Chườm đá, ngậm nước muối, sử dụng trà bạc hà, tinh dầu đinh hương,… là một số cách giảm đau răng tại nhà đơn giản nhưng mang lại hiệu quả khá rõ rệt. Các mẹo chữa này có độ an toàn cao, phù hợp với cả trẻ em và người trưởng thành.
10 Cách giảm đau răng tại nhà đơn giản mà hiệu quả
Đau răng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, mọc răng, do nhai thức ăn cứng, dai hoặc cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý nha khoa như sâu răng, áp xe răng, viêm nha chu, viêm nướu răng,… Cảm giác đau nhức ở răng thường tăng lên khi ăn uống và có thể bùng phát vào ban đêm gây mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ.
Để giảm đau nhức răng, bạn có thể áp dụng một số cách trị đau răng tại nhà. Hầu hết các mẹo chữa này đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn, phù hợp với cả trẻ nhỏ và người lớn.
Dưới đây là một số cách giảm đau răng tại nhà đơn giản và cực hiệu quả:
1. Cách trị đau răng tại nhà bằng cách chườm đá
Chườm đá là cách giảm đau được áp dụng rất phổ biến. Mẹo chữa này được dùng trong nhiều trường hợp như đau nhức khớp, mô mềm do chấn thương, đau do nhiễm trùng, đau răng do chấn thương, sau khi nhổ răng, mọc răng và trường hợp răng đau nhức do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa. Chườm đá tận dụng nhiệt độ lạnh để làm tê các dây thần kinh ở mô nướu và tủy răng. Từ đó ngăn dẫn truyền tín hiệu về não bộ giúp giảm cảm giác đau nhức và khó chịu rõ rệt.
Ngoài ra, nhiệt độ thấp từ túi chườm còn giúp co mạch máu ở mô nướu, hỗ trợ giảm sưng viêm và chảy máu chân răng. Biện pháp này mang lại hiệu quả cao khi bị đau nhức răng – đặc biệt là trong trường hợp mọc răng khôn và đau nhức sau khi nhổ răng. Chườm đá là biện pháp khá an toàn nên có thể áp dụng nhiều lần trong ngày.
Hướng dẫn chườm đá giảm đau răng tại nhà:
- Cho đá vào túi chườm hoặc có thể sử dụng khăn thấm nước lạnh
- Áp túi chườm/ khăn lạnh vào bên ngoài má trong khoảng 15 – 20 phút
- Thực hiện nhiều lần trong ngày để giảm đau nhức răng và cải thiện tình trạng sưng viêm mô nướu
Lưu ý: Không nên dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da vì có thể gây kích ứng và bỏng lạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế đặt đá lạnh lên răng bị đau nhức. Tình trạng này có thể gây ra cảm giác ê buốt và khó chịu.
2. Ngậm nước muối ấm
Ngoài cách chườm lạnh, bạn cũng có thể chữa đau răng tại nhà bằng cách ngậm nước muối ấm. Nước muối chứa nhiều thành phần kháng khuẩn và sát trùng tự nhiên giúp giảm nhẹ mức độ cơn đau, cải thiện tình trạng răng ê buốt và chảy máu chân răng. Ngoài ra, nhiệt độ ấm từ nước muối còn giúp làm dịu mô nướu bao xung quanh răng bị tổn thương.
Muối biển chứa hơn 60 loại khoáng chất, trong đó có nhiều thành phần cần thiết cho quá trình tái khoáng của men răng như canxi, phốt pho, magie, kali, natri,… Thường xuyên ngậm và súc miệng với nước muối ấm có thể giảm cơn đau, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tái tạo ở răng bị đau nhức.
Cách pha nước muối ấm trị đau răng tại nhà:
- Chuẩn bị khoảng 150 – 200ml nước ấm và ½ thìa cà phê muối biển (nên sử dụng muối biển thay vì muối tinh)
- Hòa muối vào nước ấm cho đến khi tan hoàn toàn
- Súc miệng nhiều lần để làm sạch khoang miệng
- Sau đó, sử dụng phần nước muối ấm còn lại ngậm trong vài phút để giảm đau nhức và ê buốt răng
Súc miệng với nước muối ấm là biện pháp an toàn, tận dụng nguyên liệu sẵn có nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Ngay cả khi không có vấn đề về răng miệng, bạn cũng có thể áp dụng mẹo này để làm sạch khoang miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
3. Giảm đau răng tại nhà bằng túi trà bạc hà
Trà bạc hà là loại trà thảo mộc được ưa chuộng với mùi thơm đặc trưng và hương vị the mát. Không chỉ có hương vị thơm ngon, loại trà này còn giúp an thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi và hỗ trợ làm dịu cơn đau nhức răng. Tác dụng giảm đau của bạc hà là nhờ vào hoạt chất Menthol. Menthol có tác dụng gây tê tại chỗ, từ đó giảm sưng viêm và đau nhức rõ rệt.
Bên cạnh đó, bạc hà còn chứa chất tannin có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên. Đối với những trường hợp đau nhức răng kèm theo hôi miệng, cách chữa từ lá bạc hà có thể khắc phục cả hai vấn đề này. Bởi tinh dầu trong lá bạc hà có khả năng khử mùi và giảm mùi hôi do sự phát triển quá mức của hại khuẩn bên trong khoang miệng.
Cách dùng túi trà bạc hà chữa đau răng tại nhà:
- Hãm túi trà bạc hà với 200 – 250ml nước sôi trong 5 – 7 phút
- Đợi trà nguội bớt và dùng uống từng ngụm để giảm đau nhức răng, mô nướu. Ngoài ra với tác dụng an thần, trà bạc hà còn giúp giảm thụ cảm cơn đau và mang lại cảm giác dễ chịu.
- Sau khi dùng hết trà, tận dụng túi trà bạc hà đã nguội đắp lên răng đau nhức để làm dịu cơn đau. Nên ngậm túi trà trong khoảng 10 – 15 phút để nhận thấy tác dụng rõ rệt.
Nếu không có trà túi lọc, bạn cũng có thể thay thế bằng lá bạc hà tươi. Tuy nhiên, thảo dược này có vị cay the nên có thể gây khó chịu đối với trẻ nhỏ.
4. Dùng dầu đinh hương
Đinh hương là vị thuốc quý được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Theo kinh nghiệm dân gian, thảo dược này có vị cay tê, tính ấm, mùi thơm mạnh, tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau và làm săn niêm mạc nên đây là một cách chữa đau răng tại nhà khá hiệu quả. Các mẹo giảm đau răng từ đinh hương vẫn được lưu truyền và áp dụng rộng rãi cho đến hiện nay.
Đinh hương là một trong những vị thuốc dân gian đã được nghiên cứu sâu trên phương diện khoa học. Y học hiện đại nhận thấy, hoạt chất Eugenol trong thảo dược này có tác dụng kháng khuẩn mạnh, tiêu viêm, giảm đau và phù nề rất hiệu quả. Ngoài ra, tinh dầu thơm đặc trưng từ nụ đinh hương còn giúp cải thiện tình trạng hôi miệng dai dẳng.
Cách dùng tinh dầu đinh hương giảm đau răng tại nhà:
- Hòa khoảng vài giọt tinh dầu đinh hương với 100ml nước ấm
- Súc miệng với nước sạch trước khi áp dụng mẹo chữa này
- Sau đó, dùng nước hòa tan với tinh dầu đinh hương súc miệng và ngậm trong khoảng vài phút
- Chỉ sau một thời gian ngắn, cảm giác đau nhức sẽ thuyên giảm đáng kể
- Nên áp dụng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để khử khuẩn và kiểm soát cơn đau hoàn toàn
5. Cách giảm đau răng tại nhà hiệu quả với hành tây
Hành tây là thực phẩm lành mạnh với hàm lượng chất xơ dồi dào cùng với nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Không chỉ chứa thành phần dinh dưỡng đa dạng, hành tây còn có đặc tính dược lý mạnh và được sử dụng rộng rãi trong điều trị một số bệnh lý thường gặp.
Hoạt chất allicin trong hành tây được chứng minh có tác dụng chống nấm, virus và kháng khuẩn tốt. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa tự nhiên trong thực phẩm này còn có hiệu quả tiêu sưng và giảm viêm. Vì vậy, bạn có thể tận dụng củ hành tây có sẵn trong căn bếp để giảm nhẹ mức độ cơn đau nhức răng.
Cách dùng hành tây chữa đau răng tại nhà:
- Chuẩn bị 1 củ hành tây tươi, lột bỏ vỏ và cắt thành từng lát mỏng
- Có thể đắp trực tiếp lát hành tây lên răng để khử khuẩn và sát trùng
- Hoặc có thể ép lấy nước, sau đó nhỏ trực tiếp lên răng bị đau nhức
Hành tây chứa nhiều thành phần chống viêm và giảm đau tự nhiên. Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm có mùi mạnh dễ gây ra tình trạng hơi thở có mùi. Vì vậy khi áp dụng mẹo giảm đau răng tại nhà bằng nguyên liệu này, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng để hạn chế tình trạng nói trên.
6. Dùng nha đam trị đau nhức răng
Nhờ có hàm lượng axit salicylic dồi dào, nha đam có tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, thảo dược này còn chứa một số hợp chất kháng viêm tự nhiên khác như enzyme bradykinase, chromone C-glucosyd,… Với đặc tính chống viêm mạnh, gel nha đam có thể làm dịu hiện tượng đau nhức và phù nề ở mô nướu xung quanh răng bị tổn thương.
Các loại vitamin, khoáng chất và lượng nước dồi dào trong nha đam còn có tác dụng làm dịu mô nướu. Ngay sau khi thoa gel nha đam lên vùng nướu bị tổn thương, cảm giác đau nhức và sưng nóng sẽ thuyên giảm rõ rệt. Hơn nữa, các chất chống oxy hóa tự nhiên trong nha đam còn thúc đẩy tốc độ phục hồi, tái tạo vùng nướu răng bị xây xước.
Cách dùng nha đam giảm đau răng tại nhà:
- Chuẩn bị 1 lá nha đam tươi
- Rửa sạch, gọt bỏ vỏ và cạo bỏ phần mủ màu vàng để tránh gây kích ứng
- Sau đó, dùng thìa cạo lớp gel trong suốt bên trong lá nha đam
- Súc miệng và đắp gel lên răng, mô nướu trong khoảng vài phút để giảm đau nhức
- Nên áp dụng đều đặn vài lần/ ngày để giảm nhanh cơn đau và cảm giác khó chịu
7. Dùng tinh dầu cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương (thyme) là loại thảo dược cùng họ với cây bạc hà. Thảo dược này có nguồn gốc từ châu Âu và hiện nay được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cỏ xạ hương thường được dùng như loại rau gia vị nhằm tăng hương vị, mùi thơm cho món ăn và giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn.
Tương tự như bạc hà, cỏ xạ hương chứa tinh dầu thơm (geraniol, borneol, carvacrol, thymol,…) có tác dụng làm dịu và giảm sưng đau. Ngoài ra, tinh dầu thơm từ thảo dược này còn giúp an thần, giảm mức độ cơn đau, cải thiện tình trạng hôi miệng và kháng khuẩn mạnh. Với đặc tính dược lý đa dạng, cỏ xạ hương thường được tận dụng để chữa đau nhức răng tại nhà.
Cách dùng cỏ xạ hương chữa đau nhức răng tại nhà:
- Cách 1: Cho khoảng 3 – 4 giọt tinh dầu xạ hương vào bông gòn. Sau đó thêm vào khoang 2 – 3 giọt nước rồi đặt vào răng bị đau nhức trong khoảng 10 – 15 phút. Trong thời gian này, các hoạt chất từ xạ hương sẽ thẩm thấu vào mô nướu giúp làm dịu tình trạng đau nhức.
- Cách 2: Bạn cũng có thể dùng cỏ xạ hương pha trà uống để làm dịu hệ thần kinh và giảm nhẹ mức độ tình trạng đau nhức răng. Sử dụng khoảng 1 muỗng lá cỏ xạ hương khô hãm với 300ml nước ấm trong 10 phút. Hòa thêm 1 ít mật ong để tạo vị ngọt và dùng trà uống từng ngụm nhỏ.
8. Trị đau nhức răng tại nhà bằng lá trầu không
Từ lâu, lá trầu không đã được tận dụng để chữa các chứng bệnh răng miệng thường gặp. Nghiên cứu từ y học hiện đại cho thấy, lá trầu không chứa tinh dầu giúp kháng khuẩn và khử mùi tốt. Đặc biệt, thảo dược này cũng chứa hoạt chất Eugenol có đặc tính tiêu viêm, giảm đau tương tự như nụ đinh hương.
Với khả năng kháng khuẩn, lá trầu không có thể kiểm soát sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong khoang miệng và giảm tình trạng đau nhức, phù nề mô nướu. Mẹo chữa từ lá trầu không chỉ giúp giảm đau nhức răng mà còn hỗ trợ phòng ngừa sâu răng và một số bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách dùng lá trầu không trị đau nhức răng tại nhà:
- Chuẩn bị khoảng 7 – 10 lá trầu không tươi, không nên dùng lá quá non hoặc quá già
- Rửa sạch lá trầu với nước muối pha loãng và để ráo
- Cho lá trầu vào sắc với 300ml nước
- Chia nước sắc thành nhiều phần bằng nhau dùng để ngậm và súc miệng
- Thực hiện nhiều lần trong ngày để cải thiện tình trạng đau nhức răng
9. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng kém là một trong những nguyên nhân gây đau nhức răng. Trung bình khoang miệng chứa khoảng 50 tỷ vi khuẩn. Nếu không làm sạch thức ăn thừa, vi khuẩn có thể phát triển dẫn đến hiện tượng khoáng hóa mảng bám thành cao răng. Cao răng tích tụ nhiều khiến răng trở nên nhạy cảm và đau nhức.
Ngoài ra, tình trạng thức ăn giắt vào các kẽ cũng có thể khiến răng đau nhức âm ỉ, ê buốt và khó chịu. Do đó ngoài các mẹo chữa trên, bạn cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để cải thiện tình trạng đau nhức răng.
Cách vệ sinh răng miệng giúp giảm đau nhức răng ngay tại nhà:
- Cần chải răng từ 2 – 3 lần/ ngày sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ để làm sạch thức ăn thừa, ngăn hình thành mảng bám và vôi răng.
- Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để đảm bảo khoang miệng được làm sạch hoàn toàn.
- Để tránh thức ăn bám vào kẽ răng, nên uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường. Kẹo cao su không đường giúp làm sạch thức ăn ở kẽ răng, mặt nhai. Đồng thời kích thích khoang miệng tiết nước bọt và đẩy nhanh quá trình tái khoáng men răng.
- Nếu không thể chải răng sau khi dùng bữa do tính chất công việc hoặc vì một số lý do khác, bạn có thể súc miệng với nước sạch và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn giữa các kẽ răng.
- Tăng cường bổ sung fluor cho răng bằng các sản phẩm như nước súc miệng, kem đánh răng,… Fluor giúp men răng trở nên cứng chắc và ngăn chặn sự xâm nhập của hại khuẩn. Qua đó làm giảm độ nhạy cảm của răng và hỗ trợ cải thiện tình trạng răng đau nhức hiệu quả.
10. Sử dụng các loại thuốc không kê toa
Nếu răng đau nhức nhiều và không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp trên, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa. Các loại thuốc này có thể dùng mà không cần chỉ định của bác sĩ nhưng để đảm bảo an toàn, nên đọc kỹ hướng dẫn và trao đổi với dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Các loại thuốc không kê toa được sử dụng để giảm đau răng tại nhà:
- Thuốc bôi gây tê: Thuốc bôi gây tê chứa thành phần chính là hoạt chất Lidocaine hoặc Benzocaine. Tác dụng của thuốc là gây tê vùng nướu xung quanh răng, từ đó làm gián đoạn hoạt động dẫn truyền tín hiệu về não bộ và cải thiện tình trạng đau nhức răng hiệu quả. Thuốc thường được dùng từ 1 – 3 lần/ ngày tùy theo mức độ cơn đau.
- Paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Thuốc có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Tùy theo độ tuổi, bạn có thể lựa chọn Paracetamol dạng cốm sủi, viên sủi hoặc viên uống. Loại thuốc này được đánh giá khá an toàn nhưng để tránh rủi ro và tác dụng phụ, bạn chỉ nên dùng thuốc trong khoảng 3 – 5 ngày.
Các loại thuốc không kê toa có thể giảm nhanh cơn đau nhức răng và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng quá mức hoặc sử dụng không đúng liều lượng khuyến cáo có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
>> Tham khảo thêm: Có nên uống thuốc Efferalgan 500mg để giảm đau răng không?
Lưu ý khi áp dụng các cách giảm đau răng tại nhà
Đa phần các mẹo giảm đau răng tại nhà đều tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có nên khá an toàn, phù hợp với cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên nếu áp dụng không đúng cách, các mẹo chữa này có thể không mang lại hiệu quả và gây ra một số rủi ro, tác dụng ngoại ý.
Khi áp dụng các cách giảm đau răng tại nhà, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên áp dụng các mẹo trị đau răng tại nhà thường xuyên để nhận thấy cải thiện rõ rệt. Hầu hết các mẹo chữa này đều tận dụng nguyên liệu tự nhiên nên hiệu quả chậm hơn so với các phương pháp y tế.
- Nếu cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng mẹo chữa tại nhà, bạn nên sắp xếp đến nha khoa/ bệnh viện để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp. Bởi các mẹo giảm đau tại nhà chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, hoàn toàn không thể kiểm soát các bệnh nha khoa triệt để.
- Trong trường hợp răng đau nhức dữ dội kèm sốt cao, ớn lạnh, cứng góc hàm, đau đầu,… nên đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ở một số ít trường hợp, đau răng có thể là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng răng miệng nghiêm trọng.
- Đau răng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Để khắc phục tình trạng này triệt để, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân bên cạnh việc áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để hỗ trợ giảm đau răng cùng với một số triệu chứng đi kèm. Tiếp tục duy trì các thói quen xấu có thể khiến mức độ cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Bài viết đã tổng hợp 10 cách giảm đau răng tại nhà hiệu quả mà rất đơn giản. Nếu chưa có thời gian đến phòng khám/ bệnh viện, bạn có thể áp dụng một số mẹo trên để cải thiện cơn đau và giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nên tránh tình trạng phụ thuộc quá mức khiến các vấn đề nha khoa tiến triển theo chiều hướng xấu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mọc răng khôn bị sưng đau nên làm gì?
Bị đau răng sưng má có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Mách Bạn 8+ Cách Làm Hết Nhức Răng Vĩnh Viễn Hiệu Quả
Trồng răng giả xong bị đau có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!