Lấy tủy răng khi mang thai không được khuyến khích vì tiềm ẩn rủi ro và tác dụng phụ. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét chữa tủy trong 3 tháng giữa thai kỳ để kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do vi khuẩn lây lan.
Lấy tủy răng khi mang thai được không?
Khi mang thai, mẹ bầu phải đối mặt với nhiều vấn đề răng miệng do ảnh hưởng của hormone thai kỳ, hệ miễn dịch suy giảm, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh,… Một trong những bệnh nha khoa thường gặp ở bà bầu là viêm tủy răng. Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm do sâu răng, viêm nha chu tiến triển hoặc cũng có thể xảy ra do chấn thương.
Lấy tủy răng (điều trị nội nha, diệt tủy răng) là phương pháp điều trị chính đối với bệnh viêm tủy răng không hồi phục (viêm tủy răng cấp, mãn tính và viêm tủy răng hoại tử). Trong những trường hợp này, tủy răng đã hoàn toàn mất chức năng nên việc loại bỏ tủy là điều cần thiết. Nếu để kéo dài, vi khuẩn bên trong khoang tủy có thể phát triển và lây lan sang các cơ quan khỏe mạnh. Hậu quả là dẫn đến nhiều biến chứng như áp xe chân răng, viêm niêm mạc má, viêm sàn miệng, viêm nhiễm đường hô hấp trên,…
Khác với người bình thường, phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nên có thể gặp phải tác dụng khi lấy tủy răng. Vậy, phụ nữ mang thai có lấy tủy răng được không?
Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, lấy tủy răng không phải là giải pháp ưu tiên đối với mẹ bầu bởi phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý. Hơn nữa trong thời gian mang thai, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với hoạt tính từ thuốc gây tê và các vật liệu nhân tạo được sử dụng để trám bít khoang tủy.
Tuy nhiên, viêm tủy răng khi mang thai không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, vào 3 tháng giữa thai kỳ (từ tháng thứ 4 – 6), bác sĩ có thể cân nhắc lấy tủy răng cho bà bầu. Đây là thời điểm thai nhi đã ổn định và ít bị tác động từ thuốc gây tê, tia X trong quá trình chụp X-Quang.
Nếu đang mang thai, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được cân nhắc thời điểm lấy tủy răng phù hợp. Ngoài ra để giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi, bác sĩ sẽ sử dụng tia X với liều lượng rất nhỏ. Đồng thời thực hiện thêm một số biện pháp bảo vệ như cách ly tuyến giáp và mặc áo chì.
Tóm lại, phụ nữ mang thai có thể lấy tủy răng trong 3 tháng giữa thai kỳ. Tuy nhiên trước khi can thiệp phương pháp này, cần trao đổi cụ thể với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng thuốc và một số vấn đề liên quan để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện.
Quy trình diệt tủy răng cho bà bầu
Diệt tủy răng là giải pháp tối ưu đối với viêm tủy răng không hồi phục. Loại bỏ tủy răng kịp thời giúp kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các cơ quan lân cận. Ngoài ra, phương pháp này còn có tác dụng bảo tồn răng và xương ổ răng bởi nếu để kéo dài, răng có thể bị hư hại nặng và buộc phải nhổ bỏ.
Quy trình diệt tủy răng cho bà bầu:
- Bước 1: Bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng để xác định vị trí răng bị viêm tủy. Sau đó, yêu cầu chụp X-Quang để đánh giá chính xác tổn thương ở khoang tủy và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
- Bước 2: Sử dụng thuốc gây tê để giảm cảm giác đau nhức khi lấy tủy răng. Nếu bị dị ứng thuốc tê, bà bầu sẽ được đặt thuốc diệt tủy và quay trở lại phòng khám sau vài ngày để lấy tủy. Tuy nhiên trong trường hợp tủy đã hoại tử hoàn toàn và mất cảm giác, bước này không nhất thiết phải thực hiện.
- Bước 3: Sử dụng đê cao su để cách ly răng cần điều trị với khoang miệng. Điều này đảm bảo vi khuẩn trong nước bọt không đi vào khoang tủy và giúp quá trình lấy tủy diễn ra thuận lợi hơn.
- Bước 4: Dùng dụng cụ chuyên dụng bộc lộ khoang tủy và dùng trâm tay, trâm máy để làm sạch tủy răng bị viêm nhiễm. Cấu trúc tủy tương đối phức tạp nên bác sĩ sẽ tiến hành bơm rửa nhiều lần để hạn chế tình trạng sót tủy gây tái phát viêm tủy răng.
- Bước 5: Làm khô và sát khuẩn khoang tủy để đảm bảo tủy răng được làm sạch hoàn toàn. Cuối cùng, bác sĩ sẽ dùng vật liệu nhân tạo (thường là nhựa gutta percha) để trám bít khoang tủy.
- Bước 6: Sau đó, bạn có thể lựa chọn phục hình bằng cách hàn trám hoặc bọc mão răng sứ để tăng tuổi thọ, đồng thời cải thiện chức năng thẩm mỹ của răng.
Quy trình diệt tủy răng cho bà bầu sẽ diễn ra từ 1 – 2 lần hẹn tùy theo vị trí răng tổn thương. Đối với răng chỉ có 1 ống tủy (răng cửa), quá trình thực hiện sẽ diễn ra nhanh chóng và chi phí thấp hơn. Ngược lại với răng có từ 2 – 3 ống tủy, thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 2 lần hẹn.
Lưu ý khi diệt tủy răng trong thời gian mang thai
Diệt tủy răng khi mang thai là giải pháp giúp kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm ở tủy răng và phòng ngừa các biến chứng do bệnh lý này gây ra. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng phương pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Để đảm bảo an toàn khi lấy tủy răng trong thời gian mang thai, bà bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên thăm khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh viêm tủy răng. Nếu phát hiện sớm trong giai đoạn viêm tủy răng có hồi phục, bạn có thể áp dụng các biện pháp bảo tồn thay vì phải lấy tủy răng. Đa phần các phương pháp bảo tồn đều lành tính, an toàn với sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Lựa chọn bệnh viện uy tín nếu có ý định chữa tủy răng. Thực tế, điều trị tủy ở những cơ sở kém chất lượng có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.
- Thông báo với bác sĩ việc đang mang thai, tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng thuốc,… để đảm bảo an toàn trong quá trình lấy tủy răng.
- Trong thời gian điều trị, nên hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều đường, món ăn khô, cứng và khó nhai. Ngoài ra, nên vệ sinh răng miệng đúng cách để giảm đau nhức và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các cơ quan lân cận.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Lấy tủy răng khi mang thai có được không?” và một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện. Để được giải đáp cụ thể hơn, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại các cơ sở y tế không đảm bảo, bác sĩ không đủ chuyên môn và tay nghề yếu kém.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm tủy răng hoại tử (chết tủy răng): Nguyên nhân và điều trị
Lấy tủy răng sữa ở trẻ có ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn không?
Tủy Răng Là Gì? Cấu Tạo Và Chức Năng Của Tủy Răng
Bị Viêm Tủy Răng Có Mủ Có Nguy Hiểm Không? Phải Làm Sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!