Bị viêm nha chu có niềng răng được không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Được biết, vấn đề này phụ thuộc vào mức độ của bệnh, tình trạng răng miệng và sức khỏe cụ thể của từng trường hợp. Tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn về những trường hợp được chỉ định và chống chỉ định niềng răng khi bị viêm nha chu.
Bị viêm nha chu có niềng răng được không?
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng mãn tính xảy ra ở nha chu (tổ chức nâng đỡ răng) bao gồm các cơ quan như dây chằng nha chu, mô nướu, cement và xương ổ răng. Các cơ quan này bao xung quanh răng với vai trò chính là cố định răng trên cung hàm và bảo vệ cấu trúc răng khỏi tác động của vi khuẩn.
Khi nha chu bị viêm nhiễm, răng thường có hiện tượng lung lay, tụt lợi, răng thưa, dễ ê buốt, mô nướu sưng đỏ, sẫm màu, đau nhức, miệng hôi,… Viêm nha chu ảnh hưởng đến tổ chức nâng đỡ răng nên nhiều người lo lắng về việc niềng răng khi mắc bệnh lý này. Vậy bị viêm nha chu có niềng răng được không?
Niềng răng là phương pháp sử dụng hệ thống mắc cài gắn vào răng để điều chỉnh răng về vị trí như mong muốn. Phương pháp này là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng khấp khểnh, răng thưa, lệch lạc, sai khớp cắn, răng móm, vẩu,… Không chỉ giúp điều chỉnh khớp cắn và tăng độ thẩm mỹ cho nụ cười, niềng răng còn giúp cải thiện khuôn mặt rõ rệt.
Chính vì mang lại nhiều lợi ích nên niềng răng dần trở nên phổ biến và được ưa chuộng trong những năm gần đây. Đối với người bị viêm nha chu, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương của tổ chức nâng đỡ răng trước khi chỉ định phương pháp này.
1. Trường hợp có thể niềng răng
Bị viêm nha chu vẫn có thể niềng răng trong những trường hợp sau:
- Viêm nha chu có mức độ nhẹ, xương ổ răng chưa bị phá hủy nghiêm trọng, răng chưa bị lung lay, rụng, gãy,…
- Viêm nha chu đã tiến triển nhưng được kiểm soát và điều trị kịp thời cũng có thể can thiệp niềng răng để cải thiện nụ cười
2. Trường hợp không nên niềng răng
Niềng răng là phương pháp sử dụng hệ thống mắc cài, sau đó dùng lực kéo răng về vị trí mong muốn. Do đó, một số trường hợp có thể chống chỉ định với phương pháp này do nguy cơ tiềm ẩn cao hơn lợi ích mang lại.
Niềng răng không được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Viêm nha chu chưa được điều trị và kiểm soát
- Viêm nha chu nặng gây tiêu xương hàm và mất răng vĩnh viễn
- Trường hợp đã cấy ghép Implant sau khi mất răng do biến chứng của viêm nha chu
- Bị viêm nha chu kèm theo các bệnh toàn thân như rối loạn đông máu, ung thư, tiểu đường,…
- Hàm răng có nhiều răng bọc sứ cũng không được chỉ định niềng răng
Tóm lại, vấn đề “Bị viêm nha chu có niềng răng được không?” phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để được đánh giá chính xác tình trạng răng miệng trước khi quyết định thực hiện.
Niềng răng khi bị viêm nha chu cần lưu ý gì?
Viêm nha chu là một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Vì vậy nếu can thiệp niềng răng khi mắc bệnh lý này, bạn cần chú ý một số vấn đề sau đây:
1. Điều trị viêm nha chu trước khi niềng
Viêm nha chu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm mô nướu, xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement. Về lâu dài, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh dẫn đến hư hại các cơ quan này khiến răng lung lay và lỏng lẻo.
Khi niềng răng, răng cần được cố định chắc chắn trên cung hàm và phải chịu lực kéo nhất định để có thể dịch chuyển đến vị trí mong muốn. Nếu viêm nha chu tiếp tục tiến triển, răng sẽ lung lay dần trong quá trình niềng dẫn đến niềng răng thất bại, răng hư hại nặng và có nguy cơ gãy, rụng.
Vì vậy trước khi can thiệp niềng răng, bạn nên điều trị viêm nha chu theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực tế, viêm nha chu là bệnh lý rất khó chữa trị dứt điểm. Do đó sau khi điều trị, bạn cần phải tái khám và theo dõi một thời gian để được đánh giá tình trạng trước khi niềng răng – chỉnh nha.
2. Một số rủi ro có thể xảy ra
Niềng răng là phương pháp thẩm mỹ răng khá an toàn. Tuy nhiên ở người bị viêm nha chu, phương pháp này có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng không mong muốn như:
- Gây ra mùi hôi miệng do niềng răng gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng. Đồng thời tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây tái phát viêm nha chu.
- Lực kéo của mắc cài có thể khiến răng lung lay và thậm chí có thể rụng vĩnh viễn
- Mô lợi bị kích thích, đau nhức và sưng viêm do chân răng bị dịch chuyển khi niềng răng
Dù đã được điều trị nhưng tổ chức bao xung quanh răng ở người bị viêm nha chu sẽ yếu hơn so với bình thường. Chính vì vậy, nguy cơ gặp phải rủi ro khi niềng răng cũng sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định niềng răng.
3. Chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng giúp kiểm soát và ngăn ngừa viêm nha chu tái phát trong quá trình niềng răng. Ngoài ra, biện pháp này cũng giúp ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
Cách vệ sinh răng miệng trong thời gian niềng răng:
- Làm sạch răng 2 – 3 lần/ ngày bằng cách chải răng nhẹ nhàng bằng lông chải mềm, mảnh. Để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám, cần chải răng từ 2 – 3 phút.
- Lựa chọn bài chải có kích thước phù hợp để đảm bảo khoang miệng được làm sạch hoàn toàn. Khi chải răng, cần chú ý làm sạch thức ăn bám trên mắc cài để ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Bạn cũng có thể dùng thêm bài chải chuyên dụng dành cho người niềng răng để tăng hiệu quả làm sạch mảng bám.
- Không dùng tăm để làm sạch kẽ răng. Thay vào đó, nên dùng chỉ nha khoa sau các bữa ăn để làm sạch thức ăn bám dính trong các kẽ.
- Sử dụng nước súc miệng chứa thành phần diệt khuẩn để kiểm soát hại khuẩn trong khoang miệng. Qua đó giúp giảm nguy cơ tái phát viêm nha chu và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả.
- Tự vệ sinh răng miệng tại nhà không thể làm sạch hoàn toàn thức ăn dính trên mắc cài, kẽ răng và mặt nhai ở những vị trí khuất. Vì vậy, bạn nên đến nha khoa khoảng 1 tháng/ lần để được nha sĩ làm sạch và cạo vôi răng.
- Dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng chứa fluor nhằm tăng cường men răng, ngăn ngừa sâu răng và kiểm soát viêm nha chu tiến triển.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm nha chu có niềng răng được không?” và đề cập đến một số vấn đề cần chú ý khi niềng. Để được giải đáp cụ thể hơn, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mối Liên Hệ Giữa Bệnh Viêm Nha Chu Và Nguy Cơ Sinh Non
Bệnh Viêm Nha Chu Có Gây Sốt Không?
5 Thuốc Bôi Chữa Viêm Nha Chu Hiệu Quả, Nhanh Khỏi Nhất
10 Cách Chữa Viêm Nha Chu Bằng Thuốc Nam Dễ Thực Hiện
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!