Chân răng bị vàng: Nguyên nhân và cách tẩy trắng hiệu quả

Chân răng bị vàng ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ và gián tiếp gây mất tự tin khi giao tiếp. Để giải quyết tình trạng này triệt để, cần xác định nguyên nhân và áp dụng giải pháp tẩy trắng răng phù hợp.

chân răng bị vàng
Chân răng bị ố vàng, xỉn màu là tình trạng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn

Chân răng bị vàng – Nguyên nhân do đâu?

Chân răng bị vàng là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Cổ chân răng bị vàng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình và sự tự tin khi giao tiếp. Ngoài ra, đây còn là dấu hiệu của một số vấn đề nha khoa. Vì vậy, bạn đọc không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chân răng bị vàng. Trong đó các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

1. Cao răng tích tụ

Cao răng tích tụ là nguyên nhân thường gặp gây ố vàng và xỉn màu chân răng. Cao răng là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám của vi khuẩn có hại. Theo thời gian và dưới tác động của hại khuẩn, mảng bám trở nên cứng chắc, sau đó bám chặt lấy chân răng và kẽ răng.

chân răng bị vàng
Cao răng tích tụ ngày qua ngày khiến cho chân răng bị ố vàng và xỉn màu

Cao răng tích tụ nhiều sẽ khiến cho nướu răng bị sưng viêm, chảy máu và kích ứng. Ban đầu, cao răng có màu vàng nhạt, sau chuyển sang màu vàng nâu, nâu đậm và đôi khi chuyển thành màu đen. Đây là nguyên nhân phổ biến khiến chân răng bị vàng, răng xỉn màu, hôi miệng,…

2. Do thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống cũng có thể là nguyên nhân khiến chân răng bị vàng. Màu trong các loại thức ăn, đồ uống có thể khiến bề mặt răng xỉn màu, ố vàng và mất đi độ trắng sáng vốn có. Tình trạng này thường gặp ở những người có thói quen dùng thức ăn, đồ uống có màu đậm như cà phê, trà đặc, rượu bia, nước ngọt có gas, món ăn có nhiều phẩm màu,…

3. Do hút thuốc lá

Ngoài thói quen ăn uống, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến chân răng bị vàng. Khói thuốc sau khi tiếp xúc với khí oxy sẽ gây tạo ra các phân tử màu và bám lên men răng khiến răng ố vàng. Ngoài ra, hút thuốc lá sẽ gây khô miệng do giảm tiết nước bọt. Tình trạng này làm gia tăng tốc độ tích tụ mảng bám và cuối cùng khiến cao răng bám nhiều ở chân răng dẫn đến hiện tượng ố vàng.

chân răng bị vàng
Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng chân răng bị ố vàng

Hút thuốc lá là thói quen xấu cần được thay đổi sớm. Bởi ngoài những ảnh hưởng kể trên, thói quen này còn làm gia tăng nhiều vấn đề nha khoa như gây viêm nha chu, hôi miệng, viêm lợi loét hoại tử cấp tính,…

4. Do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa

Chân răng bị vàng đôi khi là biểu hiện của một số bệnh lý nha khoa như:

  • Sâu răng: Sâu răng là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp. Ban đầu, sâu răng chỉ biểu hiện qua các đốm màu trắng đục hoặc vàng nhạt trên bề mặt răng, hoàn toàn chưa gây ra cảm giác đau nhức hay ê buốt. Do đó, bạn nên xem xét khả năng chân răng bị vàng do sâu răng.
  • Thiểu sản men răng: Thiểu sản men răng là tình trạng thiếu hụt và khiếm khuyết trong quá trình phát triển men răng. Kết quả là răng không đều màu, lỗ chỗ, bị ố vàng và xỉn màu. Vì vậy, trong một số trường hợp tình trạng chân răng bị vàng có thể xảy ra do thiểu sản men răng.

5. Những nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, chân răng bị vàng cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

  • Nhiễm kháng sinh: Kháng sinh Tetracyclin có thể gây ố vàng men răng và làm đổi màu răng vĩnh viễn nếu dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Nếu đã từng sử dụng loại kháng sinh này, nhiều khả năng tình trạng chân răng ố vàng là do nhiễm kháng sinh.
  • Bẩm sinh: Một số người bẩm sinh có men răng ố vàng và xỉn màu. Nguyên nhân có thể là do di truyền từ bố mẹ hoặc do mẹ thiếu khoáng chất và sử dụng kháng sinh trong thai kỳ.
  • Thừa fluoride (fluor): Fluor là khoáng chất cần thiết đối với sức khỏe răng miệng với khả năng củng cố độ chắc khỏe của răng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Tuy nhiên, dư thừa fluor có thể khiến cho men răng ố vàng, xỉn màu và xuất hiện các đốm trắng đục. Nếu do nguyên nhân này, ngưng sử dụng fluor có thể cải thiện tình trạng nhanh chóng. Ngược lại, răng có thể đổi màu vĩnh viễn do thừa fluor trong thời gian dài.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến chân răng bị vàng và cũng rất khó để xác định được nguyên nhân cụ thể. Vì vậy, bạn nên thăm khám khi gặp phải tình trạng này để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.

Cách khắc phục chân răng bị vàng

Chân răng bị vàng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và ngoại hình. Bên cạnh đó, tình trạng này còn cảnh báo nhiều vấn đề nha khoa như hôi miệng, sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng,… Khi thăm khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và tư vấn giải pháp phù hợp.

Dưới đây là các phương pháp được áp dụng để điều trị chân răng bị vàng:

1. Lấy cao răng

Cao răng tích tụ là nguyên nhân hàng đầu khiến chân răng bị vàng. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, cách hiệu quả nhất là lấy cao răng. Cao răng không giống với mảng bám nên không thể làm sạch bằng cách đánh răng mà phải dùng thiết bị chuyên dụng.

chân răng bị vàng
Sau khi lấy cao răng, tình trạng ố vàng và xỉn màu ở chân răng sẽ được cải thiện đáng kể

Sau khi lấy cao răng, tình trạng chân răng ố vàng sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, làm sạch cao răng còn ngăn ngừa hại khuẩn phát triển và giúp phòng ngừa hiệu quả các vấn đề nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…

2. Điều trị các bệnh nha khoa

Trong trường hợp chân răng bị vàng là do các bệnh nha khoa, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị các vấn đề răng miệng để ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn răng. Sau khi các bệnh lý này được cải thiện, bạn có thể xem xét tẩy trắng răng nếu chân răng vẫn bị ố vàng và xỉn màu.

Như đã đề cập, chân răng bị vàng có thể là biểu hiện của bệnh sâu răng và thiểu sản men răng. Hai bệnh này thường được điều trị bằng cách trám răng hoặc sử dụng liệu pháp fluor.

Ngoài việc cải thiện màu sắc của răng, điều trị kịp thời các vấn đề nha khoa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài và đảm bảo chức năng sinh lý của răng (ăn nhai, giao tiếp). Đa phần các bệnh nha khoa đều không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Vì vậy, bạn nên hình thành thói quen khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để được phát hiện và điều trị sớm các vấn đề bất thường.

3. Tẩy trắng răng

Tẩy trắng răng là một trong những cách khắc phục chân răng bị vàng hiệu quả. Sau khi đã lấy cao răng và điều trị các bệnh nha khoa (nếu có), bạn có thể tẩy trắng răng để lấy lại hàm răng trắng sáng và thoải mái hơn khi giao tiếp.

Để tẩy trắng răng, bác sĩ sẽ sử dụng hoạt chất Hydro peroxide hoặc Carbamide peroxide kết hợp với năng lượng tia laser, plasma để loại bỏ mảng màu bám trên răng. Sau khoảng 1 tiếng, tình trạng chân răng ố vàng sẽ được cải thiện rõ rệt.

chân răng bị vàng
Tẩy trắng răng giúp giải quyết triệt để tình trạng chân răng bị vàng, xỉn đen

Trong trường hợp chân răng chỉ vàng nhẹ, bạn có thể tẩy trắng răng bằng máng. Cách này vẫn sử dụng hoạt chất oxy hóa để làm sạch mảng màu bám trên răng. Tuy nhiên, do được sử dụng tại nhà nên bác sĩ sẽ chỉ định hoạt chất có nồng độ thấp để đảm bảo an toàn. Tẩy trắng răng bằng máng thường được dùng liên tục trong thời gian ngủ và duy trì từ 25 – 30 ngày để đạt kết quả tốt nhất.

4. Phục hình răng

Ngoài các biện pháp trên, một số trường hợp chân răng bị vàng nghiêm trọng sẽ phải can thiệp các kỹ thuật phục hình răng. Phục hình răng là kỹ thuật sử dụng mão sứ hoặc mặt dán sứ để khôi phục hình thể, màu sắc của răng.

Phục hình răng được khuyến khích thực hiện trong trường hợp chân răng ố vàng đi kèm với tình trạng răng thưa, răng nứt, mẻ và hình thể của răng không đẹp. Ngoài ra, trường hợp thiểu sản men răng và sâu răng nặng cũng được cân nhắc thực hiện.

Các phương pháp phục hình răng được cân nhắc cho trường hợp chân răng bị vàng:

  • Dán sứ Veneer: Dán sứ Veneer là phương pháp sử dụng mặt dán sứ dán cố định lên mặt ngoài của răng. Phương pháp này có thể khắc phục khuyết điểm chân răng bị vàng và một số khuyết điểm nhẹ như răng khấp khểnh, răng nứt, thiểu sản men răng,…
  • Bọc răng sứ: Bọc răng sứ sử dụng mão sứ có hình dáng tương tự như răng thật nhưng bên trong rỗng để cố định vào cùi răng. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp chân răng bị vàng do sâu răng nặng, thiểu sản men răng và hình thể răng xấu.

5. Các biện pháp tẩy trắng răng tại nhà

Nếu tình trạng chân răng bị vàng không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà. Tuy nhiên, vẫn nên lấy cao răng và điều trị các bệnh về răng miệng (nếu có) để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Các biện pháp tẩy trắng răng tại nhà:

  • Sử dụng than hoạt tính: Than hoạt tính có khả năng tẩy trắng răng và kháng khuẩn tốt. Nếu gặp phải tình trạng chân răng ố vàng, bạn có thể sử dụng bột than hoạt tính kết hợp với kem đánh răng để có được hàm răng trắng sáng.
  • Dùng baking soda: Baking soda có đặc tính khử màu và khử mùi nên thường được tận dụng để điều trị các vấn đề nha khoa thường gặp. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thêm baking soda với kem đánh răng để loại bỏ mảng màu ở chân răng.
  • Sử dụng sản phẩm tẩy trắng răng: Sở hữu hàm răng khỏe mạnh và trắng sáng là mong ước của tất cả mọi người. Do đó, trên thị trường có không ít sản phẩm tẩy trắng răng từ dạng gel, kem đến dạng bột. Tùy theo nhu cầu, bạn nên xem xét chọn cho mình sản phẩm phù hợp để cải thiện màu sắc của răng.

So với tẩy trắng răng tại phòng khám, tẩy trắng răng tại nhà mang lại hiệu quả chậm hơn nhưng ít tốn kém và khá an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đánh răng đúng cách, hạn chế đồ ăn và thức uống đậm màu để tránh tình trạng tái phát.

Chân răng bị vàng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi gặp phải, nên thăm khám để bác sĩ xác định nguyên nhân và chỉ định điều trị. Không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này vì đôi khi đây là dấu hiệu của các vấn đề nha khoa.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!