Diệt tủy răng là phương pháp loại bỏ mô tủy bị viêm nhiễm để bảo tồn răng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các cơ quan lân cận. Tuy nhiên, rất nhiều người lo ngại “Liệu diệt tủy răng có hại hay ảnh hưởng gì không?”. Bạn đọc có thể tham khảo thông tin trong bài viết để được giải đáp cụ thể về vấn đề này.
Diệt tủy răng có hại không? Ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Diệt tủy răng là phương pháp loại bỏ mô tủy bị viêm nhiễm để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan rộng, đồng thời bảo tồn răng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt thuốc hoặc sử dụng kỹ thuật nội nha (gây tê, loại bỏ tủy và trám bít bằng vật liệu nhân tạo). Hiện nay, các loại thuốc diệt tủy ít được sử dụng do nguy cơ cao hơn lợi ích mang lại nên giải pháp tối ưu trong tất cả các trường hợp là chữa tủy răng bằng điều trị nội nha.
Tủy răng là một trong ba cơ quan cấu thành răng, bên cạnh ngà răng và men răng. Tủy bao gồm nhiều mạch máu và tế bào thần kinh với chức năng chính là dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng. Sức khỏe của răng bị chi phối nhiều bởi cơ quan này. Do đó, nhiều người lo ngại về việc diệt tủy răng có gây hại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hay không.
Thực tế, loại bỏ tủy răng đi kèm với nhiều hệ lụy. Tuy nhiên trong trường hợp viêm tủy răng không có khả năng hồi phục, diệt tủy răng là giải pháp tối ưu. Phương pháp này giúp làm sạch hoàn toàn mô tủy bị viêm nhiễm nặng. Qua đó ngăn chặn vi khuẩn phát triển và lây lan sang các cơ quan kế cận. Ngoài ra, lấy tủy kịp thời còn giúp bảo tồn răng, ngăn không cho vi khuẩn tấn công phá hủy ngà răng và chân răng.
Tuy nhiên như đã đề cập, diệt tủy răng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như:
1. Diệt tủy răng có thể gây đau nhức răng nhẹ
Sau khi diệt tủy răng, răng có thể bị đau nhức kèm ê buốt nhẹ. Đây là phản ứng tạm thời sau khi tủy răng bị loại bỏ. Tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên, cảm giác đau nhức và ê buốt có thể gây khó chịu với một số người. Để cải thiện, bạn nên dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Sót tủy do diệt tủy răng ở những cơ sở kém chất lượng
Diệt tủy răng là kỹ thuật nha khoa phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn giỏi cùng với sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại. Nếu thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng, tủy răng có thể không được làm sạch hoàn toàn và sót lại bên trong khoang tủy.
Sót tủy khiến vi khuẩn tiếp tục phát triển dẫn đến sưng mô nướu bao xung quanh răng, răng ê buốt và đau nhức nhiều. Nếu gặp phải tình trạng chữa tủy răng xong vẫn bị đau nhức, bạn nên đến bệnh viện uy tín để được xử trí kịp thời. Trong trường hợp để kéo dài, vi khuẩn trong khoang tủy có thể gây tổn thương răng nặng dẫn đến hình thành áp xe và tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
3. Diệt tủy răng có thể gây dị ứng, kích ứng
Diệt tủy răng bao gồm gây tê, làm sạch tủy và trám bít bằng vật liệu nhân tạo (thường là nhựa gutte percha hoặc xi măng sinh học). Ở một số người có cơ địa nhạy cảm, cơ thể có thể bị dị ứng, kích ứng với những nguyên liệu này. Nguy cơ dị ứng có thể tăng lên nếu nha khoa sử dụng các vật liệu kém chất lượng, chưa được kiểm chứng về độ an toàn đối với sức khỏe.
Với những trường hợp dị ứng, kích ứng với vật liệu trám bít ống tủy, bác sĩ buộc phải loại bỏ miếng trám và thay thế bằng vật liệu khác. Để tránh các tình huống rủi ro, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu dị ứng như mô nướu sưng, ngứa, răng đau nhức và ê buốt.
4. Lấy tủy khiến răng giảm tuổi thọ
Tủy răng có vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho ngà răng. Khi loại bỏ tủy răng, răng không được nuôi dưỡng nên sẽ có tuổi thọ ngắn hơn bình thường. Theo ước tính, răng sau khi diệt tủy có thể tồn tại từ 10 – 15 năm và chức năng của răng cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Cụ thể, không có tủy nuôi dưỡng khiến men răng đổi màu, men có màu xám hoặc đen gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình. Ngoài ra, thiếu tủy nuôi dưỡng còn khiến răng giòn, lung lay, gặp khó khăn khi ăn uống.
Có thể thấy, loại bỏ tủy răng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên nếu không chữa tủy răng kịp thời, vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm lan rộng và thậm chí có thể gây nhiễm trùng ở những cơ quan xa như khớp, tim, não,… Hơn nữa, đa phần những trường hợp được chỉ định diệt tủy răng đều có tủy răng bị hư hại nặng hoặc đã hoại tử. Lúc này, tủy răng cũng đã mất hoàn toàn chức năng vốn có.
Các biện pháp bảo vệ răng sau khi diệt tủy
Sau khi diệt tủy, răng dễ suy yếu và tổn thương do không còn được nuôi dưỡng liên tục. Vì vậy, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ răng sau đây:
1. Bọc mão sứ
Bọc mão sứ là phương pháp phục hình được khuyến khích thực hiện sau khi chữa tủy răng. Phương pháp này sử dụng vật liệu có màu sắc như răng thật, sau đó chế tác thành mão sứ phù hợp với răng hàm của từng người. Để lắp mão sứ vào, bác sĩ sẽ mài bớt răng thật.
Bọc mão răng sứ giúp cải thiện tình trạng men răng sậm màu do chữa tủy. Ngoài ra, mão sứ còn có vai trò bảo vệ răng thật khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và phòng ngừa tình trạng răng lung lay, sứt mẻ do thiếu tủy nuôi dưỡng.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Ngay cả khi đã bọc răng sứ, bạn vẫn cần vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi diệt tủy răng. Giữ gìn vệ sinh răng miệng giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và kéo dài tuổi thọ của răng đáng kể.
Cách vệ sinh răng miệng sau khi diệt tủy răng:
- Chải răng nhẹ nhàng, đúng cách từ 2 – 3 lần/ ngày. Thời gian đánh răng phải kéo dài từ 2 – 3 phút. Nên lựa chọn bàn chải có lông mảnh để làm sạch răng kỹ lưỡng và thay bàn chải định kỳ 3 tháng/ lần.
- Sau khi chải răng, cần súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển quá mức. Nếu bọc mão răng sứ, nên sử dụng nước súc miệng chứa chiết xuất bạc hà, trà xanh để giảm hôi miệng.
- Nhai kẹo cao su không đường và dùng chỉ nha khoa sau các bữa ăn để ngăn ngừa hình thành mảng bám ở kẽ răng, mặt nhai. Ngoài ra, nên chú ý uống nhiều nước để kích thích sản xuất nước bọt. Bên cạnh tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nước bọt còn có giúp làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa hình thành mảng bám và kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn.
- Hạn chế dùng thức uống và các món ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, socola, nước ngọt có gas,… Sử dụng quá nhiều đường có thể gây sâu răng và ăn mòn men răng. Tình trạng này kéo dài khiến răng sau khi chữa tủy dễ suy yếu và lung lay dần theo thời gian.
- Tránh hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và các loại thức uống có màu đậm. Các thói quen này có thể khiến men răng bị mài mòn và ố màu dần theo thời gian.
3. Bổ sung khoáng chất
Tủy răng là cơ quan nuôi dưỡng ngà răng và men răng. Khi cơ quan này bị loại bỏ, các cơ quan cấu thành răng bị suy yếu dần theo thời gian. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bổ sung khoáng chất để tăng cường men răng – lớp ngoài cùng của răng. Khi men răng được cải thiện, chức năng đề kháng của răng sẽ được nâng cao đáng kể.
Bạn có thể bổ sung khoáng chất cho răng thông qua một số biện pháp đơn giản như:
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng như nước súc miệng, kem đánh răng,… chứa fluor. Fluor là khoáng chất cần thiết cho quá trình tái khoáng của men răng. Bổ sung thành phần này thường xuyên giúp men răng được tái tạo và tăng khả năng bảo vệ của răng trước các tác nhân có hại.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung fluor bằng cách dùng nước uống và muối ăn chứa thành phần này.
- Tăng cường độ chắc khỏe của răng bằng cách bổ sung một số loại thực phẩm giàu khoáng chất như cá, tôm, cua, nghêu, sò,… Canxi, magie, phosphor trong nhóm thực phẩm này rất tốt cho quá trình tái tạo men răng.
Hy vọng qua những thông tin giải đáp “Diệt tủy răng có hại hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?” trong bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về những tác động sau khi loại bỏ tủy răng. Từ đó, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ để duy trì sức khỏe răng miệng và kéo dài tuổi thọ của răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhóm Thuốc Điều Trị Viêm Tủy Răng Và Lưu Ý Khi Dùng
Diệt Tủy Răng Là Gì? Vì Sao Phải Diệt Tủy Răng Khi Bị Viêm?
Viêm tủy răng khi mang thai và cách điều trị an toàn
Có Nên Lấy Tủy Răng Ở Trẻ Em Không? Khi Nào Nên Lấy?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!