Răng sữa bị chết tủy là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Khác với răng vĩnh viễn, răng sữa có kết cầu mềm, men răng mỏng nên dễ bị tổn thương. Tình trạng chết tủy không được điều trị có thể ảnh hưởng đến chức năng nhai và tác động không nhỏ đến quá trình thay răng.
Răng sữa bị chết tủy và dấu hiệu nhận biết
Răng sữa là răng tạm thời mọc trong giai đoạn từ tháng thứ 4 sau khi sinh đến năm 3 – 4 tuổi. Răng sữa có khoảng 20 chiếc với chức năng chính là giúp trẻ ăn, nhai và giao tiếp. Đến năm 6 – 7 tuổi, trẻ bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn.
So với răng vĩnh viễn, răng sữa có kết cấu mềm, men răng mỏng nên dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này chưa biết cách vệ sinh răng miệng và thường xuyên sử dụng bánh kẹo, nước ngọt khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh gây ra nhiều vấn đề nha khoa. Trong đó, chết tủy là tình trạng thường gặp ở hệ răng sữa.
Chết tủy là tình trạng tủy răng bị hoại tử và mất hoàn toàn các chức năng vốn có (nuôi dưỡng ngà răng, dẫn truyền cảm giác từ răng đến não bộ). Chết tủy thường là hệ quả do viêm tủy răng không được điều trị sớm hoặc do chấn thương mạnh khiến mô tủy bị phá hủy hoàn toàn.
Các dấu hiệu nhận biết răng sữa bị chết tủy:
- Tủy răng bị hoại tử hoàn toàn nên răng không có cảm giác đau nhức hay ê buốt. Ngay cả khi dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, răng sữa bị chết tủy đều không có cảm giác.
- Mặc dù không có triệu chứng cơ năng nhưng răng sữa bị chết tủy thường có màu sẫm hơn so với các răng lân cận do mất nguồn nuôi dưỡng.
- Trẻ có thể bị hôi miệng do vi khuẩn phát triển mạnh và tiết mủ trong khoang tủy.
- Răng lung lay, suy yếu gây khó khăn khi ăn uống
Các dấu hiệu chết tủy ở răng sữa thường khó nhận biết. Nhiều phụ huynh nhầm lẫn các triệu chứng này với sâu răng và dấu hiệu răng sữa sắp rụng để chuẩn bị mọc răng vĩnh viễn. Răng chết tủy không được xử lý sớm có thể gây viêm nhiễm tủy ở răng vĩnh viễn mọc ở vị trí này.
Răng sữa bị chết tủy có mọc lại được không?
Răng sữa bị chết tủy có mọc lại được không là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Được biết, răng sữa bị chết tủy vẫn có thể mọc răng vĩnh viễn như bình thường. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng khi con trẻ gặp phải tình trạng này.
Mặc dù có thể mọc lại nhưng nếu không xử lý triệt để, răng vĩnh viễn mọc ở vị trí này có thể bị viêm tủy răng và mắc các vấn đề nha khoa khác. Ngoài ra, răng sữa bị chết tủy không được điều trị sớm còn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan sang các cơ quan lân cận dẫn đến nhiều biến chứng như viêm niêm mạc má, viêm lợi, áp xe chân răng,…
Cách xử lý răng sữa bị chết tủy
Để phòng ngừa các biến chứng do răng sữa bị chết tủy gây ra, phụ huynh nên cho trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Đối với trường hợp tủy răng đã chết hoàn toàn, bác sĩ sẽ xem xét mức độ tổn thương răng để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị được áp dụng trong điều trị răng sữa bị chết tủy:
1. Lấy tủy răng (điều trị nội nha)
Chết tủy là tình trạng tủy răng đã bị hư hại nghiêm trọng. Do đó, phương pháp điều trị được áp dụng trong trường hợp này là điều trị nội nha (lấy tủy răng). Phương pháp này được thực hiện với mục đích loại bỏ phần tủy răng bị viêm nhiễm, sau đó sát khuẩn buồng tủy và trám bít bằng vật liệu nhân tạo. Lấy tủy răng kịp thời có thể tránh nguy cơ phải nhổ bỏ răng, giảm hôi miệng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan rộng.
Lấy tủy răng đối với trường hợp răng sữa bị chết tủy diễn ra theo trình tự sau:
- Bước 1: Trẻ sẽ được bác sĩ khám và chụp X-Quang để đưa ra chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ tổn thương của răng và phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự. Lấy tủy chỉ được thực hiện trong trường hợp răng sữa bị chết tủy nhưng cấu trúc chưa hư hại nhiều.
- Bước 2: Sau khi đánh giá mức độ tổn thương của khoang tủy, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng để chuẩn bị cho quá trình điều trị nội nha. Với trường hợp chết tủy, răng sẽ không có cảm giác đau và khó chịu khi lấy tủy nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc gây tê.
- Bước 3: Đặt đê cao su – dụng cụ bằng nhựa được dùng để bao quanh thân răng nhằm cách ly răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Ngoài ra, dụng cụ này còn giúp giảm cảm giác khó chịu cho trẻ trong quá trình lấy tủy răng.
- Bước 4: Dùng dụng cụ bộc lộ khoang tủy, sau đó sử dụng trâm tay hoặc trâm máy làm sạch tủy răng. Kế tiếp, bác sĩ sẽ sát khuẩn buồng tủy và dùng vật liệu gutta percha để trám bít. Đối với răng có nhiều ống tủy, quá trình lấy tủy có thể kéo dài từ 2 – 3 lần hẹn.
- Bước 5: Cuối cùng, bác sĩ sẽ hàn trám lỗ sâu trên răng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Răng sữa sau khi chữa tủy vẫn có thể ăn, nhai và giao tiếp như bình thường. Hơn nữa, loại bỏ tủy răng triệt để còn giúp phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm ở các răng lân cận và răng vĩnh viễn mọc ở vị trí này.
2. Nhổ răng
Trong trường hợp răng chết tủy bị lung lay, cấu trúc răng hư hại nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng để tránh các biến chứng lên răng ở những vị trí lân cận. Nhổ bỏ răng không phải là lựa chọn ưu tiên vì tình trạng này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến xương ổ răng và tác động tiêu cực đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Do đó, bác sĩ sẽ xem xét cẩn trọng trước khi đưa ra chỉ định.
Phòng ngừa tình trạng răng sữa bị chết tủy
Răng sữa bị chết tủy có thể tái phát tại răng ở những vị trí khác nếu không biết cách chăm sóc. Trẻ nhỏ chưa có ý thức về việc phải chăm sóc răng miệng và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Chính vì vậy, phụ huynh nên bảo vệ sức khỏe răng miệng cho con trẻ bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Hướng dẫn trẻ cách chải răng để trẻ có thể chủ động làm sạch răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Lựa chọn loại bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mảnh và mềm để tăng hiệu quả làm sạch. Phụ huynh cũng có thể tăng sự thích thú khi chải răng cho bé bằng cách thay đổi bàn chải thường xuyên và sử dụng các loại kem đánh răng có hương thơm trái cây.
- Cho trẻ sử dụng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa. Để tránh các tình huống rủi ro, phụ huynh nên giám sát trẻ trong thời gian sử dụng các sản phẩm này.
- Không cho trẻ sử dụng quá nhiều món ăn, đồ uống chứa đường như nước ngọt có gas, socola, bánh bông lan, kẹo ngọt,… Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước để ngăn ngừa hình thành mảng bám và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa.
- Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng như sữa, sữa chua, các loại trái cây, rau xanh, tôm, cua, cá, thịt,…
- Cho trẻ khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh nha khoa tiềm ẩn. Phụ huynh cũng nên chú ý các biểu hiện bất thường của con trẻ để nhận biết sớm một số vấn đề răng miệng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Răng sữa bị chết tủy có mọc lại không?”, cách xử lý và phòng ngừa tình trạng này hiệu quả. Nếu nhận thấy trẻ nhỏ có những dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được kiểm tra và can thiệp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Tủy Răng Nặng: Dấu Hiệu và Cách Xử Lý
Chữa tủy răng xong vẫn đau nhức và cách khắc phục hiệu quả
Diệt tủy răng có hại hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Kiêng Cữ Và Chăm Sóc Sau Khi Lấy Tủy Răng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!