Bị áp xe răng sữa có nên nhổ răng không là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Được biết, răng sữa vẫn giữ chức năng nhai và giao tiếp tương tự như răng vĩnh viễn. Do đó, nhổ răng chỉ được thực hiện khi áp xe răng nặng, chân răng bị tổn thương nghiêm trọng không thể hồi phục.
Áp xe răng sữa và dấu hiệu nhận biết
Áp xe răng là một trong những bệnh nha khoa có mức độ nặng. Bệnh lý này có thể xảy ra ở hệ răng sữa và răng vĩnh viễn. Áp xe răng đề cập đến tình trạng chân răng và mô nha chu (thường là nướu) xuất hiện túi mủ. Túi mủ áp xe thường bao gồm các mô da, niêm mạc, vi khuẩn và tế bào bạch cầu bị tiêu diệt.
Áp xe răng ở trẻ em thường phát triển từ bệnh sâu răng nặng không được thăm khám và điều trị sớm. Mặc dù có thể xảy ra ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn nhưng ở trẻ em, áp xe chủ yếu ảnh hưởng đến răng sữa. Áp xe răng sữa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, phụ huynh cần phải phát hiện sớm những triệu chứng bất thường ở con trẻ để kịp thời thăm khám và điều trị.
Các triệu chứng nhận biết áp xe răng sữa:
- Nướu đỏ, sưng, dễ đau nhức và ê buốt – nhất khi dùng thực phẩm nóng hoặc lạnh
- Răng đau nhói, cơn đau kéo dài khiến trẻ mệt mỏi và mất ngủ
- Có thể sưng hạch góc hàm kèm theo nhức đầu và sốt
- Hơi thở hôi và có mùi khó chịu trong khoang miệng
- Trường hợp nặng có thể gây thoát mủ hoặc dịch ở mô nướu và thân răng bị áp xe
Nguyên nhân gây áp xe răng sữa
Áp xe răng sữa thường là bắt nguồn từ bệnh sâu răng ở trẻ em không được điều trị. Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến, đặc trưng bởi hiện tượng hủy khoáng (mất các mô cứng ở men răng, ngà răng) gây ra bởi vi khuẩn. Ban đầu, vi khuẩn chỉ tấn công vào men răng và ngà răng. Nhưng nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể đi vào khoang tủy gây viêm tủy răng, sau đó di chuyển xuống chân răng (vùng chóp răng) tạo thành túi mủ tại đây.
Ngoài sâu răng, áp xe răng cũng có thể là biến chứng của viêm nha chu. Tuy nhiên, tình trạng này chủ yếu gặp ở người trung niên và cao tuổi, rất ít xảy ra ở hệ răng sữa. Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ sâu răng sữa có thể tăng lên khi những yếu tố thuận lợi như:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Trẻ thường xuyên dùng nước ngọt có gas, thức ăn chứa nhiều đường, sữa
- Sâu răng không được điều trị
Áp xe răng sữa có nguy hiểm không?
Áp xe răng sữa là bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị sớm. Tương tự như áp xe răng thông thường, ổ áp xe ở răng sữa có thể tiến triển nặng dần theo thời gian gây ra nhiều biến chứng như:
- Mất răng vĩnh viễn
- Hình thành nang ở chân răng
- Viêm xoang hàm
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm tấy lan tỏa
- Áp xe não
Có thể thấy, áp xe răng sữa ở trẻ em cũng gây ra các biến chứng nghiêm trọng như áp xe răng ở người trưởng thành. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và thể trạng kém nên vi khuẩn có thể phát triển mạnh, lây lan sang các cơ quan lân cận và thậm chí là những cơ quan xa như khớp, tim,…
Áp xe răng sữa có nên nhổ răng không?
Áp xe răng sữa có nên nhổ răng không là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Thực tế, răng sữa chỉ là răng tạm thời tồn tại trong giai đoạn trẻ bú mẹ đến khoảng 7 – 10 tuổi. Mặc dù không tồn tại vĩnh viễn nhưng răng sữa có vai trò quan trọng đối với chức năng nhai và giao tiếp. Do đó, nhổ răng chỉ được cân nhắc khi áp răng sữa có mức độ nặng, chân răng bị tổn thương không thể hồi phục.
Trong tất cả các trường hợp áp xe răng sữa, điều trị ưu tiên và chích rạch mủ và sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm. Sau khoảng 1 tuần, hiện tượng viêm nhiễm sẽ được kiểm soát. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến tái khám để bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của răng và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Nếu răng bị phá hủy nặng, trẻ sẽ được chỉ định nhổ răng để giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm. Trong trường hợp răng không tổn thương quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nội nha (chữa tủy). Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách làm sạch toàn bộ tủy bị hoại tử, sau đó làm khô và trám bít bằng vật liệu tổng hợp. Điều trị nội nha giúp bảo tồn và phục hồi hình dáng, chức năng của răng bị tổn thương.
Phòng ngừa áp xe răng sữa ở trẻ em
Áp xe răng sữa ở trẻ em có thể tái phát nếu có các điều kiện thuận lợi như vệ sinh răng miệng kém, sâu răng không được điều trị, chế độ ăn nhiều đường,… Vì vậy sau khi điều trị cho trẻ, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách để làm sạch mảng bám và thức ăn ở kẽ răng, mặt nhai. Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa áp xe răng sữa và các bệnh nha khoa hiệu quả.
- Cho trẻ sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch hoàn toàn thức ăn bám dính ở kẽ răng. Đây là vị trí khó làm sạch thông qua chải răng và súc miệng. Nên dặn dò trẻ dùng chỉ nha khoa sau các bữa ăn để giữ gìn vệ sinh răng miệng và ngăn ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.
- Sử dụng các sản phẩm súc miệng diệt khuẩn cho trẻ sau khi đánh răng để loại trừ mảng bám và vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
- Không cho trẻ sử dụng các thức ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh, trái cây sấy, mứt,… Thay vào đó, nên cho trẻ dùng các món ăn vặt như sữa chua, trái cây, nước ép từ rau củ để ngăn vi khuẩn trong khoang miệng phát triển.
- Bổ sung fluor cho trẻ bằng cách dùng muối ăn, nước uống chứa khoáng chất này. Hoặc có thể cho trẻ sử dụng kem đánh răng và dung dịch súc miệng chứa fluor để tăng cường sức đề kháng của răng. Bổ sung fluor đã được chứng minh có hiệu quả ngừa sâu răng, giảm nguy cơ viêm tủy răng và áp xe răng sữa hiệu quả.
- Cho trẻ khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để được lấy cao răng và phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Ngoài ra, nên chủ động xử lý các tình trạng răng như răng sứt mẻ, nứt do chấn thương, răng mọc nghiêng, mọc lệch lạc,… Bởi đây là những điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây sâu răng và áp xe răng.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Trẻ bị áp xe răng sữa có nên nhổ không?”. Hy vọng qua bài viết, phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có hướng xử lý đúng cách. Ngoài ra, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa sâu răng sữa tái phát ở con trẻ.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trẻ bị mưng mủ ở lợi có nguy hiểm không?
Áp Xe Chân Răng Có Nguy Hiểm Không? Gây Biến Chứng Gì?
Nhiễm trùng răng là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Áp xe răng có tự khỏi không? Phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!