Bọc răng sứ là giải pháp cho những trường hợp răng ngả màu, răng thưa, răng hô vẩu và khấp khểnh nhẹ. Tuy nhiên bên cạnh các lợi ích mang lại, phương pháp này cũng tiềm ẩn không ít biến chứng. Thông tin trong bài viết sẽ đề cập về 8 biến chứng thường gặp nhất sau khi bọc răng sứ thẩm mỹ.
Bọc răng sứ và những biến chứng khó lường
Bọc răng sứ là kỹ thuật phục hình răng có thể khắc phục hầu hết các khuyết điểm của răng như răng nứt, mẻ, răng nhiễm màu nặng, chân răng dài ngắn không đồng đều, răng thưa, lệch lạc và hô nhẹ. Ngoài ra, mão răng sứ còn được sử dụng để bảo vệ cùi răng thật và khôi phục chức năng ăn nhai trong những trường hợp như sâu răng nặng, răng bị chết tủy, răng bị gãy chỉ còn chân,…
Mão răng sứ được chế tác có kích thước và hình dáng tương tự như răng thật. Sau đó, được đặt lên trên cùi răng để che phủ toàn bộ phần thân răng bên trên. Toàn bộ quá trình phục hình răng sứ không xâm lấn vào nướu, xương hàm mà chỉ mài một lớp men mỏng ngoài cùng.
Bọc răng sứ có mức độ xâm lấn thấp nên khá an toàn, thời gian thực hiện nhanh và ít tác dụng phụ hơn so với trồng răng Implant, phẫu thuật cắt xương hàm,… Tuy nhiên trên thực tế, mỗi kỹ thuật nha khoa đều tiềm ẩn một số tác dụng phụ và rủi ro.
Dưới đây là 8 biến chứng có thể gặp phải khi bọc răng sứ:
1. Hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng khá phổ biến sau khi bọc răng sứ. Tình trạng này thường xảy ra do thức ăn bám dính vào kẽ hở giữa mão răng sứ và cùi răng thật. Ngoài ra, hơi thở có mùi sau khi làm răng sứ còn có thể xảy ra do bác sĩ phục hình răng sai kỹ thuật, nha khoa sử dụng vật liệu kém chất lượng, chăm sóc răng miệng không đúng cách và thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học.
Hơi thở có mùi không ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng này tác động không nhỏ đến tâm lý và sự tự tin trong các cuộc gặp gỡ. Hơn nữa, hôi miệng do bọc răng sứ thường có đặc tính kéo dài và dai dẳng – ngay cả khi đã điều chỉnh thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng kỹ.
2. Viêm nướu răng (viêm lợi) – Biến chứng thường gặp sau khi bọc răng sứ
Viêm nướu răng là bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi cao răng tích tụ nhiều tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển và bài tiết nhiều độc tố. Độc tố từ các vi khuẩn thường trú khoang miệng chính là nguyên nhân gây viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng.
Khi bọc răng sứ sai kỹ thuật, mão sứ không sát khít với cùi răng thật sẽ tạo ra kẽ hở. Kẽ hở này chính là nơi thức ăn bám dính vào, dần dần hình thành mảng bám và cao răng. Theo thời gian, vùng nướu bao xung quanh bị kích thích dẫn đến viêm nhiễm và phù nề.
Ngoài ra, bác sĩ phục hình sai kỹ thuật cũng khiến cho nướu răng bị kích thích và tổn thương. Hậu quả là gây viêm nhiễm, chảy máu và đau nhức mô nướu trong một thời gian.
3. Tổn thương tủy răng
Tủy răng là cơ quan nằm bên trong và được bảo vệ bởi lớp ngà răng, men răng cứng chắc. Trong một số trường hợp, bọc răng sứ có thể gây tổn thương tủy răng nếu mài quá nhiều mô răng. Tủy răng có kết cấu lỏng lẻo với cấu tạo chủ yếu là tế bào thần kinh và mạch máu. Do đó khi bị tác động, cơ quan này dễ tổn thương và gần như không thể hồi phục hoàn toàn.
Những trường hợp tổn thương tủy răng khi bọc răng sứ cần phải lấy tủy trong thời gian sớm nhất để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng. Mặc dù có thể kiểm soát viêm nhiễm tiến triển và bảo tồn răng nhưng lấy tủy răng khiến răng trở nên giòn, dễ nứt, gãy và giảm tuổi thọ so với các răng khác trên cung hàm.
Để hạn chế biến chứng viêm nhiễm và hoại tử tủy răng khi làm răng sứ, bạn nên xem xét lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy. Thống kê cho thấy, phần lớn những trường hợp bị tổn thương tủy răng khi bọc răng sứ chủ yếu do thực hiện ở những phòng khám nhỏ, kém chất lượng.
4. Lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn thường xảy ra do răng mọc chen chúc, lộn xộn, răng chìa ra hoặc mọc cụp vào quá mức. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra do bác sĩ phục hình răng sứ sai kỹ thuật, mão sứ được chế tác không tương thích với cung hàm.
Sai lệch khớp cắn ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai. Về lâu dài, tình trạng này còn gia tăng nguy cơ bị mòn men răng và rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm.
5. Răng sứ bị vỡ, chênh cộm
Ngoài những biến chứng kể trên, bọc răng sứ sai kỹ thuật còn có thể gặp phải một số biến chứng khác như răng sứ chênh cộm và hở. Tình trạng này thường do bác sĩ đặt mão sứ không vị trí dẫn đến cộm, vướng khi ăn nhai. Ngoài ra, kẽ hở giữa mão sứ và cùi răng thật còn tạo điều kiện để thức ăn bám vào gây hôi miệng và tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nha khoa.
Trường hợp răng sứ bị vỡ, mẻ thường xảy ra do nha khoa sử dụng vật liệu sứ kém chất lượng. Nếu ăn nhai đồ cứng, khô và dai, mão răng sứ có thể bị nứt và bung tuột hoàn toàn khỏi cùi răng thật.
6. Đau nhức, ê buốt kéo dài
Bọc răng sứ hầu như không xâm lấn vào mô nướu và xương hàm nên chỉ gây đau nhức nhẹ trong khoảng 2 – 3 ngày và khoảng 5 – 7 ngày với những người có nền răng yếu. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức và ê buốt cũng có thể kéo dài sau khi làm răng sứ. Đây là biến chứng thường gặp do bác sĩ mài răng quá nhiều, viêm nhiễm hoặc do không điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa trước khi phục hình bằng răng sứ.
Ê buốt, đau nhức răng kéo dài không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai. Nếu xảy ra do các bệnh lý nha khoa, tình trạng sẽ không thể tự thuyên giảm. Những trường hợp này cần phải tháo mão sứ để điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa, sau đó gắn mão sứ trở lại.
Nếu không phát hiện sớm, cùi răng thật bên trong có thể bị hư hại nặng dẫn đến mất răng, đau nhức dữ dội và thậm chỉ là hình thành áp xe. Những trường hợp này bắt buộc phải nhổ bỏ răng để bảo tồn các răng lân cận. Chính vì vậy khi làm răng sứ, bạn nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và can thiệp các biện pháp khắc phục sớm.
7. Hở cổ chân răng
Hở cổ chân răng là biến chứng có thể gặp phải khi bọc răng sứ. Nếu phục hình đúng kỹ thuật, mão sứ sẽ được gắn sát khít với cùi răng và hoàn toàn không có kẽ hở với chân răng. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp phải tình trạng hở cổ chân răng do bác sĩ phục hình không đúng kỹ thuật.
Hở cổ chân răng là hiện tượng mão sứ và nướu có kẽ hở dẫn đến hở một phần cổ chân răng. Khe hở không chỉ làm giảm hiệu quả thẩm mỹ mà còn là điều kiện để thức ăn thừa tích tụ vào bên trong gây hôi miệng, sâu răng và viêm nha chu. Theo thời gian, khoảng cách giữa nướu và mão sứ sẽ tăng dần dẫn đến hở một phần lớn chân răng.
8. Tổn thương răng lân cận
Trong quá trình phục hình răng sứ, bác sĩ sẽ dùng thiết bị mài chuyên dụng mài nhỏ phần men răng ở bên ngoài để mão sứ được cố định lên phần thân trên của răng. Phần men răng thường không được mài quá 2mm để đảm bảo không gây tổn thương ngà và tủy răng. Quá trình mài răng thường diễn ra trong khoảng 10 phút/ răng và hầu như không gây đau nhức, ê buốt vì có sự hỗ trợ của thuốc gây tê.
Với những bác sĩ không có kinh nghiệm, quá trình mài răng sẽ mất nhiều thời gian hơn và có thể gây tổn thương các răng lân cận. Nếu mức độ tổn thương không đáng kể, cảm giác ê buốt và đau nhức sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 ngày. Tuy nhiên với tác động mạnh, răng có thể bị nứt, mẻ và thậm chí là gãy, vỡ.
Cách phòng tránh biến chứng sau khi bọc răng sứ
Về cơ bản, bọc răng sứ là kỹ thuật nha khoa khá an toàn vì hầu như không xâm lấn vào xương hàm và mô nướu. Những trường hợp gặp phải biến chứng đều do tay nghề của bác sĩ và không biết cách chăm sóc. Để hạn chế biến chứng và rủi ro khi can thiệp phương pháp này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Chỉ làm răng sứ khi cần thiết
Làm răng sứ mang đến hiệu quả thẩm mỹ cao và đặc biệt là có thể thiết kế nụ cười theo cá tính, sở thích. Chính vì vậy, rất nhiều người thực hiện phương pháp này để cải thiện ngoại hình và tăng sự tự tin hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, những khuyết điểm của răng hoàn toàn có thể cải thiện bằng các biện pháp an toàn hơn như tẩy trắng răng, hàn trám,…
Bọc răng sứ phải xâm lấn vào men răng nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến phần ngà răng bên trong. Hơn nữa sau khi đã thực hiện phương pháp này, bạn không thể chỉnh nha và bắt buộc phải làm lại mão sứ sau khoảng 5 – 10 năm (tùy theo tuổi thọ của từng chất liệu). Vì vậy, bạn chỉ nên bọc răng sứ trong những trường hợp cần thiết. Nếu có giải pháp an toàn hơn và không phải xâm lấn răng, nên lựa chọn thay vì làm răng sứ.
2. Lựa chọn nha khoa đáng tin cậy
Chọn nha khoa uy tín để thực hiện bọc răng sứ là cách hiệu quả nhất giúp hạn chế tối đa biến chứng và rủi ro phát sinh. Thực tế cho thấy, đa phần những trường hợp gặp phải biến chứng đều do thực hiện ở các cơ sở không đảm bảo, bác sĩ tay nghề yếu kém và thiếu kinh nghiệm.
Bọc răng sứ được thực hiện bởi những bác sĩ có năng lực, tay nghề cao mang lại hiệu quả tối ưu cả về chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Những ca làm răng sứ thành công luôn đảm bảo mão sứ sát khít với chân răng, hoàn toàn không gặp phải tình trạng hở kẽ hay chênh cộm. Ngoài ra, các ca làm răng sứ được thực hiện theo đúng kỹ thuật sẽ tuổi thọ cao nếu được chăm sóc tốt.
3. Chăm sóc hợp lý
Chế độ chăm sóc là vấn đề cần lưu ý sau khi bọc răng sứ. Chăm sóc đúng cách giúp răng sứ ổn định trên cung hàm và hạn chế tối đa các biến chứng sau khi phục hình răng. Do đó ngoài việc lựa chọn địa chỉ nha khoa đáng tin cậy, bạn cũng cần xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý.
Cách chăm sóc sau khi bọc răng sứ giúp hạn chế tối đa rủi ro và biến chứng:
- Khoảng 24 – 48 giờ sau khi bọc răng sứ, bạn có thể ăn uống trở lại như bình thường. Tuy nhiên, cần tránh thức ăn khô, cứng và dai để tránh tình trạng ê buốt và đau nhức. Trong vài ngày đầu, nên dùng thức ăn mềm, lỏng và nguội để răng sứ quen dần với áp lực trong quá trình ăn nhai.
- Để kéo dài tuổi thọ của răng sứ, nên hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều axit và có màu đậm. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh dùng thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng. Nhiệt độ cao, thấp đều có thể làm giảm độ bền và ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng sứ.
- Nhai đều 2 bên răng để tránh tình trạng mòn men và đau nhức, ê buốt.
- Nên sử dụng máng chống nghiến nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi những thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng răng cạy và cắn xé các vật cứng.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng để đảm bảo răng sứ được làm sạch, từ đó hạn chế lượng mảng bám và cao răng tích tụ. Ngoài ra, giữ vệ sinh răng miệng tốt còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa như viêm nướu, sâu răng và hôi miệng.
- Tái khám định kỳ 6 tháng/ lần để được đánh giá tình trạng răng sứ, sức khỏe răng miệng và cạo vôi răng. Thăm khám thường xuyên có vai trò quan trọng giúp phát hiện và xử lý sớm những bất thường sau khi phục hình răng sứ.
- Chú ý những biểu hiện sau khi bọc răng sứ. Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên thăm khám sớm để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
Trên đây là 8 biến chứng có thể gặp phải khi bọc răng sứ. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những rủi ro có thể gặp phải khi can thiệp phương pháp này. Từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa và hạn chế biến chứng hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bọc Răng Sứ Có Tháo Ra Được Không? Có Đau Không?
Răng Cửa To Có Mài Được Không? Có Nên Mài? Lưu Ý Gì?
Phủ Sứ Nano Là Gì? Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
Bọc Răng Sứ Có Hại Gì Không? Mất Thời Gian Bao Lâu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!