Tránh một số loại thực phẩm khi đang niềng răng có thể phòng ngừa các vấn đề nha khoa và giảm mức độ ê buốt, đau nhức sau mỗi lần tăng lực siết hàm. Ngoài ra, kiêng cữ các loại thực phẩm không phù hợp còn giúp quá trình chỉnh nha diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả tối ưu.
Danh sách 5 thực phẩm cần tránh khi niềng răng
Niềng răng – chỉnh nha là giải pháp tối ưu trong trường hợp khớp cắn ngược, khớp cắn hở, răng lệch lạc, chen chúc và cấu trúc răng không cân đối. Phương pháp này có khả năng nắn chỉnh răng về đúng vị trí bằng cách sử dụng các khí cụ chỉnh nha như mắc cài và khay niềng trong suốt.
Các khí cụ này tạo ra lực siết hàm để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn, từ đó giúp cấu trúc răng trở nên cân đối, hài hòa và hỗ trợ hoàn thiện chức năng ăn nhai của răng. Niềng răng hoàn toàn không xâm lấn vào cấu trúc xương hàm nên an toàn, ít tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là các khí cụ được gắn trực tiếp lên răng nên có thể gây ra cảm giác vướng víu và khó chịu trong quá trình ăn uống. Mắc cài, dây cung, hooks,… sẽ tạo ra các khoảng trống để thức ăn bám dính vào tạo thành mảng bám và cao răng. Theo thời gian, hại khuẩn phát triển quá mức trong vôi răng gây ra nhiều vấn đề nha khoa.
Ngoài vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng cần tránh một số loại thực phẩm khi niềng răng để phòng ngừa sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Đồng thời giúp làm giảm áp lực lên răng và hạn chế tình trạng tuột lỏng dây cung, bung súc mắc cài.
Dưới đây là một số loại thực phẩm cần tránh trong thời gian niềng răng:
1. Thực phẩm cứng, khô và khó nhai
Dùng các loại thực phẩm cứng, khô và khó nhai sẽ làm tăng áp lực lên răng hàm. Duy trì thói quen này trong thời gian dài sẽ làm mòn men răng và khiến chân răng suy yếu. Trong thời gian chỉnh nha, dùng các loại thực phẩm khô, cứng và khó nhai còn gây làm tăng mức độ đau nhức, ê buốt răng sau mỗi lần siết răng.
Ngoài ra, áp lực trong quá trình ăn nhai các loại thực phẩm này còn gây ra tình trạng bung súc mắc cài, đứt dây chun, tuột lỏng dây cung, giãn dây thun liên hàm,… Dù không ảnh hưởng nhiều đến quá trình niềng răng nhưng những sự cố này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.
Để hạn chế những tình huống ngoài ý muốn, bạn nên tránh các loại thực phẩm cứng, khó nhai và khô như các loại hạt cứng (hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều), khô bò, khô mực, gân bò, đồ sấy giòn, kẹo cứng,… Nếu niềng răng trong suốt, bạn nên tháo khay niềng khi dùng các loại thực phẩm này. Ngoài ra, cũng nên chú ý sử dụng hạn chế để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
2. Thức ăn quá nóng và quá lạnh
Thức ăn quá nóng và quá lạnh cũng nằm trong danh sách các thực phẩm cần tránh khi đang niềng răng. Các nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ cao/ thấp đều tác động xấu đến men răng. Về lâu dài, men răng dễ bị ố màu, mài mòn và răng trở nên nhạy cảm, dễ ê buốt.
Đối với những trường hợp niềng răng – chỉnh nha, dùng thức ăn quá nóng và quá lạnh còn có thể làm giảm độ bền của khí cụ chỉnh nha (đặc biệt là mắc cài bằng sứ, pha lê và khay niềng trong suốt). Dùng các thực phẩm này còn gia tăng mức độ đau nhức và ê buốt răng trong thời gian mới gắn mắc cài và sau mỗi lần siết răng.
3. Các loại thực phẩm dẻo, dễ dính răng
Thức ăn dễ bám dính vào dây cung, mắc cài và một số khí cụ chỉnh nha khác. Vì vậy trong thời gian niềng răng, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm dẻo và dễ dính răng như xôi, chè, bánh nếp, bánh dày, bánh ít, cơm nếp,…
Hầu hết các món ăn được làm từ gạo nếp đều có khả năng bám dính cao và rất khó làm sạch. Để hạn chế tình trạng sót thức ăn thừa bên trong kẽ răng và mắc cài, bạn nên tránh dùng các món ăn kể trên trong thời gian chỉnh nha.
4. Thực phẩm chứa nhiều axit
Các thực phẩm chứa nhiều axit như me, cóc, cam, chanh,… có thể gây mòn men răng và tăng mức độ ê buốt của răng sau mỗi lần điều chỉnh lực siết hàm. Về lâu dài, thói quen này còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu và nhiều vấn đề răng miệng khác.
Axit từ thực phẩm còn góp phần làm giãn và giảm độ bền, đàn hồi của dây chun chỉnh nha. Nếu sử dụng các thực phẩm chứa nhiều axit thường xuyên, dây chun có thể bị đứt trong quá trình ăn uống. Vì vậy khi niềng răng, bạn nên hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
5. Tránh đồ uống, thực phẩm sẫm màu khi niềng răng
Trong quá trình niềng răng, việc vệ sinh răng miệng sẽ bị hạn chế nên men răng thường có xu hướng ngả màu. Tình trạng này sẽ nhanh chóng cải thiện sau khi tháo mắc cài và cạo vôi răng. Tuy nhiên, men răng có thể bị ố vàng do dùng một số loại đồ uống, thực phẩm sẫm màu.
Vì vậy khi niềng răng, bạn nên tránh dùng các loại thực phẩm và đồ uống có màu đậm như rượu vang, nước ngọt có gas, socola, siro, mứt,… Không chỉ gây ố màu men răng, các loại đồ uống và thực phẩm này còn khiến mắc cài và máng niềng bị đổi màu, ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ và ngoại hình.
Kiêng cữ một số loại thực phẩm trong thời gian niềng răng sẽ hạn chế được cảm giác đau nhức, ê buốt do khí cụ chỉnh nha và phòng ngừa được các vấn đề nha khoa thường gặp. Đồng thời giảm nguy cơ gặp phải các sự cố như tuột dây chun liên hàm, lỏng dây cung, đứt dây chun chỉnh nha, bung súc mắc cài,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để nâng cao sức khỏe răng miệng.
Trên đây là 5 nhóm thực phẩm cần tránh khi đang niềng răng – chỉnh nha. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc sẽ biết cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả tối ưu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Niềng răng trong suốt có phải nhổ răng không?
Niềng Răng Bị Tuột, Lỏng Dây Cung Có ảnh Hưởng Gì Không?
Có Nên Đi Niềng Răng Không? Có Hại Gì Không?
Cách Tự Niềng Răng Tại Nhà & Những điều cần lưu ý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!