Sau khi cấy Implant, cần có chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách để đảm bảo vết thương nhanh lành. Ngoài ra, chăm sóc hợp lý còn giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, chảy máu kéo dài và thúc đẩy tốc độ tích hợp xương của trụ Implant.
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng sau khi cấy Implant
Cấy Implant là thủ thuật được thực hiện trong kỹ thuật trồng răng Implant – phương pháp phục hình hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này dùng trụ Implant được làm từ chất liệu Titanium có khả năng tương thích cao cấy vào bên trong xương hàm để thay thế cho chân răng.
Sau đó, đợi từ 3 – 6 tháng để xương hàm phát triển và bám chặt vào bề mặt của trụ Implant. Khi trụ đã ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành phục hình mão răng sứ lên phía trên thông qua khớp nối (Abutment). Vì khôi phục cả chân răng và thân răng nên răng Implant có độ ổn định cao hơn so với răng giả tháo lắp hay làm răng sứ bắc cầu. Đồng thời có thể hạn chế được tình trạng tiêu xương hàm sau một thời gian sử dụng và tuổi thọ lên đến 20 – 25 năm.
Tuy nhiên, trụ Implant mất rất nhiều thời gian để có thể tích hợp với xương hàm. Chính vì vậy trong thời gian này, bạn cần có chế độ chăm sóc răng miệng hợp lý để đảm bảo trụ Implant ổn định và không bị đào thải. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách còn có thể hạn chế được nguy cơ viêm nhiễm và chảy máu vết thương kéo dài.
Dưới đây là một số cách chăm sóc răng miệng cần thực hiện sau khi cấy Implant:
1. Chải răng nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ ngày
Sau khi cấy trụ Implant, bạn vẫn cần chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và loại bỏ thức ăn thừa tích tụ. Tuy nhiên, nên sử dụng bàn chải có lông mềm mảnh và chải răng nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng chảy máu, đau nhức. Khi chải răng, nên tránh đưa bàn chải vào vị trí vết thương. Tác động từ quá trình chải răng có thể khiến vết thương chậm lành, trụ Implant không ổn định, có nguy cơ xiêu vẹo và bung bật.
Quá trình tích hợp xương hàm mất khoảng 3 – 6 tháng. Do đó trong thời gian này, bạn cũng cần chú ý đổi bàn chải thường xuyên để đảm bảo hiệu quả làm sạch.
2. Súc miệng với dung dịch sát khuẩn Chlorhexidine
Sau khi chải răng, nên súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn chứa hoạt chất Chlorhexidine để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm. Tuyệt đối không dùng nước muối pha loãng để súc miệng. Bởi hiệu quả kháng khuẩn của nước muối tương đối kém nên không thể ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa.
Trong khi đó, dung dịch sát khuẩn Chlorhexidine có thể tiêu diệt hầu hết vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó ngăn ngừa nhiễm trùng và đảm bảo vết thương lành hoàn toàn. Ngoài hiệu quả kháng khuẩn, Chlorhexidine còn có tác dụng ngăn ngừa sâu răng và giảm hình thành mảng bám. Do đó, bạn có thể hạn chế phải tác động bàn chải lên vùng nướu xung quanh trụ Implant.
3. Dùng chỉ nha khoa đúng cách
Thức ăn và mảng bám ở kẽ răng rất khó có thể làm sạch thông qua chải răng thông thường. Tuy nhiên, bạn cần tránh dùng tăm tre để làm sạch, thay vào đó nên dùng chỉ nha khoa để hạn chế gây tổn thương men răng và mô nướu. Sử dụng chỉ nha khoa có thể làm sạch răng miệng hiệu quả và giúp giảm tình trạng sâu kẽ.
Trong trường hợp trồng răng Implant, nên tránh dùng chỉ nha khoa xung quanh trụ Implant. Tác động từ chỉ nha khoa có thể khiến trụ trở nên lỏng lẻo, thiếu ổn định và thậm chí là xiêu vẹo. Hơn nữa, một số trường hợp trụ Implant có thể bị đào thải nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài.
4. Chườm đá liên tục trong 24 giờ đầu
Trồng răng Implant là phương pháp xâm lấn, bác sĩ cần phải tiểu phẫu lợi và dùng khoan để cắt xương hàm, sau đó cấy trụ Implant vào bên trong nhằm thay thế cho chân răng. Chính vì vậy sau khi thực hiện, mô nướu bao xung quanh ít nhiều sẽ bị sưng viêm và chảy máu. Một số trường hợp có thể bị sưng nặng dẫn đến lệch mặt, đau nhức và khó chịu khi ăn uống.
Do đó sau khi cấy trụ Implant vào xương hàm, bạn nên chườm đá trong 15 – 20 phút mỗi lần và chườm liên tục trong 24 giờ đầu tiên, khoảng cách giữa 2 lần chườm khoảng 3 – 4 tiếng. Nhiệt độ từ đá lạnh giúp cầm máu, co mạch, qua đó giảm nhanh hiện tượng sưng viêm và đau nhức.
5. Không dùng thức ăn cay, nóng và cứng, dai
Ngoài ra, bạn cũng cần tránh dùng thức ăn cứng, dai và cay nóng sau khi cấy trụ Implant. Các loại thức ăn này sẽ kích thích lên vết thương dẫn đến tình trạng đau nhức, chảy máu và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Hơn nữa, tác động trong quá trình ăn nhai cũng ảnh hưởng đến tốc độ tích hợp xương hàm và khiến trụ Implant mất nhiều thời gian mới có thể ổn định.
Trong thời gian này, bạn nên dùng các món ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị để vết thương có điều kiện thuận lợi tái tạo và hồi phục. Ngoài ra khi dùng các món ăn lỏng, mềm, áp lực trong quá trình ăn nhai sẽ giảm đi đáng kể. Từ đó tạo điều kiện cho hiện tượng tích hợp xương hàm và giúp rút ngắn thời gian đáng kể.
6. Tránh tác động lực lên trụ Implant
Như đã đề cập, trụ Implant cần một khoảng thời gian dài mới có thể ổn định. Do đó, cần tránh tác động lực lên trụ Implant để vết thương có thể lành hẳn và giúp hiện tượng tích hợp xương diễn ra thuận lợi. Bên cạnh việc tránh ăn uống trực tiếp lên trụ Implant và không chải răng quá mạnh, bạn cũng cần hạn chế lao động nặng và tập thể dục cường độ cao trong 1 – 2 tuần sau khi cấy ghép.
Nếu không kiêng cữ, trụ Implant có thể bị bung bật, xiêu vẹo, vết thương chậm lành, chảy máu kéo dài và có nguy cơ viêm nhiễm cao. Ngoài những hoạt động trên, bạn cũng cần hạn chế đưa đầu lưỡi và dùng tay tác động lên trụ Implant cho đến khi trụ ổn định và đã được phục hình bằng mão sứ.
7. Không hút thuốc lá
Khói thuốc lá chứa nicotine và các hóa chất độc hại có thể gây hư hại mạch máu, hình thành cục máu đông và gián đoạn quá trình tuần hoàn máu đến mô nướu. Chính vì vậy, hút thuốc lá trong thời gian cấy trụ Implant có thể khiến vết thương chậm lành, đồng thời làm gián đoạn hiện tượng phục hồi và tích hợp xương.
Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ bắt buộc khách hàng phải ngưng hút thuốc trước 2 tuần và sau 3 – 4 tuần cấy trụ Implant vào xương hàm. Do đó, cai thuốc lá cũng là cách chăm sóc răng miệng cần phải quan tâm sau khi cấy Implant bên cạnh chế độ ăn uống và chải răng 2 – 3 lần/ ngày.
8. Uống nhiều nước
Mô nướu xung quanh trụ Implant sẽ có hiện tượng viêm và sưng nóng trong khoảng vài ngày sau khi cấy ghép. Ngoài ra, một số người còn có thể bị sốt và mất nước trong 1 – 3 ngày do phản ứng của hệ miễn dịch. Để hạ sốt và làm dịu vết thương, bạn cần đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Uống nhiều nước còn giúp tăng tiết nước bọt, hỗ trợ làm giảm mảng bám và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Do đó sau các bữa ăn nhẹ, bạn nên uống nước để tránh thức ăn bám quanh trụ Implant dẫn đến hôi miệng và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
9. Đeo máng chống nghiến khi cần thiết
Máng chống nghiến được sử dụng cho những người có thói quen nghiến răng khi ngủ. Đây là thói quen thường gặp ở nhiều người nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Nghiến răng sẽ tạo ra áp lực lên trụ Implant và mặt nhai của răng. Tình trạng này khiến vết thương chảy máu, chậm lành và trụ Implant bị lỏng lẻo, xiêu vẹo.
Để bảo vệ trụ Implant, cần đeo máng chống nghiến nếu có thói quen này. Ngay cả khi không trồng răng Implant, bạn vẫn cần sử dụng máng chống nghiến để tránh tình trạng mòn mặt nhai của răng và rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm.
10. Tái khám theo lịch hẹn
Sau khi cấy ghép Implant, bạn cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá tình trạng vết thương và tốc độ tích hợp xương của trụ Implant. Quá trình tái khám sẽ diễn ra liên tục khoảng 2 tuần/ lần cho đến khi trụ Implant đã tích hợp và ổn định trên xương hàm.
Ngoài ra, bạn cũng cần chủ động tìm gặp bác sĩ trong trường hợp sốt cao, vết thương chảy máu kéo dài, tình trạng viêm sưng diễn ra trong thời gian dài, trụ Implant có dấu hiệu lỏng lẻo và lung lay. Bởi đây là những dấu hiệu bất thường cảnh báo biến chứng viêm nhiễm, chảy máu kéo dài và đào thải trụ Implant.
Chăm sóc răng miệng sau khi cấy Implant đúng cách có thể đẩy nhanh quá trình lành thương, giảm đau nhức, sưng viêm và thúc đẩy tốc độ tích hợp xương. Ngược lại, những trường hợp không chăm sóc hợp lý dễ gặp phải biến chứng, thời gian tích hợp xương lâu và trụ Implant không ổn định.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trụ Implant MIS của Đức có tốt không? Giá bao nhiêu?
Mất răng số 6, 7: Hậu quả và Các giải pháp phục hình tốt nhất
Trồng răng Implant bị sưng có sao không?
Cấy ghép Implant là gì? Ưu nhược điểm và quy trình thực hiện
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!