Thông thường, bọc răng sứ không cần phải lấy tủy răng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tủy trước khi phục hình để đảm bảo hiệu quả. Nếu không loại bỏ tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử, cùi răng thật sẽ bị hư tổn, lung lay và suy yếu sau một thời gian.
Bọc răng sứ được xem là giải pháp phục hình răng toàn diện. Phương pháp này có thể khôi phục hình thể và các chức năng sinh lý của răng như ăn nhai và hỗ trợ phát âm. Ngoài ra, bọc răng sứ còn cải thiện các khuyết điểm của răng (răng hô vẩu, răng ngả màu, răng thưa, răng nứt, mẻ,…) và thiết kế nụ cười theo mong muốn.
Chính vì mang lại nhiều lợi ích, bọc răng sứ trở nên rất phổ biến và được ưa chuộng trong những năm gần đây. Với sự phát triển của lĩnh vực Nha khoa và sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ hiện đại, răng sứ sau khi phục hình có màu sắc, rìa cắn và đường vân gần như răng thật. Đặc biệt, các vật liệu sứ được sử dụng hiện nay có tuổi thọ cao, dao động từ 5 – 15 năm tùy theo chất liệu cụ thể.
Bọc răng sứ có cần phải lấy tủy không? Tại sao phải lấy tủy?
Lấy tủy (điều trị tủy răng/ điều trị nội nha) là kỹ thuật nha khoa phức tạp được ứng dụng trong điều trị viêm tủy răng không hồi phục và những trường hợp tủy răng bị hoại tử (răng chết tủy). Tủy răng có cấu tạo phức tạp, mỗi răng gồm có từ 2 – 4 ống tủy tùy theo từng vị trí.
Tủy là cơ quan có kết cấu lỏng lẻo với cấu tạo chủ yếu là mạch máu và dây thần kinh. Cơ quan này có vai trò thụ cảm, dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng ngà răng. Tuy nhiên khi tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử, bác sĩ sẽ loại bỏ tủy và trám bít buồng tủy để ngăn viêm nhiễm lan rộng.
Loại bỏ tủy răng đồng nghĩa với việc răng không được nuôi dưỡng, trở nên giòn và suy yếu sau một thời gian. Răng sau khi rút tủy gần như không thể cảm nhận được bất cứ cảm giác nào do mạch máu và dây thần kinh đã bị hư hại hoàn toàn.
Bọc răng sứ có phải lấy tủy không là vấn đề rất được quan tâm. Bởi không ít người lo ngại, răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên suy yếu và dễ tổn thương. Trên thực tế, đa phần các trường hợp bọc răng sứ không phải lấy tủy răng. Phương pháp này chỉ can thiệp đến phần men răng ngoài cùng để tạo không gian cho mão sứ lắp vào cùi răng thật.
Tuy nhiên, lấy tủy răng cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp phục hình bằng răng sứ. Phương pháp này được thực hiện nhằm loại bỏ ổ viêm nhiễm để đảm bảo quá trình làm răng sứ diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.
Nếu không điều trị tủy, tủy răng bị viêm nhiễm sẽ tiếp tục phát triển gây tổn thương chóp răng, mô nướu và các tổ chức nha chu. Sau một thời gian, răng thật sẽ bị hư hại dẫn đến phải làm lại răng sứ. Trường hợp nặng có thể bị mất răng vĩnh viễn và phải can thiệp trồng răng Implant hoặc làm cầu răng sứ để khôi phục hình dáng, chức năng vốn có.
Khi nào cần điều trị tủy khi bọc răng sứ?
Như đã đề cập, những trường hợp cần thiết mới phải lấy tủy răng trước khi bọc răng sứ. Nếu răng không có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ mài răng như bình thường, sau đó lấy dấu mẫu hàm và thiết kế mão sứ phù hợp với vị trí răng cần phục hình.
Dưới đây là những trường hợp cần điều trị tủy khi bọc răng sứ:
- Sâu răng ăn vào tủy: Sâu răng ăn vào tủy là tình trạng sâu răng đã chuyển biến nặng. Lúc này, vi khuẩn Streptococcus mutans đã xâm nhập và gây viêm nhiễm phần tủy răng bên trong. Do đó trước khi bọc răng sứ, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy và nạo vét phần ngà răng bị sâu. Sau đó, sát khuẩn và mài nhỏ phần men răng bên ngoài để chuẩn bị cho quá trình phục hình bằng răng sứ.
- Viêm tủy răng không hồi phục: Với những trường hợp viêm tủy răng không hồi phục, giải pháp tối ưu là lấy tủy để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng. Sau khi phần tủy răng đã được loại bỏ, bác sĩ sẽ dùng gutta percha để trám bít buồng tủy và tiến hành làm răng sứ nhằm khôi phục hình dáng, chức năng của răng.
- Hoại tử tủy (chết tủy): Chết tủy là tình trạng các mạch máu, dây thần kinh bên trong tủy răng đã bị phá hủy hoàn toàn. Lúc này, tủy răng đã mất toàn bộ các chức năng vốn có nên không thể nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền cảm giác. Tương tự như viêm tủy răng không hồi phục, những trường hợp hoại tử tủy cũng cần điều trị nội nha trước khi bọc răng sứ.
Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng của từng trường hợp để xem xét có nên lấy tủy răng hay không. Bởi loại bỏ tủy đồng nghĩa với việc răng không còn được nuôi dưỡng và trở nên giòn, dễ hư tổn sau một thời gian. Chính vì vậy, điều trị tủy khi bọc răng sứ chỉ được thực hiện trong những trường hợp cần thiết.
Quy trình bọc răng sứ lấy tủy
Bọc răng sứ lấy tủy có quy trình phức tạp hơn so với làm răng sứ thông thường. Bản thân tủy răng là cơ quan có cấu tạo phức tạp hơn so với ngà và men răng. Hơn nữa, số lượng và cấu tạo của ống tủy có sự khác biệt giữa các răng, độ tuổi và cơ địa của từng người. Do đó, quá trình lấy tủy thường diễn ra trong 2 – 4 ngày tùy theo từng trường hợp và mất thêm khoảng 2 ngày để phục hình bằng răng sứ.
Bọc răng sứ lấy tủy diễn ra theo quy trình sau:
- Trước tiên, bác sĩ sẽ khám răng miệng và chụp X quang cận chóp, X quanh toàn cảnh để đánh giá chính xác tình trạng chân răng và tủy răng. Thông qua kết quả của các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét có nên lấy tủy răng hay không.
- Với những trường hợp cần lấy tủy, bác sĩ sẽ tiến hành mở ống tủy và tạo hình khoang tủy. Sau đó, dùng trâm máy và trâm tay để làm sạch toàn bộ tủy răng ở bên trong.
- Sau khi tủy được làm sạch, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch sát khuẩn nhằm vô trùng buồng tủy và trám bít lại bằng gutta percha. Cuối cùng, hàn kín buồng tủy để chuẩn bị cho quá trình phục hình răng sứ.
- Khi răng đã được lấy tủy, bác sĩ sẽ mài nhỏ một lớp men răng ngoài cùng. Kế tiếp lấy dấu mẫu hàm và chuyển thông tin về phòng labo để chế tác mão răng sứ.
- Trong thời gian chờ phòng labo chế tác mão sứ, bác sĩ sẽ gắn tạm mão răng bằng nhựa để bạn có thể ăn uống thoải mái. Sau đó, quay trở lại phòng khám để hoàn thiện quá trình phục hình sau khoảng 2 – 3 ngày.
- Mão răng sau khi chế tác sẽ được đặt trực tiếp lên cùi răng và cố định bằng keo nha khoa chuyên dụng. Bác sĩ sẽ điều chỉnh sao cho mão răng đặt đúng vị trí, không gặp phải tình trạng hở và chênh cộm.
Bọc răng sứ lấy tủy mất nhiều thời gian hơn so với những trường hợp làm răng sứ thông thường. Tuy nhiên khi răng đã được lấy tủy, bác sĩ không cần phải gây tê trong quá trình mài vì răng hầu như không thể cảm nhận được cơn đau hay cảm giác ê buốt.
Bọc răng sứ sau khi lấy tủy có đau không?
Bọc răng sứ sau khi lấy tủy có đau không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Như đã đề cập, răng sau khi lấy tủy gần như không thể cảm nhận được nhiệt độ, cảm giác ê buốt và đau nhức. Do đó, bọc răng sứ sau khi đã lấy tủy hầu như không gây đau.
Tuy nhiên, quá trình mài răng có thể gây tổn thương mô nướu lân cận dẫn đến tình trạng sưng đau nhẹ. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. So với răng chưa lấy tủy, những trường hợp điều trị tủy trước khi bọc răng sứ ít bị đau nhức và ê buốt hơn.
Răng đã lấy tủy bọc sứ được bao lâu?
Răng đã lấy tủy không còn được nuôi dưỡng nên tuổi thọ sẽ thấp hơn bình thường. Theo các chuyên gia, răng đã loại bỏ tủy có thể tồn tại được trong 10 – 15 năm. Tuy nhiên nếu bọc răng sứ, cùi răng thật bên trong sẽ được bảo vệ nên tuổi thọ có thể tăng lên khoảng 15 – 20 năm và có thể lên đến 25 năm nếu chăm sóc đúng cách.
Răng sứ chỉ có tuổi thọ từ 5 – 7 năm nếu dùng mão sứ kim loại, 7 – 10 năm với răng toàn sứ và 15 năm đối với răng sứ kim loại quý. Sau thời gian này, bạn cần làm lại răng sứ để đảm bảo có thể bảo vệ được cùi răng thật bên trong. Nếu không thay mão sứ theo đúng thời gian, răng thật sẽ bị hư tổn và giảm tuổi thọ đáng kể.
Chính vì có khả năng bảo vệ cùi răng thật, các bác sĩ thường khuyến cáo những người đã lấy tủy răng nên bọc răng sứ thay vì hàn trám thông thường. Ngoài ra, răng sứ còn giúp khôi phục hình dáng và màu sắc của răng. Bởi sau một thời gian lấy tủy, men răng sẽ ngả sang màu xám và đen gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Bọc răng sứ cho răng đã lấy tủy bao nhiêu tiền?
Bọc răng sứ cho răng đã lấy tủy có giá thành tương tự như những trường hợp khác. Tuy nhiên, bạn phải chuẩn bị thêm chi phí lấy tủy răng (khoảng 400.000 đồng – 1 triệu đồng tùy theo từng trường hợp).
Chi phí bọc răng sứ phụ thuộc vào chất liệu mão sứ mà bạn lựa chọn, cơ sở thực hiện và một số yếu tố khách quan khác. Trong đó, răng sứ kim loại là vật liệu có chi phí thấp nhất. Để có sự chuẩn bị tốt trước khi làm răng sứ, bạn nên tham khảo bảng giá phục hình răng sứ cho răng đã lấy tủy:
- Răng sứ kim loại có giá 1.5 triệu đồng
- Răng sứ Titan có giá 2.5 – 3 triệu đồng
- Răng sứ toàn sứ có giá 3.5 – 12 triệu đồng tùy vật liệu
- Răng kim loại vàng có giá 15 – 25 triệu đồng
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ những trường hợp cần phải lấy tủy trước khi bọc răng sứ. Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi thêm với bác sĩ để xem xét việc có nên điều trị tủy răng hay không.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Có nên bọc sứ răng cửa không? Giá bao nhiêu?
Công Nghệ Bọc Răng Sứ NaNo Majestic 5k: Ưu Nhược Điểm Và Giá Cả
Bọc Răng Sứ Có Hại Gì Không? Mất Thời Gian Bao Lâu?
Răng Sâu Nặng Chỉ Còn Chân Răng Có Bọc Răng Sứ Được Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!