Mọc răng khôn bị viêm lợi, sưng má ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống, sinh hoạt và đôi khi còn làm gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân và cách khắc phục cũng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Mọc răng khôn bị viêm lợi, sưng má – Nguyên nhân do đâu?
Răng khôn (răng số 8) là răng hàm số 3 chỉ mọc ở người trưởng thành (khoảng từ 17 – 25 tuổi). So với các răng hàm khác, răng số 8 không quá khác biệt về hình thái và kích thước. Tuy nhiên do mọc khá muộn và nằm ở vị trí cuối cung hàm nên hơn 80% trường hợp mọc răng khôn đều gặp phải vấn đề như răng khôn mọc lệch, mọc ngang, mọc ngầm,…
Ngoài ra, có không ít trường hợp bị viêm lợi sưng má trong thời gian mọc răng khôn. Tình trạng này xảy ra khi vùng lợi xung quanh răng số 8 bị sưng viêm kèm theo đau nhức, khó chịu, thậm chí có thể chảy dịch và mủ.
Khác với viêm lợi thông thường, viêm lợi khi mọc răng khôn thường xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Phản ứng sinh lý khi mọc răng
Khi mọc răng dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn, vùng nướu xung quanh đều sẽ có hiện tượng viêm sưng đôi khi đi kèm đau nhức và sốt nhẹ. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự khi mọc răng khôn. Tuy nhiên, mức độ viêm lợi thường nghiêm trọng hơn các răng khác trên cung hàm do một số nguyên nhân sau:
- Răng khôn mọc ở giai đoạn đã trưởng thành nên xương hàm đã cứng chắc hoàn toàn. Lúc này, mầm răng phải tạo một áp lực lớn để có thể vươn lên phía trên. Từ đó gây kích thích mô lợi xung quanh dẫn đến hiện tượng sưng viêm và đau nhức.
- Tác động trong quá trình mọc răng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch. Lúc này, tế bào bạch cầu trong các hạch bạch huyết sẽ di chuyển đến xung quanh răng số 8 để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Để bảo vệ cơ thể, tế bào miễn dịch sẽ gây viêm toàn bộ lợi xung quanh răng và đôi khi có gây sưng má, sưng hạch góc hàm.
Các răng vĩnh viễn khác thường mọc lên để thay thế cho răng sữa nên đã sẵn lỗ hổng phía trên xương hàm. Do đó, mầm răng sẽ dễ dàng mọc lên trên nên hầu như không gây đau nhức hay khó chịu.
Ngược lại, răng số 8 là vị trí rất đặc biệt chỉ mọc ở giai đoạn từ 17 – 25 tuổi. Tương tự như mọc răng sữa, răng sẽ nhú từ bên dưới xương hàm lên nên sẽ gây ra hiện tượng sưng nướu, đau nhức răng, sưng má và sốt nhẹ. Tuy nhiên, lúc này xương hàm đã cứng chắc nên mức độ đau sẽ nặng nề hơn so với khi mọc răng sữa.
2. Do viêm lợi trùm
Viêm lợi trùm là một dạng viêm lợi đặc biệt chỉ xảy ra ở răng đang mọc và chủ yếu gặp ở răng khôn. Bệnh lý này chỉ xuất hiện khi có một phần lợi vô tình che phủ lên răng. Khi mọc, răng sẽ tạo áp lực lên nướu và gây kích thích phần lợi trùm này dẫn đến sưng đỏ và đau nhức nhiều.
Phần lợi trùm ở trên răng sẽ tạo ra kẽ hở để thức ăn, mảng bám tích tụ bên trong. Đây là điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển dẫn đến viêm lợi trùm với các biểu hiện điển hình như lợi sưng đỏ, chảy máu, chảy mủ/ dịch, sưng má, sốt nhẹ,…
3. Các yếu tố nguy cơ
Ngoài 2 nguyên nhân trên, tình trạng viêm lợi, sưng má khi mọc răng khôn còn liên quan đến những yếu tố như:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Thói quen dùng thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, tinh bột,…
- Ít uống nước hoặc mắc chứng khô miệng
- Mắc bệnh tiểu đường và các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch hoặc giảm tiết nước bọt
Nhận biết viêm lợi, sưng má khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn bị viêm lợi sưng má là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này thường bộc lộ qua các dấu hiệu như:
- Có cảm giác đau nhức ở răng khôn, cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội, đau lan xuống cổ, hàm hoặc lan lên tai, đầu.
- Quan sát thấy vùng lợi xung quanh răng số 8 bị sưng viêm, chảy máu, nhấn vào đôi khi có hiện tượng rỉ dịch và mủ. Nếu bị viêm lợi trùm sẽ lấy một phần lợi trùm lên trên răng số 8, lợi chuyển từ màu hồng sang màu đỏ hoặc đỏ tía.
- Sưng má, khi áp bàn tay vào có cảm giác nóng hơn những vùng da xung quanh. Một số trường hợp còn có hiện tượng sưng hạch góc hàm.
- Khô miệng
- Hơi thở có mùi (dù đã vệ sinh răng miệng kỹ)
- Khi chải răng hoặc ăn uống sẽ thấy răng số 8 bị đau nhức hơn bình thường, thậm chí có thể chảy máu, mủ hoặc dịch có mùi khó chịu.
- Có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn
Các triệu chứng viêm lợi do mọc răng khôn có mức độ đa dạng. Ở những trường hợp răng mọc thẳng, mức độ thường nhẹ hơn và chủ yếu xảy ra khi có tác động lên răng. Tuy nhiên với trường hợp răng mọc nghiêng, mọc lệch, cơn đau sẽ có mức độ nghiêm trọng, đau dữ dội thành từng cơn và đôi khi ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mọc răng khôn bị viêm lợi sưng má có nguy hiểm không?
Viêm lợi, sưng má khi mọc răng khôn thường là hiện tượng sinh lý nên không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Mặc dù vậy, tình trạng đau nhức, sưng má, sưng hạch góc hàm,… có thể gây ra nhiều phiền toái khi ăn uống, học tập, làm việc và đôi khi còn làm gián đoạn giấc ngủ. Khác với các răng vĩnh viễn còn lại, răng khôn không mọc liên tục mà mọc gián đoạn thành từng giai đoạn. Do đó, sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng, các triệu chứng này sẽ tái phát trở lại.
Ngoài viêm lợi thông thường, mọc răng khôn còn có thể gây ra viêm lợi trùm. Tình trạng này không thể tự thuyên giảm mà cần phải điều trị. Thông thường sau khoảng 5 – 7 ngày, các triệu chứng sẽ giảm dần về mức độ. Tuy nhiên nếu không điều trị, tình trạng vẫn sẽ tiếp tục tái phát và gây ra nhiều biến chứng. Trong khi đó, hiện tượng sưng lợi do áp lực trong quá trình mọc răng sẽ giảm hẳn khi răng mọc hoàn thiện.
Khi gặp phải tình trạng mọc răng khôn bị viêm lợi sưng má, bạn nên cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà. Trong trường hợp không có hiệu quả, nên đến nha khoa để được thăm khám và điều trị y tế. Nếu để kéo dài, răng số 8 có thể bị sâu và gây hư hại các răng lân cận.
Cách xử lý mọc răng khôn bị viêm lợi sưng má
Mọc răng khôn gây viêm lợi sưng má ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống và sinh hoạt. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp xử lý sau:
1. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Nếu mức độ sưng lợi và đau nhức răng không quá nghiêm trọng, bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng thông qua một số biện pháp chăm sóc. Chỉ sau khoảng vài ngày, tình trạng sẽ thuyên giảm đáng kể.
Cách chăm sóc răng miệng giúp cải thiện tình trạng mọc răng khôn bị viêm lợi, sưng má:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày bằng bàn chải có lông mềm, mảnh. Khi chải răng, nên chú ý làm sạch ở răng số 8 để hạn chế thức ăn và mảng bám tích tụ. Tuy nhiên, nên đánh răng nhẹ nhàng để tránh cảm giác đau nhức và khó chịu.
- Ngậm nước muối ấm sau khi chải răng để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Ngoài ra, nước muối ấm cũng có tác dụng sát trùng, tiêu viêm và giảm đau.
- Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng để tránh thức ăn giắt vào tạo thành mảng bám và cao răng. Để thuận tiện cho việc làm sạch kẽ răng số 7 và số 8, bạn nên dùng tăm chỉ nha khoa.
- Trong thời gian mọc răng khôn, nên tránh sử dụng thức ăn cứng, khô, chứa nhiều gia vị, quá nóng hoặc quá lạnh. Thay vào đó, nên dùng thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị để làm dịu nướu răng và giảm cảm giác khó chịu.
- Uống nhiều nước khi mọc răng khôn để kích thích khoang miệng tiết nhiều nước bọt. Nước bọt vừa giúp làm dịu nướu sưng viêm vừa giúp cải thiện tình trạng hôi miệng hiệu quả.
2. Sử dụng thuốc
Cảm giác đau nhức, sưng lợi do mọc răng khôn thật sự không dễ chịu. Những trường hợp đau nhiều còn gặp phải phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt. Thậm chí cơn đau bùng phát vào ban đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và sức khỏe.
Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện tình trạng viêm lợi, sưng má khi mọc răng khôn:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Nếu mọc răng khôn bị viêm lợi sưng má gây đau nhức nhiều, bạn có thể dùng loại thuốc này trong vài ngày. Mặc dù có thể sử dụng mà không cần kê toa nhưng bạn chỉ nên dùng trong tối đa 4 – 5 ngày để hạn chế tác dụng phụ.
- NSAID: NSAID (thuốc chống viêm không steroid) có tác dụng chính là kháng viêm, giảm đau. Trường hợp lợi sưng nhiều có thể dùng một số loại NSAID không kê toa để cải thiện. Tuy nhiên, nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với Paracetamol. Do đó, bạn nên trao đổi kỹ với dược sĩ trước khi dùng.
- Thuốc bôi gây tê: Ngoài các loại thuốc uống, bạn cũng có thể dùng thuốc bôi chứa các hoạt chất gây tê như Lidocaine, Benzocaine,… để cải thiện tình trạng đau nhức. Các loại thuốc này có tác dụng gây tê tại chỗ, từ đó giúp giảm cảm giác đau nhức ở răng số 8. Ngoài ra, một số loại thuốc bôi ngoài còn được bổ sung hoạt chất có tác dụng làm dịu nướu và đẩy nhanh tốc độ làm lành niêm mạc.
- Dung dịch súc miệng: Sử dụng các dung dịch súc miệng chứa Chlorhexidine, Hexetidine, Zinc gluconate,… có thể giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu trong thời gian mọc răng khôn. Các hoạt chất này có tác dụng làm dịu, sát trùng và kháng khuẩn nên có thể giảm đau và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Các loại thuốc không kê toa khá an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên nếu không cần thiết, bạn nên ưu tiên các loại thuốc dùng ngoài.
3. Cắt lợi trùm
Trong trường hợp bị viêm lợi trùm, nên đến phòng khám để được kiểm tra và điều trị. Nếu đang trong giai đoạn viêm cấp (nướu sưng nhiều kèm theo sưng má, sưng hạch, răng đau nhức,…), bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau và kháng sinh để kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm. Sau khi nướu hết viêm, bạn cần quay lại phòng khám để được cắt lợi trùm.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện khi răng khôn mọc thẳng và có đủ không gian để tiếp tục phát triển. Sau khi cắt bỏ lợi trùm, răng sẽ tiếp tục mọc và thực hiện chức năng như các răng hàm khác.
4. Nhổ răng khôn
Răng khôn không giữ chức năng quan trọng như các răng còn lại trên cung hàm. Cũng chính vì vậy mà một số người không mọc răng khôn cũng không gặp phải vấn đề về thẩm mỹ hay ăn nhai.
Nhổ răng khôn được chỉ định khi răng khôn mọc lệch ra ngoài má, mọc nghiêng, mọc ngầm, răng khôn bị sâu và viêm nhiễm mãn tính gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Sau khi nhổ bỏ, các vấn đề như sưng lợi, sưng má, đau nhức sẽ thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên, nhổ răng khôn là tiểu phẫu có xâm lấn nên cần phải chăm sóc từ 5 – 7 ngày để tránh viêm nhiễm.
5. Các biện pháp tạm thời
Nếu chưa có thời gian đến phòng khám, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tạm thời để giảm sưng đau má và lợi:
- Chườm đá: Chườm đá giúp làm dịu cơn đau và tình trạng sưng viêm, sưng má khi mọc răng khôn. Chỉ sau 10 – 15 phút chườm lạnh, các triệu chứng khó chịu sẽ giảm đi rõ rệt. Nếu cần thiết, nên lặp lại vài lần trong ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt.
- Dùng tinh dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hương chứa hàm lượng Eugenol cao có tác dụng gây tê, giảm đau và kháng khuẩn. Nếu mọc răng khôn gây sưng má, viêm lợi và hôi miệng, bạn nên cho vài giọt tinh dầu đinh hương vào bông gòn. Sau đó đặt lên răng khôn và cắn nhẹ để tinh dầu thẩm thấu vào bên trong, từ đó giảm sưng đau và cảm giác khó chịu.
- Sử dụng dầu dừa: Dầu dừa có tác dụng làm dịu, kháng khuẩn và chống nấm tốt. Khi gặp phải tình trạng viêm lợi gây sưng má, bạn có thể thoa một ít dầu dừa lên vùng lợi xung quanh răng. Axit lauric trong dầu dừa sẽ giúp tiêu diệt nấm men, vi khuẩn và giảm sưng nướu nhanh chóng.
Phòng ngừa viêm lợi sưng má khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn bị viêm lợi, sưng má là tình trạng khá phổ biến. Đây là hiện tượng khó tránh khỏi khi mọc răng nói chung và răng số 8 nói riêng. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này thông qua một số biện pháp sau:
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp làm sạch răng miệng trong thời gian mọc răng. Ngoài ra, nên chú ý thêm thói quen ăn uống và sinh hoạt để giảm sưng lợi, đau nhức răng.
- Có thể chườm đá sớm ngay khi răng có dấu hiệu đau nhẹ. Nếu thực hiện sớm, tình trạng sưng má và sưng lợi sẽ giảm đi rõ rệt.
- Ngay khi nhận thấy răng khôn mọc, bạn nên đến phòng khám để được kiểm tra. Nếu răng khôn có vấn đề, bác sĩ sẽ xử lý sớm để phòng ngừa viêm lợi, sưng má và nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Trong thời gian mọc răng khôn, nên ăn uống đầy đủ, tăng cường bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
Mọc răng khôn bị viêm lợi, sưng má là hiện tượng sinh lý thường gặp khi mọc răng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, viêm lợi trùm,… Nếu tình trạng không thuyên giảm, nên xem xét thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Vì sao cần chụp X quang răng khôn? Khi nào nên chụp?
Răng Khôn Hàm Trên Mọc Lệch Ra Má nguy hiểm không? Nên làm gì?
Mọc răng khôn bị sưng mủ có nguy hiểm không?
Nhổ Răng Khôn Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Giảm Đau, Chóng Lành
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!