Dựa vào mức độ tổn thương, viêm tủy răng được chia thành 2 loại là viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục. Để hiểu rõ hơn về các mức độ của bệnh lý này, bạn đọc có thể tham khảo thông tin được tổng hợp trong bài viết sau.
Phân biệt viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục
Viêm tủy răng là bệnh nha khoa khá phổ biến. Bệnh lý này xảy ra khi tủy răng bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Đa phần các trường hợp viêm tủy răng đều xảy ra do viêm nha chu, sâu răng tiến triển hoặc có thể bùng phát đột ngột do chấn thương mạnh.
Tủy răng là cơ quan nằm sâu trong ngà răng với chức năng chính là nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền cảm giác đến não bộ. Cơ quan này có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập vào khoang tủy. Dựa vào mức độ viêm, bệnh lý này được chia thành 2 nhóm chính là viêm tủy răng có hồi phục (tiền viêm tủy) và viêm tủy răng không hồi phục.
1. Viêm tủy răng hồi phục (tiền viêm tủy)
Viêm tủy răng có hồi phục là giai đoạn vi khuẩn chỉ mới phát triển đến ngà răng và chỉ gây tổn thương một phần nhỏ tủy răng. Đây là giai đoạn sớm của viêm tủy răng hay còn được gọi là tiền viêm tủy. Ở giai đoạn này, răng có hiện tượng đau nhức nhẹ khi ăn uống, cơn đau thoáng qua trong thời gian ngắn.
Viêm tủy răng có hồi phục thường là biến chứng của bệnh sâu răng. Nếu được điều trị sớm, tủy răng có thể hồi phục trở lại, hoàn toàn không phải lấy tủy như các trường hợp viêm tủy răng chuyển biến nặng.
2. Viêm tủy răng không hồi phục
Viêm tủy răng không hồi phục là tình trạng tủy răng đã bị viêm nhiễm năng, trong đó mạch máu và các tế bào thần kinh bị phá hủy ít nhiều. Viêm tủy răng không hồi phục được chia thành 3 mức độ khác nhau:
– Viêm tủy răng cấp:
Viêm tủy răng cấp là giai đoạn vi khuẩn mới xâm nhập vào khoang tủy. Ở giai đoạn cấp tính, răng thường bị đau nhiều, đau nhói, cơn đau có thể lan lên vùng tai và đầu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống và thậm chí là gây mất ngủ, thiếu ngủ.
Viêm tủy răng cấp có triệu chứng khá điển hình và dễ nhận biết. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể thể chuyển biến nặng khiến các triệu chứng trở nên mờ nhạt. Lúc này nhiều bệnh nhân trở nên chủ quan với biểu hiện ở răng miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm các cơ quan kế cận.
– Viêm tủy răng mãn tính:
Viêm tủy răng mãn tính là tình trạng tủy bị viêm nhiễm kéo dài. Lúc này, tế bào thần kinh và mạch máu ở tủy đã bị hư đại đáng kể nên cơn đau chỉ có mức độ nhẹ, đau thoáng qua và gần như không bị ê buốt, khó chịu khi ăn uống.
Tuy nhiên, hiện tượng viêm nhiễm tủy kéo dài có thể gây hôi miệng, tủy tiết ra dịch có mùi vị khó chịu, răng đổi màu, xuất hiện hố sâu lớn lởm chởm, có màu nâu đen.
– Viêm tủy răng hoại tử (chết tủy):
Viêm tủy răng hoại tử là giai đoạn cuối của bệnh viêm tủy răng, đặc trưng bởi hiện tượng hoại tử tủy hoàn toàn. Chết tủy răng khiến răng mất hoàn toàn khả năng thụ cảm dẫn đến không còn cảm giác đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên, răng chết tủy thường có hiện tượng sẫm màu (màu xám hoặc nâu đen), răng suy yếu và dễ lung lay.
Nếu hoại tử tủy đã đi kèm biến chứng, bạn cũng có thể nhận thấy một số biểu hiện khác như:
- Ổ răng xuất hiện khối cục có màu đỏ hoặc hồng (polyp tủy)
- Mô nướu xung quanh bị viêm nhiễm, sưng đỏ, đau nhức dữ dội
- Một số trường hợp còn có thể bị áp xe chân răng (răng đau dữ dội, mô nướu sưng cục, rỉ dịch, có mùi hôi,…)
Viêm tủy răng không hồi phục có thể chuyển biến nặng và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bạn nên chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị.
Chữa trị viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục
Không chỉ khác nhau về mức độ, đặc điểm và biểu hiện lâm sàng, viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục cũng có hướng điều trị hoàn toàn khác biệt.
1. Điều trị viêm tủy răng hồi phục
Viêm tủy răng hồi phục là giai đoạn tiền viêm tủy, tủy chưa bị viêm nhiễm hoặc chỉ mới bị viêm nhiễm nhẹ. Trong trường hợp này, điều trị ưu tiên là bảo tồn tủy và sử dụng thuốc để kiểm soát nhiễm trùng.
Cách điều trị viêm tủy răng có hồi phục:
- Thăm khám và chụp X-Quang để đánh giá tình trạng răng
- Làm sạch lỗ sâu, loại bỏ 1 phần tủy bị viêm
- Đắp Hydroxit canxi để tủy răng có điều kiện thuận lợi để phục hồi và tái tạo
- Phục hình lỗ sâu, vết nứt và mẻ răng bằng cách hàn trám hoặc phục hình mão sứ
Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm để kiểm soát hoàn toàn hiện tượng viêm nhiễm, giảm đau, ê buốt và các triệu chứng đi kèm.
2. Chữa viêm tủy răng không hồi phục
Đối với viêm tủy răng không hồi phục, điều trị ưu tiên là chữa tủy (điều trị nội nha) để bảo tồn răng và kiểm soát viêm nhiễm, ngăn không cho vi khuẩn lây lan rộng. Tuy nhiên đối với những trường hợp răng bị tổn thương quá nặng, bác sĩ có thể xem xét nhổ bỏ răng.
– Điều trị nội nha chữa viêm tủy răng không hồi phục:
- Bước 1: Chụp X-Quang để đánh giá mức độ tổn thương của răng.
- Bước 2: Mở buồng tủy, sau đó sử dụng dụng cụ rút toàn bộ tủy bị viêm nhiễm.
- Bước 3: Bơm rửa ống tủy nhiều lần, sát khuẩn và làm khô.
- Bước 4: Trám bít ống tủy bằng vật liệu nhân tạo và phục hình mão sứ để bảo vệ răng thật.
– Nhổ răng:
- Nhổ răng được chỉ định khi răng bị hư hại nặng do viêm tủy răng không được điều trị kịp thời.
- Sau khi nhổ răng, bác sĩ sẽ đề nghị cấy ghép Implant để phục hồi hình dáng và chức năng sinh lý của răng.
Bài viết đã tổng hợp các thông tin về bệnh viêm tủy răng hồi phục và không hồi phục. Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có hướng xử lý đúng đắn để bảo tồn răng, tránh các biến chứng phát sinh.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Diệt Tủy Răng Là Gì? Vì Sao Phải Diệt Tủy Răng Khi Bị Viêm?
Lấy tủy răng có đau không? Khi nào nên diệt tủy răng?
Nhóm Thuốc Điều Trị Viêm Tủy Răng Và Lưu Ý Khi Dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!