Đặt thuốc diệt tủy răng khi mang thai có thể được cân nhắc trong trường hợp dị ứng thuốc tê, mắc các bệnh lý đặc biệt,… Dù không có chống chỉ định tuyệt đối với bà bầu nhưng phương pháp này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ khi áp dụng.
Bà bầu có nên đặt thuốc diệt tủy răng? Ảnh hưởng đến thai nhi không?
Thuốc diệt tủy răng là các loại thuốc được bào chế ở dạng bột nhão được đặt vào khoang tủy để làm chết tủy. Biện pháp này được thực hiện trong trường hợp viêm tủy răng cấp, mãn tính. Mục đích của việc dùng thuốc là gây chết tủy nhằm giảm đau nhức và ê buốt.
Đối với những trường hợp viêm tủy răng hoại tử (tủy đã chết) thường không được chỉ định phương pháp này. Hiện nay, diệt tủy bằng cách đặt thuốc ít được chỉ định do mất nhiều thời gian (khoảng 3 – 5 ngày). Tuy nhiên, thuốc diệt tủy răng có thể được cân nhắc trong trường hợp dị ứng thuốc gây tê và đang mắc các bệnh toàn thân chưa thể lấy tủy răng ngay.
Sau khoảng 3 – 5 ngày, tủy răng sẽ chết hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ phần mô tủy bị viêm nhiễm để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan rộng. Sau đó sẽ trám bít khoang tủy bằng vật liệu nhân tạo để ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào và gây tổn thương ngà răng, chân răng.
Mặc dù có hiệu quả làm chết tủy, đồng thời giúp giảm nhanh cơn đau và cảm giác khó chịu nhưng nhiều người lo ngại “Có nên đặt thuốc diệt tủy răng khi mang thai? Ảnh hưởng đến thai nhi không?”. Được biết, thuốc diệt tủy răng được đắp vào khoang tủy và trám bít tạm bằng vật liệu nhân tạo. Do đó, thuốc chỉ cho tác dụng tại chỗ, hoàn toàn không hấp thu vào máu và gây ra tác dụng toàn thân.
Thuốc diệt tủy răng không có chống chỉ định tuyệt đối cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định phương pháp phù hợp. Với những trường hợp không dị ứng thuốc tê và không có các bệnh lý đi kèm, bác sĩ sẽ tiến hành lấy tủy răng bằng thuốc tê thay vì sử dụng thuốc diệt tủy.
Tác dụng phụ của thuốc diệt tủy răng với bà bầu
Dù không có chống chỉ định tuyệt đối với bà bầu nhưng thuốc diệt tủy răng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
1. Ê buốt, đau nhức
Khi sử dụng thuốc diệt tủy, tủy răng mất khoảng 24 – 48 giờ mới hoại tử hoàn toàn. Vì vậy trong khoảng thời gian này, bà bầu có thể gặp phải tình trạng ê buốt và đau nhức. Trong thời gian mang thai, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn so với bình thường. Do đó, mức độ đau có thể tăng lên gây khó chịu, mệt mỏi và mất ngủ.
Cảm giác ê buốt, đau nhức khi dùng thuốc diệt tủy răng là phản ứng bình thường. Mẹ bầu không nên quá lo lắng khi gặp phải triệu chứng này. Nếu cơn đau gây khó chịu nhiều, có thể giảm đau bằng cách ngậm nước muối ấm và chườm lạnh.
2. Dị ứng, kích ứng
Thuốc diệt tủy răng cũng có thể gây kích ứng, dị ứng khi sử dụng. Với phụ nữ mang thai, cơ địa sẽ nhạy cảm hơn do sự thay đổi đột ngột của hormone và một số cơ quan. Do đó, mẹ bầu có thể mẫn cảm với thành phần có trong các loại thuốc diệt tủy răng.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu dị ứng như sưng nướu, chảy máu, ngứa, đau nhức, ê buốt, phù nề khoang miệng, khó thở, nổi phát ban và mề đay, bà bầu nên thông báo với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng khắc phục.
Cách chăm sóc khi đặt thuốc diệt tủy răng cho bà bầu
Khi đặt thuốc diệt tủy răng, cần khoảng 24 – 48 giờ đồng hồ để làm chết tủy hoàn toàn. Sau đó 3 – 5 ngày, bà bầu cần quay trở lại phòng khám để được lấy tủy. Các loại thuốc diệt tủy đa phần đều có độc tính. Vì vậy khi đặt thuốc, mẹ bầu còn có biện pháp chăm sóc hợp lý để phòng ngừa các rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Cách chăm sóc trong thời gian đặt thuốc diệt tủy răng:
- Sau khi đặt thuốc, cần hạn chế nhai lên răng vừa được điều trị. Ngoài ra, nên dùng các món ăn mềm, dễ nhai để làm giảm áp lực lên răng hàm. Dùng các món ăn cứng, khô và khó nhai có thể gây ê buốt, đau nhức răng.
- Tránh chải răng quá mạnh lên răng vừa được đặt thuốc. Tác động mạnh có thể khiến miếng trám bị bong dẫn đến tình trạng nuốt phải thuốc diệt tủy răng. Độc tính từ thuốc sẽ nhanh chóng thẩm thấu gây nhiễm độc cho cả mẹ và bé.
- Chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách trong thời gian đặt thuốc để giảm mức độ đau nhức và ngăn ngừa viêm tủy răng tiến triển nặng.
- Nếu thuốc diệt tủy răng gây đau nhức và ê buốt nhiều, bà bầu có thể ngậm nước muối ấm, súc miệng với lá bạc hà, đinh hương, lá trầu không,.. để kháng khuẩn, giảm viêm và đau nhức.
- Trong thời gian đặt thuốc diệt tủy, cần chú ý các biểu hiện bất thường và thông báo ngay với bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu khác lạ.
- Quay trở lại phòng khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được lấy tủy răng. Thuốc diệt tủy chỉ có tác dụng làm chết tủy, không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có trong khoang tủy. Vì vậy nếu không loại bỏ, vi khuẩn có thể lây lan sang những cơ quan kế cận, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Có nên đặt thuốc diệt tủy khi mang thai? Có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?”. Thực tế, mỗi phương pháp điều trị đều tiềm ẩn các rủi ro và tác dụng ngoại ý. Để đảm bảo an toàn, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Tủy Răng Uống Thuốc Gì Giảm Đau Nhanh, Chóng Khỏi?
Lấy Tủy Răng Mấy Lần Hẹn Mới Xong? Thời Gian Bao Lâu?
Lấy tủy răng có đau không? Khi nào nên diệt tủy răng?
Viêm Tủy Răng Nặng: Dấu Hiệu và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!