Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch là dấu hiệu cho thấy khớp bị nhiễm khuẩn. So với các nguyên nhân thông thường, tình trạng này gây ra các triệu chứng có mức độ nặng và dễ phát sinh biến chứng nếu không được thăm khám – điều trị kịp thời.
Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch là bệnh gì?
Viêm khớp thái dương hàm là một dạng viêm khớp khá phổ biến ở nữ giới từ 30 – 40 tuổi. Tương tự như các khớp khác, khớp thái dương hàm cũng có thể bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, chấn thương, thói quen nghiến răng khi ngủ,… Ngoài ra, khớp thái dương hàm cũng có thể bị viêm do nhiễm khuẩn (còn được gọi là viêm khớp nhiễm khuẩn).
Viêm khớp thái dương hàm do nhiễm khuẩn thường có hiện tượng nổi hạch. Nổi hạch là tình trạng hạch lympho ở góc hàm bị sưng viêm do tăng số lượng các tế bào bạch cầu (tế bào miễn dịch). Tế bào bạch cầu có chức năng bắt giữ và tiêu diệt/ kiểm soát vi khuẩn gây viêm nhiễm khớp thái dương hàm dẫn đến phản ứng viêm và nổi hạch. Nếu xảy ra do các nguyên nhân khác, khớp chỉ bị viêm sưng, phù nề, hầu như không đi kèm với hiện tượng nổi hạch và sốt.
Viêm khớp thái dương hàm nổi hạch thường có tiến triển nhanh hơn so với những trường hợp thông thường. Nếu không kịp thời điều trị, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể phát triển mạnh dẫn đến tổn thương, biến dạng khớp và vi khuẩn có thể lây lan đến các cơ quan xa hơn.
Triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm nổi hạch
Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch có triệu chứng rõ rệt hơn so với các trường hợp xảy ra do chấn thương, thoái hóa, căng thẳng,… Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua một số biểu hiện sau:
- Khớp sưng đỏ, nóng và đau nhức – cơn đau tăng lên trong quá trình ăn uống và giao tiếp
- Khớp thái dương hàm bị co cứng và giảm chức năng vận động
- Có thể đi kèm với các triệu chứng khác như rét run, sốt, sưng hạch góc hàm, lưỡi bẩn, môi khô
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm nổi hạch
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm. Tuy nhiên nếu kèm theo hiện tượng nổi hạch, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn.
Viêm khớp thái dương hàm do nhiễm khuẩn thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng ở những cơ quan khác nhưng không được điều trị dứt điểm. Sau đó, vi khuẩn đi vào đường hạch bạch huyết và di chuyển đến khớp thái dương hàm. Vi khuẩn gây viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch thường là phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng (thường gặp nhất, chiếm từ 50 – 70% trường hợp).
Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch có nguy hiểm không?
Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch là dấu hiệu cho thấy bệnh xảy ra do nhiễm khuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh bên cạnh chấn thương và thoái hóa khớp. Viêm khớp do nhiễm khuẩn thường có tiến triển nhanh chóng hơn so với các nguyên nhân thông thường. Do đó, cần phải thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể gây tổn thương và phá hủy đầu xương, đĩa sụn và các cơ quan cấu thành khớp thái dương hàm. Ngoài ra, nhiễm khuẩn không được điều trị còn tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và lây lan sang các cơ quan khác như xoang, não, tim, khớp,…
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch còn tác động đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng khớp đau nhức, sưng hạch, viêm đỏ có thể làm gián đoạn hoạt động ăn uống và sinh hoạt. Ở một số trường hợp, khớp có thể bị đau nhức nhiều, đau tự phát vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, hiệu suất lao động và học tập.
Các phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm nổi hạch
Sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng với điều trị của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch, phương pháp được ưu tiên là sử dụng thuốc. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét chọc rửa khớp và phẫu thuật.
Các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm nổi hạch:
1. Sử dụng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong điều trị viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch. Trong đó, kháng sinh là nhóm thuốc đặc hiệu có tác dụng kiểm soát nhiễm trùng và tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch:
- Kháng sinh: Kháng sinh là nhóm thuốc đặc hiệu trong điều trị viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch. Tùy theo chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm và triệu chứng ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh Clindamycin, Oxacillin, Nafcillin, Amikacin, Ceftazidim,…
- Thuốc điều trị triệu chứng: Ngoài kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau (Paracetamol, opioids) và thuốc chống viêm (corticoid hoặc thuốc chống viêm không steroid/ NSAID). Các loại thuốc này được sử dụng để kiểm soát cơn đau, tình trạng khớp phù nề, viêm đỏ,… do viêm khớp thái dương hàm gây ra.
2. Hút, dẫn lưu mủ
Trong trường hợp vi khuẩn sinh mủ ở khớp thái dương hàm, bác sĩ sẽ chỉ định hút dẫn lưu mủ + dùng kháng sinh để kiểm soát nhiễm khuẩn. Chích rạch mủ kịp thời cũng là biện pháp ngăn không cho ổ mủ vỡ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng lây lan và gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm.
3. Chọc rửa khớp
Chọc rửa khớp cũng được cân nhắc trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm nổi hạch. Phương pháp này được chỉ định khi khớp ứ mủ và xuất hiện các mảnh vụn do vi khuẩn phá hủy. Nội soi chọc rửa khớp giúp làm sạch mủ, mảnh vụn xương để khớp có điều kiện thuận lợi nhằm phục hồi và tái tạo.
4. Một số phương pháp hỗ trợ
Ngoài các phương pháp trên, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để điều trị viêm khớp thái dương hàm như:
- Chườm nóng/ lạnh: Chườm nóng/ lạnh là phương pháp giảm đau an toàn và mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Trong trường hợp khớp sưng viêm và nóng đỏ, bạn nên chườm lạnh để làm co mạch máu giúp giảm đau và phù nề. Nên áp túi chườm vào vùng khớp trong 10 – 15 phút và lặp lại sau mỗi 2 giờ để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Trong giai đoạn khớp hồi phục và hết sưng đỏ, đau nhức, bạn nên chườm nóng để thúc đẩy tuần hoàn máu nhằm giúp khớp tái tạo và phục hồi nhanh chóng.
- Dùng thức ăn mềm: Khớp thái dương hàm chịu tác động từ thói quen ăn uống. Để khớp có điều kiện phục hồi và tái tạo, bạn nên dùng các thức ăn mềm trong thời gian điều trị. Tuyệt đối không dùng các món ăn cứng, khô và khó nhai nuốt. Áp lực lớn trong quá trình ăn nhai có thể gây tổn thương đầu xương, đĩa sụn và làm rối loạn các khối cơ bao xung quanh khớp thái dương hàm.
- Nghỉ ngơi: Viêm khớp thái dương hàm kèm nổi hạch có thể tiến triển nặng hơn ở người có hệ miễn dịch kém. Vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi trong ít nhất 1 – 3 ngày đầu tiên. Nghỉ ngơi giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt và kiểm soát được hiện tượng viêm nhiễm nhanh chóng.
Phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm nổi hạch
Viêm khớp thái dương hàm gây ra không ít ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Chính vì vậy sau khi điều trị, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm nổi hạch:
- Điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn. Tình trạng chủ quan không thăm khám hoặc điều trị không triệt để sẽ khiến bệnh tiến triển nặng dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát ở khớp thái dương hàm và nhiều cơ quan khác.
- Thay đổi các thói quen xấu ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm như nghiến răng khi ngủ, há miệng lớn, dùng thức ăn cứng, khô, hút thuốc lá và căng thẳng quá mức. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh thói quen chống cằm và nhai một bên răng trong thời gian dài.
- Nhổ răng tại những phòng khám nha khoa kém chất lượng cũng có thể gây viêm nhiễm khớp thái dương hàm và xương ổ răng. Do đó, bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín nếu có ý định can thiệp các thủ thuật nha khoa.
- Stress và viêm khớp thái dương hàm là hai bệnh lý có mối liên hệ mật thiết. Để phòng ngừa bệnh tái phát, bạn nên cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi và tập các bài tập thư giãn cơ hàm mỗi ngày.
- Nguy cơ bị viêm khớp thái dương hàm có thể tăng lên nếu mắc các bệnh lý xương khớp. Vì vậy, bạn nên kiểm soát sớm các bệnh lý này để tránh gây tổn thương khớp thái dương hàm.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi, magie và thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường chức năng của khớp thái dương hàm. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng lành mạnh còn giúp cải thiện hệ miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ bị viêm nhiễm đáng kể.
- Hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Nghiên cứu cho thấy, các thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp nói chung và viêm khớp thái dương hàm nói riêng.
Viêm khớp thái dương hàm nổi hạch có thể gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy nghiêm trọng. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh lý này, bạn nên chủ động đến bệnh viện để được khám và điều trị. Mặt khác, cần kết hợp với lối sống khoa học để kiểm soát tiến triển của bệnh và phòng ngừa bệnh tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Viêm khớp thái dương hàm nên uống thuốc gì?
Cách chữa viêm khớp thái dương hàm tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!