Sốt khi mọc răng có thể khiến trẻ chán ăn, quấy khóc và mệt mỏi. Thậm chí, một số trẻ còn bị mất ngủ, khó ngủ trong thời gian này. Vì vậy, mẹ nên trang bị một số cách giúp bé mọc răng không bị sốt để hạn chế tối đa những triệu chứng khó chịu.
Vì sao trẻ hay bị sốt khi mọc răng?
Trẻ bắt đầu mọc chiếc răng sữa đầu tiên vào khoảng tháng thứ 6 và sẽ hoàn thiện bộ răng sữa vào thời điểm 3 – 4 tuổi. Vấn đề thường gặp nhất khi trẻ mọc răng đó là sốt và viêm nướu răng. Khi mầm răng nhú lên, mô nướu xung quanh sẽ bị kích thích dẫn đến hiện tượng sưng tấy, đau nhức và nóng sốt hơn so với những vùng nướu xung quanh.
Để bảo vệ cơ thể, các tế bào miễn dịch bên trong hạch bạch huyết nằm ở góc hàm sẽ di chuyển về vị trí răng đang mọc và sản sinh các chất gây sốt nội sinh như interleukin 1 và 6. Các chất này tác động đến khu điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi của não. Hệ quả là khiến thân nhiệt tăng lên trong khoảng vài ngày khi mọc răng. Nói một cách khác, sốt là biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động để bảo vệ cơ thể.
Đối với những trẻ có cơ địa nhạy cảm, trẻ có thể bị sốt cao và mệt mỏi nhiều trong thời gian mọc răng. Tuy nhiên cũng có những trẻ chỉ bị sốt nhẹ hoặc thậm chí là không sốt. Nhìn chung, hiện tượng sốt khi mọc răng sữa ở trẻ nhỏ là hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ không bị sốt, mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi tình trạng này bị chi phối bởi cơ địa và nhiều yếu tố khác.
Cách giúp bé mọc răng không bị sốt mẹ nên biết
Sốt khi mọc răng khiến trẻ trở nên mệt mỏi, bỏ bú, chán ăn và hay quấy khóc. Để giúp bé mọc răng không bị sốt, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Dùng khăn lạnh massage nướu
Như đã đề cập, mầm răng sữa nhú lên sẽ kích thích toàn bộ nướu bao bọc xung quanh răng. Do đó, nướu và vùng da xung quanh răng đang mọc có thể bị sốt nhẹ. Trong trường hợp này, mẹ có thể dùng khăn thấm nước lạnh và massage nhẹ nhàng xung quanh nướu.
Hơi lạnh từ khăn giúp giảm hiện tượng sưng tấy, đỏ nóng và giảm ngứa lợi trong thời gian mọc răng. Ngay khi trẻ có dấu hiệu mọc răng, mẹ nên thực hiện biện pháp này trong khoảng vài lần/ ngày. Chỉ sau 3 – 4 ngày, tình trạng sốt và khó chịu sẽ thuyên giảm hoàn toàn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể chườm khăn mát ở cổ, nách và bẹn để hạ sốt cho bé.
2. Cho trẻ dùng thức ăn mềm, nguội
Trong thời gian mọc răng, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên để làm dịu nướu răng bị sưng viêm. Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, sữa mẹ còn cung cấp kháng thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm tình trạng mệt mỏi rõ rệt. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên chế biến các món ăn mềm, lỏng và nguội để trẻ ăn trong thời gian này.
Các món ăn mềm, nguội có thể hạn chế mức độ kích thích lên nướu răng. Đồng thời làm dịu mầm răng và vùng nướu xung quanh bị kích thích. Khi chế biến món ăn, mẹ nên cân bằng giữa ngũ cốc, rau củ, thịt cá, trứng, sữa… để phục hồi sức khỏe cho bé và giảm nhanh tình trạng mệt mỏi trong thời gian mọc răng.
3. Tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên
Ngoài ra, mẹ cũng có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nhà để giúp bé mọc răng không bị sốt. Đa phần các nguyên liệu này đều an toàn với trẻ nhỏ và có hiệu quả hạ thân nhiệt.
Các nguyên liệu tự nhiên mẹ có thể dùng để giúp trẻ mọc răng không bị sốt:
- Lá hẹ: Lá hẹ có tác dụng giảm sưng và hạ sốt hiệu quả. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu mọc răng, mẹ nên luộc lá hẹ lấy nước và cho trẻ uống. Nước lá hẹ có vị ngọt thanh tự nhiên nên dễ uống và thích hợp với trẻ nhỏ. Chỉ sau 1 – 2 ngày, tình trạng sốt và sưng nướu răng sẽ giảm đi hoàn toàn.
- Nhai trái cây tươi: Nhai trái cây tươi cũng là cách giảm sưng đau và sốt khi mọc răng ở trẻ nhỏ. Mẹ nên gọt trái cây, sau đó cắt thành miếng vừa phải cho trẻ nhai. Hàm lượng nước trong trái cây sẽ giúp làm dịu nướu răng đang bị tấy đỏ và đau nhức. Ngoài ra, vitamin trong các loại trái cây cũng giúp tăng cường sức đề kháng và giảm mệt mỏi, sốt cao ở trẻ đang mọc răng.
- Dùng dầu dừa: Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể dùng dầu dừa thoa xung quanh nướu răng để giảm sưng nướu và đau nhức răng. Nguyên liệu này khá an toàn và lành tính với trẻ nhỏ. Sau khi thoa khoảng 5 – 10 phút, mẹ dùng khăn vải ẩm để lau sạch phần dầu dừa. Áp dụng cách này 2 – 3 lần/ ngày có thể hạn chế được tình trạng sốt cao khi mọc răng.
4. Cho trẻ ngậm núm vú giả để lạnh
Ngoài những cách trên, mẹ cũng có thể cho trẻ ngậm núm vú để lạnh trong ngăn mát từ 20 – 30 phút. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp làm dịu nướu răng và giảm đau nhức. Khi mọc răng, nướu sẽ dễ bị ngứa và khó chịu. Do đó, cho trẻ ngậm núm vú giả để lạnh vừa có thể hạ sốt vừa giúp giảm đau nhức và ngứa nướu.
5. Sử dụng thuốc không kê toa
Trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể sử dụng thuốc Paracetamol để giảm đau và hạ sốt khi mọc răng. Nếu trẻ sốt cao, đau nhức nhiều và quấy khóc, mẹ có thể cho trẻ sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ để dùng đúng liều lượng. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ dùng trong 1 – 2 ngày, tránh tình trạng lạm dụng quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Một số vấn đề mẹ cần chú ý khi trẻ mọc răng
Hành trình chăm sóc con cái thật sự không dễ dàng, nhất là với những người lần đầu tiên làm mẹ. Sốt khi mọc răng là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Mặc dù vậy, tình trạng này khiến cho sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng đáng kể.
Do đó khi con trẻ mọc răng, mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Khi mọc răng, trẻ dễ bị mất nước do sốt và tiêu chảy. Vì vậy, mẹ nên cố gắng cho trẻ bú trong thời gian này. Ngoài ra, nên bổ sung thêm nước cho trẻ bằng cách uống nước, sữa tươi và dùng một số loại trái cây chứa hàm lượng nước dồi dào.
- Khi chiếc răng đã mọc lên cung hàm, cần dùng khăn ẩm vệ sinh răng sau khi bữa ăn. Bởi mảng bám có thể tích tụ khiến răng bị sâu và nướu bị sưng viêm.
- Trong thời gian mọc răng, mẹ nên vệ sinh đồ chơi của bé và cất những đồ chơi cứng, có góc nhọn. Trẻ có thể ngậm và cắn các đồ chơi này khiến cho nướu răng bị loét, chảy máu.
- Tắm nước ấm cho trẻ để giảm tình trạng khó chịu khi mọc răng. Ngoài ra, nước ấm còn giúp thư giãn cơ và giảm mệt mỏi rõ rệt.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé để tránh tình trạng tăng thân nhiệt quá mức. Ngoài ra, nên cho trẻ ở trong nhà khi đang mọc răng. Bởi thời điểm này hệ miễn dịch của bé tương đối nhạy cảm và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Chú ý những biểu hiện của trẻ trong thời gian mọc răng và cho trẻ gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
Trên đây là một số cách giúp bé mọc răng không bị sốt mẹ có thể áp dụng. Trong đó, nên ưu tiên thực hiện các biện pháp không sử dụng thuốc và chỉ cho bé dùng thuốc giảm đau, hạ sốt khi sốt cao. Nếu cần thiết, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương pháp xử lý an toàn, hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm lợi có mủ ở trẻ em: Chăm sóc và điều trị
Trẻ bị viêm lợi và sốt nguy hiểm không? Cách trị an toàn cho bé
Răng Trẻ Bị Ố Vàng: Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục
Trẻ 8 Tháng Chưa Mọc Răng Có Đáng Lo? Cần Bổ Sung Gì Cho Bé
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!