Ngoài các biện pháp y tế, chế độ dinh dưỡng cũng góp phần không nhỏ vào tiến triển của bệnh áp xe răng. Thông tin giải đáp “Bị áp xe răng nên ăn gì, kiêng gì?” trong bài viết sẽ là cơ sở giúp bạn đọc dễ dàng xây dựng thực đơn ăn uống nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
Vai trò của chế độ ăn đối với bệnh áp xe răng
Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng nặng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của túi áp xe ở chân răng hoặc tổ chức nha chu (thường là mô nướu). Áp xe là ổ mủ được cấu tạo từ các thành phần như mô, tế bào chết, các bạch cầu bị tiêu diệt và hại khuẩn. Ổ áp xe thường gây sưng đau, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống và giao tiếp.
Trong giai đoạn áp xe cấp, răng bị đau nhức và ê buốt dữ dội kèm theo tình trạng sốt, sưng hạch và mệt mỏi. Do đó, quá trình ăn uống trong thời gian diễn ra khá khó khăn, người bệnh có xu hướng nhịn ăn hoặc ăn uống ít. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khiến thể trạng suy nhược, mệt mỏi, từ đó tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh khiến ổ áp xe phát triển lớn dần theo thời gian.
Vì vậy ngoài các phương pháp điều trị, bệnh nhân bị áp xe răng cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để nâng đỡ thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng phù hợp còn giúp làm giảm áp lực lên răng trong quá trình nhai nuốt. Qua đó giảm tình trạng bùng phát cơn đau, cải thiện cảm giác ê buốt, khó chịu và khiến cơ quan bị tổn thương chậm phục hồi.
Thực tế cho thấy, sử dụng các món ăn và thức uống không phù hợp có thể làm tăng mức độ viêm sưng ở mô nướu, dẫn đến đau nhức và ê buốt dữ dội. Hơn nữa, một số trường hợp còn có thể bị vỡ ổ áp xe do dùng thức ăn cứng, khô. Vỡ áp xe là biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả thể trạng và sức khỏe răng miệng. Vì vậy, việc xây dựng thực đơn ăn uống khoa học trong thời gian điều trị áp xe răng là hết sức cần thiết.
Người bị áp xe răng nên ăn gì để giảm đau?
Bị áp xe răng nên ăn gì để giảm đau, nhanh phục hồi là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi bổ sung thực phẩm lành mạnh có thể nâng đỡ thể trạng, giảm mệt mỏi và đẩy nhanh tốc độ phục hồi ở răng bị tổn thương. Ngoài ra, một số thực phẩm còn có tác dụng giảm đau và chống viêm tự nhiên.
1. Dùng món ăn mềm, dễ nhai nuốt
Khi bị áp xe răng, răng rất dễ bị đau nhức khi nhai nuốt. Do đó, nên ưu tiên dùng các món ăn mềm, dễ nhai để giảm cảm giác đau và khó chịu. Ngoài ra trong thời gian này, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi nên chức năng tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể. Dùng các thức ăn mềm có thể giúp dạ dày và đường ruột dễ dàng tiêu hóa và hấp thu vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Các món ăn thích hợp cho người bị áp xe răng bao gồm cháo, bún, miến, súp, canh, sinh tố,… Khi chế biến, nên nấu mềm thịt và các loại rau củ để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, cần nêm nếm nhạt để tránh kích thích lên mô nướu bị tổn thương.
2. Tăng cường rau xanh, trái cây
Rau xanh, trái cây là nhóm thực phẩm tốt cho người bị áp xe răng. Chất xơ trong các loại thực phẩm này giúp làm sạch khoang miệng, mảng bám có trong kẽ răng, mặt nhai và mặt trong của răng. Ngoài ra, rau xanh có độ pH kiềm nên có thể trung hòa các sản phẩm axit do vi khuẩn bài tiết. Từ đó làm giảm mức độ phá hủy các mô cứng ở men răng và ngà răng.
Rau xanh, trái cây cung cấp cho cơ thể nguồn khoáng chất và vitamin dồi dào giúp tăng cường sức khỏe và nâng đỡ thể trạng. Thường xuyên bổ sung nhóm thực phẩm này vào chế độ ăn cũng có thể giảm phần nào tình trạng mệt mỏi, uể oải và sốt cao do áp xe răng gây ra.
Nếu cảm thấy đau nhức, ê buốt khi nhai thức ăn, bạn có thể dùng nước ép từ rau củ và sinh tố trái cây để giảm áp lực lên răng hàm. Ngoài ra, dùng nước ép và sinh tố còn bổ sung nước và cân bằng điện giải.
3. Sữa chua – Món ăn tốt cho người bị áp xe răng
Trong thời gian bị áp xe răng, nên bổ sung sữa chua vào chế độ ăn hằng ngày. Sữa chua được bảo quản ở nhiệt độ lạnh nên có thể giảm hiện tượng sưng nóng và đau nhức ở chân răng bị áp xe. Từ đó giảm phần nào cảm giác khó chịu và mệt mỏi.
Ngoài ra, sữa chua còn cung cấp nhiều canxi, vitamin, protein và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Các khoáng chất trong sữa chua có thể tái khoáng men răng, tăng cường sức đề kháng cho khoang miệng. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn cung cấp cho cơ thể nguồn lợi khuẩn (probiotic) dồi dào.
Probiotic có thể ức chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, hỗ trợ đánh bay các mảng bám và thức ăn trong kẽ răng. Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn còn giúp dạ dày và đường ruột dễ dàng tiêu hóa thức ăn.
4. Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất
Khoáng chất là thành phần chính cấu tạo xương, móng, tóc và răng. Do đó khi răng gặp phải vấn đề, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu khoáng chất để cải thiện men răng, ngà răng và đẩy nhanh tốc độ tái tạo, phục hồi các cơ quan bị tổn thương.
Ngoài ra, bổ sung đầy đủ khoáng chất còn giúp tăng cường hệ miễn dịch. Qua đó ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn trong khoang miệng và giảm mức độ phù nề đáng kể. Các loại thực phẩm giàu khoáng chất tốt cho người bị áp xe răng bao gồm bông cải xanh, hàu, tôm, cá, trứng, cacao nguyên chất, quả bơ, phô mai,…
5. Các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm
Ngoài tác dụng cung cấp vi chất dinh dưỡng cần thiết, một số loại thực phẩm còn có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Trong thời gian bị áp xe răng, nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm này để giảm đau nhức, sưng, phù nề mô nướu và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Thực tế, bổ sung các loại thực phẩm có khả năng kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi ở chân răng bị áp xe. Ngoài ra, các thực phẩm này còn mang lại nhiều lợi ích đối với hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
Một số loại thực phẩm chống viêm, kháng khuẩn tốt cho người bị áp xe răng:
– Mật ong
Mật ong là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào cùng với vitamin và khoáng chất đa dạng. Ngoài ra, defensin 1 – một loại protid trong mật ong đã được chứng minh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và kháng viêm hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này hiệu quả với cả các vi khuẩn đã kháng kháng sinh. Để giảm mức độ viêm, đau ở mô nướu, nên bổ sung các món ăn và thức uống từ mật ong. Bên cạnh đó, có thể kết hợp mật ong với nghệ, gừng,… để tăng hiệu quả kháng khuẩn.
– Dầu dừa
Dầu dừa không chỉ được sử dụng để chăm sóc da, dưỡng móng và tóc mà còn hiệu quả phòng ngừa – điều trị các bệnh nha khoa thường gặp. Nghiên cứu cho thấy, axit lauric trong tinh dầu này có khả năng kháng nấm, chống virus và vi khuẩn. Do đó, thêm dầu dừa vào chế độ ăn có thể kiểm soát phần nào tình trạng áp xe răng.
Ngoài ra, dầu dừa còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như hỗ trợ giảm cân, kiểm soát vóc dáng, cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường,…
– Nghệ
Hoạt chất curcumin trong nghệ đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn. Ngoài ra, hoạt chất này còn có đặc tính tiêu trừ gốc tự do, chống viêm và tăng tốc độ tái tạo, chữa lành các cơ quan tổn thương.
Trong thời gian điều trị áp xe răng, nên dùng các món ăn và thức uống từ nghệ để giảm mức độ viêm, phù nề của mô nướu. Hơn nữa, nghệ còn giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
– Gừng
Hoạt chất Gingerol và Cineol từ gừng được chứng minh có hiệu quả giảm đau, kháng viêm tương tự thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, gừng còn chứa tinh dầu thơm có tác dụng khử mùi, giảm tình trạng hôi miệng do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa.
Gừng là loại gia vị cay nồng nên cần tránh dùng quá nhiều. Ngoài cách thêm gừng vào món ăn, bạn cũng có thể sử dụng nước gừng tươi, trà gừng mật ong,… để hỗ trợ giảm các triệu chứng do áp xe răng gây ra.
Bị áp xe răng nên kiêng ăn gì?
Như đã đề cập, các triệu chứng của bệnh áp xe răng có thể trở nên nghiêm trọng hơn sử dụng các loại thực phẩm và thức uống không phù hợp. Do đó ngoài vấn đề “Bị áp xe răng nên ăn gì?”, bạn đọc cũng cần nắm bắt thông tin về các loại món ăn, thức uống cần kiêng cữ trong thời gian điều trị.
1. Món ăn chứa nhiều đường
Khi gặp phải các vấn đề về nha khoa nói chung và áp xe răng nói riêng, cần hạn chế tối đa các món ăn chứa quá nhiều đường. Ngoại trừ đường tự nhiên (fructose, lactose và sucrose), các loại đường tổng hợp đều có thể khiến vi khuẩn phát triển mạnh.
Khi dùng các món ăn chứa nhiều đường, vi khuẩn sẽ phản ứng với đường tạo ra các sản phẩm axit. Axit từ vi khuẩn gây hòa tan các tinh thể cứng ở men răng, ngà răng và dẫn đến chứng sâu răng. Đối với người bị áp xe răng, dùng nhiều đường có thể làm tăng hại khuẩn trong khoang miệng dẫn đến đau nhức và ê buốt răng dữ dội.
Ngoài ra khi tiêu thụ quá nhiều đường, nồng độ đường trong máu sẽ tăng cao đột ngột. Dù chưa có công bố chính thức nhưng một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy, đường huyết tăng làm giảm chức năng miễn dịch và kích thích phản ứng viêm ở các cơ quan bị tổn thương.
2. Nước ngọt có gas
Ngoài ra, người bị áp xe răng cũng nên kiêng nước ngọt có gas trong thời gian điều trị. Thức uống này không chỉ chứa nhiều đường mà còn có nhiều thành phần có hại cho men răng như axit citric, phosphoric, hương liệu và chất bảo quản.
Sử dụng nước ngọt có gas làm mài mòn men răng, từ đó tăng mức độ đau nhức và ê buốt khi ăn, nhai. Hơn nữa, thức uống này còn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và gián tiếp làm chậm tốc độ phục hồi, tái tạo cơ quan bị tổn thương.
3. Rượu bia và cà phê
Rượu bia, cà phê cũng là các loại thức uống cần kiêng cữ khi điều trị áp xe răng. Các loại thức uống này khiến cơ thể mất nước và gây ra chứng khô miệng do giảm tiết nước bọt. Nước bọt có vai trò kháng khuẩn, trung hòa axit của các hại khuẩn, làm sạch mảng bám và tái khoáng men răng. Khi lượng nước bọt giảm đi đáng kể, hại khuẩn dễ dàng phát triển dẫn đến tăng mức độ viêm và phù nề ở chân răng.
Ngoài ra, cồn có trong bia rượu còn gây ăn mòn men răng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây ra nhiều vấn đề răng miệng như viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu,… Hơn nữa, dùng nhiều bia rượu còn khiến thể trạng suy giảm và làm chậm quá trình tái tạo, phục hồi của răng.
4. Thực phẩm cứng, khô, khó nhai
Dùng các thực phẩm cứng khô và khó nhai như thịt bò, gân, trái cây sấy, các loại hạt rang,… có thể kích thích cảm giác đau nhức và khó chịu ở chân răng bị áp xe. Nếu sử dụng thường xuyên, ổ áp xe có thể bị vỡ khiến vi khuẩn lây lan sang các cơ quan kế cận và thậm chí là những cơ quan xa như tim, màng não, khớp,…
5. Món ăn chứa nhiều gia vị
Ngoài các món ăn cứng, khó nhai, người bị áp xe răng cũng nên hạn chế món ăn chứa nhiều gia vị như muối, đường, gia vị chua và cay như chanh, me, ớt, mù tạt, tiêu,… Các loại gia vị này đều có thể kích thích lên mô nướu dẫn đến đau nhiều, ê buốt, mệt mỏi và ăn uống kém.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị áp xe răng nên ăn gì, kiêng gì để nhanh hết đau nhức?”. Xây dựng chế độ ăn hợp lý có thể giảm phần nào các triệu chứng khó chịu, đồng thời nâng đỡ thể trạng và tăng tốc độ tái tạo, phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý sinh hoạt điều độ và chăm sóc răng miệng đúng cách để kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng bị áp xe có nên nhổ không?
Áp xe răng có tự khỏi không? Phải làm sao?
Bị áp xe răng khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Mách Bạn 5 Cách Điều Trị Áp Xe Răng Tại Nhà Hiệu Quả Cao
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!