Thuốc diệt tủy răng được sử dụng để làm chết tủy trước khi loại bỏ tủy. Tuy nhiên, thuốc không mang lại hiệu quả nhanh như thuốc gây tê nên sẽ gây đau nhức, ê buốt trong một thời gian ngắn. Vậy, đặt thuốc diệt tủy răng bao lâu thì hết đau?
Đặt thuốc diệt tủy răng bao lâu hết đau?
Thuốc diệt tủy răng là các loại thuốc được đặt vào khoang tủy để làm chết tủy hoàn toàn. Thuốc được sử dụng trong trường hợp tủy răng chưa bị phá hủy, vẫn còn khả năng thụ cảm cơn đau và cảm giác ê buốt. Thông thường khi chữa tủy răng, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê để giảm đau nhức và khó chịu khi thực hiện. Tuy nhiên với những trường hợp dị ứng thuốc tê, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc diệt tủy răng.
Thuốc diệt tủy được bào chế ở dạng bột nhão và được đặt trực tiếp vào khoang tủy. Sau đó, trám bít tạm để ngăn không cho thuốc dây vào khoang miệng. Bởi đa phần các loại thuốc diệt tủy đều chứa độc tính và có thể gây ngộ độc nếu không thận trọng nuốt phát.
“Đặt thuốc diệt tủy răng bao lâu thì hết đau?” là thắc mắc của nhiều người bệnh. Khác với thuốc gây tê, thuốc diệt tủy răng cần khoảng 24 – 48 giờ mới có thể tiêu hủy hoàn toàn mô tủy. Do đó, cảm giác đau nhức và ê buốt sẽ kéo dài trong khoảng 1 – 3 ngày. Sau khi đặt thuốc khoảng 3 – 5 ngày, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để tiến hành loại bỏ phần tủy bị viêm nhiễm và hoại tử.
Đặt thuốc diệt tủy răng bị đau nhức có sao không?
Viêm tủy răng thường gây đau nhức, ê buốt trong cả giai đoạn cấp và mãn tính. Chỉ khi tủy bị hoại tử hoàn toàn, các triệu chứng này mới thuyên giảm. Vì vậy, trong 24 – 48 giờ chờ thuốc diệt tủy phát huy tác dụng, cảm giác đau nhức, ê buốt có thể kéo dài dai dẳng gây ra cảm giác khó chịu.
Ở một số trường hợp, mức độ cơn đau và ê buốt có thể tăng lên sau khi đặt thuốc diệt tủy. Bởi lúc này, thuốc chạm vào các mạch máu và dây thần kinh bên trong khoang tủy kích thích dẫn truyền cảm giác về não bộ. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường khi dùng thuốc nên bạn không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu cơn đau có mức độ nghiêm trọng, kéo dài gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu suất lao động và học tập, nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp giảm đau tại nhà và sử dụng thuốc.
Cách giảm đau nhức khi đặt thuốc diệt tủy răng
Sau khi đặt thuốc diệt tủy răng, cơn đau có thể kéo dài từ 2 – 3 ngày. Mặc dù có thể tự thuyên giảm sau khi tủy bị hoại tử hoàn toàn nhưng cảm giác ê buốt và đau nhức ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bạn có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu bằng một số biện pháp đơn giản như:
1. Sử dụng thuốc giảm đau
Trong trường hợp cơn đau có mức độ nặng, kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và cuộc sống, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc giảm đau phù hợp. Loại thuốc được sử dụng phổ biến là Paracetamol và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,…
Các loại thuốc này có thể giảm mức độ cơn đau trong thời gian chờ thuốc diệt tủy răng phát huy tác dụng. Thuốc có thể sử dụng mà không cần kê toa nhưng để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài ra, để phòng ngừa rủi ro và tác dụng phụ, chỉ nên dùng thuốc trong 1 – 2 ngày, tránh lạm dụng và phụ thuộc quá mức.
2. Áp dụng mẹo giảm đau tại nhà
Nếu cơn đau có mức độ nhẹ, bạn không nhất thiết phải sử dụng thuốc mà có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà. Các biện pháp tại nhà chủ yếu tận dụng những nguyên liệu sẵn có nên chi phí thấp và an toàn, không tác dụng phụ.
Một số mẹo giảm đau tại nhà giúp cải thiện cơn đau trong thời gian sử dụng thuốc diệt tủy răng:
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm là cách giảm đau đơn giản, an toàn, có hiệu quả với đau nhức răng do viêm tủy, sâu răng, mọc răng khôn, viêm nướu răng,… Nước muối có đặc tính sát trùng, tiêu viêm và làm dịu mô nướu xung quanh răng bị đau nhức. Hơn nữa, ngậm nước muối ấm còn cung cấp các khoáng chất tự nhiên giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục và tái tạo răng bị tổn thương.
- Súc miệng với đinh hương: Từ lâu, đinh hương đã được tận dụng để chữa sâu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu,… Với hoạt chất Eugenol, đinh hương có tác dụng giảm sưng đỏ mô nướu, cải thiện tình trạng răng ê buốt và đau nhức. Ngoài ra, tinh dầu từ đinh hương còn giúp khử mùi hôi miệng, mang lại hơi thở thơm mát và dễ chịu.
- Chườm túi lạnh: Chườm lạnh là biện pháp giảm đau nhức răng được áp dụng phổ biến. Biện pháp này tận dụng nhiệt độ lạnh để làm co mạch máu trong các mô nướu, qua đó giảm mức độ phù nề và sưng viêm. Ngoài ra, chườm lạnh còn ngăn chặn hiện tượng dẫn truyền thần kinh về não bộ và giảm thụ cảm cơn đau hiệu quả.
3. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Trong thời gian đặt thuốc diệt tủy, tủy răng chưa bị hoại tử hoàn toàn. Do đó, bạn nên chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách để giảm mức độ sưng viêm mô nướu, đồng thời cải thiện cơn đau và cảm giác ê buốt ở răng bị tổn thương. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh răng miệng còn hạn chế cơn đau bùng phát trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
Cách chăm sóc răng miệng khi đặt thuốc diệt tủy:
- Khi đặt thuốc diệt tủy, nên chải răng nhẹ nhàng để tránh làm bong và mẻ miếng trám. Các loại thuốc diệt tủy đều chứa độc tính nên bạn cần phải thật thận trọng trong quá trình làm sạch răng miệng.
- Súc miệng với các dung dịch sát trùng, kháng khuẩn để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng. Qua đó làm giảm mức độ viêm nhiễm ở tủy răng và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các cơ quan khác.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Thức ăn dính vào kẽ có thể kích thích phản ứng đau nhức và ê buốt tại răng vừa đặt thuốc. Do đó, bạn nên chú ý làm sạch mảng bám, thức ăn thừa trong các kẽ để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
- Dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ nhai nuốt và tránh nhai trực tiếp lên răng vừa mới đặt thuốc diệt tủy. Điều này có thể làm giảm áp lực lên răng và cải thiện tình trạng ê buốt, đau nhức đáng kể.
- Chú ý các biểu hiện bất thường trong thời gian đặt thuốc diệt tủy răng và thông báo với bác sĩ khi nhận thấy dấu hiệu khác lạ.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Đặt thuốc diệt tủy răng bao lâu hết đau?” và hướng dẫn một số biện pháp giúp kiểm soát cơn đau cùng với các triệu chứng khó chịu trong thời gian điều trị. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể dễ dàng xử lý khi gặp phải tình trạng đau nhức, ê buốt trong quá trình đặt thuốc. Nếu có các triệu chứng bất thường, nên chủ động thông báo với bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bị Viêm Tủy Răng Có Mủ Có Nguy Hiểm Không? Phải Làm Sao?
Sau khi lấy tủy răng có ăn được không? Nên ăn gì tốt nhất?
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Khi Nào Nên Lấy Tủy Răng Là Phù Hợp Nhất?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!