Phòng và chữa đau nhức răng bằng các bài thuốc Đông y được nhiều bệnh nhân lựa chọn bên cạnh những phương pháp điều trị từ y học hiện đại. Ưu điểm của thuốc Đông y là độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và phù hợp với nhiều đối tượng.
Đau răng trong quan niệm của Đông y
Đau răng là triệu chứng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Theo Tây y, đau nhức răng là biểu hiện của các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng (viêm lợi), viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng,… Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra do chấn thương, mọc răng và sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa.
Khác với Tây y, Đông y cho rằng, răng là một trong những bộ phận của xương và thuộc tạng Thận. Kinh dương minh vị đi qua vùng chân răng nên đau răng và những vấn đề nha khoa là dấu hiệu phản ứng các trạng thái của thận, vị (dạ dày) như hàn, nhiệt, hư và thực.
Cũng vì quan niệm khác biệt nên Đông y không chỉ điều trị tại chỗ mà còn kết hợp với các biện pháp toàn thân nhằm kiểm soát đau nhức răng hiệu quả. Ngoài hiệu quả giảm đau, các bài thuốc Đông y chữa đau răng còn có tác dụng nâng cao sức khỏe và trị chứng hư, thực, nhiệt hàn ở vị và thận.
Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc chữa đau nhức răng. Trong đó, các bài thuốc được chia theo từng thể bệnh dựa vào căn nguyên và biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra với từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc còn gia giảm dược liệu tùy theo độ tuổi và các triệu chứng gặp phải.
So với Tây y, các bài thuốc Đông y chữa đau răng có hiệu quả chậm hơn nhưng được đánh giá cao về độ an toàn và lành tính. Chính vì vậy, thuốc Đông y thường được khuyến khích dùng cho người có cơ địa nhạy cảm, người mắc các bệnh toàn thân chống chỉ định tuyệt đối với các loại thuốc giảm đau răng.
Các bài thuốc Đông y phòng, chữa đau răng thông dụng
Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc chữa đau nhức răng bao gồm cả thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ. Trước khi dùng thuốc Đông y, bạn cần phải xem xét biểu hiện để xác định đúng thể bệnh.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa đau nhức răng được nhiều áp dụng phổ biến:
1. Bài thuốc Đông y trị đau răng do phong nhiệt
Đau răng do phong nhiệt là thể bệnh xảy ra do kinh vị hỏa thịnh kết hợp với phong nhiệt tà bên ngoài xâm nhập khiến phong nhiệt lưu trú tại chân răng và vùng lợi mà gây sưng. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng răng đau, sưng tấy một hoặc cả hai bên kèm theo sốt, cơ thể mệt mỏi và khó chịu.
Đối với đau răng do phong nhiệt, nên chọn những bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, khu phong và trừ thấp. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng nếu không chữa trị sớm, đau nhức răng có thể kéo dài dai dẳng ảnh hưởng không nhỏ đến ăn uống, sinh hoạt và sức khỏe tổng thể.
Các bài thuốc Đông y trị đau nhức răng thể phong nhiệt:
- Bài thuốc 1: Sử dụng đại hoàng sao tồn tính hoặc dùng ngô thù du và bạch chỉ bằng lượng nhau. Sau đó, đem nghiền nhỏ và xát vào vùng chân răng, lợi bị đau nhức. Ngậm cho tinh chất thẩm thẩu vào lợi, chân răng và nuốt. Nên thực hiện khi răng miệng đã được làm sạch hoàn toàn.
- Bài thuốc 2: Dùng quả bồ kết bỏ hạt và muối cho vào đầy túi, thêm một ít phèn chua vào buộc chặt. Bên ngoài bọc đất sét rồi đem nung cho kỹ. Sau đó, đem nghiền thành bột và dùng bột xát vào răng vài lần trong ngày để giảm đau nhức và sưng lợi. Hoặc có thể dùng chu sa 2g và bạch chỉ 4g đem nghiền nhỏ rồi trộn với mật làm thành viên to bằng hạt đậu. Mỗi lần dùng 1 hạt xát vào răng, sử dụng vài lần/ ngày để giảm đau và sưng lợi.
2. Bài thuốc Đông y chữa đau nhức răng do phong thấp
Đau răng do phong thấp xảy ra khi hàn, thấp và phong xâm nhập vào cơ thể nhưng vệ khí sụt giảm khiến phong thấp di chuyển đến tất cả các kinh lạc dẫn đến đau nhức răng và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Với thể bệnh này, Đông y kết hợp giữa thuốc toàn thân và thuốc dùng tại chỗ.
Các bài thuốc Đông y chữa trị đau nhức răng do phong thấp:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị rễ cà gai leo 20g đem sắc đặc. Sau đó dùng để ngậm một lúc và nuốt để tiêu sưng mô nướu giảm đau răng. Ngày dùng đều đặn 2 lần để đạt kết quả tốt.
- Bài thuốc 2: Dùng nhũ hương và cốt toái bổ cùng liều lượng. Đem nghiền nhỏ làm thành viên rồi nhét vào vùng răng bị đau nhức. Áp dụng 2 lần/ ngày cho đến khi hết sưng đau.
- Bài thuốc 3: Sử dụng dế đũi 1 con và dùng cám lâu năm nặn kín. Sau đó, dùng giấy ướt bọc kín con dế rồi đem nướng. Bỏ phần cám và đem dế nghiền nhỏ, đắp vào chỗ sưng đau vài lần/ ngày đến khi răng đau nhức thì ngưng.
3. Thuốc Đông y trị đau răng sưng mộng răng
Sưng mộng răng là tình trạng mô nướu sưng viêm, phù nề do tăng số lượng vi khuẩn bên trong nướu răng. Tình trạng này khiến cho răng bị lung lay, đau nhức và gặp nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
Đối với trường hợp đau răng do sưng mộng răng, có thể áp dụng một số bài thuốc sau:
- Bài thuốc 1: Dùng ngưu bàng tử sao, đem sắc đặc lấy nước ngậm rồi nuốt.
- Bài thuốc 2: Dùng hương phụ sao tồn tính 3 phần, sinh khương nửa phần và thanh đại nửa phần. Đem tất cả nghiền nát sau đó xát vào răng từ 2 – 3 lần/ ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị thương nhĩ tử 30g, đem sắc đặc và ngậm khi còn ấm đến khi nước nguội thì nhổ đi. Làm liên tục vài lần đến khi khỏi là được.
- Bài thuốc 4: Sử dụng củ thương truật lớn, đem cát thành hai nửa bằng nhau, khoét chính giữa ruột và cho muối vào đầy. Đem tất cả sao tồn tính rồi lấy ra nghiền nhỏ. Lấy bột xát vào nơi lợi bị sưng viêm rồi ngậm đến khi thuốc thẩm thấu. Cuối cùng, dùng nước muối pha loãng súc miệng cho sạch. Thực hiện đều đặn vài lần/ ngày để giảm đau nhức hoàn toàn.
4. Bài thuốc trị các loại răng đau
Đau răng là tình trạng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ảnh hưởng của các bệnh nha khoa, tình trạng này còn có thể xảy ra do chấn thương, quá trình mang thai, lão hóa,… Trong trường hợp này, Đông y sử dụng các bài thuốc dùng ngoài từ lá hương phụ.
- Bài thuốc 1: Dùng lá hương phụ rửa sạch, đem sắc đặc và lấy nước ngậm trong vài phút để giảm đau nhức.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị lá hương phụ khô, đem nghiền nát và xát vào chỗ đau nhức. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để giảm nhanh cơn đau và tình trạng sưng, phù nề ở mô nướu.
5. Các bài thuốc Đông y chữa đau nhức răng khác
Ngoài những bài thuốc trên, Đông y còn có những phương thuốc công hiệu tùy theo chứng trạng cụ thể.
– Trường hợp răng đau do nhiệt:
Răng đau do nhiệt xảy ra do dùng thức ăn cay nóng (muối, tiêu, ớt, mù tạt,…) khiến răng đau nhức, mô lợi sưng trướng, miệng khô khát. Chứng bệnh này thường do phong độc, hỏa nhiệt bốc lên khiến chân răng đau và dễ chảy máu. Đối với chứng trạng này, cần dùng bài thuốc có tác dụng tiêu sưng, tán hỏa, sơ phong và mát huyết.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị cát căn, xích thược, thăng ma, liên kiều và mẫu đơn mỗi thứ 8g, sinh địa hoàng 16g, cam thảo 4g, hoàng cầm 12g. Đem sắc uống hằng ngày mỗi ngày 1 thang. Nếu đau nhức lâu không khỏi, có thể thêm tri mẫu 10g và sài hồ 6g.
- Bài thuốc 2: Nếu triệu chứng nặng hơn, có thể dùng thanh bì, kinh giới, mẫu đơn bì và phòng phong mỗi thứ 9g, sinh địa hoàng 18g, sinh thảo và tế tân mỗi thứ 3g, thạch cao 15g. Bài thuốc này có tác dụng bình can, mát huyết, khu phong và thanh nhiệt.
– Trường hợp răng đau nhức và tái phát nhiều, sưng nặng do nhiệt độc ủng thịnh:
Đối với trường hợp răng đau nhức nhiều và hay tái phát, cần dùng các bài thuốc có tác dụng tiêu sưng, giải độc, sơ biểu và thanh nhiệt.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoàng liên 6g, thạch cao 18g, cát căn, địa cố bì, đạm trúc diệp, bạc hà, bạch chỉ và phòng phong mỗi thứ 10g, hậu phác, thạch hộc, sinh địa bì, kê kim và ngưu bàng tử mỗi thứ 12g. Đem tất cả sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
- Bài thuốc 2: Nếu răng đau do huyết nhiệt uất kết, cần dùng thạch cao 30g, đan sâm 15g, cam thảo 10g, sơn trà 10, ô mai 10g, hạ khô thảo, binh lang và uy linh tiên mỗi thứ 12g để chỉ thống, tiêu sưng, hoạt lạc và thanh nhiệt. Dùng bài thuốc này sắc uống ngày đều đặn 1 thang.
– Trường hợp đau răng lâu ngày, bệnh tái phát nhiều, chân răng lung lay:
Những trường hợp răng đau lâu ngày, tái phát nhiều thường do thận hư ở dưới. Chứng bệnh này còn đi kèm với một số triệu chứng như mất ngủ, tâm phiền, lưng đùi mỏi yếu. Nếu gặp phải chứng trạng này, cần dùng bài thuốc có tác dụng tán ứ, làm mát huyết, bền răng, dưỡng âm, bổ thận và thanh nhiệt.
- Chuẩn bị: Cốt toái bổ, hoài sơn mỗi thứ 15g, sơn thù 6g, phục linh và trạch tả mỗi thứ 10g, sinh địa hoàng 10g, đan bì và kim ngân hoa mỗi thứ 12g, đan sâm 30g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
– Trường hợp đau răng ở người trẻ, răng đau nhiều:
Trường hợp người trẻ bị đau nhức răng, chân răng lung lay, cơ thể sợ nóng, ưa mát, gò má đỏ, lưng đùi yếu mỏi, cổ họng khô thường do thận hư hỏa vượng pháp. Đối với chứng bệnh này, nên dùng bài thuốc có tác dụng tư âm giáng hỏa.
- Chuẩn bị: Tri mẫu, quy bản, hoàng bá, phục linh, sơn thù nhục, hoài sơn và địa hoàng mỗi thứ 10g, trạch tả và mẫu đơn bì mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
Lưu ý khi chữa đau nhức răng bằng Đông y
Hiện nay ngoài điều trị bằng Tây y, chữa đau nhức răng bằng Đông y cũng được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Các bài thuốc Đông y có ưu điểm lành tính, an toàn, phù hợp với nhiều đối tượng. Đồng thời có thể cải thiện cả triệu chứng tại chỗ và điều hòa các tạng, phủ.
Tuy nhiên trước khi áp dụng các bài thuốc Đông y chữa đau nhức răng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tìm gặp thầy thuốc để được thăm khám, chẩn đoán bệnh trước khi dùng thuốc Đông y. Bởi ở từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ dựa vào chứng trạng để chỉnh định bài thuốc phù hợp.
- Thuốc Đông y có hiệu quả chậm hơn so với thuốc Tây. Do đó trong trường hợp răng đau nhức nhiều do áp xe hoặc do viêm nhiễm nặng, nên sử dụng tân dược để kiểm soát nhanh cơn đau và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Trên thực tế, vẫn có một số người bị dị ứng với thuốc Đông y. Nếu có cơ địa mẫn cảm và tiền sử dị ứng thảo dược, nên thông báo với bác sĩ để được xem xét dùng bài thuốc phù hợp nhất.
- Hiện nay trên thị trường có không ít nơi kinh doanh dược liệu kém chất lượng, trôi nổi, pha tạp các hoạt chất giảm đau,… Vì vậy, bạn nên thận trọng khi lựa chọn phòng khám Đông y uy tín.
- Ngoài các bài thuốc Đông y chữa đau nhức răng, bạn nên thực hiện thêm các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa và súc miệng với nước muối pha loãng. Nếu cần thiết, nên đến nha khoa để được cạo vôi răng và thực hiện thêm một số biện pháp chuyên sâu khác.
- Trong thời gian điều trị đau nhức răng, nên hạn chế dùng thức ăn cay nóng, đồ uống chứa cồn, thực phẩm cứng, khô, dai,… Bên cạnh đó, nên tránh thức khuya và căng thẳng quá mức. Bởi những thói quen này đều làm tăng mức độ đau răng cùng với các triệu chứng đi kèm.
Bài viết đã giới thiệu một số bài thuốc Đông y có tác dụng phòng và chữa đau nhức răng công hiệu. Mặc dù được đánh giá có độ an toàn cao nhưng tự ý dùng thuốc có thể gây ra tác dụng phụ và không đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính vì vậy, bạn đọc nên tìm gặp thầy thuốc để được thăm khám và tư vấn bài thuốc phù hợp với chứng trạng, độ tuổi, bệnh lý nền,…
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Đau Răng Hàm Trong Cùng (Răng Cấm) Có Nguy Hiểm Không?
Bị đau răng có ăn trứng được không?
Bị Đau Nhức Ở Kẽ Răng Là Do Đâu? Cách Khắc Phục Và Phòng Ngừa
Gợi Ý 11 Cách Chữa Đau Răng Nhanh Nhất Đừng Bỏ Lỡ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!