải mài răng, vì sao phải mài răng và lượng men răng phải mài. Mài răng xâm lấn vào cấu trúc của răng nên chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của khách hàng.
Men răng chứa thành phần chính là khoáng chất vô cơ nên tổn thương ở cơ quan này không thể hoàn nguyên. Điều này đồng nghĩa với việc răng sau khi mài sẽ không thể phục hồi như trước. Vì vậy, khách hàng cần phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện.
Bước 2: Tiến hành cắt kẽ răng
Sau khi khách hàng đã đồng ý thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành cắt kẽ răng bằng lưỡi dao chuyên dụng. Mục đích của bước này là tạo khoảng trống giữa các răng, từ đó tạo sự thuận lợi cho việc mài răng và giúp điều chỉnh hình dáng, chiều dài của răng dễ dàng.
Bước 3: Xác định độ dày khi mài răng
Trước khi tiến hành mài răng, bác sĩ sẽ xác định độ dày men răng cần mài. Sau khi cắt kẽ răng, bác sĩ sẽ dùng máy cắt vạch những đường ngang lên răng nhằm xác định độ dày men răng cần mài. Tỷ lệ răng cần mài phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh gây tổn thương ngà răng và tủy răng.
Bước 4: Tiến hành mài răng
Sau khi đã xác định độ dày men răng cần mài, bác sĩ sẽ tiến hành mài răng lần lượt 4 mặt của răng. Thông thường, mài răng sẽ được thực hiện theo thứ tự mặt nhai, mặt ngoài, mặt bên và cuối cùng là mặt trong của răng. Khi hoàn thành, bác sĩ sẽ di chuyển đến các răng khác và tiếp tục mài cho đến khi hoàn tất.
Bước 5: Chỉnh sửa thành, cạnh của răng
Sau khi đã mài răng, bác sĩ sẽ dùng mũi khoan để chỉnh sửa các thành, cạnh của răng. Sau đó, tiến hành bo tròn cùi răng để việc phục hình răng sứ diễn ra thuận lợi hơn.
Thời gian mài răng dao động khoảng 15 – 20 phút mỗi răng. Nếu mài toàn bộ cung hàm, thời gian mài tương đối lâu. Trong quá trình mài răng, răng không bị đau nhức như nhiều người vẫn lầm tưởng. Tuy nhiên, do xâm lấn vào men răng nên răng có thể ê buốt và khó chịu nhẹ. Nếu có cảm giác không thoải mái, bạn nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh.
Hình ảnh sau khi mài răng
Mài răng có ảnh hưởng gì không? Các hậu quả có thể gặp phải
Mài răng là thủ thuật nha khoa được áp dụng phổ biến trong nhiều trường hợp khác nhau. Kỹ thuật này xâm lấn và loại bỏ một phần của men răng nên không ít người băn khoăn về tính an toàn. Vậy mài răng có ảnh hưởng gì không?
Như đã biết, răng có cấu tạo 3 phần chính là men răng, ngà răng và tủy răng. Men răng có kết cấu cứng chắc với vai trò bảo vệ răng khỏi tác nhân vật lý và hóa học. Men răng không chứa mạch máu và tế bào thần kinh nên không có cảm giác đau nhức hay ê buốt. Cảm giác ê buốt thường bắt nguồn từ tế bào thần kinh bên trong ngà răng và tủy răng.
Khi mài men răng, cấu trúc răng hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Vì một lượng men răng đã bị loại bỏ nên răng sẽ có cảm giác ê buốt khi dùng thức ăn nóng, lạnh, món ăn có vị chua và ngọt.
Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng về vấn đề này vì sau khoảng vài ngày, bác sĩ sẽ phục hình mặt dán sứ Veneer hoặc mão răng sứ lên răng đã mài. Mặt dán sứ, mão sứ sẽ có vai trò là “áo giáp” bảo vệ cùi răng thật ở bên trong nên hoàn toàn không xảy ra cảm giác đau nhức hay khó chịu khi ăn uống.
Các biến chứng, hậu quả xảy ra khi mài răng thường có liên quan đến việc mài răng ở những phòng khám kém chất lượng. Như đã đề cập, lượng men răng cần mài sẽ được tính toán kỹ để không làm tổn thương ngà răng và tủy răng. Đồng thời phải đảm bảo răng sau khi mài có hình dáng và kích thước đồng đều nhằm mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
Nếu mài răng quá nhiều, ngà răng và tủy răng có thể bị tổn thương. Trong trường hợp này, răng sẽ gặp phải tình trạng đau nhức, ê buốt dai dẳng ngay cả khi đã phục hình mão sứ và mặt dán sứ. Dưới đây là một số hậu quả bạn có thể phải đối mặt khi mài răng:
- Răng ê buốt, đau nhức dai dẳng
- Viêm tủy răng không hồi phục
- Hoại tử tủy răng
- Áp xe chân răng
Nếu mài răng đúng kỹ thuật, chức năng sinh lý của răng sẽ không bị ảnh hưởng. Vì lý do này, bạn chỉ nên mài răng khi có chỉ định của bác sĩ, đồng thời cần tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn địa chỉ mài răng uy tín.
Mài răng có giá bao nhiêu?
Thông thường, chi phí mài răng sẽ được tính chung với phí làm răng sứ hoặc dán sứ Veneer. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu chi phí dán sứ Veneer hoặc bọc răng sứ để chọn cho mình địa chỉ phù hợp.
Cả hai phương pháp này đều có quy trình phức tạp và sử dụng những vật liệu cao cấp. Do đó, chi phí dịch vụ thường khá đắt đỏ. Nếu bị hạn chế về tài chính, bạn nên cân nhắc về những phòng khám nha khoa có chính sách trả góp, tránh lựa chọn những nơi quảng cáo bọc sứ, dán sứ với giá rẻ bất ngờ.
Trên thực tế, tổng chi phí có thể cao hơn giá niêm yết của nha khoa nếu bạn cần phải mài nhiều răng và hình dáng răng đặc biệt gây khó khăn khi mài. Vì vậy trước khi thực hiện bất cứ phương pháp nào, bạn nên trao đổi và đề nghị bác sĩ tư vấn về chi phí để tránh những tình huống ngoài ý muốn.
Một số lưu ý cần nắm trước khi mài răng
Mài răng là thủ thuật nha khoa được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, đặc biệt là dán sứ và bọc sứ. Vì xâm lấn vào cấu trúc của răng nên không ít người ngần ngại khi thực hiện kỹ thuật này. Trước khi mài răng, bạn nên lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Như đã đề cập, mài răng sẽ loại bỏ một phần men răng nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc răng. Vì vậy, bạn nên tránh những can thiệp không cần thiết để bảo tồn răng tối đa.
- Mài răng có thể khắc phục những khuyết điểm như răng hô nhẹ, mọc lệch mức độ nhẹ, răng có hình thể không đẹp và chiều dài không đồng đều. Tuy nhiên trong trường hợp răng hô, móm nặng và bị lệch khớp cắn, giải pháp tối ưu là niềng răng. Sau khi răng đã được điều chỉnh về đúng vị trí, bạn có thể bọc sứ nếu muốn sở hữu hàm răng trắng sáng.
- Cần chọn địa chỉ uy tín khi có nhu cầu mài răng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Thực tế, do nhu cầu tăng cao nên không ít phòng khám nha khoa đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng được những tiêu chí như đội ngũ bác sĩ giỏi, thiếu sự đầu tư về máy móc, thiết bị và không đảm bảo yếu tố vô khuẩn.
- Sau khi mài răng, lớp men răng sẽ mỏng đi đáng kể. Để tránh bị ê buốt, bạn nên dùng thức ăn mềm, nguội và ít gia vị cho đến khi phục hình răng sứ.
- Sau khi phục hình miếng dán sứ hoặc mão sứ, bạn có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý vệ sinh răng miệng hằng ngày, kiêng rượu bia, thuốc lá và nên khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Mài răng là thủ thuật nha khoa được áp dụng trong phương pháp dán sứ, bọc răng sứ hoặc chỉnh hô, răng mọc lệch mức độ nhẹ. Mặc dù có khá nhiều tranh cãi xung quanh kỹ thuật này nhưng không thể phủ nhận mài răng là bước quan trọng trong phục hình răng. Để đảm bảo an toàn khi can thiệp phương pháp này, bạn đọc nên lựa chọn các bệnh viện lớn và uy tín.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên bọc răng sứ không? Khi nào nên bọc?
5 Cách Chăm Sóc Răng Sứ Hiệu Quả Nhất Từ Chuyên Gia
Bọc Răng Sứ Xong Bao Lâu Thì Ăn Được?
Bọc Răng Sứ Có Hại Gì Không? Mất Thời Gian Bao Lâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!