Viêm tủy răng mãn tính là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm dai dẳng và kéo dài. Khác với giai đoạn cấp, bệnh ở giai đoạn mãn tính thường có triệu chứng mờ nhạt và khó nhận biết. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể phá hủy khoang tủy, chân răng dẫn đến nguy cơ phải nhổ bỏ răng.
Viêm tủy răng mãn tính là gì?
Viêm tủy răng mãn tính là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm kéo dài. Đa phần các trường hợp này đều dẫn đến hoại tử tủy (chết tủy), tủy hoàn toàn không có khả năng hồi phục như giai đoạn cấp. Viêm tủy răng mãn tính thường tiến triển từ viêm tủy răng cấp không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thực tế, viêm tủy răng mãn tính không gây ra triệu chứng điển hình và rất khó nhận biết. Lúc này, tủy bị viêm nhiễm nặng nên giảm khả năng thụ cảm tín hiệu đau và ê buốt. Chính vì vậy, mức độ cơn đau và các triệu chứng đi kèm thường có mức độ nhẹ hơn giai đoạn cấp, bán cấp. Điều này khiến cho người bệnh có tâm thế chủ quan, không tiến hành điều trị sớm khiến răng bị tổn thương, hư hại và thậm chí là gãy rụng.
Các triệu chứng nhận biết viêm tủy răng mãn tính
Viêm tủy răng khởi phát qua 3 giai đoạn là cấp tính, bán cấp và mãn tính. Trong đó ở giai đoạn mãn tính, bệnh có triệu chứng mờ nhạt và khó nhận biết nhất.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm tủy răng mãn tính:
- Khi tủy bị viêm mãn tính, răng thường chỉ bị đau nhức nhẹ khi ăn uống hoặc thậm chí không có cảm giác đau
- Quan sát răng nhận thấy men răng ngả màu, màu sắc của men răng tối hơn so với các răng lân cận
- Trong trường hợp viêm tủy răng phát triển từ lỗ sâu, có thể nhận thấy khối u mềm (biểu hiện của viêm tủy triển dưỡng hay còn gọi là polyp tủy)
- Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tủy răng mãn tính sẽ gây hoại tử tủy (chết tủy). Khi tủy bị hoại tử hoàn toàn, răng không còn cảm giác, ê buốt hay khó chịu
- Viêm tủy răng mãn tính có thể gây hôi miệng dù đã vệ sinh răng miệng đều đặn 3 lần/ ngày
Thực tế, các triệu chứng của bệnh viêm tủy răng mãn tính rất khó nhận biết. Do đó, đa phần các trường hợp đều phát hiện bệnh muộn khi tủy răng đã bị hoại tử hoàn toàn.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng mãn tính
Viêm tủy răng mãn tính phát triển từ viêm tủy răng cấp không được điều trị. Tuy nhiên, tác nhân chính gây ra bệnh lý này là các loại vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Răng là tổ chức khép kín nên vi khuẩn rất hiếm khi có thể xâm nhập vào bên trong khoảng tủy, trừ khi có những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi sau:
- Sâu răng tiến triển: Sâu răng tiến triển được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm tủy răng cấp và mãn tính. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn phát triển gây hư hại men răng và ngà răng. Nếu không được kiểm soát, vi khuẩn có thể xâm nhập vào khoáng tủy gây viêm tủy răng cấp, bán cấp và mãn tính.
- Viêm nha chu: Ngoài sâu răng, viêm tủy răng cũng có thể là biến chứng của bệnh viêm nha chu. Viêm nha chu là bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng, đặc trưng bởi hiện tượng viêm nhiễm tổ chức nha chu (bao gồm nướu, xương ổ răng, dây chằng nha chu,…). Vi khuẩn có thể phát triển từ các cơ quan này, sau đó xâm nhập vào tủy răng thông qua chóp răng (chân răng).
- Chấn thương: Chấn thương mạnh vào răng hàm cũng có thể viêm tủy răng mãn tính. Đa phần các trường hợp này đều hoại tử tủy ngay sau khi va đập mạnh.
- Biến chứng của các kỹ thuật nha khoa: Viêm tủy răng nói chung và viêm tủy răng mãn tính có thể là biến chứng khi thực hiện các kỹ thuật nha khoa như bọc răng sứ thẩm mỹ, hàn trám răng, cấy ghép Implant,… Biến chứng thường xảy ra do thực hiện sai kỹ thuật, không vô trùng tuyệt đối các dụng cụ và thiết bị y tế.
Viêm tủy răng mãn tính có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp viêm tủy răng mãn tính đều không thể hồi phục. Tuy nhiên, thăm khám sớm có thể kiểm soát viêm nhiễm và bảo tồn răng. Ngược lại trong trường hợp chủ quan không thăm khám và điều trị, vi khuẩn có thể tiếp tục phát triển trong khoang tủy dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như:
- Áp xe quanh chóp răng: Áp xe quanh chóp răng là tình trạng chóp răng (chân răng) bị viêm nhiễm nặng và hình thành túi mủ (ổ áp xe). Đây là biến chứng thường gặp của bệnh viêm tủy răng cấp và mãn tính không được kiểm soát kịp thời.
- Nhiễm trùng lan rộng: Ở giai đoạn mãn tính, tủy răng bị hư hại nặng nên ít có cảm giác đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên trên thực tế, vi khuẩn vẫn tiếp tục phát triển trong khoang tủy và có thể lây lan sang những cơ quan kế cận. Viêm tủy răng mãn tính không được điều trị có thể dẫn đến viêm xương hàm, tăng nguy cơ viêm xoang hàm, viêm hạch,…
- Biến chứng xa: Vi khuẩn gây viêm tủy răng không chỉ lây lan sang những cơ quan kế cận mà còn có thể đi vào tuần hoàn máu và lây lan sang những cơ quan xa hơn như tim, khớp, não,… Mặc dù các biến chứng này ít khi xảy ra nhưng để bảo vệ sức khỏe, bạn không nên chủ quan khi mắc bệnh lý này.
Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, viêm tủy răng mãn tính còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Cảm giác đau nhức khi ăn uống có thể gây ra tình trạng chán ăn, ăn uống không ngon, mệt mỏi,… Ngoài ra, bệnh lý này còn gây hôi miệng dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp và sinh hoạt thường ngày.
Các phương pháp điều trị viêm tủy răng mãn tính
Đa phần các trường hợp viêm tủy răng mãn tính đều không thể hồi phục. Do đó, giải pháp tối ưu đối với bệnh lý này là chữa tủy kịp thời để bảo tồn răng. Tuy nhiên nếu răng tổn thương nặng, nhổ bỏ răng có thể được xem xét trong một số trường hợp.
Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng trong điều trị viêm tủy răng mãn tính:
1. Điều trị nội nha (chữa tủy)
Điều trị nội nha là phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh viêm tủy răng mãn tính. Phương pháp này được thực hiện nhằm lấy sạch phần tủy bị viêm nhiễm, sau đó sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít khoang tủy và lỗ sâu nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Chữa tủy có thể bảo tồn răng và giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm.
Quy trình chữa tủy trong điều trị bệnh viêm tủy răng mãn tính:
- Chụp X-Quang để đánh giá tình trạng răng
- Sử dụng thuốc gây tê để tránh cảm giác đau và khó chịu trong quá trình thực hiện.
- Đặt đê cao su để cách ly răng cần chữa tủy với vi khuẩn có trong nước bọt.
- Sử dụng mũi khoan để mở đường vào tủy răng, sau đó sử dụng trâm tay hoặc trâm máy để lấy sạch tủy răng và bơm rửa nhiều lần để khoang tủy được làm sạch hoàn toàn.
- Sau đó, dùng máy định vị chóp hoặc chụp phim để chắc chắn ống tủy đã được làm sạch hoàn toàn, tránh tình trạng sót tủy gây tái phát viêm nhiễm.
- Sát khuẩn ống tủy, làm khô và trám bít ống tủy bằng các vật liệu nhân tạo. Trong trường hợp có lỗ sâu lớn, bác sĩ sẽ tiến hành hàn trám lỗ sâu hoặc phục hình Inlay/ Onlay.
2. Sử dụng thuốc
Sau khi chữa tủy, răng có thể bị đau nhức nhẹ, mô nướu tấy và sưng. Để làm giảm các triệu chứng này, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại giảm đau như:
- Paracetamol
- Ibuprofen
- Diclofenac
Để ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng kháng sinh (Metronidazole, Amoxicillin, Erythromycin,…) trong 5 – 7 ngày.
3. Nhổ bỏ răng
Nhổ bỏ răng là lựa chọn cuối cùng được áp dụng trong trường hợp viêm tủy răng mãn tính. Phương pháp này được cân nhắc khi viêm nhiễm kéo dài gây tổn thương khoang tủy, chân răng, răng lỏng lẻo và lung lay. Nhổ răng có thể loại bỏ ổ viêm nhiễm triệt để nhưng làm mất hoàn toàn chức năng thẩm mỹ và sinh lý của răng. Chính vì vậy, sau khi nhổ răng, bạn cần phải thực hiện phục hình răng bằng Implant để tránh tiêu xương hàm và đảm bảo hoạt động ăn nhai, giao tiếp.
Tuy nhiên, nhổ răng là lựa chọn ưu tiên nếu viêm tủy răng mãn tính xảy ra ở răng khôn (răng số 8). Khác với răng ở những vị trí khác trên cung hàm, răng khôn hoàn toàn không giữ các chức năng quan trọng. Hơn nữa, răng nằm ở vị trí sâu bên trong cung hàm nên khó làm sạch và dễ bị sâu răng, viêm tủy răng, áp xe,… Do đó trong trường hợp này, nhổ bỏ răng có thể giải quyết triệt để viêm tủy răng và phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách phòng ngừa viêm tủy răng mãn tính
Viêm tủy răng mãn tính có thể tái phát tại một số răng khác trên cung hàm. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Sau khi chữa tủy, nên bọc răng sứ để bảo vệ răng thật, tránh tình trạng răng lung lay và suy yếu.
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nha khoa. Ngoài ra, cần chủ động lấy cao răng (vôi răng) 1 – 2 lần/ năm.
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Cần chải răng đúng kỹ thuật, lựa chọn bài chải có kích thước vừa phải, lông chải mềm, mảnh dễ đi sâu vào kẽ răng và rãnh nhai.
- Súc miệng với các dung dịch sát khuẩn 2 lần/ ngày sau khi chải răng và thường xuyên sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch mảng bám trong các kẽ.
- Hạn chế các thức uống và món ăn chứa nhiều đường. Trong đường có chứa phân tử carbohydrate – nguồn dinh dưỡng ưu thích của vi khuẩn. Thường xuyên dùng món ăn chứa quá nhiều đường có thể gây sâu răng và tăng nguy cơ tái phát viêm tủy răng.
- Uống nhiều nước để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Nước bọt có tác dụng tái khoáng men răng và trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết. Nếu bị chứng khô miệng, vi khuẩn có thể phát triển mạnh dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa.
- Tăng cường sức đề kháng của răng bằng cách bổ sung fluor qua chế độ ăn uống (nước, muối ăn, hải sản,…). Hoặc có thể dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa fluor như gel bôi, kem đánh răng, nước súc miệng,… để củng cố men răng và ngăn chặn sự xâm nhập của hại khuẩn.
Viêm tủy răng mãn tính là bệnh lý nha khoa khá phổ biến. Bệnh có triệu chứng mờ nhạt, khó phát hiện nên đa phần đều chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Để hạn chế nguy cơ phải nhổ bỏ răng, bạn nên chủ động đến nha khoa ngay khi nhận thấy răng có dấu hiệu đau nhức và khó chịu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Diệt tủy răng có hại hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Lấy tủy răng khi mang thai có được không? Cần lưu ý gì?
Thuốc diệt tủy răng là gì? Loại nào phổ biến hiện nay?
Răng Bị Chết Tủy Có Nên Nhổ Bỏ Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!