Cấy ghép Implant là gì? Ưu nhược điểm và quy trình thực hiện

Cấy ghép Implant là phương pháp phục hình răng hiện đại và được ưa chuộng trong những năm gần đây. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng về lợi ích, quy trình, ưu nhược điểm, chi phí,….

Cấy ghép Implant là gì
Cấy ghép Implant là phương pháp phục hình răng có nhiều ưu điểm vượt trội

Cấy ghép Implant là gì? Cấu tạo của răng Implant

Cấy ghép Implant được xem bước phát triển vượt bậc của lĩnh vực nha khoa. Phương pháp này sử dụng trụ Implant được làm từ Titanium cấy ghép vào xương hàm để thay thế cho chân răng thật, sau đó lắp mão sứ với trụ Implant thông qua khớp nối Abutment.

Đây là giải pháp tối ưu đối với những trường hợp mất một hoặc nhiều răng trên cung hàm. Sau khi cấy ghép, răng Implant có thể phục hồi hình thể và chức năng sinh lý của răng.

Về cấu tạo, răng Implant bao gồm 3 thành phần chính:

  • Trụ Implant: Trụ Implant có hình dạng như chiếc đinh được làm từ chất liệu Titanium. Dụng cụ này được sử dụng để thay thế cho chân răng thật trong trường hợp mất răng vĩnh viễn. Trụ Implant sẽ được cấy ghép vào trong xương hàm nên có độ cứng chắc và ổn định cao.
  • Khớp nối (Abutment): Khớp nối là một trong ba thành phần chính của răng Implant. Abutment có vai trò kết nối mão răng sứ với trụ Implant để tạo sự chắc chắc cho răng giả. Khí cụ này được sản xuất với nhiều chất liệu khác nhau như sứ, kim loại quý và Titanium.
  • Mão răng sứ: Mão răng sứ được sử dụng trong cấy Implant được làm từ chất liệu sứ có màu trắng ngà. Mão sứ sẽ được chế tác dựa trên cấu tạo và kích thước của răng thật. Tuy nhiên, thay vì bọc mão sứ lên cùi răng thật như phương pháp bọc răng sứ thì với phương pháp này, mão sứ được đặt lên trụ Implant thông qua khớp nối.

Với cấu tạo từ 3 phần chính, răng Implant có độ chắc chắc và ổn định cao. Nhờ vậy, phương pháp này có thể phục hồi được các chức năng sinh lý (ăn nhai, hỗ trợ phát âm) và tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng.

Cấy ghép Implant mang đến những lợi ích gì?

Cấy ghép Implant là một trong những phương pháp trồng răng giả được ưa chuộng nhất hiện nay bên cạnh bọc răng sứ và sử dụng hàm tháo lắp. Phương pháp này có thể mang đến nhiều lợi ích như:

  • Phục hồi răng bị mất: Tương tự như các phương pháp trồng răng giả khác, cấy ghép Implant có thể phục hồi hình thể và chức năng của răng bị mất. Phương pháp này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như mất 1 răng và nhiều răng.
  • Phòng ngừa tiêu xương răng: Với những trường hợp mất răng vĩnh viễn, xương răng có thể bị tiêu hủy sau một thời gian do không có tác động từ lực nhai. Các phương pháp phục hình răng như hàm tháo lắp và cầu răng sứ đều không thể ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên với giải pháp cấy trụ Implant có vai trò như chân răng thật truyền áp lực trong quá trình ăn nhai xuống xương hàm. Qua đó kích thích răng tái tạo và hạn chế tình trạng tiêu xương răng hiệu quả.
  • Tránh phải phục hình răng nhiều lần: So với hàm tháo lắp và cầu răng sứ, răng Implant có tuổi thọ cao hơn. Trung bình, mỗi răng Implant có thể sử dụng được từ 15 – 25 năm và thậm chí là suốt đời nếu lựa chọn chất liệu tốt và chăm sóc đúng cách. Cũng chính vì vậy, cấy ghép Implant trở nên phổ biến và được ưa chuộng trong những năm gần đây.

Cấy ghép Implant được đánh giá là phương pháp phục hình răng tối ưu nhất hiện nay. Với sự ra đời của phương pháp này, những người bị mất răng vĩnh viễn có thể ăn nhai và giao tiếp một cách dễ dàng.

Khi nào nên cấy ghép Implant?

Cấy ghép Implant được áp dụng trong nhiều trường hợp mất răng vĩnh viễn:

Cấy ghép Implant
Cấy ghép Implant có thể thực hiện trong trường hợp mất 1 răng, nhiều răng và mất toàn bộ răng trên cung hàm
  • Mất 1 răng
  • Mất nhiều răng nằm liền kề
  • Mất nhiều răng nằm rải rác trên cung hàm
  • Mất toàn bộ răng trên cung hàm

Có thể thấy, cấy ghép Implant có thể áp dụng trong tất cả các trường hợp mất răng vĩnh viễn. Hiện nay, nhiều người lựa chọn phương pháp này thay vì dùng hàm tháo lắp và cầu răng sứ do có nhiều ưu điểm hơn.

Quy trình cấy ghép răng Implant đúng tiêu chuẩn

Cấy ghép Implant là phương pháp nha khoa phức tạp, đòi hỏi cao về tay nghề, trình độ của bác sĩ cùng với sự hỗ trợ của máy móc và thiết bị hiện đại. Phương pháp này được thực hiện theo quy trình như sau:

Bước 1 – Khám và tư vấn về phương pháp

Trước khi tiến hành cấy ghép Implant, bác sĩ cần thực hiện chụp X-quang răng và thăm khám tổng quát sức khỏe răng miệng toàn diện đầu tiên. Đây là một công đoạn bắt buộc trong hầu hết các ca điều trị nha khoa cần can thiệp kỹ thuật chuyên sâu.

Thông qua một số kỹ thuật lâm sàng như chụp X-quang, CT,… bác sĩ sẽ có được hình ảnh chi tiết về cấu trúc răng và toàn hàm. Từ đó xác định chính xác thông số kích thước, hình dáng răng, hàm cũng như các vấn đề bệnh lý răng miệng bạn có thể đang gặp phải. Dựa trên những thông tin có được, bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá các phương án cấy ghép Implant phù hợp nhất cho người bệnh.

Bước 2 – Điều trị các bệnh lý nha khoa

Qua quá trình thảo luận và chốt kế hoạch cấy ghép Implant, bác sĩ sẽ tiến hành công đoạn xử lý và vệ sinh lại toàn bộ khoang miệng trước khi đặt trụ Implant vào vị trí răng bị mất. Mục đích cho việc này nhằm đảm bảo khoang miệng được sạch sẽ và loại bỏ bớt các tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra trong quá trình cấy ghép.

Trong trường hợp người bệnh đang gặp phải một vài vấn đề khác như viêm chu nha, sâu răng, viêm nướu thì việc điều trị sẽ cần nhiều thời gian hơn do bắt buộc phải xử lý triệt để các tình trạng bệnh lý này.

Bước 3 – Tiến hành cấy trụ Implant

Chuẩn bị tiến hành cấy trụ, người bệnh sẽ được tiêm tê xung quanh vùng cần cấy ghép. Việc làm tê trong khi thực hiện cấy Implant là điều bắt buộc bởi quá trình cần tác động xâm lấn vào sâu cấu trúc răng. Do đó, tiêm tê sẽ giúp bạn trải qua việc cấy ghép một cách nhẹ nhàng, hoàn toàn không có cảm giác đau nhức, khó chịu. 

Khi thuốc tê đã ngấm và phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên biệt để đưa trụ Implant vào sâu bên trong cấu trúc xương hàm. Toàn bộ công đoạn xử lý sẽ mất khoảng 15 – 30 phút.

Bước 4: Cấy răng giả lên trụ Implant

Trụ Implant sau khi cấy ghép cần chờ khoảng 6 – 14 tuần để tích hợp hoàn toàn với phần xương hàm. Khi Implant đã cố định chắc chắn, bác sĩ có thể kết nối cấy răng giả lên trên trụ. Quy trình cấy ghép Implant có thể coi như hoàn tất tại thời điểm này. 

Bước 5: Chăm sóc và theo dõi sau khi cấy ghép Implant

Về cơ bản việc cần làm sau khi đã hoàn tất quy trình cấy Implant chính là theo dõi và chăm sóc để tránh các vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện tái khám 6 tháng/lần để theo dõi và duy trì tình trạng Implant được tốt nhất.

Cần chờ trụ Implant từ 6 - 14 tuần tích hợp vào xương hàm
Cần chờ trụ Implant từ 6 – 14 tuần tích hợp vào xương hàm

Cấy ghép Implant có giá bao nhiêu?

Có thể thấy, cấy ghép Implant là phương pháp phục hình răng hiệu quả nhất trong trường hợp mất răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, chi phí thực hiện phương pháp này là trở ngại đối với một số người eo hẹp về tài chính. Vậy, cấy ghép Implant có giá bao nhiều?

Được biết, chi phí cấy ghép Implant bao gồm giá của trụ Implant, khớp nối và răng sứ. Ngoài ra, chi phí còn bao gồm cả phí chụp X-Quang, CT và một số biện pháp đi kèm. Những trường hợp bị tiêu xương răng thường phải ghép xương và nâng xoang hàm để đảm bảo răng có đủ điều kiện khi cấy ghép Implant. Ngoài ra, bạn cũng có thể phải điều trị các bệnh nha khoa như viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng,… trước khi thực hiện (nếu có). Do đó, nên chuẩn bị thêm chi phí cho những biện pháp phát sinh.

Phương pháp cấy trụ Implant có chi phí tương đối cao
Phương pháp cấy trụ Implant có chi phí tương đối cao

Dưới đây là bảng giá cấy ghép Implant (tham khảo):

  • Trụ Implant 1 răng có giá dao động từ 15 – 40 triệu đồng
  • Trụ Implant All On 4 có giá khoảng 80 – 150 triệu đồng (áp dụng cho trường hợp mất hoàn toàn các răng trên cung hàm)
  • Mão sứ có giá dao động từ 1 – 6 triệu đồng
  • Khớp nối Abutmen có giá khoảng 6 – 8 triệu

Chi phí có thể chênh lệch tùy theo cơ sở thực hiện. Thông thường, chi phí cấy ghép Implant ở các bệnh viện công lập sẽ thấp hơn so với các phòng khám nha khoa. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế công lập trong khu vực.

Ưu nhược điểm của cấy ghép Implant

Cấy ghép Implant là một trong những phương pháp phục hình răng phổ biến hiện nay. Nếu có ý định thực hiện, bạn nên cân nhắc giữa ưu điểm và hạn chế của phương pháp này.

Ưu điểm của phương pháp cấy ghép Implant:

  • Giúp phục hồi các chức năng của răng: Răng Implant được cấy cố định vào bên trong xương hàm nên có độ chắc chắn cao. Chính vì vậy so với cầu răng sứ và dùng hàm tháo lắp, cấy ghép Implant có thể phục hồi gần như 100% các chức năng của răng như ăn nhai, hỗ trợ phát âm, thẩm mỹ,…
  • Có thể phòng ngừa tiêu xương răng: Với những trường hợp mất răng vĩnh viễn phục hình bằng hàm giả tháo lắp và cầu răng sứ, xương răng sẽ bị tiêu hủy dần theo thời gian do không có lực nhai tác động. Tuy nhiên với cấy ghép Implant, phương pháp này có thể phòng ngừa hiện tượng tiêu xương răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
  • Độ bền cao: Răng Implant có độ bền cao hơn so với các phương pháp phục hình khác. Trung bình, mỗi răng có tuổi thọ dao động từ 15 – 25 năm và có thể sử dụng suốt đời nếu chăm sóc đúng cách. Trong khi đó, cầu răng sứ, hàm giả tháo lắp thường có tuổi thọ ngắn và hầu hết đều phải thực hiện lại nhiều lần.
  • Không ảnh hưởng đến răng kế cận: Khi phục hình bằng cầu răng sứ, hai răng kế cận sẽ phải mài nhỏ để dễ dàng chụp cầu răng sứ. Tuy nhiên khi thực hiện phương pháp này, mão sứ được đặt bên trên trụ Implant nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến các răng lân cận.

Hạn chế của cấy ghép Implant:

Cấy Implant mất nhiều thời gian thực hiện hơn so với làm cầu răng sứ
Cấy Implant mất nhiều thời gian thực hiện hơn so với làm cầu răng sứ
  • Chi phí cao: So với các phương pháp phục hình khác, cấy Implant có chi phí cao hơn rất nhiều nên không thích hợp với những người eo hẹp về tài chính. Tuy nhiên, phương pháp này hầu như chỉ phải thực hiện 1 lần, không cần tái điều trị như hàm giả tháo lắp.
  • Mất nhiều thời gian thực hiện: Cấy ghép trụ Implant mất nhiều thời gian thực hiện hơn do phải chờ trụ Implant và xương tích hợp. Thông thường sau khi cấy ghép trụ, bác sĩ sẽ theo dõi trong 3 – 6 tháng trước khi chế tác và gắn mão sứ lên răng.
  • Không phù hợp với nhiều đối tượng: Giải pháp này can thiệp đến xương hàm nên không phù hợp với tất cả mọi người. Phương pháp này chống chỉ định với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người bị dị dạng xương hàm nghiêm trọng, người nghiện rượu nặng, người bị rối loạn tâm thần, mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thiểu năng tuyến yên,…

Những lưu ý khi cấy ghép Implant

Cấy ghép Implant là bước đột phá của lĩnh vực nha khoa có thể phục hồi hình thể và chức năng của răng bị mất. Phương pháp này có nhiều ưu điểm hơn so với các kỹ thuật phục hình răng truyền thống. Tuy nhiên trước khi cấy Implant, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tất cả các phương pháp đều tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ. Với cấy Implant, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ và biến chứng như nhiễm trùng, gãy trụ chân răng, trụ Implant bị đào thải, tổn thương các răng lân cận,…
  • Cấy trụ Implant là phương pháp phức tạp nên phải được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn, tay nghề cao. Do đó, bạn cần lựa chọn phòng khám nha khoa đáng tin cậy khi có ý định thực hiện phương pháp này.
  • Sau khi phẫu thuật cấy trụ Implant, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tránh tác động trực tiếp lên vết thương. Ngoài ra, nên hạn chế hút thuốc lá và vận động mạnh cho đến khi vết thương lành hẳn.
  • Tái khám theo lịch hẹn để được theo dõi và kiểm tra tình trạng của trụ Implant một cách chặt chẽ. Nhiều trường hợp chủ quan không thăm khám đều đặn có thể khiến trụ Implant bị đào thải và bung bật sau một thời gian cấy ghép.
  • Nếu có vấn đề bất thường sau khi ghép trụ Implant, bạn nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
  • Cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi cấy ghép Implant. Không làm sạch răng miệng kỹ lưỡng có thể gây ra các bệnh lý nha khoa và làm giảm tuổi thọ của răng giả.
  • Thay đổi các thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học để bảo vệ sức khỏe răng miệng và tăng tuổi thọ của răng Implant.

Cấy ghép Implant là giải pháp tối ưu trong trường hợp mất một hoặc nhiều răng. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn đọc nên tìm hiểu kỹ để hạn chế những rủi ro và biến chứng phát sinh. Ngoài ra, nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi lựa chọn phương pháp phục hình răng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (4 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!