10 Cách Ngăn Ngừa Sâu Răng Hiệu Quả Cho Trẻ Em Và Người Lớn

Chải răng 2 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa, bổ sung fluor, giảm lượng đường trong chế độ ăn,… là một số cách ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Các biện pháp này có thể phòng ngừa bệnh cho cả trẻ em và người trưởng thành. 

ngăn ngừa sâu răng
Sâu răng là bệnh nha khoa có thể phòng ngừa bằng nhiều biện pháp khác nhau

10 Cách ngăn ngừa, phòng tránh bệnh sâu răng hiệu quả

Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp nhất, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này đặc trưng quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn. Ban đầu, vi khuẩn chỉ gây hòa tan các tinh thể ở men răng, sau đó phát triển dần vào ngà răng và thậm chí là tủy răng.

Sâu răng không chỉ gây đau nhức, ê buốt mà còn ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể phá hủy hình dáng răng gây ra khó khăn khi ăn uống và nhiều phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào tủy gây viêm tủy răng, áp xe quanh chân răng và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác.

Có thể thấy, sâu răng ảnh hưởng nhiều đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa. Dưới đây là một số cách giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng hiệu quả cho cả người lớn và trẻ nhỏ:

1. Chải răng 2 – 3 lần/ ngày

Đánh răng là biện pháp vệ sinh răng miệng cơ bản cần phải thực hiện hằng ngày. Chải răng giúp làm sạch mảng bám, thức ăn thừa và ngăn chặn hình thành cao răng. Cao răng chính là mảng bám đã được vôi hóa bởi vi khuẩn, thường bám chặt vào chân cổ răng và kẽ răng.

Cao răng là nơi trú ngụ và phát triển của vi khuẩn. Do đó, đánh răng thường xuyên có thể ngăn chặn hình thành cao răng và phòng ngừa bệnh sâu răng hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng thường gặp như viêm nướu, viêm tủy răng, viêm quanh chân răng, viêm amidan, viêm họng,…

phòng ngừa sâu răng
Chải răng 2 – 3 lần/ ngày là biện pháp phòng ngừa sâu răng hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em

Hướng dẫn cách đánh răng khoa học giúp phòng ngừa bệnh sâu răng hiệu quả:

  • Súc miệng với nước lạnh từ 1 – 2 lần để loại bỏ thức ăn thừa trong khoang miệng trước khi chải răng
  • Làm ướt bàn chải và cho một lượng kem đánh răng vừa phải (tùy theo độ tuổi)
  • Sau đó, đặt bàn chải nằm ngang sau đó nghiêng thành 1 góc 45 độ với nướu và tiến hành chải mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong của răng. Mỗi mặt nên chải từ 10 – 15 lần
  • Khi chải răng, nên chú ý làm sạch mặt trong của răng và các răng nằm ở vị trí khuất (răng số 7 và số 8)
  • Sau cùng, dùng mặt chải lưỡi làm sạch bề mặt lưỡi để giảm hôi miệng
  • Súc miệng lại bằng nước sạch
  • Thời gian chải răng chỉ nên kéo dài từ 2 – 3 phút, khi đánh răng không nên dùng lực quá mạnh khiến răng và nướu bị tổn thương

2. Sử dụng nước súc miệng

Ngoài chải răng, bạn cũng có thể ngăn ngừa sâu răng dùng nước súc miệng. Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm nước súc miệng với nhiều công dụng khác nhau như giảm hôi miệng, phòng ngừa sâu răng, viêm nướu,…

Để phòng ngừa sâu răng, nên sử dụng các sản phẩm chứa tinh chất bạc hà, gừng, trầu không, đinh hương,… hoặc dùng sản phẩm chứa hoạt chất kháng khuẩn như Hexetidine và Chlorhexidine. Các hoạt chất này đã được chứng minh có hiệu quả kháng khuẩn, phòng ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp.

3. Dùng chỉ nha khoa – Cách phòng ngừa sâu răng hiệu quả

Thực tế, chải răng không thể làm sạch hoàn toàn thức ăn và mảng bám bên trong kẽ răng. Do đó bên cạnh đánh răng và súc miệng thường xuyên, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng hoàn toàn, hạn chế tình trạng hình thành vôi răng dẫn đến tăng nguy cơ sâu răng và viêm nha chu.

phòng ngừa sâu răng
Sử dụng chỉ nha khoa giúp làm sạch mảng bám trong kẽ răng và phòng ngừa sâu răng hiệu quả

Chỉ nha khoa có kết cấu mảnh nên hoàn toàn có thể len lỏi vào các kẽ răng mà không gây tổn thương men răng và mô nướu. Tránh sử dụng tăm vì tăm có độ cứng, dễ gây chảy máu và khiến răng thưa dần nếu sử dụng thường xuyên.

4. Xây dựng chế độ ăn phù hợp

Vi khuẩn gây sâu răng thường phát triển mạnh khi dùng thực phẩm chứa nhiều carbohydrate (có trong thực phẩm giàu tinh bột và đường). Khi tiếp xúc với carbohydrate, vi khuẩn sản sinh ra axit tại chỗ làm hòa tan các tinh thể của men răng và ngà răng.

Vì vậy để phòng ngừa sâu răng, nên xây dựng chế độ ăn phù hợp. Ngoài việc giảm lượng đường trong thực đơn ăn hằng ngày, nên bổ sung các loại thực phẩm có lợi để tăng độ chắc khỏe của răng.

phòng ngừa sâu răng hiệu quả
Giảm lượng đường trong chế độ ăn là biện pháp phòng ngừa sâu răng hiệu quả

Chế độ ăn giúp phòng ngừa sâu răng hiệu quả:

  • Hạn chế dùng các loại món ăn chứa nhiều đường như nước ngọt có gas, bánh kẹo, socola,… Có thể thay thế bằng trái cây và mật ong vì đường tự nhiên ít có nguy cơ gây sâu răng.
  • Sau khi dùng các thực phẩm giàu tinh bột, nên súc miệng bằng nước sạch và uống nhiều nước để làm sạch thức ăn thừa. Ngoài ra, uống nhiều nước còn kích thích khoang miệng tăng tiết nước bọt giúp trung hòa axit từ vi khuẩn, qua đó ngăn chặn hình thành các ổ sâu ở men răng và ngà răng.
  • Tránh sử dụng thực phẩm chứa nhiều axit và thức uống chứa cồn như chanh, cam, khế chua, xoài, rượu bia,… Axit và cồn có thể bào mòn men răng khiến răng ê buốt, suy yếu và dễ bị vi khuẩn tấn công.
  • Nên tăng cường dùng rau xanh và trái cây. Chất xơ có trong các nhóm thực phẩm này có thể làm sạch mảng bám tự nhiên và hỗ trợ trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết.
  • Bổ sung các nhóm thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe răng miệng như hải sản, trứng, sữa, các loại hạt, đậu, sữa chua,…

5. Lấy cao răng định kỳ

Vệ sinh răng miệng đúng cách chỉ có thể giảm lượng cao răng hình thành. Vì vậy, bạn nên lấy cao răng đều đặn 6 tháng/ lần để phòng ngừa sâu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác.

Ngoài ra, đến phòng khám định kỳ còn giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh nha khoa tiến triển chậm như sâu men (giai đoạn đầu của bệnh sâu răng), viêm nha chu,…

6. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây ra các vấn đề về phổi, gan và dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu và gây ra chứng hôi miệng. Các hóa chất độc hại trong thuốc lá gây phá hủy tổ chức nha chu và men răng, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và phá hủy các mô cứng của răng.

làm thế nào để ngăn ngừa sâu răng
Không hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ sâu răng và mắc các bệnh nha khoa thường gặp khác

Hơn nữa, khói thuốc lá còn gây rối loạn hệ vi sinh trong khoang miệng, kích thích vi khuẩn phát triển quá mức dẫn đến sâu răng, tổn thương lợi, tủy răng và chóp răng. Ngoài ra, hút thuốc lá trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và gây giảm hệ miễn dịch. Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng giảm sức đề kháng là yếu tố thuận lợi để sâu răng phát triển.

7. Kiểm soát chứng trào ngược dạ dày

Ít người biết rằng, sâu răng còn có thể là hệ quả do trào ngược dạ dày thực quản không được kiểm soát. Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hóa, đặc trưng bởi tình trạng thức ăn cùng với dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản, thanh quản và thậm chí là khoang miệng.

Tình trạng này xảy ra thường xuyên khiến cổ họng bị kích thích dẫn đến viêm mãn tính, ho khan và khàn tiếng. Ngoài ra, axit dạ dày còn làm mất cân bằng môi trường sinh lý của khoang miệng, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển quá mức. Hơn nữa, axit trong dịch vị còn ăn mòn men răng, đẩy nhanh tốc độ sâu răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác.

Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân phổ biến gây sâu răng ở người trung niên. Do đó để ngăn ngừa sâu răng hiệu quả, cần kiểm soát chứng trào ngược bằng cách sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ.

8. Sử dụng kẹo cao su giúp ngăn ngừa sâu răng

Sử dụng kẹo cao su không chỉ giúp tăng độ tỉnh táo, tập trung khi làm việc mà còn là biện pháp ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Khi nhai kẹo cao su (nên lựa chọn kẹo không đường hoặc đường xylitol chiết xuất từ rau củ), khoang miệng sẽ tăng tiết nước bọt giúp trung hòa các sản phẩm axit do vi khuẩn bài tiết. Điều này có thể ngăn chặn hiện tượng hòa tan các tinh thể men răng và ngà răng.

làm thế nào để ngăn ngừa sâu răng
Nhai kẹo cao su không đường là biện pháp phòng ngừa sâu răng có thể thực hiện ngay tại nhà

Để phòng ngừa sâu răng, nên sử dụng kẹo cao su trong vòng 20 phút sau bữa ăn. Ngoài tác dụng tăng sản xuất nước bọt, kẹo cao su còn giúp làm sạch các bảm bám và mảnh thức ăn ở những vị trí khuất như kẽ răng.

9. Thận trọng khi dùng một số loại thuốc

Nguy cơ bị sâu răng có thể tăng lên do dùng một số loại thuốc gây giảm tiết nước bọt. Nước bọt có vai trò cực kỳ quan trọng với sức khỏe răng miệng. Bên cạnh tác dụng làm mềm thức ăn, nước bọt còn có vai trò trung hòa axit từ vi khuẩn và cung cấp canxi, phốt pho,… để tái khoáng (phục hồi, tái tạo men răng).

Do đó khi sử dụng các loại thuốc gây giảm tiết nước bọt, sâu răng sẽ dễ hình thành hơn so với bình thường – đặc biệt là ở người cao tuổi. Nếu phải sử dụng các loại thuốc này, nên uống nhiều nước, chú ý vệ sinh răng miệng, hạn chế đường và nhai kẹo cao su thường xuyên để giữ ẩm khoang miệng.

10. Dùng viên ngậm chống sâu răng cho bé

Đối với trẻ nhỏ chưa biết cách chăm sóc răng miệng và không thể sử dụng kẹo cao su, phụ huynh có thể cho trẻ dùng các viên ngậm chống sâu răng. Các sản phẩm này được tạo ngọt bằng xylitol – đường được chiết xuất từ các loại rau củ tự nhiên. Ngoài ra, một số sản phẩm còn được bổ sung kháng thể và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng và hỗ trợ phòng ngừa sâu răng hiệu quả.

Bài viết đã tổng hợp 10 cách ngăn ngừa sâu răng hiệu quả cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong đó, giữ gìn vệ sinh răng miệng là biện pháp cơ bản và quan trọng nhất. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể dễ dàng hơn trong việc phòng ngừa sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (4 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!