Bị hôi miệng sau khi ngủ dậy thường do hiện tượng giảm tiết nước bọt trong thời gian ngủ. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có liên quan đến thói quen vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, dùng thức ăn, đồ uống có mùi nồng vào tối muộn,…
Bị hôi miệng sau khi ngủ dậy – Dấu hiệu nhận biết
Hôi miệng (hơi thở có mùi) là vấn đề răng miệng rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Thông thường, khoang miệng có thể tiết ra mùi hôi khó chịu do vệ sinh răng miệng không đúng cách dẫn đến tích tụ nhiều thức ăn thừa và mảng bám ở bề mặt răng, kẽ răng, nướu và lưỡi. Các loại vi khuẩn thường trú trong khoang miệng sẽ tấn công, phân giải carbohydrate, protein thành các hợp chất có mùi hôi khó chịu (khí sulfur).
Ngoài ra, hôi miệng cũng có thể xảy ra ngay sau khi ngủ dậy ở hầu hết mọi người. Đây là tình trạng khá phổ biến và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hơi thở có mùi vào sáng sớm có thể gây ra một số phiền toái. Để có biện pháp khắc phục phù hợp, bạn có thể nhận biết sớm tình trạng này thông qua một số dấu hiệu như:
- Cảm nhận rõ khoang miệng có mùi hôi khó chịu
- Miệng khô
- Đôi khi có tình trạng ngứa rát, chua ở cổ họng (thường liên quan đến chứng trào ngược dạ dày thực quản)
- Cảm nhận thấy mảng bám tích tụ nhiều ở bề mặt răng
Nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng khi ngủ dậy
Hôi miệng khi ngủ dậy là tình trạng rất phổ biến và gặp ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên ngoài nguyên nhân thông thường, tình trạng này cũng có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề răng miệng. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng hôi miệng sau khi ngủ dậy:
1. Do khoang miệng giảm tiết nước bọt
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng hôi miệng sau khi thức dậy là do trong thời gian ngủ, khoang miệng hầu như không tiết nước bọt. Nước bọt được bài tiết khi giao tiếp và ăn nhai nhằm làm ẩm niêm mạc miệng, lưỡi, trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết, làm sạch mảng bám, cao răng tích tụ,… Khi khoang miệng không tiết nước bọt, lượng hại khuẩn sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến tình trạng giải phóng một lượng lớn khí sulfur gây ra mùi hôi trong hơi thở.
Ngoài ra, hiện tượng giảm tiết nước bọt cũng khiến cho mảng bám tích tụ nhiều ở bề mặt và kẽ răng. Đây là lý do mà răng tích tụ nhiều mảng bám sau khi ngủ dậy mặc dù đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi ngủ.
2. Thói quen vệ sinh răng miệng kém
Thói quen vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng sau khi ngủ dậy. Trước khi đi ngủ, cần phải vệ sinh răng miệng kỹ để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Nếu không vệ sinh đúng cách, thức ăn thừa và mảng bám dễ dàng tích tụ trong khoang miệng, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển gây ra mùi hôi rất khó chịu
Đối với những trường hợp vệ sinh răng miệng kém, mùi hôi trong khoang miệng thường khó chịu hơn so với những người vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, thói quen này còn gây ra tình trạng viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
3. Dấu hiệu của một số bệnh lý nha khoa
Ngoài những nguyên nhân trên, hôi miệng khi ngủ dậy cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm lợi, viêm tủy răng, viêm nha chu,… Các bệnh lý này đều xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào răng hoặc các cơ quan nâng đỡ răng gây viêm nhiễm, ứ mủ, dịch và tạo ra mùi hôi rất khó chịu.
Nếu mắc các bệnh lý nha khoa, miệng thường có mùi hôi dai dẳng và mức độ mùi hôi thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng sau khi thức dậy. Ngoài hơi thở có mùi, bạn cũng có thể nhận thấy một số triệu chứng đi kèm khác như răng đau nhức, chảy máu mô nướu, răng lung lay, ê buốt khi ăn uống,…
4. Ảnh hưởng của chứng trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến bên cạnh viêm loét dạ dày. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng trớ thức ăn, ợ hơi, ợ chua và nóng rát thượng vị. Khi nằm, dịch vị dễ dàng trào ngược lên thực quản và khoang miệng nên sau khi thức dậy, vùng cổ họng có thể bị đau rát, đắng, chua miệng kèm theo mùi hôi rất khó chịu.
5. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, hôi miệng sau khi ngủ dậy còn có liên quan đến một số vấn đề sau:
- Hút thuốc lá
- Dùng thức ăn có mùi nồng vào tối hôm trước (hành, tỏi, các loại mắm, nước sốt có mùi đậm,…), uống rượu bia, cà phê và trà đặc.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc (một số loại thuốc có thể khiến hơi thở có mùi và khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt)
- Ảnh hưởng của các bệnh viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm VA,…
- Thói quen thở bằng miệng khi ngủ
Ngoài ra, hôi miệng khi ngủ dậy còn có thể xảy ra do đang niềng răng hoặc sử dụng các loại răng giả. Những khí cụ này chính là vị trí để mảng bám tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây ra mùi hôi khó chịu.
Các biện pháp chữa chứng hôi miệng sau khi ngủ dậy
Hôi miệng sau khi ngủ dậy có thể gây ra một số phiền toái trong sinh hoạt và giao tiếp. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Ngay sau khi thức dậy, bạn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ để loại bỏ mảng bám và cuốn sạch mùi hôi trong khoang miệng. Ngoài ra, cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách nhằm hạn chế các bệnh lý nha khoa và hô hấp.
Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng hôi miệng khi ngủ dậy:
- Dùng bàn chải có lông mềm, mảnh để làm sạch mảng bám tích tụ bên trong kẽ và mặt nhai của răng. Khi đánh răng, nên chải răng nhẹ nhàng và đưa bàn chải vào những vị trí khuất để đảm bảo khoang miệng được làm sạch hoàn toàn. Ngày chải răng 2 – 3 lần để đảm bảo khoang miệng luôn được sạch sẽ.
- Sử dụng nước súc miệng chứa các thành phần diệt khuẩn, khử mùi như tinh dầu bạc hà, chiết xuất trà xanh, hoa cúc, hoạt chất Chlorhexidine, Hexetidine,… Nên súc miệng ngay sau khi chải răng, mỗi lần súc trong vòng 30 giây để tiêu diệt hết các hại khuẩn trong khoang miệng.
- Dùng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn ở các kẽ răng, đặc biệt là kẽ răng cửa và kẽ răng cối. Đây là những vị trí dễ tích tụ thức ăn thừa, mảng bám gây ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
- Nếu đang niềng răng, nên sử dụng thêm bàn chải kẽ để làm sạch mảng bám và thức ăn ở các kẽ. Đồng thời chú ý thay bàn chải kẽ 2 tháng/ lần để đảm bảo hiệu quả làm sạch.
- Nên dùng thêm bàn chải lưỡi để loại bỏ thức ăn thừa tích tụ. Bởi lưỡi chính là vị trí ẩn náu của nhiều vi khuẩn nhưng rất ít người có thói quen làm sạch vị trí này. Do đó, cần vệ sinh lưỡi 2 lần/ tuần để giảm mùi hôi trong khoang miệng sau khi ngủ dậy.
2. Nhai kẹo cao su không đường
Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng hôi miệng sau khi thức dậy bằng cách nhai kẹo cao su không đường. Khi nhai kẹo, khoang miệng sẽ tăng tiết nước bọt, từ đó giúp làm sạch mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại do thói quen vệ sinh kém.
Hầu hết các loại kẹo cao su đều được bổ sung thêm tinh chất bạc hà có tác dụng khử mùi và mang lại hơi thở the mát. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhai kẹo cao su không đường sau các bữa ăn để làm sạch thức ăn thừa và kích thích hoạt động bài tiết nước bọt của khoang miệng.
3. Điều trị các bệnh lý nha khoa
Hôi miệng khi ngủ dậy là tình trạng khá phổ biến và chủ yếu xảy ra do hiện tượng giảm tiết nước bọt trong khi ngủ. Tuy nhiên nếu nhận thấy răng, nướu có những biểu hiện bất thường như chảy máu chân răng, nướu sưng đỏ, kích ứng, răng ê buốt, nhạy cảm,… bạn nên đến phòng khám nha khoa để được kiểm tra.
Khi mắc các bệnh lý răng miệng, mùi hôi thường dai dẳng chứ không chỉ xảy ra vào sáng sớm. Do đó, tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sinh hoạt và giao tiếp. Sau khi điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa, tình trạng hơi thở có mùi sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
4. Kiểm soát các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa
Ngoài các bệnh nha khoa, hôi miệng sau khi ngủ dậy cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của chứng trào ngược dạ dày thực quản và một số bệnh lý hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,… Do đó, bạn cũng cần phải kiểm soát các chứng bệnh này để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi.
Mặc dù vậy, nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng hôi miệng khi ngủ dậy là giảm tiết nước bọt trong khoang miệng. Vì vậy, bạn vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng để giảm hiện tượng sinh khí sulfur của vi khuẩn.
5. Thay đổi các thói quen xấu
Hơi thở có mùi khi ngủ dậy thường có liên quan đến một số thói quen xấu. Vì vậy ngoài thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng, bạn nên thay đổi một số thói quen như:
- Không dùng các loại thực phẩm, đồ uống có mùi nồng vào buổi tối (đặc biệt là 2 giờ trước khi đi ngủ) như rượu bia, hành, tỏi, hành tây, các loại mắm, thức ăn chứa nhiều gia vị, trà đặc, cà phê, rượu sâm panh,…
- Đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh tình trạng khô miệng – nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp.
- Khi ngủ, nên thở bằng mũi và tránh tình trạng thở bằng miệng. Đây cũng là một trong những thói quen gây ra tình trạng khô miệng và hơi thở có mùi sau khi ngủ dậy.
- Vệ sinh răng miệng 2 – 3 lần/ ngày và cần thực hiện trước khi đi ngủ để ngăn tình trạng vi khuẩn sinh sôi, phát triển vào ban đêm.
- Không hút thuốc lá và chú ý uống nhiều nước nếu đang sử dụng một số loại thuốc có thể gây khô miệng.
Bị hôi miệng khi ngủ dậy là tình trạng phổ biến ở tất cả mọi người. Mặc dù khó có thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng một số biện pháp đơn giản. Nếu nghi ngờ hôi miệng xảy ra do các bệnh lý nha khoa, hô hấp và tiêu hóa, nên thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Hôi miệng chảy máu chân răng: Nguyên nhân và cách chữa trị
Hôi Miệng: 10+ Nguyên Nhân Phổ Biến Và Cách Trị Hiệu Quả
2 Loại Thuốc Trị Hôi Miệng Của Mỹ Tốt, Được Đánh Giá Cao
Bị hôi miệng sau sinh và cách xử lý hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!