Trẻ bị sún răng, viêm lợi có nguy hiểm không?

Trẻ bị sún răng, viêm lợi thường không nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, các bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, gây khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, viêm lợi không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác. 

trẻ bị sún răng viêm lợi
Sún răng, viêm lợi là các bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ nhỏ

Sún răng có gây viêm lợi không?

Sún răng là tình trạng tiêu răng sữa khiến cho thể tích của răng giảm dần theo thời gian. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Sún răng bắt đầu từ đốm nâu trên bề mặt răng, sau đó gây tiêu, mủn răng dần đến khi chỉ còn lại phần chân răng đen ở sát lợi. Răng bị sún thường không gây đau nhức, ê buốt nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống và cuộc sống của bé.

Sún răng thực chất là một dạng tổn thương răng nông. Chính vì vậy, tủy răng không bị hư hại, viêm nhiễm nên hầu như không gây đau và không gây ra các biến chứng như viêm tủy răng, áp xe quanh chóp răng như sâu răng ở trẻ em. Khi răng bị tiêu, mủn hoàn toàn chỉ còn lại phần chân, lợi có thể sưng viêm, chảy máu có mùi hôi khó chịu trong vài ngày sau trở lại bình thường.

Bệnh sún răng hoàn toàn không gây viêm nướu (viêm nướu răng). Tình trạng viêm lợi xảy ra cùng lúc với sún răng có thể do vệ sinh răng miệng kém khiến cao răng tích tụ nhiều ở chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm và sưng đỏ mô nướu.

Phần chân răng bị sún có màu đen bóng và nằm sát bên trong lợi. Chân răng có thể tồn tại từ 3 – 4 năm và bị thay thế khi mọc răng vĩnh viễn. Vì vậy, sún răng ở trẻ thường không có chỉ định nhổ bỏ. Tự ý nhổ chân răng bị sún có thể gây ra tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm, chen chúc và thậm chí có những trường hợp không mọc răng.

Trẻ nhỏ bị sún răng, viêm lợi có nguy hiểm không?

Sún răng, viêm lợi là các bệnh nha khoa thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây đều là những bệnh lý nha khoa có mức độ nhẹ và triệu chứng mờ nhạt. Đối với sún răng, bệnh gây hư hại thân răng nhiều nhưng hầu như không gây đau nhức hay khó chịu. Hơn nữa, sún răng cũng không ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn, các răng và cơ quan lân cận.

trẻ bị sún răng viêm lợi
Sún răng thường không gây đau nhức, ê buốt nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nhai

Ngược lại, viêm lợi là bệnh lý cần điều trị sớm để tránh chuyển biến nặng. Viêm lợi xảy ra do cao răng tích tụ nhiều ở chân răng tạo môi trường cho hại khuẩn phát triển. Độc tố từ vi khuẩn sản xuất chính là yếu tố trực tiếp gây tổn thương mô nướu, lợi chảy máu, rỉ dịch và mủ.

Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp, có thể cải thiện sau khi cạo vôi răng và vệ sinh răng miệng đúng cách. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng có thể chuyển biến nặng gây tổn thương các cơ quan kế cận như cement, dây chằng nha chu và xương ổ răng.

Cách điều trị sún răng, viêm lợi ở trẻ nhỏ

Trẻ bị sún răng, viêm lợi có thể gặp khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, mô lợi bị viêm nhiễm còn dễ đau nhức, chảy máu khi ăn và chải răng. Để bảo vệ sức khỏe cho bé, phụ huynh nên áp dụng các biện pháp điều trị sau:

1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng trong điều trị sún răng, viêm lợi ở trẻ nhỏ. Khi răng miệng được làm sạch, số lượng hại khuẩn trong khoang miệng sẽ giảm đi đáng kể, qua đó ngăn chặn viêm lợi và sún răng tiến triển.

trẻ bị sún răng viêm lợi
Mẹ nên chải răng cho trẻ sau khi ăn, bú sữa để ngăn ngừa hình thành mảng bám và cao răng

Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện tình trạng trẻ bị sún răng, viêm lợi:

  • Nên chải răng cho trẻ bằng nước lạnh sau mỗi bữa ăn. Vì răng và mô nướu của trẻ khá nhạy cảm nên mẹ cần lựa chọn bàn chải có kích thước nhỏ, lông chải mềm và mảnh để dễ dàng loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng.
  • Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ và quấy khóc nhiều khi chải răng, mẹ có thể dùng khăn ẩm mềm lau nhẹ nhàng mô nướu và răng sau khi trẻ ăn, bú sữa. Ngoài ra, nên hạn chế cho trẻ dùng bình để bú vì thói quen này làm tăng hình thành mảng bám hơn so với uống bằng ly.
  • Cho trẻ súc miệng với nước lọc sau khi ăn để làm sạch khoang miệng. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho trẻ dùng nước muối pha loãng để súc miệng sau khi chải răng để tăng hiệu quả làm sạch.
  • Kiểm tra răng miệng của bé trước khi ngủ để đảm bảo răng miệng đã được làm sạch, không còn thức ăn thừa và mảng bám ứ đọng.

Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng khi điều trị sún răng và viêm lợi ở trẻ em. Phụ huynh cũng nên cho trẻ duy trì những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa thường gặp khác.

2. Bổ sung vitamin, khoáng chất

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh sún răng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho răng bệnh lý này có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Do đó ngoài vệ sinh răng miệng đúng cách, phụ huynh nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho bé.

Cách bổ sung vitamin, khoáng chất giúp cải thiện tình trạng trẻ bị sún răng, viêm lợi:

  • Vitamin C là thành phần quan trọng đối với mô nướu và răng. Loại vitamin này có vai trò tổng hợp collagen với chức năng liên kết toàn bộ các mô trong cơ thể. Thiếu vitamin C được xem là yếu tố quan trọng gây ra bệnh viêm lợi và sún răng ở trẻ nhỏ.
  • Ngoài ra, phụ huynh cũng nên bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin D, canxi, magie, kẽm,… để nâng cao sức khỏe răng miệng cho bé.
  • Trẻ bị viêm lợi sún răng thường gặp khó khăn khi ăn uống do thể tích của răng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, phụ huynh nên chế biến cho trẻ các món ăn mềm, lỏng và dễ nhai như cháo, miến, bún,…

3. Cạo vôi răng + trám răng

Ngoài các biện pháp chăm sóc tại nhà, phụ huynh nên sắp xếp thời gian đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm. Tùy theo tình trạng răng miệng của từng trẻ, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp điều trị như:

trẻ bị sún răng viêm lợi
Khi trẻ bị sún răng viêm lợi, mẹ nên sắp xếp thời gian đưa trẻ đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị sớm
  • Cạo vôi răng: Cạo vôi răng là phương pháp điều trị viêm lợi cho cả trẻ em và người lớn. Cao răng tích tụ quá mức chính là nguyên nhân khiến cho hại khuẩn phát triển gây viêm nhiễm mô nướu. Sau khi cao răng được loại bỏ, hiện tượng viêm, phù nề nướu răng sẽ được cải thiện đáng kể.
  • Trám răng: Đối với trường hợp sún răng nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành nạo sạch phần mủn rồi sử dụng vật liệu chuyên dụng để hàn trám lại. Biện pháp này có thể ngăn sún răng tiến triển và bảo tồn hình dáng, chức năng ăn nhai của răng. Tuy nhiên sau một thời gian, sún răng sẽ tiếp tục phát triển đến khi răng chỉ còn lại phần chân sát với bờ lợi.

Ngoài ra, mẹ cũng nên đưa trẻ đến nha khoa khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những vấn đề nha khoa tiềm ẩn. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi mọc răng sữa và răng vĩnh viễn cần được chăm sóc đặc biệt để đảm bảo răng mọc thuận lợi, không bị lệch lạc và chen chúc.

Trẻ bị sún răng viêm lợi có thể gây khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng này không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc, điều trị đúng cách. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý những biểu hiện bất thường ở con trẻ để đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!