Bọc răng sứ có thể gây hôi miệng nếu sử dụng mão sứ kém chất lượng và quá trình phục hình không diễn ra đúng kỹ thuật. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác.
Bọc răng sứ có gây hôi miệng không?
Bọc răng sứ là giải pháp phục hình răng được ưa chuộng trong những năm gần đây. Phương pháp này sử dụng mão răng sứ chụp lên cùi răng thật nhằm khôi phục hình thể, màu sắc và chức năng vốn có của răng. Nhờ sự ra đời của bọc răng sứ, những trường hợp răng bị nứt, mẻ, sâu răng nặng, răng bị gãy, mòn men và thiểu sản men răng có thể ăn nhai một cách dễ dàng.
Trong những năm gần đây, kỹ thuật bọc răng sứ có những bước tiến rõ rệt. Bên cạnh hiệu quả phục hình răng và khôi phục chức năng ăn nhai, phương pháp này còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ trong nhiều trường hợp như răng nhiễm màu kháng sinh, răng ngả màu do hút thuốc lá, răng thưa, răng hô vẩu nhẹ và chiều dài các răng không đồng đều. Bọc răng sứ có thể thiết kế nụ cười đạt chuẩn “tỷ lệ vàng” thông qua chế tác răng có hình dáng, kích thước và màu sắc hài hòa với khuôn mặt.
Có thể nói, sự ra đời của kỹ thuật bọc răng sứ có ý nghĩa quan trọng đối với yếu tố thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mang lại, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Một trong những vấn đề đáng lo ngại khi bọc răng sứ là tình trạng hôi miệng.
Thực tế, những trường hợp bọc răng sứ có thể gặp phải tình trạng hơi thở có mùi. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hơi thở có mùi gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, hôi miệng còn làm mất đi sự tự tin khi gặp gỡ và giao tiếp.
Nguyên nhân gây hôi miệng khi bọc răng sứ
Bọc răng sứ gây hôi miệng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp nhất:
1. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Khoang miệng là nơi cư trú của hơn 50 tỷ vi khuẩn. Khi không vệ sinh đúng cách, hại khuẩn sẽ phát triển trong các mảng bám dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi khó chịu.
Nếu tình trạng này kéo dài, lượng cao răng sẽ tích tụ nhiều gây ra hàng loạt các vấn đề nha khoa và các bệnh lý hô hấp trên. Thực tế, có rất người chủ quan trong việc làm sạch răng miệng sau khi bọc răng sứ. Bởi răng sứ gần như không bị hư hại và tổn thương dưới tác động của các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Tuy nhiên, hại khuẩn tăng lên + cao răng tích tụ sẽ gây tổn thương nha chu và tăng nguy cơ mất răng, hôi miệng.
2. Do chất liệu làm răng sứ
Hiện nay, có rất nhiều vật liệu được sử dụng để làm răng sứ. Trong đó, răng sứ kim loại là vật liệu có chi phí thấp nhất. Mặc dù có độ bền tương đối cao (khoảng 5 năm) và hiệu quả thẩm mỹ khá tốt nhưng sau một thời gian sử dụng, phần khung sườn bằng kim loại bên trong sẽ bị oxy hóa. Hậu quả là gây đen viền nướu và tạo ra mùi hôi khó chịu bên trong khoang miệng.
Ngoài ra, tình trạng hôi miệng cũng có thể xảy ra do sử dụng vật liệu bọc sứ không đảm bảo. Để tăng lợi nhuận, không ít phòng khám sử dụng các vật liệu kém chất lượng cho khách hàng. Tuy nhiên, vật liệu sứ không đảm bảo dễ bị hư hại và oxy hóa khi tiếp xúc với nước bọt, axit từ thực phẩm và thức ăn.
3. Không điều trị dứt điểm các bệnh nha khoa trước khi bọc sứ
Trước khi bọc răng sứ hay can thiệp bất cứ phương pháp nha khoa nào, bác sĩ đều sẽ sàng lọc và điều trị dứt điểm các vấn đề răng miệng. Nếu không kiểm soát triệt để, răng sẽ bị hư hại theo thời gian và hậu quả là làm giảm hiệu quả của kỹ thuật bọc răng sứ.
Trong trường hợp không điều trị các bệnh lý nha khoa, răng sứ có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Mùi hôi này thực chất có nguồn gốc bên trong cùi răng thật. Nếu không khắc phục sớm, răng thật có thể bị hư tổn nặng và gây mất răng vĩnh viễn. Do đó khi nhận thấy khoang miệng có mùi hôi sau khi bọc răng sứ, bạn nên xem xét về khả năng này.
4. Do phục hình răng sứ không đúng kỹ thuật
Mão răng sứ được sử dụng để phục hình phần thân răng ở phía trên. Khi chế tác và phục hình, cần đảm bảo mão răng phải sát khít với cùi răng thật. Nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, thức ăn thừa sẽ bám vào kẽ hở. Dần dần tích tụ nhiều cao răng, mảng bám và gây ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
5. Ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày (GERD) là một trong những bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Bệnh lý này điển hình bởi tình trạng nôn trớ thức ăn do dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên phía trên thực quản, sau đó di chuyển đến khoang miệng.
Axit từ dịch vị dạ dày sẽ gây mòn men răng và làm thay đổi độ pH trong khoang miệng. Hậu quả là gây hôi miệng và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,…
6. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng bọc răng sứ gây hôi miệng còn có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Dùng thức ăn và đồ uống nặng mùi (hành, tỏi, các loại mắm, chế phẩm từ sữa, rượu bia,…)
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý như tiểu đường, chứng khô miệng, các bệnh về gan, thận,…
- Thói quen hút thuốc lá
- Nhiễm nấm Candida ở miệng
- Tác dụng phụ do sử dụng một số loại thuốc làm giảm tiết nước bọt như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine H1, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu,…
- Hôi miệng khi bọc răng sứ còn có thể xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh hô hấp như sỏi amidan, viêm xoang, viêm họng hạt, hội chứng chảy dịch mũi sau,…
Cách khắc phục tình trạng hôi miệng sau khi bọc răng sứ
Bọc răng sứ gây hôi miệng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nếu không có biện pháp cải thiện, tình trạng sẽ kéo dài và thậm chí nghiêm trọng dần theo thời gian.
Tuy nhiên trước khi áp dụng cách khắc phục, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng hơi thở có mùi. Sau đó, lựa chọn các biện pháp khắc phục phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Dưới đây là một số cách cải thiện hôi miệng sau khi bọc răng sứ bạn đọc có thể xem xét áp dụng:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể cải thiện phần nào tình trạng hơi thở có mùi. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp bảo vệ răng sứ và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng giúp khắc phục tình trạng bọc răng sứ gây hôi miệng:
- Sử dụng bàn chải có kích cỡ vừa phải, lông mềm và mảnh để làm sạch răng miệng. Nên chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để đảm bảo làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa và mảng bám tích tụ ở mặt nhai, các kẽ.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn giắt vào các kẽ. Tuyệt đối không dùng tăm tre và các vật cứng để làm sạch thức ăn thừa.
- Sau cùng, nên súc miệng với các dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Nếu có thể, nên lựa chọn các loại nước súc miệng chứa chiết xuất từ bạc hà, đinh hương, vỏ quế,… để khử mùi hôi khó chịu bên trong khoang miệng.
- Nên sử dụng dụng cụ cạo lưỡi 2 – 3 lần/ tuần. Bởi các rãnh, kẽ ở mặt lưỡi chính là môi trường thuận lợi để nấm men và vi khuẩn tích tụ, phát triển gây ra mùi hôi khó chịu.
- Sau các bữa ăn nhẹ, bạn nên súc miệng với nước sạch và dùng kẹo cao su không đường để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa ở các kẽ. Thói quen này còn kích thích khoang miệng tiết nước bọt để làm sạch thức ăn và ngăn ngừa quá trình hình thành mảng bám.
- Ngoài các biện pháp trên, bạn nên chú ý đến phòng khám nha khoa 6 tháng/ lần để lấy vôi răng. Vôi răng tích tụ ở dưới chân răng và nằm sâu bên trong mô nướu nên gần như không thể làm sạch bằng cách chải răng thông thường. Nếu không lấy vôi răng thường xuyên, răng miệng dễ bị viêm nhiễm và có mùi hôi khó chịu.
2. Thay mới mão răng sứ
Nếu hôi miệng xảy ra do dùng mão sứ kém chất lượng, mão sứ đã bị oxy hóa, bác sĩ sẽ thay mão sứ mới để khắc phục tình trạng hôi miệng. Những trường hợp lắp mão sứ không khít với cùi răng có thể điều chỉnh lại và làm sạch phần thức ăn thừa bám dính.
Khi phát hiện muộn, mão răng và cùi răng thật có thể bị hư hại nặng và buộc phải làm mão sứ mới. Nếu nghi ngờ bọc răng sứ gây hôi miệng bắt nguồn từ tay nghề của bác sĩ, bạn nên lựa chọn phòng khám, bệnh viện uy tín để được thăm khám lại. Không nên quay trở lại phòng khám ban đầu bởi tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi điều chỉnh.
3. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Như đã đề cập, tình trạng hôi miệng khi bọc răng sứ cũng có thể xảy ra do một số thói quen ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi một cách triệt để, bạn nên thay đổi những thói quen sau đây:
- Không sử dụng thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Carbon monoxide, nicotin và hàng loạt các độc tố trong khói thuốc không chỉ gây hôi miệng mà còn khiến men răng bị ngả màu. Chính vì vậy, bạn nên cai thuốc lá trong thời gian sớm nhất để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống có mùi nồng.
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm chất xơ từ các loại rau xanh và trái cây để loại sạch khoang miệng một cách tự nhiên. Từ đó kích thích sản xuất nước bọt và khắc phục tình trạng hơi thở có mùi.
- Nếu thở bằng miệng, bạn nên tập thay đổi thói quen. Trong trường hợp thói quen này có liên quan đến các bệnh hô hấp, nên kiểm soát các vấn đề sức khỏe để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi một cách triệt để.
- Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát chứng trào ngược – một trong những nguyên nhân gây hôi miệng khi bọc răng sứ.
4. Tận dụng nguyên liệu tự nhiên
Hôi miệng có thể tiến triển dai dẳng gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đặc biệt là trong các cuộc gặp gỡ. Bên cạnh các phương pháp kể trên, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm hôi miệng tạm thời bằng nguyên liệu tự nhiên.
Các mẹo giảm hôi miệng khi bọc răng sứ từ nguyên liệu tự nhiên:
- Dùng dầu dừa: Súc miệng với dầu dừa là một trong những cách giảm hôi miệng tại nhà khá hiệu quả. Tinh dầu này chứa axit lauric có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm tốt. Dùng 2 thìa dầu dừa ngậm và súc miệng 2 – 3 lần/ ngày có thể giảm mùi hôi miệng, đồng thời giữ răng trắng sáng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả.
- Tinh dầu đinh hương: Đinh hương là thảo dược có mùi mạnh, vị cay tê và tính nóng. Với đặc tính khử mùi và kháng khuẩn tốt, thảo dược này thường được tận dụng để trị hôi miệng và giảm đau nhức răng. Bạn có thể pha loãng 1 ít tinh dầu đinh hương với 40ml nước và dùng súc miệng 2 lần/ ngày để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi sau khi bọc răng sứ.
- Nhai lá bạc hà: Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể dùng lá bạc hà tươi nhai trực tiếp để khắc phục tình trạng hôi miệng. Tinh dầu bạc hà có hiệu quả khử mùi, tiêu viêm và kháng khuẩn tốt. Ngay sau khi áp dụng, tình trạng hơi thở có mùi sẽ được cải thiện đáng kể. Do đó, bạn có thể áp dụng mẹo chữa này để kiểm soát tình trạng hôi miệng trong những cuộc gặp gỡ bất ngờ.
5. Kiểm soát các bệnh lý toàn thân
Nếu tình trạng hôi miệng xảy ra do các bệnh lý toàn thân, bạn nên thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp không kiểm soát kịp thời, tình trạng hơi thở có mùi có thể tiến triển dai dẳng và kéo dài. Đây còn là điều kiện để các bệnh lý trong cơ thể tiến triển nặng.
Nếu tình trạng hôi miệng không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp kể trên, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau khi các bệnh lý toàn thân được cải thiện, tình trạng hơi thở có mùi sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt để khắc phục tình trạng hôi miệng triệt để.
Bọc răng sứ có thể gây ra tình trạng hôi miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khắc phục bằng một số biện pháp đơn giản. Nếu hơi thở có mùi kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được điều chỉnh lại mão sứ, thay mão sứ mới và điều trị các bệnh lý toàn thân.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
7 Tác hại không ngờ của phủ sứ Nano bạn nên cảnh giác
Mặt Dán Sứ Veneer Ultrathin Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
6 Nguyên Nhân Răng Bọc Sứ Bị Đau Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Giải Đáp Sự Thật Bọc Răng Sứ Có Bị Hôi Miệng Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!