Tẩy trắng răng là kỹ thuật nha khoa đơn giản, không xâm lấn và có thời gian thực hiện khá nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này không được chỉ định trong một số trường hợp có nguy cơ cao. Do đó, không ít người băn khoăn về vấn đề “Phụ nữ đang cho con bú có tẩy trắng răng được không?”.
Đang cho con bú có tẩy trắng răng được không?
Tẩy trắng răng là kỹ thuật nha khoa thường quy có tại hầu hết các bệnh viện và phòng khám nha khoa. Phương pháp này được thực hiện với mục đích thẩm mỹ nên hoàn toàn không bắt buộc. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng răng ố vàng, sậm màu tác động đáng kể đến sự tự tin khi giao tiếp. Do đó, không ít người chọn tẩy trắng răng để lấy lại hàm răng trắng sáng và tự tin hơn khi nở nụ cười.
Tẩy trắng răng thường được thực hiện tại phòng khám. Bác sĩ sẽ dùng hoạt chất tẩy gốc peroxide thoa trực tiếp lên răng, sau đó chiếu tia laser hoặc đèn plasma để đánh bật các mảng màu nhằm cải thiện tình trạng răng xỉn màu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc tẩy trắng răng tại nhà để khắc phục tình trạng này.
Tẩy trắng răng là nhu cầu của nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện. Do đó, không ít người băn khoăn về vấn đề “Đang cho con bú có tẩy trắng răng được không?”.
Thực tế, tẩy trắng răng là phương pháp khá đơn giản và hoàn toàn không xâm lấn vào nướu hay răng. Bác sĩ chỉ thoa thuốc tẩy ở ngoài men răng kết hợp với năng lượng của tia plasma hoặc laser để đẩy nhanh quá khử màu. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, phương pháp này không được chỉ định cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
Dù chưa có bằng chứng cho thấy tẩy trắng răng ảnh hưởng đến thai nhi hay nguồn sữa. Tuy nhiên, phương pháp này sử dụng thuốc tẩy nồng độ cao nên có thể tiềm ẩn một số rủi ro. Chính vì vậy, phụ nữ sau khi sinh và đang cho con bú nên tránh tẩy trắng răng và hạn chế can thiệp các kỹ thuật nha khoa không cần thiết.
Sau sinh bao lâu thì có thể tẩy trắng răng?
Tẩy trắng răng chỉ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ nên không được khuyến khích thực hiện trong thời gian mang thai và cho con bú. Vì vậy, không ít mẹ bỉm băn khoăn “Sau khi sinh bao lâu thì có thể tẩy trắng răng?”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt, phụ nữ sau khi sinh nên đợi cho sức khỏe ổn định và ngưng trẻ bú trước khi tẩy trắng răng và can thiệp các phương pháp nha khoa thẩm mỹ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa biến chứng. Riêng các phương pháp thẩm mỹ chỉ được khuyến khích thực hiện khi mẹ đã ngưng cho trẻ bú.
Tẩy trắng răng sử dụng thuốc tẩy có nồng độ tương đối cao. Do đó, phụ nữ sau khi sinh nên đợi cho sức khỏe hồi phục và răng ổn định hoàn toàn trước khi can thiệp phương pháp này. Nếu tẩy trắng răng quá sớm, răng có thể bị ê buốt và đau nhức nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chức năng ăn nhai.
Vì sao phụ nữ sau khi sinh dễ bị vàng răng?
Phụ nữ sau khi sinh dễ bị vàng răng hơn bình thường do một số nguyên nhân sau:
- Ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố khi mang thai và sau khi sinh thường bị rối loạn. Sau khi sinh nở, cơ thể cần khoảng 6 – 12 tháng để ổn định lại nồng độ hormone. Do đó, sau khi sinh, mẹ bỉm dễ gặp phải tình trạng vàng răng do hormone progesterone tăng mạnh và hormone estrogen giảm thấp đột ngột. Ngoài ra, tình trạng rối loạn nội tiết tố còn gây ra nhiều vấn đề nha khoa như răng lung lay, chảy máu chân răng, răng ê buốt và nhạy cảm.
- Do thói quen ăn uống: Sau khi sinh nở, mẹ bỉm cần phải bổ sung nhiều món ăn giàu dinh dưỡng để hồi phục thể trạng và cung cấp đủ dưỡng chất để thúc đẩy quá trình tạo sữa. Do đó, không ít phụ nữ sau khi sinh gặp phải tình trạng vàng răng do dùng nhiều thức ăn chứa tinh bột, đồ uống có màu đậm như nước sâm, trà nghệ, sữa nghệ, cà ri,…
- Vệ sinh răng miệng kém: Trong thời gian đầu sau khi sinh nở, không ít mẹ bỉm kiêng cữ nước lạnh quá mức dẫn đến vệ sinh răng miệng sơ sài. Thói quen vệ sinh răng miệng kém chính là nguyên nhân khiến mảng bám, vôi răng tích tụ gây ố vàng và xỉn màu răng.
Tình trạng răng ố vàng, xỉn màu hoàn toàn không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và sức khỏe răng miệng. Do đó, mẹ bỉm không nên quá lo lắng về tình trạng này.
Cách tẩy trắng răng an toàn cho người đang cho con bú
Răng ố vàng, xỉn màu sau khi sinh khiến mẹ bỉm thiếu tự tin khi sinh hoạt và giao tiếp. Để cải thiện tình trạng này và lấy lại hàm răng trắng sáng, rạng rỡ, mẹ bỉm có thể áp dụng một số cách cải thiện đơn giản như:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Răng ố vàng thường do mảng bám, cao răng tích tụ nhiều ở bề mặt và kẽ răng. Do đó, cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng này là vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngoài ra, thói quen này còn giúp mẹ bỉm cải thiện tình trạng răng ê buốt và nhạy cảm do thiếu hụt canxi trong quá trình mang thai.
Cách vệ sinh răng miệng giúp mẹ bỉm cải thiện tình trạng răng xỉn màu, ố vàng:
- Sử dụng bàn chải có lông mềm, mảnh để làm sạch răng miệng 2 – 3 lần mỗi ngày. Khi chải răng, cần chú ý làm sạch cả mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng. Nên chải răng chậm rãi và thao tác nhẹ nhàng để làm sạch mảng bám, thức ăn thừa nhưng không gây mòn men răng.
- Bên cạnh thói quen chải răng, mẹ bỉm nên dùng thêm các loại nước súc miệng kháng khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Nếu có thể, mẹ nên lựa chọn sản phẩm được bổ sung thêm fluor để tăng độ cứng chắc của men răng, từ đó hỗ trợ làm giảm tình trạng ê buốt và đau nhức khi ăn uống.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng, tránh tình trạng kẽ răng bị sâu khiến răng ngả sang màu vàng nâu hoặc đen. Hạn chế dùng tăm tre vì tăm cứng có thể gây tổn thương men răng và mô nướu.
- Sau các bữa ăn nhẹ, mẹ nên súc miệng kỹ để làm sạch răng miệng và dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn thừa.
Sau khi sinh nở, mẹ bỉm cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách. Lúc này, hormone chưa ổn định nên răng và nướu tương đối nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập vào bên trong. Nếu vệ sinh răng miệng đúng cách, mẹ bỉm có thể cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
2. Chú ý thói quen ăn uống và sinh hoạt
Bên cạnh thói quen vệ sinh răng miệng hợp lý, mẹ bỉm cũng cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu.
Để làm trắng răng và hạn chế tình trạng răng ố vàng, mẹ bỉm nên chú ý các thói quen sinh hoạt và ăn uống như:
- Không sử dụng thực phẩm và đồ uống đậm màu như trà nghệ, cà ri, bò kho, nước ngọt có gas, cà phê và các loại trà đặc. Nếu dùng các món ăn và thức uống kể trên, mẹ bỉm nên súc miệng kỹ sau khi dùng để tránh tình trạng răng bị ố vàng và ngả màu.
- Không hút thuốc lá.
- Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường và axit. Axit và đường là thành phần chính tạo thành mảng bám, cao răng. Ngoài ra, axit trong thực phẩm còn là nguyên nhân làm mòn men răng khiến răng trở nên nhạy cảm và ê buốt.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để hạn chế tích tụ mảng bám, cao răng. Bên cạnh đó, mẹ bỉm cũng nên bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm, vitamin D và canxi để cải thiện độ chắc khỏe của răng.
3. Sử dụng nguyên liệu tự nhiên tẩy trắng răng
Khi chưa thể tẩy trắng răng tại phòng khám, mẹ bỉm có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để loại bỏ các mảng màu bám trên bề mặt răng. Các nguyên liệu này tương đối an toàn, lành tính nên có thể dùng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Các mẹo tẩy trắng răng từ nguyên liệu tự nhiên an toàn với phụ nữ đang cho con bú:
- Dầu dừa + baking soda: Baking soda có đặc tính tẩy mạnh với độ pH kiềm và khả năng khử mùi tốt. Kết hợp baking soda với dầu dừa vừa giúp bảo vệ men răng, mô nướu vừa loại bỏ mảng bám và mảng màu bám trên bề mặt răng. Công thức này còn giúp mẹ bỉm khắc phục tình trạng hôi miệng và ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
- Than hoạt tính: Than hoạt tính có khả năng tẩy trắng răng hiệu quả nhưng không gây mòn men. Mẹ bỉm có thể dùng than hoạt tính với kem đánh răng chải răng mỗi ngày để cải thiện tình trạng răng ố vàng, xỉn màu. Hoặc có thể kết hợp than hoạt tính với một số nguyên liệu tự nhiên như dầu dừa, gel nha đam để tăng hiệu quả tẩy trắng răng.
- Dâu tây: Dâu tây chứa một lượng nhỏ axit có khả năng khử màu bám trên bề mặt răng. Thay vì sử dụng giấm táo hoặc nước cốt chanh, mẹ bỉm có thể nghiền nát quả dâu, sau đó dùng hỗn hợp chải răng nhẹ nhàng nhằm khắc phục tình trạng răng ố vàng và sậm màu.
Ngoài những công thức trên, mẹ bỉm cũng có thể áp dụng một số biện pháp tẩy trắng răng an toàn như dùng vỏ chuối, sử dụng gel nha đam tươi, lá trầu không, lá ổi,… Ưu điểm của các công thức tự nhiên là chi phí thấp và an toàn với người đang cho con bú. Tuy nhiên, các công thức này mang lại hiệu quả khá chậm nên cần phải kiên trì khi thực hiện.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Phụ nữ sau khi sinh đang cho con bú có tẩy trắng răng được không?” và trang bị một số mẹo cải thiện răng ố vàng, xỉn màu an toàn. Sau khi ngưng cho trẻ bú, mẹ có thể đến phòng khám để được tẩy trắng răng bằng laser hoặc plasma để đạt hiệu quả tốt hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Giải Đáp Chi Tiết Tẩy Trắng Răng Mất Bao Lâu Đạt Hiệu Quả
Tẩy trắng răng mấy lần thì trắng? Duy trì được bao lâu?
Răng Bé Bị Xỉn Đen là do đâu? Có thể khắc phục được không?
Top 9 Máy + Bộ Kit Tẩy Trắng Răng Tại Nhà Được Đánh Giá Tốt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!