Bị thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi là tình trạng khá phổ biến khi tẩy trắng răng. Nếu không xử lý kịp thời, nướu có thể bị kích ứng, sưng viêm và thậm chí là hoại tử. Do đó, bạn đọc nên trang bị kiến thức cần thiết để biết cách xử lý khi gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân khiến thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi
Thuốc tẩy trắng răng được sử dụng để khắc phục tình trạng răng ố vàng, xỉn màu do thói quen hút thuốc lá, ăn uống không hợp lý, nhiễm kháng sinh, tuổi tác cao,… Hiện nay, các loại thuốc tẩy trắng răng được sử dụng thường có gốc peroxide, trong đó Hydrogen peroxide được dùng tại phòng khám và Carbamide peroxide được sử dụng tại nhà.
Các hoạt chất này đều có tác dụng khử màu, giúp đánh bật màu sắc bám ở men răng và ngà răng. Qua đó giúp cải thiện tình trạng răng ố vàng, sậm màu, trả lại hàm răng trắng sáng và nụ cười tự tin, rạng rỡ hơn khi giao tiếp. Vì có khả năng tẩy mạnh nên thuốc tẩy trắng răng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách.
Một trong những tình huống rủi ro thường gặp nhất khi tẩy trắng răng là thuốc dính vào lợi. Tình trạng này có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Sử dụng quá nhiều thuốc tẩy trắng răng: Khi dùng thuốc tẩy trắng, chỉ dùng một lượng nhỏ cho vào máng, sau đó đeo vào răng và bóp nhẹ để thuốc lan đều. Tuy nhiên nếu cho quá nhiều thuốc, phần thuốc sẽ tràn ra ngoài và dính vào nướu răng. Đây là lý do vì sao bạn cần đến nha khoa để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách dùng và liều lượng trước khi sử dụng.
- Bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật: Khi tẩy trắng răng tại phòng khám, bác sĩ sẽ dùng gel chuyên dụng để bảo vệ môi và nướu. Sau đó mới tiến hành thoa thuốc tẩy trắng lên bề mặt răng. Nếu không thực hiện đúng kỹ thuật, thuốc tẩy trắng răng có thể dính vào nướu gây ra cảm giác bỏng rát, kích ứng và khó chịu.
Thuốc tẩy trắng răng có nồng độ khá cao và tác dụng khử mạnh. Do đó nếu có ý định tẩy trắng răng, bạn nên lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy để thực hiện. Trong trường hợp dùng thuốc tẩy trắng răng tại nhà, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn.
Thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi có nguy hiểm không?
Thuốc tẩy trắng răng chứa hoạt chất Hydrogen peroxide hoặc Carbamide peroxide có nồng độ từ 10 – 35% tùy theo mức độ ố vàng của răng. Do đó khi tiếp xúc với lợi, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Kích ứng và sưng viêm lợi: Lợi là mô mềm bao xung quanh răng. Khác với răng, lợi rất dễ bị kích ứng và sưng viêm. Nếu tiếp xúc với thuốc tẩy trắng răng nồng độ cao, vùng nướu xung quanh răng có thể bị kích ứng, sưng viêm và chảy máu.
- Hoại tử lợi: Trong trường hợp tiếp xúc quá lâu với thuốc tẩy trắng răng, lợi có thể bị hoại tử do tác động của Hydrogen peroxide hoặc Carbamide peroxide. Hoại tử lợi gây tổn thương cấu trúc răng miệng nghiêm trọng. Những trường hợp này cần được thăm khám và xử trí sớm để phòng ngừa biến chứng.
- Mòn cổ răng: Khi tiếp xúc với nướu, thuốc tẩy trắng răng cũng có thể làm mòn cổ răng. Cổ răng là nơi có lớp men răng mỏng và nhạy cảm nên rất dễ bị mài mòn khi có tiếp xúc với dung dịch Carbamide peroxide và Hydrogen peroxide. Mòn cổ răng thường gây ra cảm giác ê buốt và đau nhức khi ăn uống, thậm chí răng có thể bị ê buốt ngay cả khi hít không khí lạnh.
Thuốc tẩy trắng răng thực chất là hoạt chất ăn mòn và có đặc tính tẩy mạnh. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tẩy trắng răng bằng máng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu có ý định tẩy trắng răng tại phòng khám bằng đèn plasma và tia laser.
Cách xử lý khi bị thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi
Thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi là tình trạng khá phổ biến – nhất là khi tẩy trắng răng bằng máng ngậm tại nhà. Nếu khắc phục đúng cách và kịp thời, bạn có thể hạn chế được tình trạng sưng và kích ứng nướu.
1. Làm sạch thuốc tẩy trắng răng
Ngay khi nhận thấy thuốc tẩy trắng dính vào lợi, cần dùng bông gòn hoặc khăn ẩm lâu nhẹ để làm sạch thuốc. Sau đó, súc miệng với nước sạch thật kỹ từ 2 – 3 lần nhằm loại bỏ hoàn toàn thuốc tẩy trắng răng dính ở lợi.
Việc làm sạch thuốc tẩy trắng răng sớm giúp giảm mức độ kích ứng lên mô nướu. Sau khi làm sạch thuốc, bạn có thể ngậm nước muối sinh lý và thoa gel chống ê buốt để làm dịu cảm giác nóng rát, khó chịu. Nếu không có sẵn thuốc, có thể làm dịu mô nướu bằng dầu dừa hoặc gel nha đam tươi. Các nguyên liệu này đều có khả năng làm dịu, chống viêm, kháng khuẩn và tái tạo, phục hồi mô.
2. Tìm gặp bác sĩ Răng hàm mặt
Sau khi thực hiện các biện pháp xử trí tại nhà, bạn cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và áp dụng các phương pháp chuyên sâu. Trong trường hợp bị hoại tử tủy và mòn cổ chân răng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị để tránh các biến chứng nặng nề.
Cách hạn chế thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi
Thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi là tình trạng khá phổ biến khi tẩy trắng răng tại nhà. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Nếu sử dụng thuốc tẩy trắng răng tại nhà, cần gặp bác sĩ để được tư vấn loại thuốc có nồng độ phù hợp. Đồng thời được hướng dẫn cụ thể cách dùng và liều lượng để hạn chế tối đa tình trạng thuốc dính vào lợi.
- Khi dùng máng tẩy, thuốc có thể dính vào lợi một phần. Do đó, bạn nên chuẩn bị sẵn bông gòn để làm sạch phần thuốc tẩy trắng răng nhằm hạn chế tình trạng bị kích ứng.
- Sau khi dùng máng tẩy trắng, cần súc miệng kỹ với nước sạch. Tránh để thuốc tẩy trắng răng còn lưu lại gây kích ứng và sưng nướu.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã biết cách xử lý và hạn chế tình trạng thuốc tẩy trắng răng dính vào lợi. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng và kiêng cữ một số thức ăn, đồ uống đậm màu để đạt kết quả tốt nhất sau khi tẩy trắng răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên tẩy trắng răng bằng laser không? Có hại gì không?
Hậu Điều Trị Tẩy Trắng Răng Xong Có Được Đánh Răng Không?
7 Cách Chữa Răng Ố Vàng Thành Trắng Tại Nhà Cực Đơn Giản
Có Nên Dùng Thuốc Tẩy Răng Ố Vàng? Loại Nào Dùng Tốt?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!